Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào kiềm chế được cảm xúc?

Làm thế nào kiềm chế được cảm xúc?

Giới trẻ thắc mắc...

Làm thế nào kiềm chế được cảm xúc?

“Em nổi khùng với cha mẹ và nói quá lời. Em sẽ tránh mặt cho đến khi hết giận”.—Kate, 13 tuổi.

“Sự thiếu tự tin là vấn đề lớn nhất của em. Đôi khi em cảm thấy mình không còn sức sống nữa”.—Ivan, 19 tuổi.

CẢM XÚC rất mạnh. Nó ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động của bạn. Nó có thể thúc đẩy bạn làm cả điều tốt lẫn điều xấu. Đôi khi thậm chí nó còn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Jacob, 20 tuổi, tâm sự: “Em hầu như chẳng bao giờ cảm thấy bằng lòng với chính mình. Em thường không làm được những gì mong muốn. Đôi khi em chỉ khóc nhưng cũng có lúc em tức giận đến độ nổi khùng với những người xung quanh. Thật khó mà kiềm chế được cảm xúc của mình”.

Tuy nhiên, muốn trở nên người trưởng thành, có trách nhiệm, bạn cần tập kiềm chế cảm xúc. Một số chuyên gia ngày nay cho rằng khả năng kiềm chế cảm xúc và biết cách cư xử với người khác còn quý hơn là sự thông minh. Kinh Thánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế cảm xúc. Chẳng hạn, Châm-ngôn 25:28 nói: “Người nào chẳng chế-trị lòng mình, khác nào một cái thành hư-nát, không có vách-ngăn”. Tại sao việc kiềm chế cảm xúc lại khó đến thế?

Một thử thách cho các bạn trẻ

Người ta ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội đều cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, điều này đặc biệt khó khăn đối với các em ở tuổi dậy thì, tức thời kỳ chuyển từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên. Sách Changing Bodies, Changing Lives (Cơ thể thay đổi, cuộc sống thay đổi) của tác giả Ruth Bell viết: “Cảm xúc của hầu hết thiếu niên giống như một mớ bòng bong, lúc điên khùng, lúc cao đẹp, lúc sợ hãi, lúc bối rối. Nhiều em cùng một lúc có những cảm xúc trái ngược về cùng một sự việc... Một phút trước, họ có thể cảm thấy thế này và một phút sau thì nghĩ ngược lại”.

Một khó khăn khác của tuổi trẻ là thiếu kinh nghiệm. (Châm-ngôn 1:4) Vì thế, điều tự nhiên là khi gặp phải những tình huống và thử thách mới, bạn cảm thấy hơi mất tự tin, đôi khi cả bất lực. May mắn thay, Đấng Tạo Hóa hiểu cảm xúc của bạn. Ngài biết “tư-tưởng” của bạn và đã ban một số nguyên tắc trong Lời Ngài để giúp bạn.—Thi-thiên 139:23.

Một bí quyết để kiềm chế cảm xúc

Một bí quyết để kiềm chế cảm xúc là tập kiểm soát suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ tiêu cực có thể khiến bạn không còn đủ nghị lực để hành động. (Châm-ngôn 24:10) Nhưng làm sao bạn có thể tập thói quen suy nghĩ tích cực và qua đó kiềm chế cảm xúc?

Một cách là tránh nghĩ quanh quẩn về những điều tiêu cực làm bạn cảm thấy chán nản hoặc mất tự tin. Bạn có thể thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực bằng cách làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là chú tâm vào những điều “đáng tôn” và “công-bình”. (Phi-líp 4:8) Điều này quả không dễ nhưng nếu cố gắng, bạn có thể làm được.

Hãy xem trường hợp của một thiếu nữ tên là Jasmine. Có lần cô than thở: “Những khó khăn mà tôi gặp phải làm tôi choáng ngợp. Việc làm mới, những trách nhiệm mới. Cảm xúc của tôi gần như cạn kiệt và tôi cảm thấy ngột ngạt”. Không lạ gì khi một bạn trẻ đôi khi cảm thấy như thế, và điều này có thể khiến các em cảm thấy bất an, hay thiếu tự tin. Kinh Thánh có nói về một thanh niên tên là Ti-mô-thê, anh hoàn toàn có khả năng đảm trách những nhiệm vụ được giao. Thế mà dường như anh cũng phải đấu tranh với cảm giác thiếu khả năng.—1 Ti-mô-thê 4:11-16; 2 Ti-mô-thê 1:6, 7.

Khi được giao một công việc mới hoặc chưa quen, bạn có thể cảm thấy thiếu tự tin và nghĩ ‘mình sẽ không bao giờ làm được việc này’. Nhưng bạn có thể kiềm chế cảm giác thiếu tự tin bằng cách tránh nghĩ mãi đến những điều tiêu cực. Hãy tập trung năng lực để tìm cách hoàn thành tốt công việc. Nếu có thắc mắc, hãy hỏi và làm theo sự hướng dẫn.—Châm-ngôn 1:5, 7.

Càng thạo việc, bạn sẽ càng thấy tự tin hơn. Đừng nghĩ mãi về nhược điểm của mình và để chúng làm bạn tê liệt, không còn muốn nỗ lực tiến bộ. Có lần khi bị chỉ trích, sứ đồ Phao-lô đáp: “Về lời nói, tôi dầu là người thường, nhưng về sự thông-biết, tôi chẳng phải là người thường”. (2 Cô-rinh-tô 10:10; 11:6) Tương tự thế, bạn có thể xây dựng lòng tự tin bằng cách nhận biết những ưu điểm của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để khắc phục nhược điểm. Đức Chúa Trời chắc chắn có thể giúp bạn như đã giúp các tôi tớ Ngài thuở xưa.—Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10.

Một cách khác để kiềm chế cảm xúc là chấp nhận giới hạn của mình và đề ra những mục tiêu thực tế, vừa sức. Cũng hãy tránh so sánh mình với người khác một cách không đúng. Nơi Ga-la-ti 6:4, Kinh Thánh có lời khuyên rất hay: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác”.

Chậm giận

Kiềm chế cơn tức giận là một thách đố khác. Giống như trường hợp của Kate được nêu ở đầu bài, cơn giận có thể khiến nhiều bạn trẻ nói và làm những điều gây tổn thương hoặc tai hại.

Tất nhiên đôi khi cảm thấy tức giận là điều bình thường. Nhưng hãy nhớ lại trường hợp của kẻ sát nhân đầu tiên là Ca-in. Khi hắn “giận lắm”, Đức Chúa Trời đã cảnh báo sự nóng giận thể ấy sẽ dẫn đến phạm tội trọng. Ngài nói: “Ngươi phải quản-trị [tội lỗi]”. (Sáng-thế Ký 4:5-7) Ca-in đã không nghe theo lời khuyên của Đức Chúa Trời nhưng với sự trợ giúp của Ngài, bạn có thể kiềm chế cơn tức giận và tránh phạm tội!

Một lần nữa bí quyết là kiểm soát suy nghĩ của bạn. Nơi Châm-ngôn 19:11, Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Khi có người gây phiền lòng bạn, hãy cố gắng hiểu tại sao anh ấy hoặc chị ấy làm thế. Có phải người đó cố ý muốn làm tổn thương bạn không? Hay có thể là do người đó cư xử bốc đồng hoặc thiếu hiểu biết? Sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của người khác là phản chiếu lòng thương xót của chính Đức Chúa Trời, và điều đó có thể giúp bạn trở nên chậm giận.

Nhưng nếu có lý do chính đáng để giận thì sao? Kinh Thánh nói: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội”. (Ê-phê-sô 4:26) Nếu cần, hãy làm rõ vấn đề với người đó. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Hay có lẽ tốt nhất là bỏ qua mọi việc—thôi giận và tiếp tục vui vẻ sống.

Điều đáng lưu ý là bạn bè có thể ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng mỗi khi tức giận. Kinh Thánh khuyên như sau: “Chớ làm bạn với người hay giận; chớ giao tế cùng kẻ cường-bạo, e con tập theo đường-lối nó, và linh-hồn con bị bẫy hãm hại chăng”.—Châm-ngôn 22:24, 25.

Gần gũi những người luôn cố gắng kiềm chế sự nóng giận có thể giúp bạn phát huy tính tự chủ. Hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va có nhiều người thành thục như thế, phần đông họ đều lớn tuổi hơn bạn và giàu kinh nghiệm hơn bạn. Hãy làm quen với một số người đó. Quan sát cách họ đối phó với các vấn đề. Có thể họ cũng sẽ cho bạn vài “mưu khôn” khi bạn gặp khó khăn. (Châm-ngôn 24:6) Jacob, được đề cập đến ở trên, nói: “Có một người bạn thành thục, nhắc nhở mình nhớ đến Lời Đức Chúa Trời là vô giá. Khi em nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu mình bất kể mọi bất an trong lòng mình, em cảm thấy yên tâm và giữ được bình tĩnh”.

Những bước thiết thực khác

Một cuốn sách phổ biến về thể dục viết: “Vô số cuộc nghiên cứu chứng minh rằng những động tác của cơ thể làm tiết ra các chất sinh hóa có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Lượng hoóc môn và ô-xy thay đổi tùy theo động tác của bạn”. Không còn nghi ngờ gì về điều đó, việc tập thể dục mang lại lợi ích. Kinh Thánh nói: “Luyện tập thân thể ích lợi một phần”. (1 Ti-mô-thê 4:8, Bản Diễn Ý) Sao bạn không tập thói quen đều đặn tập thể dục cách vừa sức? Điều đó có thể ảnh hưởng tốt đến tâm trạng của bạn. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng có tác động tốt.

Cũng hãy để ý việc chọn âm nhạc và trò giải trí. Một nghiên cứu được đăng trên tờ The Harvard Mental Health Letter viết: “Xem những cảnh bạo động... thường kích động sự giận dữ và hung hăng.... Những người xem phim bạo động có nhiều suy nghĩ dữ tợn hơn và thường bị tăng huyết áp”. Vì thế, các bạn phải biết khôn ngoan lựa chọn những gì mình nghe và xem.—Thi-thiên 1:1-3; 1 Cô-rinh-tô 15:33.

Cuối cùng, cách tốt nhất để tập kiềm chế cảm xúc là tạo một mối quan hệ mật thiết với Đấng Tạo Hóa của bạn. Ngài mời mỗi người chúng ta tâm sự, dốc đổ lòng mình ra với Ngài qua lời cầu nguyện. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích: “Chớ lo-phiền chi hết,... [hãy] trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em”. Vâng, bạn có thể rèn luyện để có đủ nghị lực đối phó với bất cứ tình huống nào trong cuộc sống. Sứ đồ Phao-lô nói thêm: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:6, 7, 13.

Bạn trẻ Malika nói: “Em đã tập cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Khi hiểu rằng mình được Đức Giê-hô-va quan tâm, em cảm thấy bình tĩnh và dễ kiềm chế cảm xúc hơn”. Với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, bạn cũng có thể tập được cách kiềm chế cảm xúc.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Một bí quyết để kiềm chế cảm xúc là tập kiểm soát suy nghĩ của bạn

[Hình nơi trang 20]

Hãy gần gũi với những người lớn tuổi hơn, họ có thể dạy bạn cách kiềm chế cảm xúc