Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Thuốc lá, nghèo khổ và bệnh hoạn

“Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cảnh báo là gần 84 phần trăm người hút thuốc lá sống trong những nước nghèo, nơi mà thuốc lá và sự nghèo khổ trở thành một vòng luẩn quẩn”, tờ báo tiếng Tây Ban Nha Diario Medico nói như vậy. Ngoài ra trong mỗi nước, theo tờ báo này, “những người hút nhiều nhất và có nhiều vấn đề nhất liên hệ đến việc hút thuốc lá là những người thuộc thành phần nghèo nhất trong dân chúng”. Mặc dù việc hút thuốc lá có giảm tại phần lớn các nước phát triển, nhưng tờ báo cho biết nạn nghiện này đã trở thành “nhân tố đứng hàng thứ tư có nhiều nguy cơ gây ra bệnh hoạn”. Ở Tây Ban Nha, nơi số người chết hàng năm do thuốc lá gây ra lên tới 60.000 người, việc hút thuốc đã trở thành “nguyên nhân chính gây ra bệnh hoạn, tàn tật và chết chóc mà đáng lẽ có thể tránh được”.

Trái đất tối hơn

“Các nhà khoa học đã khám phá ra là ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất ít hơn trong những thập niên vừa qua”, tạp chí Scientific American ghi nhận như vậy. “Mặt trời không tối hơn nhưng chính mây, không khí ô nhiễm và các chất trong bình phun đã che khuất ánh sáng”. Từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1990, hàng trăm dụng cụ đã đo ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất và thấy giảm xuống tới 10 phần trăm. Ở Á Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ, độ giảm thậm chí còn cao hơn. Tại Hồng Kông chẳng hạn, ánh sáng mặt trời chiếu xuống đã giảm 37 phần trăm. Các nhà khoa học đồng ý rằng họ vẫn chưa hiểu tường tận vấn đề này.

Quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất

Kinh Thánh tiếp tục là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới. Sách được dịch trọn bộ hay từng phần ra 2.355 thứ tiếng trong số khoảng 6.500 thứ tiếng hiện đang được dùng. Ngày nay Kinh Thánh có trong 665 thứ tiếng ở Phi Châu, sau đó là 585 thứ tiếng ở Á Châu, 414 ở Oceania, 404 ở Châu Mỹ La-tinh và Caribbean, 209 ở Âu Châu và 75 ở Bắc Mỹ. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội hiện đang trợ giúp các dự án dịch Kinh Thánh ra khoảng 600 thứ tiếng.

Người già không phải là gánh nặng

Một bản báo cáo của Viện Nghiên Cứu Đời Sống Gia Đình Úc nói: “Thay vì chỉ chú mục đến chi phí chăm sóc người già, điều quan trọng là xem xét những đóng góp tích cực và tiết kiệm về kinh tế mà công việc không lương của những người già mang lại. Đa số công việc không lương mà người già làm là những công việc mà nếu phải trả lương thì khó có thể cung cấp được”. Cuộc nghiên cứu cho thấy “những người Úc trên 65 tuổi đóng góp gần 27 tỉ đô la Mỹ một năm [cho xã hội] trong những công việc tình nguyện và chăm sóc người khác không lương”. Các công việc tình nguyện đó bao gồm việc chăm sóc trẻ em, nuôi người bệnh cũng như làm việc nhà. Các nhà nghiên cứu nhận xét là những công việc không lương đó “có thể có tác dụng như ‘chất keo’ cho xã hội giúp xã hội kết lại với nhau”. Giá trị của những công việc này không thể đo lường bằng tiền bạc.