Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự giúp đỡ cho giới trẻ ngày nay

Sự giúp đỡ cho giới trẻ ngày nay

Sự giúp đỡ cho giới trẻ ngày nay

GIỚI TRẺ ngày nay lớn lên trong một thế giới đôi khi có vẻ đáng sợ. Một số bất lực chứng kiến cảnh cha mẹ ly thân hoặc ly dị. Số khác thì chứng kiến bạn học bị cuốn vào con đường hút xách và tội ác. Nhiều em phải đương đầu với áp lực về quan hệ tình dục từ cả bạn bè khác phái lẫn đồng phái. Và hầu như thanh thiếu niên nào cũng có lúc cảm thấy bị hiểu lầm, cô đơn và trầm cảm.

Giới trẻ cần gì để đối phó với những thách đố mà các em gặp phải? Bác sĩ Robert Shaw viết: “Các em cần một tiêu chuẩn đạo đức vững vàng, như một nền tảng chắc chắn giúp chúng biết chọn bạn bè tốt, quyết định đúng đắn và thông cảm với người khác”. Kinh Thánh cung cấp tiêu chuẩn đạo đức tốt nhất vì trong đó chứa đựng tư tưởng của Đấng Tạo Hóa. Ngoài Giê-hô-va Đức Chúa Trời, ai có thể biết rõ hơn những gì chúng ta cần để đương đầu với những lúc khó khăn trong cuộc sống?

Một sự hướng dẫn thiết thực

Các nguyên tắc trong Kinh Thánh rất thiết thực. Đó là món quà vô giá cho các bậc cha mẹ và những người lớn khác muốn giúp đỡ người trẻ vượt qua khúc quanh của tuổi vị thành niên.

Chẳng hạn, Kinh Thánh nhìn nhận một cách thực tế là “sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”, hay như cách dịch của bản Trịnh Văn Căn, “trẻ em bao giờ cũng dại dột”. (Châm-ngôn 22:15) Một số trẻ vị thành niên tuy có vẻ chững chạc trước tuổi, nhưng các em vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, các em thường khó đương đầu với những cảm giác bất an, những ham muốn và xáo trộn tâm lý của tuổi mới lớn. (2 Ti-mô-thê 2:22) Làm thế nào để giúp các em?

Kinh Thánh khuyến khích cha mẹ và con cái nên thường xuyên trò chuyện với nhau. Sách khuyên giục các bậc cha mẹ: “Phải nói đến [các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời], hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Việc trò chuyện như thế có hai lợi ích. Thứ nhất là người trẻ được dạy về đường lối Đức Chúa Trời. (Ê-sai 48:17, 18) Thứ hai là cha mẹ và con cái có dịp nói chuyện với nhau. Điều này đặc biệt cần thiết khi các em ở tuổi vị thành niên, là lúc các em có thể trở nên rụt rè và cô đơn.

Tất nhiên, đa số thiếu niên đều có lúc cảm thấy lạc lõng. Tuy vậy, một số cảm thấy thường xuyên cô đơn. Một sách tham khảo về tuổi vị thành niên nói: “Các em này thường nói rằng chúng thấy khó kết bạn ở trường, không biết nói chuyện với ai, cảm thấy đơn độc, khó tạo thiện cảm với các trẻ khác và không biết tâm sự cùng ai khi cần giúp đỡ ”. *

Các bậc cha mẹ và những người lớn có lòng quan tâm có thể cố gắng gần gũi và giúp các em vượt qua khó khăn. Bằng cách nào? Chủ bút của một tạp chí về thiếu niên viết: “Cách duy nhất để hiểu các em đang nghĩ gì là đặt câu hỏi”. Hiển nhiên, việc giúp các em giãi bày tâm sự đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Nhưng phần thưởng rất đáng công.—Châm-ngôn 20:5.

Cần có kỷ cương hợp lý

Ngoài nhu cầu trò chuyện, các em cũng cần—và thật ra trong thâm tâm là muốn—có một kỷ cương hợp lý. Kinh Thánh nói: “Con trẻ phóng-túng làm mắc-cỡ cho mẹ mình”. (Châm-ngôn 29:15) Các nhà chuyên môn tin rằng thiếu giới hạn rõ ràng có thể là gốc rễ của nạn thiếu niên phạm pháp. Bác sĩ Shaw, được nói đến ở trên, viết: “Nếu được nuông chiều quá đáng và không bao giờ nghe tiếng ‘không’ hoặc không bao giờ bị hạn chế điều gì, trẻ sẽ không bao giờ hiểu được rằng người khác cũng có những tình cảm, nhu cầu, ý muốn và cuộc sống riêng tư. Nếu không phát triển lòng thấu cảm, trẻ sẽ không thể nào biết yêu thương”.

Tiến sĩ Stanton Samenow, người đã nhiều năm làm việc với các thiếu niên có vấn đề, cũng phát biểu tương tự. Ông viết: “Một số phụ huynh cho rằng nên để con cái tự do phát triển. Họ ngây thơ nghĩ rằng nếu cứ áp đặt bổn phận hay kỷ luật lên con cái, chúng sẽ phải chịu gánh nặng bất công và tước đi tuổi thơ của chúng. Nhưng việc không đặt ra giới hạn có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Các bậc phụ huynh này không hiểu rằng một đứa trẻ, dù là trai hay gái, nếu ít được răn dạy, sau này sẽ khó có tinh thần tự giác”.

Phải chăng điều này có nghĩa là cha mẹ chỉ cần nghiêm khắc? Hoàn toàn không. Đặt ra giới hạn chỉ là một khía cạnh trong việc dạy dỗ con cái. Nếu trở nên cực đoan, việc đặt ra những kỷ luật cứng rắn có thể khiến bầu không khí gia đình trở nên nặng nề. Kinh Thánh nói: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng”.—Cô-lô-se 3:21; Ê-phê-sô 6:4.

Vì thế, thỉnh thoảng cha mẹ cần xem lại phương pháp dạy dỗ và răn bảo con cái, nhất là khi chúng lớn lên và bắt đầu có những biểu hiện trưởng thành. Có thể nới lỏng hoặc điều chỉnh một số luật lệ hay giới hạn, tùy theo ý thức trách nhiệm của đứa trẻ.—Phi-líp 4:5.

Tạo nhịp cầu gần gũi

Như đã nói trong bài trước, Kinh Thánh tiên tri rằng trước khi Đức Chúa Trời ra tay loại trừ mọi sự xấu xa trên đất, thế giới sẽ trải qua “những thời-kỳ khó-khăn”. Các bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống ngay trong thời kỳ đó, tức “ngày sau-rốt” của hệ thống không tin kính này. Như người lớn, giới trẻ cũng phải đương đầu với một thế giới đầy những người “tư-kỷ,... vô-tình,... không tiết-độ”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5. *

Các bậc cha mẹ cảm thấy mình không còn gần gũi với các con vị thành niên có thể bắt đầu tạo nhịp cầu bằng cách gia tăng chuyện trò với chúng. Nhiều phụ huynh thật đáng khen vì họ cố gắng là một động lực tích cực và luôn có mặt trong cuộc đời của con cái.

Kinh Thánh là công cụ quý giá nhất trong lãnh vực này. Sách này từng giúp nhiều bậc cha mẹ hoàn thành vai trò của họ, đồng thời giúp giới trẻ tránh xa những cạm bẫy nguy hiểm. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9; Thi-thiên 119:9) Vì Kinh Thánh đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể tin chắc rằng sách này là sự trợ giúp tốt nhất cho giới trẻ ngày nay. *

[Chú thích]

^ đ. 8 Sách tham khảo trên cũng cho biết không giống như những người trẻ thỉnh thoảng bị cô đơn, những em thường xuyên cô đơn luôn cảm thấy lạc lõng trong một thời gian khá dài. Các em này “nghĩ rằng việc chúng không có bạn bè sẽ kéo dài, không thể làm gì được và là do khuyết điểm của chúng”, và tình trạng đó “không thể và sẽ không bao giờ thay đổi được”.

^ đ. 18 Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực đặc biệt hữu ích. Sách này được soạn thảo dựa trên Kinh Thánh. Mỗi chương trong số 39 chương của sách này đều có lời giải đáp cho một vấn đề đáng suy nghĩ. Một số chương trong sách có tựa đề: “Làm sao tôi tìm được bạn tốt?”, “Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?”, “Làm thế nào để xua đi nỗi cô đơn?”, “Tôi đã đủ trưởng thành để hẹn hò chưa?”, “Tại sao phải nói ‘không’ với ma túy?”, “Tình dục trước hôn nhân thì sao?”

[Hình nơi trang 10]

Hãy thổ lộ những mối bận tâm của bạn với một người lớn biết quan tâm