Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đương đầu với bệnh tật nhờ óc khôi hài

Đương đầu với bệnh tật nhờ óc khôi hài

Đương đầu với bệnh tật nhờ óc khôi hài

DO BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA

CHỊ Conchi, một phụ nữ tuổi trung niên vui tính, phải chiến đấu với bệnh ung thư đã bảy năm. Từ lúc được chẩn đoán bị bệnh ung thư vú, chị phải trải qua bảy lần giải phẫu để khống chế các khối u ác tính. Chị đương đầu như thế nào?

Chị nói: “Mỗi lần bác sĩ báo cho tôi tin xấu, nếu cảm thấy muốn khóc thì tôi khóc đến hết nước mắt để giải tỏa nỗi buồn. Rồi tôi cố gắng trở lại đời sống bình thường và làm những điều tôi thích—như học tiếng Trung Hoa, dự đại hội tín đồ Đấng Christ, và đi nghỉ mát với gia đình và bạn bè. Tôi luôn luôn nhớ lời của Chúa Giê-su: ‘Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?’—Ma-thi-ơ 6:27”.

Chị cho biết thêm: “Tôi luôn luôn cố giữ óc khôi hài, nói đùa với bác sĩ, xem phim hài và quan trọng hơn hết, cố tiếp xúc thường xuyên với bạn bè và họ hàng. Có bạn bè để cùng cười là một thang thuốc bổ tuyệt diệu. Vào một dịp nọ, ngay trước khi được giải phẫu, một số bạn bè và họ hàng kể cho tôi nghe chuyện buồn cười xảy ra đêm trước. Tôi cười nhiều đến độ vào phòng mổ với tâm trạng hoàn toàn thư thái”.

Chị Conchi không phải là người duy nhất nhận ra rằng óc khôi hài và thái độ tích cực có thể giúp đương đầu với vấn đề sức khỏe. Ngành y học hiện đại cũng đã bắt đầu công nhận giá trị của óc khôi hài trong việc đối phó với đau đớn và bệnh tật.

Có lợi cho thể chất và tinh thần

Ý niệm này không có gì mới lạ. Cách đây ba ngàn năm, Vua Sa-lô-môn viết: “Lòng vui-mừng vốn một phương thuốc hay”. (Châm-ngôn 17:22) Ông Lope de Vega, tác giả người Tây Ban Nha của thế kỷ 17, cũng viết tương tự: “Tôi nghĩ, nếu có óc khôi hài, chúng ta có thể sống mạnh khỏe hơn”. Nhưng trong thế giới đầy căng thẳng ngày nay, dường như tính khôi hài bị kìm giữ thay vì thể hiện ra. Hình như chúng ta sống trong một thời đại kỹ thuật tân tiến, nhưng cũng là thời đại mà óc hài hước mất dần. Tác phẩm El arte de la risa (Nghệ thuật cười) nhận xét rằng trong xã hội tân thời, dường như “Homo sapiens [loài người] đã bị Homo digitalis [người máy] thay thế”. Đôi khi máy vi tính dường như đang thay thế ngôn ngữ của tiếng cười, điệu bộ và nụ cười.

Óc khôi hài giúp bệnh nhân tích cực hơn trong ý nghĩ, tình cảm và hành động. Theo một bài mới đây của Bác Sĩ Jaime Sanz-Ortiz, chuyên gia về ung thư và thuốc tạm trị, tính hài hước “làm cho việc giao tiếp dễ dàng hơn, tăng cường sức đề kháng, giảm đau, bớt lo âu, giúp các cơ và thần kinh bớt căng thẳng, khơi dậy óc sáng tạo và hy vọng”.

Giá trị của óc khôi hài

Tại sao óc khôi hài lại là một phương thuốc hữu hiệu? Bởi vì nó là một đặc tính giúp chúng ta xử lý các tình huống cách tích cực, ngay cả trước những nghịch cảnh. Ông Sanz-Ortiz khẳng định: “Nếu có tính khôi hài và cười đùa trong đời sống hàng ngày, chúng ta duy trì được năng lực, bớt mệt mỏi và đẩy lui được cảm nghĩ tủi thân”.

Lẽ dĩ nhiên, điều làm chúng ta cười thì mỗi người mỗi khác, và tùy thuộc mỗi nền văn hóa. Ông Sanz-Ortiz giải thích: “Mỗi người cảm nhận cái đẹp khác nhau, cũng vậy mỗi người nhận thức khác nhau về tính khôi hài”. Nhưng dù chúng ta có gốc gác hay trình độ giáo dục nào chăng nữa, khôi hài thường là một cách hữu hiệu để giao tiếp và giải tỏa sự lo lắng, căng thẳng hoặc bất an bị dồn nén. Nếu tính khôi hài giúp ích nhiều như thế, chúng ta có thể làm gì để tập tính này?

Bước đầu tiên chúng ta có thể làm là đừng quá chú trọng đến vấn đề hoặc bệnh tật, nhưng cố gắng tận hưởng mỗi giây phút vui vẻ mà chúng ta có được. Ngoài ra, chúng ta nên cố suy nghĩ hợp lý, bỏ đi những ý tưởng méo mó và phi lý vì chỉ làm cho vấn đề trở thành phức tạp hơn mà thôi. Chúng ta cũng có thể vun trồng tính khôi hài bằng cách học nhìn sự việc theo một lối khác. Không phải lúc nào cũng vui cười nhưng nếu chúng ta nhìn tình huống dưới một khía cạnh khôi hài, điều này sẽ giúp chúng ta đương đầu với vấn đề. Ông Sanz-Ortiz khẳng định: “Óc khôi hài giúp chúng ta tạm thời quên đi mối lo âu và nhìn vấn đề bằng cái nhìn mới..., nhờ đó chúng ta có cách thức mới để đối phó”.

Đành rằng tính khôi hài không phải là giải pháp cho mọi khó khăn mà chúng ta gặp trong đời sống, nhưng nó thường giúp chúng ta đương đầu với các vấn đề một cách tích cực và thăng bằng hơn. Như chị Conchi công nhận: “Bị bệnh thì chẳng có gì vui, nhưng mình phải cố giữ óc khôi hài. Tôi ví đời tôi như một khu vườn trồng nhiều loại rau, chẳng may một loại trong số đó là căn bệnh của tôi. Thế nhưng, tôi cố rào nó lại trong một góc để nó không mọc lấn những cây rau khác. Dĩ nhiên, tôi không thể nói rằng tôi đã chiến thắng bệnh ung thư, nhưng tôi vẫn giữ đời sống vui vẻ và đây mới là điều quan trọng”.

[Hình nơi trang 27]

Chị Conchi được chồng là Felix và em gái là Pili khích lệ