Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nên chăng tìm người yêu qua mạng?”

“Nên chăng tìm người yêu qua mạng?”

Giới trẻ thắc mắc...

“Nên chăng tìm người yêu qua mạng?”

“Chúng tôi viết E-mail cho nhau mỗi ngày. Rồi chúng tôi hoạch định sống ở đâu, làm việc ở đâu. Tôi sẽ phụ trách việc chọn nhẫn đính hôn. Lúc ấy chúng tôi chỉ mới biết nhau chưa đầy một tháng và thậm chí chưa hề gặp mặt”.—Monika, ở Áo. *

BẠN rất muốn làm quen với ai đó để tìm hiểu và nếu có thể thì tiến tới hôn nhân. Nhưng cho đến nay, mọi nỗ lực của bạn đều vô hiệu. Những người thân và bạn bè có thiện chí cũng cố gắng giới thiệu cho bạn một người nào đó nhưng chỉ làm bạn xấu hổ và càng nản chí thêm. Vì thế, có lẽ bạn tự hỏi có nên nhờ đến kỹ thuật công nghệ hay không.

Trong thời đại máy vi tính ngày nay, việc tìm người phù hợp dường như chỉ là chuyện vài cái “nhắp chuột”. Một số người nói tất cả những gì bạn cần làm là truy cập vào một trang Web hoặc phòng chat dành riêng cho người độc thân. Tờ The New York Times cho biết chỉ riêng ở Hoa Kỳ, một tháng có tới 45 triệu người vào các trang Web hẹn hò trên mạng. Một dịch vụ giao duyên trên Internet nói có hơn chín triệu người ở 240 nước dùng dịch vụ của họ.

Sức thu hút của việc hẹn hò trên mạng

Bạn có phải là người rụt rè nhút nhát và ngại tiếp xúc với người khác không? Bạn sợ bị từ chối? Hay bạn cảm thấy khó tìm được người hôn phối ở nơi mình sinh sống? Nếu thế, hẹn hò trên mạng có lẽ hấp dẫn đối với bạn. Bởi một lẽ là vì các dịch vụ giao duyên trên mạng đều hứa hẹn rằng bạn sẽ được tự do tha hồ chọn “người yêu”. Các khung truy tìm sẽ cho bạn biết nhóm tuổi, tính cách, hình, bí danh và quốc gia các nhân vật đang cư ngụ. Với lợi thế có nhiều lựa chọn, hẹn hò trên mạng có vẻ hữu hiệu hơn và ít gây áp lực hơn là các cuộc hẹn hò gặp mặt bình thường.

Thực tế ra sao? Việc hẹn hò trên vi tính có thật sự dẫn đến hạnh phúc lâu dài không? Hãy xem xét điều này: Trong sáu năm, có 11 triệu người đăng ký truy cập vào một dịch vụ giao duyên trên mạng, nhưng chỉ có 1.475 cặp đi tới hôn nhân. Một dịch vụ khác có hơn một triệu khách truy cập nhưng chỉ 75 cặp tiến tới hôn nhân! Tại sao trào lưu này không mấy thành công?

Cách tốt nhất để biết con người thật của nhau chăng?

Một bài báo viết: “Trên Internet, mọi người đều có vẻ hấp dẫn, thành thật và thành công”. Nhưng những thông tin cá nhân mà họ đưa lên chính xác đến độ nào? Một bài báo khác nhận định như sau: “Người ta xem việc mọi người đều nói dối đôi chút là chuyện bình thường”. Biên tập viên của một tạp chí thiếu niên phổ biến đã đích thân kiểm chứng nhận định trên. Bà đăng ký truy cập vào ba trang Web hẹn hò phổ biến nhất, và ngay ngày hôm sau nhận được một số hồi đáp. Những hồi đáp đó đưa đến vài cuộc hẹn gặp mặt. Kết quả là gì? Tất cả đều thất bại! Hết thảy những người đàn ông đó đều nói dối trắng trợn về bản thân họ. Bà cảnh báo: “Kinh nghiệm của tôi cho thấy những người sử dụng phương tiện này đều nói dối”.

Thêm bớt về chiều cao hay cân nặng có vẻ là chuyện nhỏ. Một số có thể lý luận: ‘Bề ngoài không quan trọng’. Đúng, chính Kinh Thánh cũng nói: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không”. (Châm-ngôn 31:30) Nhưng nói dối về những chuyện có vẻ nhỏ nhặt có phải là cách tốt để bắt đầu một mối quan hệ không? (Lu-ca 16:10) Làm sao bạn có thể tin được những gì người đó nói về những chuyện quan trọng hơn, chẳng hạn như mục tiêu cá nhân? Kinh Thánh dạy: “Ai nấy khá lấy điều thật nói cùng kẻ lân-cận mình”. (Xa-cha-ri 8:16) Thật thế, sự thành thật là cơ sở để mối quan hệ phát triển.

Tuy nhiên, việc hẹn hò trò chuyện trên vi tính thường lại chứa đựng nhiều mộng tưởng không thật. Một báo cáo trên tờ Newsweek nhận xét: “Người sử dụng có thể cẩn thận soạn các e-mail của họ và nói về bản thân một cách bóng bẩy nhất... Kết quả đương nhiên tạo được phản ứng tích cực: họ có vẻ dễ thương và quan tâm đến bạn, vì thế bạn cũng tỏ ra dễ thương và quan tâm lại”. Như một giáo sư ở Trường Bách Khoa Rensselaer tại New York đã nghiên cứu về các mối quan hệ trên mạng và nhận xét, những hoàn cảnh như thế rất dễ tạo ra hấp lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, như thường thấy, điều đó không phải là cơ sở để có một hôn nhân hạnh phúc. Một người đàn ông kể lại kinh nghiệm hẹn hò trên mạng của mình như sau: “Đó là một cạm bẫy. Các khoảng trống được trí tưởng tượng của bạn lấp đầy với đúng những gì bạn muốn”.

Những cuộc gặp mặt

Nhưng một số người có lẽ nghĩ rằng việc không trực tiếp gặp mặt có những lợi thế của nó. Họ cảm thấy việc hẹn hò trên mạng giúp các cặp tập trung chú ý vào con người bên trong, chứ không bị chi phối bởi vẻ bề ngoài. Đúng là Kinh Thánh khuyến khích chúng ta chú ý đến tính cách của một người. (1 Phi-e-rơ 3:4) Nhưng khi giao tiếp qua máy vi tính, vấn đề là bạn không thể quan sát nét mặt, cử chỉ hay nụ cười của người đó. Bạn không thấy được người đó cư xử với những người khác như thế nào, hay phản ứng ra sao khi bị áp lực. Và đó là những điều quan trọng cần xem xét khi quyết định anh ấy hay cô ấy có phải là người để bạn yêu và tin cậy không. Hãy đọc lời mô tả của Kinh Thánh về tình yêu thương nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4, 5. Hãy lưu ý rằng tình yêu được định nghĩa bằng hành động, chứ không phải bằng lời nói. Vì thế, bạn phải dành thời gian để quan sát xem hành động của người đó có đi đôi với lời nói hay không.

Khi thiếu những thông tin quan trọng như thế, các cặp thường bắt đầu tâm sự những cảm xúc và ý tưởng thầm kín rất sớm trong quá trình tìm hiểu. Thiếu thận trọng, một số cặp đã vội vàng thề non hẹn biển dù hầu như chưa biết gì về nhau. Một bài báo có nhan đề “Yêu trên Internet là yêu mù quáng” kể lại câu chuyện về hai người sống cách nhau 13.000 kilômét làm quen trên mạng. Ba tuần sau, họ gặp mặt nhau. Người đàn ông kể: “Cô ấy đánh lông mi dày cộm, trong khi tôi lại không thích hẹn hò với những phụ nữ như thế”. Mối quan hệ của họ nhanh chóng tan thành mây khói. Một cuộc gặp mặt khác cũng đi đến kết cuộc thê thảm đến độ người đàn ông đã hủy bỏ vé máy bay lượt về của người phụ nữ mà ông đã mời đến để gặp mặt!

Một phụ nữ trẻ tên Edda kể lại kinh nghiệm hẹn hò trên mạng của cô. Cô nói: “Quan hệ của chúng tôi tiến triển tốt đẹp đến mức không thể tin được. Chúng tôi dự định kết hôn”. Nhưng đến khi họ gặp nhau thì mọi chuyện hoàn toàn sụp đổ. “Anh ta không phải là người như tôi nghĩ, nhưng hay chỉ trích và phàn nàn. Mối quan hệ này sẽ chẳng đi đến đâu”. Một tuần sau, quan hệ của họ chấm dứt, Edda hoàn toàn vỡ mộng.

Trong thế giới mộng ảo của các cuộc hẹn hò trên máy vi tính, tình cảm có thể trở nên mãnh liệt quá sớm. Điều này có thể khiến bạn dễ bị tổn thương nặng về tình cảm một khi mối quan hệ không thành—và đó là điều rất có thể xảy ra. Châm-ngôn 28:26 cảnh giác chúng ta: “Kẻ nào tin-cậy nơi lòng mình là kẻ ngu-muội”. Thật vậy, đó là điều thiếu khôn ngoan khi quyết định những chuyện quan trọng dựa trên những tình cảm và suy nghĩ thiếu thực tế. Vì thế, câu châm ngôn trên nói tiếp: “Còn ai ăn-ở cách khôn-ngoan sẽ được cứu-rỗi”.

Những rủi ro của sự hấp tấp

Vội vàng tiến tới một mối quan hệ khi chưa biết rõ về nhau chắc chắn là điều thiếu khôn ngoan. Nhà văn người Anh Shakespeare từng nói: “Một cuộc hôn nhân hấp tấp hiếm khi thành công”. Kinh Thánh nói cách rõ ràng hơn: “Ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo”.—Châm-ngôn 21:5, Tòa Tổng Giám Mục.

Đáng buồn thay, nhiều người hẹn hò trên Internet đã phải nếm trải thực tế này. Sau khi thư từ qua lại với một người chỉ mới một tháng, Monika, được nói đến ở đầu bài, đã hy vọng rằng thế là chị tìm được người hằng mong ước. Dù đã hoạch định chuyện hôn nhân, thậm chí đã đặt nhẫn đính hôn, mối quan hệ hấp tấp của chị vẫn kết thúc trong “đau khổ”.

Bạn có thể tránh đau khổ bằng cách làm theo lời khuyên sau của Kinh Thánh: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”. (Châm-ngôn 22:3) Tuy nhiên, sự tổn thương và thất vọng không phải là những rủi ro duy nhất bạn có thể gặp phải khi hẹn hò trên mạng. Sắp tới tạp chí này sẽ có bài bàn thêm về những hậu quả khác nữa.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

[Hình nơi trang 17]

Khi lên mạng, người ta thường phóng đại hoặc nói dối về bản thân

[Hình nơi trang 18]

Sau nhiều E-mail lãng mạn, người ta thường thất vọng khi gặp mặt