Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Củ sắn—Thức ăn vặt bổ dưỡng của Mexico

Củ sắn—Thức ăn vặt bổ dưỡng của Mexico

Củ sắn—Thức ăn vặt bổ dưỡng của Mexico

Biên tập viên Tỉnh Thức! ở Mexico

Lá và quả chín có chứa hạt của cây củ sắn (củ đậu), thuộc loài họ đậu thân leo, thì trông chẳng hấp dẫn chút nào. Điều này cũng tốt vì những phần ấy không ăn được. Phần ăn được thì lại ẩn giấu dưới lòng đất, đó là cái rễ hình củ.

Từ xưa, người dân Mexico đã ăn củ sắn. Tên của nó trong bản ngữ bắt nguồn từ tiếng Nahuatl, có nghĩa là “cái đã ăn qua”. Chỉ nhìn thấy hình món ăn vặt phổ biến này của Mexico gồm những lát củ sắn tươi, rắc lên một ít muối, một ít bột ớt hiểm hoặc ớt sừng và vắt thêm chút nước cốt chanh cũng đủ làm bạn thấy thèm.

Củ sắn có mùi vị như thế nào? Một số người cho rằng vị của nó vừa giống táo vừa giống củ năng. Xuất xứ từ Mexico và Trung Mỹ, củ sắn đã du hành qua nhiều nước xa xôi đến tận Phi-líp-pin, Trung Quốc và Nigeria. Ngày nay củ sắn được trồng ở nhiều xứ và có thể chế biến nhiều cách khác nhau như: nướng, làm dưa, rau trộn hoặc nấu canh.

Theo cách nấu Đông Phương, củ sắn dùng để thay thế củ năng. Một ưu điểm của loại củ này là giữ được độ giòn ngay cả sau khi nấu chín. Điểm này đặc biệt đúng với loại củ sắn có nước ép màu trắng đục như sữa (Pachyrhizus palmatilobus), khác với loại có nước ép trong suốt (Pachyrhizus erosus) không có được ưu điểm này. Điều thú vị là chỉ trồng một loại hạt nhưng có thể thu hoạch được cả hai loại.

Củ sắn là thức ăn vặt lý tưởng. Nó bổ dưỡng, mát và giòn, nhiều nước, dễ tiêu hóa, và có hàm lượng calori thấp. Theo phân tích của một viện nghiên cứu về dinh dưỡng cho biết một gói khoai tây chiên 100 gram chứa 540 calori, trong khi 100 gram củ sắn chỉ chứa 40 calori! Những dưỡng chất khác chứa trong của sắn gồm calcium, phospho, và sinh tố C.

Như đã đề cập ở đầu bài, ngoại trừ phần củ, hầu như toàn bộ cây củ sắn đều không ăn được, nhưng điều đó không có nghĩa là những phần đó vô dụng. Hạt của quả chứa những chất có tác dụng trừ sâu rất hiệu quả, nên người ta tán hạt thành bột để làm loại thuốc này. Hạt cũng được dùng trong một số thuốc trị bệnh ngoài da. Ngoài ra, sợi của thân cây sắn rất chắc, có thể dùng để đan lưới đánh cá.

Củ sắn có nhiều kích cỡ khác nhau, với trọng lượng từ dưới 300 gram đến hơn một kilôgam. Có thể bảo quản củ sắn trong tủ lạnh khoảng ba tuần. Để chế biến hay ăn sống củ sắn, chỉ cần rửa sạch, lột vỏ và lớp xơ bên ngoài (trừ củ quá non).

Vậy nếu trong vùng bạn sinh sống có củ sắn, sao không nếm thử thức ăn vặt này? Vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe bạn!