Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuộc chiến làm thay đổi đời tôi

Cuộc chiến làm thay đổi đời tôi

Cuộc chiến làm thay đổi đời tôi

DO MICHAEL MOLINA KỂ LẠI

‘Nước Việt Nam Cộng Hòa đã trao Huân Chương Anh Dũng Bội Tinh cho Hạ Sĩ Quan Hải Quân Molina. Về sau, nhờ chiến đấu ngoan cường và dũng cảm trong một trận giao chiến ác liệt, Molina được nhận một sao vàng, Huân Chương Khen Thưởng thứ hai của anh. Vào ngày 6-6-1968, Molina đạt được một sao vàng nữa khi anh bảo vệ thành công một tiền đồn chủ chốt khỏi tay quân du kích’.—Theo tờ báo quân đội “Tester” ở Maryland, Hoa Kỳ.

TỔNG CỘNG, tôi đã thực hiện 284 phi vụ và được nhận 29 huân chương. Giờ đây tôi có nhiệm vụ của tín đồ Đấng Christ, tham gia một mặt trận khác như Kinh Thánh nói: “Khí-giới mà chúng tôi dùng để chiến-tranh là không phải thuộc về xác-thịt”. (2 Cô-rinh-tô 10:4) Hãy để tôi giải thích làm thế nào cuộc đời tôi lại thay đổi nhiều đến thế.

Thành phố Chicago tọa lạc tại phía bắc bang Illinois, Hoa Kỳ. Nơi đây dường như lúc nào cũng chịu ảnh hưởng bởi những luồng gió mạnh đến từ Hồ Michigan. Tôi ra đời ngày 1-2-1947 tại thành phố này, một ngày không những có gió mạnh mà còn lạnh thấu xương. Vì cha tôi vừa mới tham gia Thế Chiến II, hai bác sĩ quân y giúp mẹ tôi trong ngày sinh nở. Khi tôi lên mười, cha mẹ chuyển cả gia đình đến sống ở Los Angeles, California. Tại thành phố này, cha mẹ cho anh chị và tôi học ở một trường Công Giáo.

Thuở nhỏ, tôi thường chơi bóng chày và bóng bầu dục trên đường phố hay ở những khu đất trống. Tôi cũng chơi trò lính bắn nhau với những khẩu súng trường và súng máy tự chế bằng gỗ. Những năm tôi học trung học vào thập niên 1960 là thời kỳ có sự biến chuyển rõ rệt về quan điểm và thái độ của người dân. Thời đó, thường xảy ra những cuộc mưu sát các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội, kể cả cuộc ám sát tổng thống Hoa Kỳ năm 1963, cũng như những cuộc diễu hành phản đối, đốt quốc kỳ Mỹ và biểu tình bạo động. Thời ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết các bạn trong lớp và cả tôi đều lo lắng về vấn đề quân dịch.

Không lâu sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1966, tôi nhận được giấy của quân đội yêu cầu đi kiểm tra sức khỏe, và tôi hội đủ điều kiện. Tôi không vào bộ binh nhưng tham gia lực lượng hải quân. Do rất mê máy bay trực thăng, tôi tình nguyện tham gia tân đội trực thăng chiến đấu của hải quân. Vào tháng 11 năm 1967, ít lâu sau khi được huấn luyện về cơ bản, tôi được điều đến thủ đô của miền nam Việt Nam, vào thời đó là Sài Gòn.

Trải nghiệm những ngày đầu cuộc chiến

Không lâu sau, tôi được đưa đến một khu vực gồm một bãi đáp nhỏ và bốn chiếc trực thăng Huey. Trong đội của tôi—gồm 30 lính hải quân—một số ngủ ở khu vực bãi đáp, số còn lại, trong đó có tôi, đến trú ngụ tại một tòa nhà hai tầng cách đó khoảng 16 kilômét. Vào đêm đầu tiên, tôi giật mình thức giấc bởi tiếng những loạt đạn xé qua tòa nhà. Tôi lăn khỏi ghế bố và nằm xấp xuống nền nhà trong vòng vài giây. Khi nghe tiếng súng phía trên, tôi tìm đường đến cầu thang và leo lên mái nhà, rồi có người đưa cho tôi một khẩu súng trường. Chúng tôi chiến đấu suốt đêm, chỉ với đôi chân trần và bộ đồ trong trên người.

Sau ba ngày chiến đấu kịch liệt, chúng tôi cạn kiệt lương thực, nước uống và gần hết đạn dược vì hoàn toàn bị bao vây và cô lập. Sĩ quan chỉ huy đội chúng tôi ra lệnh: “Vừa khi trời rạng sáng, chúng ta sẽ chạy đến bãi đáp”. Chúng tôi phải băng qua một khu phố nhỏ đang bốc cháy. Trên đường chạy qua khu phố này, chúng tôi nghe tiếng súng nổ, có cả tiếng súng máy. Xác người nằm la liệt khắp nơi.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được bãi đáp, nhưng hoàn cảnh ở đấy cũng chẳng khá gì hơn. Chúng tôi phải đào những hố cá nhân xung quanh bãi đáp và cố thủ vị trí của mình. Vài lần quân du kích vượt hàng phòng thủ của doanh trại chúng tôi và chiếm lấy bãi đáp, giết chết nhiều lính và cả sĩ quan chỉ huy. Tôi nấp dưới hố của mình trong vài tuần mà chẳng thay quần áo hoặc tắm rửa gì. Sau đó, một chiếc trực thăng đưa chúng tôi đến tiền đồn khác.

Trải qua những ngày chiến đấu đầu tiên đó, tôi quyết định sẽ trở thành xạ thủ đại liên trên trực thăng. Tôi được huấn luyện vài ngày rồi gia nhập một phi đội. Những trận nã súng diễn ra thường xuyên, đôi khi tôi phải bay ba bốn lần một ngày.

Ảnh hưởng của chiến tranh

Tôi bàng hoàng khi thấy quá nhiều cảnh giết chóc. Lúc ấy, tôi nghĩ đến những cuộc biểu tình chống chiến tranh đang diễn ra tại quê nhà. Phải chăng chúng tôi chiến đấu cho tự do? Có phải chúng tôi liều mình để người khác có cuộc sống tốt hơn? Dầu vậy, tôi vẫn thắc mắc không biết trong chiến tranh thì công lý ở đâu. Ai được lợi trong cuộc chiến này? Người Việt Nam chăng? Họ đã phải chịu đựng nhiều năm chiến tranh, ngay cả trước khi chúng tôi đến. Giờ chỉ có thêm chết chóc và đau khổ mà thôi.

Lúc ấy tôi còn non trẻ và không hiểu được những lý do chính trị ẩn đằng sau cuộc chiến. Tôi cũng chẳng có thời gian để suy nghĩ về điều này, chỉ biết rằng tôi phải thi hành nhiệm vụ trong phi đội vì đó là nghề tôi được huấn luyện. Trong giới hải quân thường có câu: “Chúng ta được huấn luyện để chiến đấu, chứ không phải để suy nghĩ ”. Tôi tự hứa với mình rằng nếu sống sót, tôi sẽ nghiêm túc tìm hiểu lý do tại sao chúng tôi đến đất nước này.

Cuộc chiến ở Việt Nam cũng dẫn tôi vào một con đường mà tôi không lường trước—nghiện ma túy. Khi còn ở tuổi thanh niên, tôi thường hút thuốc lá, uống bia, rượu whiskey vào cuối tuần, và cũng tham dự tiệc tùng, nhưng chưa bao giờ tôi đụng đến ma túy. Ở Việt Nam mọi sự đều thay đổi. Một số bạn đồng đội rủ rê: “Sao không thử đi, Mike ? Thế nào ngày mai cậu cũng sẽ bị bắn nát óc cho mà xem”. Thế là, nhiều lần tôi đã chiều ý họ.

Dù vậy chiến trường không phải là nơi để dùng chất gây ảo giác và tôi thề không dùng những chất này trước khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi trở về quê nhà, cảm giác đói thuốc phiện vẫn ám ảnh tôi, và tôi hội nhập vào thế giới ấy.

Sau cuộc chiến trở về

Khi trở về nhà ở California vào tháng 10 năm 1970, quan điểm của tôi về cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi. Dù gia nhập quân đội để bảo vệ nền tự do, nhưng tôi cảm thấy mình bị lợi dụng. Tôi trở về với nỗi cay đắng và căm phẫn. Tôi không thích nghi được với xã hội và chẳng còn tinh thần ái quốc nữa.

Trong nhiều ngày, tôi vừa hút cần sa và dùng những chất gây nghiện khác vừa sửa xe gắn máy của tôi trong nhà để xe của cha mẹ. Nghiền ngẫm về hoàn cảnh của mình và suy nghĩ về những điều xảy ra ở Việt Nam càng làm tôi chán nản thêm. Tôi bắt đầu bị lương tâm cắn rứt. Mong muốn tìm hiểu nguyên nhân cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng nung nấu trong tôi.

Chính phủ tạo điều kiện cho các cựu chiến binh trong việc học hành, vì vậy tôi nhập học ở một trường cao đẳng và sau đó vào trường Đại Học Bang California ở Los Angeles. Nơi đây, tôi có kết bạn với những người từng tham gia biểu tình chống cuộc chiến tại Việt Nam và những người từng tham gia cuộc chiến. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về chiến tranh và tình trạng thế giới. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi tìm được câu trả lời thỏa đáng, tất cả đều mang tâm trạng băn khoăn.

Nỗ lực giúp đỡ và tìm sự giúp đỡ

Thật ra, nhiều người trong số chúng tôi bị tổn thương về tình cảm và tâm lý. Tôi cố làm gì đó để giúp ích, và vì vậy tôi chọn theo học chuyên ngành rối loạn tâm lý. Bởi tham gia chiến tranh và giết chóc quá nhiều, tôi quyết định phải đền bù sai lầm. Vì vậy, tôi bắt đầu làm việc cho những bệnh viện dành cho bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.

Ma túy lan tràn trong môi trường đại học, và tôi dần nhận thấy đây là gốc rễ của nhiều vấn đề. Tôi muốn tiến bộ trong ngành học của mình và giúp đỡ những bệnh nhân có vấn đề tâm thần trong bệnh viện tôi làm việc. Do đó, tôi bỏ hẳn thói dùng ma túy, dành hết thời giờ và năng lực để học và làm việc. Tuy nhiên, là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tôi thấy việc điều trị bệnh nhân tâm thần chỉ tiến triển đến một mức nào thôi.

Vô cùng bất mãn với đời sống xã hội và bị lương tâm dằn vặt, tôi tìm cách thoát khỏi nỗi bức xúc này. Tôi bắt đầu cầu nguyện và đi nhà thờ. Các buổi lễ của Giáo Hội Công Giáo không giúp tôi hiểu biết thêm được bao nhiêu. Vì thế, tôi đến nhà thờ vào buổi tối. Tôi vào nhà thờ, thắp nến lên và cầu nguyện trước các ảnh tượng như Chúa Giê-su trên cây thập tự, Trinh Nữ Ma-ri với ngọn dao găm đâm thấu tim và các vị được tôn là thánh.

Tôi bắt đầu nghĩ: ‘Nhà thờ là nơi lạnh lẽo và ảm đạm thay! Chúa có thật sự hiện hữu nơi đây không?’ Tôi cần những câu trả lời và nguồn động viên. Tôi đã chứng kiến quá nhiều đau khổ. Thế là đêm nọ, tôi rời nhà thờ và lang thang vào công viên để cầu nguyện. Ngước mắt lên bầu trời đầy sao, và có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi thành tâm cố gắng tâm sự với Đấng Tạo Hóa.

Học lẽ thật từ Kinh Thánh

Khi có dịp thoát khỏi sự căng thẳng của công việc tại bệnh viện, tôi đi thăm người bạn cũ tên là Gary vào một kỳ nghỉ cuối tuần. Một hôm, tại phòng khách nhà anh ấy, chúng tôi xem được chương trình thời sự trên truyền hình nói về nỗ lực kết tội để cách chức Tổng Thống Nixon. Chúng tôi trò chuyện về trình trạng tham nhũng trong mọi lĩnh vực đời sống, và tôi nói rằng, về cuộc chiến ở Việt Nam, tôi cảm thấy mình bị lừa.

Lúc đó, người vợ của anh bạn tôi là Alva, vô tình nghe được câu chuyện của chúng tôi và từ trong nhà bếp bước ra. Chị ấy nói rằng những sự kiện chúng tôi đang thảo luận đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Tôi hỏi: “Lời tiên tri trong Kinh Thánh có dính dáng gì đến những vấn đề của một tổng thống?” Chị Alva giải thích rằng không lâu nữa Nước Trời dưới quyền cai trị của Chúa Giê-su sẽ thay thế mọi chính phủ tham nhũng ngày nay, và dân chúng sẽ mãi mãi sống an bình trên một trái đất biến thành địa đàng. (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 21:3, 4) Chị ấy cũng nói về Kinh Lạy Cha mà chúng ta cầu cho Nước của Đức Chúa Trời đến và ý định Ngài được thành tựu trên đất cũng như trên trời.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Tôi thấy con người thật sự cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để có một chính phủ tốt hơn và nền hòa bình thật sự cho thế giới. (Truyền-đạo 8:9; Giê-rê-mi 10:23) Về khả năng có thể sống mãi mãi, tôi nhớ lại kiến thức được học ở trường là sau một thời gian tương đối ngắn, những cấu trúc nguyên tử tạo thành cơ thể chúng ta được thay thế. Dù một số điều chị Alva nói lúc ấy đối với tôi có vẻ xa vời nhưng đã khiến tôi tò mò. Tôi muốn bù đắp những nỗi đau tôi đã gây ra và góp phần giảm bớt sự đau khổ của người khác. Chị Alva nói tôi nên đến Phòng Nước Trời thì có thể học biết thêm nhiều hơn.

Trong hội thánh, có anh Bill Akina là một người truyền giáo trọn thời gian. Anh cũng từng tham gia hải quân trong thế chiến thứ hai nên có thể hiểu được cảm xúc của tôi. Điều quan trọng hơn hết là anh ấy biết Kinh Thánh, và vợ chồng anh đã dùng Kinh Thánh để giải đáp nhiều thắc mắc của tôi. Khi anh Bill giúp tôi dần tiến bộ trong việc học Kinh Thánh, tôi nhận thấy rằng, dù có thiện ý, việc tôi nỗ lực giúp các bệnh nhân chỉ giảm bớt tạm thời nỗi đau của họ mà thôi. Trái lại, giúp người ta có được sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh có thể mang đến cho họ sự sống vĩnh cửu, nếu họ tin và làm theo sự hiểu biết đó.—Giăng 17:3.

Anh Bill dùng sách Lẽ thật duy nhất dẫn đến sự sống đời đời để hướng dẫn tôi học Kinh Thánh. Vào tháng 7 năm 1974, tôi chịu phép báp têm để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Sáu tháng sau, tôi làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian theo cách gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc đó, tôi bỏ học ở trường đại học và nghỉ việc tại bệnh viện. Để có thể tự túc về kinh tế khi làm tiên phong, tôi làm công việc quét dọn và bảo trì tại các ngân hàng vào ban đêm. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11) Bạn bè và gia đình cứ nghĩ là tôi mất trí.

Sau khi làm tiên phong ở California được một năm, tôi bắt đầu muốn biết cách nào có thể phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Tôi đặt mục tiêu làm giáo sĩ phục vụ ở hải ngoại. Sau vài năm làm tiên phong, tôi được mời tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, lúc đó tọa lạc tại Brooklyn, New York. Tôi là thành viên của khóa thứ 66 và tốt nghiệp vào ngày 11-3-1979, ở Thành Phố Long Island, New York.

Thay đổi nhiệm sở

Tôi được bổ nhiệm đến Guatemala, thuộc Trung Mỹ, và phụng sự ở đó với tư cách giáo sĩ khoảng một năm. Sau đó tôi được mời vào làm việc tại một xưởng in nhỏ thuộc văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tọa lạc tại thủ đô, Guatemala City. Năm 1981, tôi kết hôn với Lupita, một tiên phong ở địa phương, và Lupita cũng được mời vào làm việc chung với tôi tại văn phòng chi nhánh. Rồi từ năm 1996, chúng tôi không còn in ấn phẩm ở Guatemala nữa vì tất cả sách báo bắt đầu được chi nhánh ở Mexico gửi đến.

Năm 1984, con gái nhỏ Stephanie của chúng tôi ra đời, nhưng tôi vẫn được tiếp tục làm việc tại văn phòng chi nhánh. Ngay cả sau khi Lupita sinh Mitchell vào năm 1987 cũng vậy. Vì ở cách xa văn phòng chi nhánh khoảng 10 kilômét, nên đến văn phòng mỗi ngày không phải là điều dễ dàng. Nhưng được làm việc trong đó thật là một ân phước, và gia đình rất ủng hộ tôi.

Hiện nay Lupita và Stephanie là tiên phong, còn Mitchell đã chịu phép báp têm. Năm nay, Mitchell sẽ hoàn tất chương trình của một trường dạy nghề, và cháu đặt mục tiêu tham gia thánh chức trọn thời gian. Tôi nhận thấy gia đình mình được hưởng những ân phước đặc biệt này không phải bởi khả năng riêng, mà là nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va. Là một Đức Chúa Trời đầy yêu thương, Ngài sẽ dùng bất cứ ai sẵn lòng và tìm kiếm sự hướng dẫn nơi Ngài.

Đôi khi có người hỏi gia đình tôi sắp xếp cách nào để vừa tham gia trọn vẹn trong thánh chức vừa tự túc về tài chính. Đành rằng chúng tôi có dành những ngày phép để đi làm kiếm thu nhập, nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi luôn cố gắng có cái nhìn đơn giản về vật chất, tìm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tin cậy nơi Ngài, và luôn tìm sự hướng dẫn của Ngài.—Ma-thi-ơ 6:25-34; Châm-ngôn 3:5.

Có súng bên mình tạo cho tôi cảm giác đầy quyền lực, vì vậy tôi thấy mình cần phải luôn vun trồng tính khiêm nhường. Hệ thống mọi sự của Sa-tan đã dạy tôi hận thù, giết chóc, nghi ngờ, hung hăng và có tinh thần phòng thủ. Nhưng Đức Giê-hô-va đã rộng lòng thương xót và đối xử nhân từ với tôi, điều làm tôi vô cùng cảm kích. Giờ tôi quyết tâm tiếp tục rèn luyện tinh thần hòa thuận, bày tỏ lòng yêu thương và thấu cảm với mọi người.—Ma-thi-ơ 5:43-45; Ê-sai 2:4.

Không phải là điều dễ dàng để tôi thay đổi. Tuy nhiên, tôi đã học được cách sống hòa thuận hơn. Nhờ sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, tôi cũng có thể đương đầu với những cơn ác mộng do trải qua cuộc chiến. Tôi thật sự mong mỏi đến lúc chiến tranh và hận thù không còn nữa. (Thi-thiên 46:9) Cho tới khi thời điểm đó đến, tôi biết ơn có được cơ hội tham gia công việc cứu người bằng cách giúp người khác hiểu biết về Đấng Ban Sự Sống vĩ đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

[Các hình nơi trang 20]

Tôi là xạ thủ đại liên trên trực thăng

[Hình nơi trang 22]

Với anh Bill Akina và vợ anh là Eloise, năm 1978

[Hình nơi trang 23]

Đang làm việc bên máy in tại chi nhánh Guatemala, năm 1982

[Hình nơi trang 23]

Cùng với vợ đi rao giảng

[Hình nơi trang 23]

Hiện nay cùng với Lupita, Mitchell và Stephanie