Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thế giới đang đi về đâu?

Thế giới đang đi về đâu?

Thế giới đang đi về đâu?

THẾ GIỚI sẽ ra sao trong 10, 20 hay 30 năm nữa? Thật đáng sợ khi nghĩ về tương lai trong thời đại khủng bố này. Khoa học kỹ thuật bùng nổ. Xu thế toàn cầu hóa khiến các quốc gia trở nên lệ thuộc lẫn nhau. Liệu các nhà lãnh đạo thế giới có đoàn kết để đưa thế giới đến một ngày mai tươi sáng hơn không? Một số người rất lạc quan về điều này. Họ hy vọng đến năm 2015, các nhà lãnh đạo sẽ có thể ngăn chặn sự nghèo đói, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, giảm xuống phân nửa số người thiếu nước uống sạch cùng hệ thống cống rãnh và xử lý rác hợp vệ sinh.—Xin xem khung “Lạc quan hay thực tế”.

Tuy nhiên, cái nhìn của con người về tương lai thường tỏ ra thiếu thực tế. Chẳng hạn, vài thập kỷ trước, một chuyên gia đã tuyên bố rằng đến năm 1984, nông dân sẽ cày đáy đại dương bằng máy cày hoạt động dưới nước; một vị khác cho rằng đến năm 1995, xe hơi sẽ được trang bị phần cứng máy vi tính để ngăn ngừa các vụ đụng xe; còn một vị khác nữa thì tiên đoán đến năm 2000, sẽ có khoảng 50.000 người sống và làm việc trên vũ trụ. Dĩ nhiên, những người đã đưa ra các tiên đoán trên giờ đây hẳn ước gì là họ đã im lặng. Một phóng viên viết: “Qua thử thách thời gian, những người thông minh nhất có thể trở nên như những kẻ hoàn toàn ngốc nghếch”.

Một “bản đồ” chỉ đường

Người ta tiên đoán đủ điều về tương lai nhưng đôi khi suy nghĩ của họ quá lý tưởng so với thực tế. Chúng ta có thể tìm nơi đâu để có quan điểm đáng tin cậy về tương lai?

Hãy xem một minh họa. Hãy hình dung bạn đang đi xe buýt ở nước ngoài. Vì khu vực xung quanh có vẻ lạ, bạn bắt đầu lo lắng, tự hỏi: ‘Mình đang ở đâu đây? Tuyến xe buýt này có đưa mình đến đúng nơi cần đến không? Mình còn cách nơi đó bao xa?’ Bạn có thể tìm được câu trả lời bằng cách xem một bản đồ chính xác và quan sát các biển báo qua cửa kính.

Ngày nay những người đang lo lắng về tương lai cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Họ băn khoăn: ‘Chúng ta đang đi về đâu? Có đúng là chúng ta đang trên đường đi tới hòa bình thế giới không? Nếu thế, bao giờ chúng ta mới tới đích?’ Kinh Thánh giống như một bản đồ, có thể giúp tìm được lời giải đáp. Bằng cách đọc kỹ Kinh Thánh và cẩn thận quan sát qua “cửa kính” những gì đang diễn ra trên thế giới, chúng ta sẽ biết rõ hơn mình đang ở đâu và đang đi về đâu. Nhưng trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu xem vấn đề của nhân loại bắt đầu từ đâu.

Một khởi đầu đáng buồn

Kinh Thánh cho biết khi Thượng Đế tạo nên người nam và người nữ đầu tiên, họ rất hoàn hảo và được sống trong cảnh địa đàng. A-đam và Ê-va được tạo ra để sống mãi mãi, chứ không phải chỉ 70 hay 80 năm. Thượng Đế bảo họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng”. Ý định của Ngài là A-đam, Ê-va cùng con cháu họ mở rộng Địa Đàng ra khắp đất.—Sáng-thế Ký 1:28; 2:8, 15, 22.

Song A-đam và Ê-va đã phản nghịch với Thượng Đế. Hậu quả là họ bị mất ngôi nhà Địa Đàng. Không chỉ có thế, tinh thần và thể xác của họ cũng bắt đầu suy thoái dần. Mỗi ngày trôi qua, A-đam và Ê-va càng tiến gần hơn tới mồ mả. Tại sao? Bởi vì khi bất tuân Đấng Tạo Hóa, họ đã phạm tội và “tiền công của tội-lỗi là sự chết”.—Rô-ma 6:23.

Cuối cùng A-đam và Ê-va chết nhưng trước khi chết, họ đã có con, cả trai lẫn gái. Những người con đó có thể thực hiện ý định ban đầu của Thượng Đế không? Không, bởi vì họ bị di truyền sự bất toàn của cha mẹ. Thật thế, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tất cả con cháu A-đam đều bị di truyền tình trạng tội lỗi và sự chết. Và chúng ta cũng vậy. Kinh Thánh cho biết: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 3:23; 5:12.

Xác định vị trí hiện tại của chúng ta

Sự phản nghịch của A-đam và Ê-va mở đầu một cuộc hành trình lâu dài và gian khổ cho nhân loại đến tận ngày nay. Như một người viết Kinh Thánh nói, loài người đã “bị bắt phục sự hư-không”. (Rô-ma 8:20) Những lời này mô tả thật đúng làm sao cuộc vật lộn vất vả của con người! Trong con cháu của A-đam có những người nam và nữ là những nhà khoa học xuất chúng, những thiên tài y học và những nhà phát minh kỹ thuật. Tuy nhiên, không một ai trong họ có thể đem lại hòa bình thế giới và sức khỏe tối ưu cho con người như ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa.

Sự phản nghịch của A-đam và Ê-va ảnh hưởng riêng đến từng cá nhân chúng ta. Chẳng hạn, có ai trong chúng ta chưa từng nếm sự cay đắng của bất công, sự sợ hãi trước tội ác, sự đau đớn của bệnh tật hay sự đau khổ vì mất người thân? Những khoảnh khắc yên bình trong cuộc sống chúng ta dường như đều nhanh chóng bị phá tan bởi bi kịch này hay bi kịch khác. Dù cũng có những giây phút hạnh phúc nhưng cuộc sống chúng ta quả đúng như lời mô tả của tộc trưởng Gióp thời xưa: “Loài người... sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”.—Gióp 14:1.

Khi xem xét khởi đầu và tình trạng đáng buồn hiện nay của nhân loại, chúng ta có lẽ cảm thấy tương lai thật ảm đạm. Nhưng Kinh Thánh bảo đảm Thượng Đế sẽ không để tình trạng ấy kéo dài vĩnh viễn. Ý định ban đầu của Ngài sẽ thành tựu. (Ê-sai 55:10, 11) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn điều đó sẽ sớm xảy ra?

Theo Kinh Thánh, chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn được gọi là “ngày sau-rốt”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Cụm từ này không ám chỉ sự tận diệt địa cầu cùng mọi sự sống trên đó. Thay vì thế, nó ám chỉ “sự kết liễu của hệ thống mọi sự”, và do đó những tình trạng đang gây đau khổ cho chúng ta cũng sẽ chấm dứt. (Ma-thi-ơ 24:3, NW) Kinh Thánh cho biết những hiện tượng phổ biến và tính cách thường thấy của người ta trong những ngày cuối cùng này. Hãy lưu ý một số đặc điểm được nêu trong khung nơi trang 8, rồi nhìn qua “cửa kính” để thấy những gì đang diễn ra trên thế giới. Tấm bản đồ Kinh Thánh giúp xác định chúng ta đang ở rất gần ngày cáo chung của hệ thống này. Nhưng sau đó điều gì sẽ xảy ra?

Con đường phía trước

Ngay sau khi A-đam và Ê-va phản nghịch, Thượng Đế đã bắt đầu tiết lộ ý định thiết lập một Nước “không bao giờ bị hủy-diệt”. (Đa-ni-ên 2:44) Nhiều người đã được dạy cầu nguyện cho Nước đó trong bài kinh quen thuộc thường được gọi là Kinh Lạy Cha. Chính Nước đó sẽ đem lại vô vàn ân phước cho nhân loại.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Nước Trời không phải chỉ là một ý niệm mơ hồ hay một trạng thái trong lòng người ta. Đó là một chính phủ thật sự trên trời sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn dưới đất. Hãy xem những gì Thượng Đế hứa sẽ thực hiện cho nhân loại thông qua Nước Ngài. Kinh Thánh cho biết trước hết Ngài sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. (Khải-huyền 11:18) Rồi Ngài làm gì cho những người biết vâng phục? Lời Ngài cho biết Ngài sẽ “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. (Khải-huyền 21:4) Loài người có bao giờ làm được những điều đó không? Chỉ Thượng Đế mới có thể mang lại cho chúng ta điều kiện sống như Ngài đã định lúc ban đầu.

Làm thế nào bạn có thể hưởng những ân phước do Nước Trời mang lại? Giăng 17:3 nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện một chương trình giáo dục trên toàn cầu nhằm giúp mọi người thu thập sự hiểu biết đó. Công việc của họ được thực hiện trong khoảng 230 xứ và các ấn phẩm của họ được xuất bản trong hơn 400 thứ tiếng. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết, xin liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va địa phương hoặc viết thư về một trong các địa chỉ nơi trang 5.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn-bán và phát-tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết!”—Gia-cơ 4:13, 14

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Kinh Thánh ghi lại lịch sử nhân loại kể từ thời người nam và người nữ đầu tiên. Vì thế, cuốn sách này cho biết nguồn gốc của chúng ta. Kinh Thánh cũng tiết lộ chúng ta đang đi về đâu. Nhưng muốn hiểu Kinh Thánh, bạn cần tra cứu kỹ như khi xem bản đồ

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Tội lỗi” có thể ám chỉ một hành động sai hoặc khuynh hướng thiên về điều xấu. Chúng ta sinh ra trong tình trạng tội lỗi và bị nó chi phối trong mọi hành động. “Chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội”.—Truyền-đạo 7:20

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Nếu sao lại một tờ giấy trắng có một chấm đen trên đó, tất cả các bản sao của bạn đều sẽ bị chấm đen. Nói một cách ví von, là bản sao của A-đam, chúng ta đều mang dấu ấn tội lỗi. Đó chính là vết mà A-đam, tức “bản gốc”, đã vướng phải

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Kinh Thánh nói: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Điều này giải thích tại sao những nỗ lực của con người nhằm kiến tạo hòa bình thế giới đều thất bại. Họ không được tạo ra để “dẫn-đưa bước của mình” một cách độc lập với Đấng Tạo Hóa

[Câu nổi bật nơi trang 9]

Một người viết Thi-thiên trong Kinh Thánh đã nói với Thượng Đế: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. (Thi-thiên 119:105) Như một ngọn đèn, Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta thực hiện những bước khôn ngoan khi đứng trước các quyết định. Là ‘ánh sáng cho đường chúng ta’, Kinh Thánh chiếu sáng con đường phía trước, giúp chúng ta nhận ra tương lai sẽ mang lại những gì cho nhân loại

[Khung nơi trang 7]

LẠC QUAN HAY THỰC TẾ

Vào tháng 9 năm 2000, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã thống nhất đề ra một số mục tiêu cho năm 2015, bao gồm:

Giảm phân nửa số người sống dưới mức một Mỹ kim một ngày, cũng như số người đói.

Bảo đảm mọi trẻ em đều được học hết bậc tiểu học.

Loại bỏ sự bất bình đẳng giới tính trong giáo dục ở mọi cấp.

Giảm hai phần ba tỉ lệ trẻ chết dưới năm tuổi.

Giảm 75 phần trăm tỉ lệ tử vong của sản phụ.

Ngăn chặn và đẩy lùi sự lan tràn của dịch HIV/AIDS cũng như số trường hợp mắc những bệnh nghiêm trọng khác, như sốt rét.

Giảm 50 phần trăm số người không có nước uống sạch, an toàn.

Những mục tiêu trên có thể đạt được chăng? Sau khi tái thẩm định tình hình vào năm 2004, một ủy ban gồm các viên chức y tế khắp nơi trên thế giới đã đi đến kết luận là người ta không nên quá lạc quan vì những tiến bộ đạt được không thật sự phản ánh tình trạng thực tế. Lời giới thiệu của sách State of the World 2005 (Tình trạng thế giới 2005) cho biết: “Nạn nghèo đói tiếp tục cản trở sự tiến bộ trong nhiều lãnh vực. Các dịch bệnh như HIV/AIDS vẫn tiếp tục gia tăng, gây ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước tựa như một quả bom hẹn giờ. Trong 5 năm qua, khoảng 20 triệu trẻ em đã chết vì những căn bệnh lây truyền qua nước có thể ngăn ngừa được, và hàng trăm triệu người vẫn phải sống hàng ngày trong cảnh túng thiếu và bẩn thỉu do thiếu nước uống sạch cùng hệ thống cống rãnh hợp vệ sinh”.

[Khung/​Hình nơi trang 8, 9]

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA “NGÀY SAU-RỐT”

Chiến tranh trên phạm vi lớn chưa từng thấy.—Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:4.

Đói kém.—Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:5, 6, 8.

Dịch lệ.—Lu-ca 21:11; Khải-huyền 6:8.

Tội ác thêm nhiều.—Ma-thi-ơ 24:12.

Hủy phá trái đất.—Khải-huyền 11:18.

Động đất lớn.—Lu-ca 21:11.

Thời kỳ khó khăn.—2 Ti-mô-thê 3:1.

Tham tiền vô độ.—2 Ti-mô-thê 3:2.

Nghịch cha mẹ.—2 Ti-mô-thê 3:2.

Vô tình.—2 Ti-mô-thê 3:3.

Ham thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:4.

Không tiết độ, tự chủ.—2 Ti-mô-thê 3:3.

Thù người lành.—2 Ti-mô-thê 3:3.

Không để ý đến hiểm họa sắp xảy ra.—Ma-thi-ơ 24:39.

Nhiều người chế giễu bác bỏ bằng chứng ngày sau rốt.—2 Phi-e-rơ 3:3, 4.

Nước Đức Chúa Trời được rao truyền trên toàn cầu.—Ma-thi-ơ 24:14.

[Nguồn tư liệu]

© G.M.B. Akash/Panos Pictures

© Paul Lowe/Panos Pictures

[Hình nơi trang 9]

Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến qua công việc rao truyền tin mừng về Nước Trời