Trẻ vị thành niên cần “được trò chuyện”
Trẻ vị thành niên cần “được trò chuyện”
CÁC bậc cha mẹ quan tâm đến con cái đều nhận thấy rằng lúc còn bé, trẻ phát triển là nhờ sự chăm sóc yêu thương và chúng thường bò đến ngồi vào lòng họ khi muốn được âu yếm, vuốt ve. Nhưng khi tới tuổi dậy thì, các em thường lại trở nên xa cách với cha mẹ. Đó là lời nhận xét của Bác Sĩ Barbara Staggers, trưởng khoa sức khỏe trẻ vị thành niên của Trung Tâm Nghiên Cứu và Bệnh Viện Nhi ở Oakland, California, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tuổi dậy thì lại là thời kỳ các em cần sự quan tâm của cha mẹ nhiều nhất. Tại sao thế?
Đến tuổi dậy thì, các em bắt đầu có những khoảng thời gian không có sự giám sát, sắp đặt của cha mẹ và theo Bác Sĩ Staggers, đó là một trong những nguy hiểm lớn nhất cho các em. Bà nói trên tờ Toronto Star: “Dậy thì là độ tuổi các em khám phá về bản thân và cách hòa nhập vào thế giới xung quanh. Đặc điểm đó cộng với khuynh hướng thích mạo hiểm và sức ép của bạn bè khiến các em rất dễ gặp nguy hiểm”. Tuổi dậy thì bao gồm nhiều giai đoạn và không tùy thuộc vào độ tuổi. Đúng hơn, như Bác Sĩ Staggers nói, nó liên quan đến “cách các em cư xử, xử lý thông tin và khám phá những điều mới mẻ”. Trong giai đoạn đầu của lứa tuổi này, các em hay suy tư về bản thân, lo lắng về những thay đổi trong cơ thể, và có tính bốc đồng. Giai đoạn giữa có đặc điểm là thích thử và khám phá cái mới. Còn trong giai đoạn cuối, các em bắt đầu biết độc lập suy nghĩ.
Đành rằng tuổi dậy thì có thể là những năm sôi nổi, hào hứng nhưng cũng gây ra không ít bối rối cho cả cha mẹ và bản thân các em. Bác Sĩ Staggers, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ vị thành niên có vấn đề, cho biết phần lớn các em “cần được trò chuyện với một người trưởng thành biết quan tâm”. Làm sao thực hiện điều này?
Hãy giữ quan hệ cởi mở! Các bậc cha mẹ cần giúp con cái an tâm về sự quan tâm chăm sóc của họ bằng cách luôn sẵn lòng lắng nghe. Hãy cho con cái thấy sự quan tâm của bạn bằng cách đặt những câu hỏi giúp chúng lý luận, giúp chúng thấy hậu quả của những quyết định sai lầm, và hãy khen khi chúng đạt được những kết quả tốt nhờ quyết định đúng. Đồng thời, hãy giúp các em hiểu đâu là cách cư xử đúng đắn.
Nếu các bậc cha mẹ để con cái tập tự giải quyết các vấn đề của chúng, như quan niệm của nhiều người, thì chúng sẽ dễ bị ảnh hưởng tai hại của những người sống vô nguyên tắc và vô đạo đức. (Châm-ngôn 13:20) Trái lại, nếu làm theo lời khuyên của Kinh Thánh, họ sẽ giúp con cái thành công vượt qua tuổi dậy thì và trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm. Do đó, các bậc cha mẹ cần học cách “dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”.—Châm-ngôn 22:6.
Bạn có thể tìm thấy những lời khuyên thực tế về cách trò chuyện và dạy dỗ con cái vị thành niên trong ấn phẩm Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc. * Sách này cũng chứa đựng lời khuyên thực tế dựa trên Kinh Thánh dành cho từng thành viên trong gia đình.
[Chú thích]
^ đ. 7 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.