Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đạo Công Giáo với hương vị Châu Phi

Đạo Công Giáo với hương vị Châu Phi

Đạo Công Giáo với hương vị Châu Phi

Biên tập viên Tỉnh Thức! ở Brazil

TẠI Salvador, thủ đô của Bang Bahia, Brazil, năm mới được đánh dấu bằng một lễ hội vô cùng qui mô. Hàng trăm phụ nữ dẫn đầu đoàn diễu hành đến nhà thờ thánh Bonfim và tại đó, họ dùng nước thơm để rửa các bậc cấp nhà thờ. Nghi lễ này nhằm tôn vinh Oxalá, vị thần sáng tạo của người Châu Phi.

Có đến cả triệu người kéo đến xem nghi lễ này. Sau buổi lễ, họ vui chơi, nhảy múa náo nhiệt trên đường phố theo nhịp điệu của các bộ gõ và trống Châu Phi.

Nghi lễ đã 250 năm tuổi này là một thí dụ điển hình về chủ nghĩa hòa đồng, tức sự pha trộn tín ngưỡng, đặc trưng của Công Giáo Brazil. Người ta cho rằng hơn 70 triệu người Brazil có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các đạo Candomblé, Umbanda, Xangô và những tôn giáo khác có gốc Phi Châu ở Brazil. Thế nhưng phần đông người dân nước này lại xem mình là người Công Giáo.

Vì sao có sự pha trộn này? Giáo Hội Công Giáo nghĩ gì về thực trạng đó? Và sự hòa nhập tín ngưỡng như thế là điều đáng khen hay nên tránh?

‘Bàn đạp để vươn tới đức tin thật’

Người ta đưa ra nhiều ước tính khác nhau nhưng có lẽ đã có hơn sáu triệu người nô lệ Châu Phi, thuộc các bộ tộc Yoruba, Bantu và một số bộ tộc khác, được đưa đến Brazil từ giữa thế kỷ 16 cho đến khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ vào năm 1888. Vì thế, sự pha trộn giữa đạo Công Giáo và các niềm tin theo truyền thống Châu Phi tại đây là di sản của chế độ nô lệ.

Mặc dù đòi hỏi người nô lệ phải cải đạo, nhưng Giáo Hội lại cho phép họ pha trộn một số phong tục của tôn giáo Châu Phi vào đạo Công Giáo. Theo sử gia Roger Bastide, các giáo sĩ dòng Tên cho rằng để hướng những người Châu Phi tới niềm tin Cơ Đốc, họ nên dùng những cách thu hút trẻ con như âm nhạc, sự nhảy múa cũng như danh hiệu, địa vị, là những điều người Châu Phi ưa chuộng. Ông Bastide viết: “Không nên buộc họ phải hoàn toàn dứt bỏ các tập quán truyền thống. Trái lại, chúng ta nên cân nhắc xem những phong tục nào có thể chấp nhận được và dùng chúng như bàn đạp để giúp họ vươn tới đức tin thật”.

Trong một số dòng dành riêng cho người Phi Châu, chẳng hạn như dòng “Thánh” Benedict và Đức Mẹ Mân Côi, có thể thấy nhiều phong tục truyền thống Phi Châu đã được khoác cho chiếc áo “Ky-tô Giáo”. Mỗi năm một lần vào ngày lễ “Thánh” Benedict, các cộng đoàn này lại chọn người đóng vai vua và hoàng hậu, một tập quán bắt nguồn từ tục truyền ngôi của các vị vua của các bộ tộc Phi Châu.

“Thánh” hay Orixá?

Việc cầu nguyện với các thánh để các thánh cầu thay với Đức Chúa Trời là niềm tin phổ biến trong đạo Công Giáo cũng như trong các tôn giáo ở Phi Châu. Chẳng hạn, bộ tộc Yoruba tin vào các orixá. Theo truyền thuyết, orixá là những chiến binh và vị vua được tôn lên làm thần. Các vị thần này kiểm soát lực thiên nhiên và là trung gian giữa loài người với vị thần tối cao Olorun. Tương tự thế, đạo Công Giáo La Mã tin rằng các “thánh” là đấng cầu thay với Đức Chúa Trời cho loài người. Và họ tin rằng mỗi thánh đặc biệt linh thiêng trong một lãnh vực nhất định.

Thay vì bỏ việc thờ cúng các orixá, nhiều người nô lệ chỉ che đậy sự thờ phượng này bằng cách tôn thờ các vị “thánh” có đặc điểm tương tự. Thí dụ thần chiến tranh Ogun của bộ tộc Yoruba được đồng hóa với “thánh” Anthony hay “thánh” George, những chiến binh và anh hùng của thế giới Ky-tô Giáo.

Cũng thế, Yemanjá, mẹ của các orixá đồng thời cũng là nữ thần biển, được xem là một trong những sự “hiện hình” của Trinh Nữ Ma-ri-a. Còn Lãnh Chúa Bonfim, vị “thánh” được tôn sùng nhiều nhất ở Salvador, thì được xem là tương ứng với Oxalá, tức orixá tối cao của bộ tộc Yoruba. Mối tương quan này vẫn còn thể hiện rõ qua nghi thức rửa bậc cấp nhà thờ được tổ chức hàng năm. *

Một nhà lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo ở thành phố Salvador bình luận: “Lòng tin của người dân ở đây nơi các orixá cũng chân thành và mạnh mẽ như niềm tin nơi Chúa Giê-su và các thánh”. Một nhà nhân chủng học Brazil nói thêm: “Nhiều người chuyển đổi rất nhanh từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Sau khi bước ra khỏi nhà thờ Công Giáo, họ bước ngay vào một đền thờ đạo candomblé [của Châu Phi]”.

Sự pha trộn giữa đạo Công Giáo và các tín ngưỡng Châu Phi là một vấn đề khá nhạy cảm. Ông Lucas Moreira, cựu chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Brazil, khẳng định: “Mỗi người phải theo một tín ngưỡng nhất định, không thể có sự pha trộn”. Một giám mục khác cũng nhận xét: “Chủ nghĩa hòa đồng tín ngưỡng là một thực tế chống lại hoạt động của Giáo Hội”.

Giới tuyến đã được phân chia. Một bên là các nhà lãnh đạo bảo thủ chống lại những điều họ xem là ngoại giáo và ma quỉ, còn bên kia là những người thúc đẩy việc du nhập các biểu tượng và kiểu nhảy múa của Châu Phi vào các buổi lễ của Công Giáo.

Quan điểm của Chúa Giê-su?

Chúa Giê-su Christ, Đấng Sáng Lập Ky-tô Giáo, đã rao giảng cho người thuộc nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, ngài phán rõ ràng, dứt khoát: “Những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy”. (Giăng 4:23, chúng tôi viết nghiêng). Và ngài cũng giải thích rằng Cha, tức Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tiết lộ lẽ thật qua Lời Ngài là Kinh Thánh.—Giăng 17:17.

Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ dạy ‘muôn-dân giữ hết cả mọi điều mà ngài đã truyền’. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Ngài không bao giờ khuyên họ thay đổi các sự dạy dỗ của ngài để thu hút những người theo các tín ngưỡng hoặc phong tục khác. Vào thời các sứ đồ, đã có người tìm cách đưa những tư tưởng và phong tục ngoại giáo vào đạo. Tuy nhiên, tất cả những hành động đó đều bị lên án. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó,... thì [Đức Chúa Trời] sẽ tiếp-nhận các ngươi”.—2 Cô-rinh-tô 6:17.

[Chú thích]

^ đ. 14 Theo Dicionário de Cultos Afro-Brasileiros (Tự điển các tôn giáo gốc Phi Châu ở Brazil), nghi thức rửa bậc cấp nhà thờ thánh Bonfim có liên hệ mật thiết với một nghi lễ của bộ tộc Yoruba được gọi là “Nước của Oxalá”, trong đó có nghi thức rửa các otá (đá thánh) của Oxalá.

[Các hình nơi trang 13]

Các nữ tu người Brazil gốc Phi Châu đang rửa bậc cấp nhà thờ

Đám đông tập trung trên các bậc cấp nhà thờ thánh Bonfim ở Brazil

[Nguồn tư liệu]

Hình trên: De: A Tarde—Wilson da Rocha Besnosik; hình dưới: De: A Tarde—Antônio Queirós