Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lạm dụng rượu—Một tệ nạn xã hội

Lạm dụng rượu—Một tệ nạn xã hội

Lạm dụng rượu—Một tệ nạn xã hội

VIỆC uống rượu có hai khía cạnh tương phản: vui vẻ và buồn rầu. Kinh Thánh cho biết, uống rượu điều độ khiến người ta vui vẻ. (Thi-thiên 104:15) Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cảnh báo việc lạm dụng rượu có thể ví như nọc rắn độc, nó gây tai hại hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. (Châm-ngôn 23:31, 32) Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn giá đắt phải trả cho việc lạm dụng rượu.

Nhật báo Le Monde đưa tin: “Hôm Thứ Bảy, một người đàn ông say rượu lái xe đã tông vào một phụ nữ 25 tuổi và cậu con trai lên 2... Bà mẹ trẻ này đang mang thai 6 tháng và đã chết hôm Chủ Nhật. Cậu bé bị thương nặng nơi đầu và đang trong tình trạng nguy kịch”. Đáng buồn thay, những tin tức như thế không hiếm. Có lẽ bạn cũng quen biết một người nào đó đã gặp tai nạn do việc lạm dụng rượu gây ra. Mỗi năm có hàng ngàn người chết hoặc bị thương vì tai nạn giao thông do rượu gây ra.

Con số tử vong

Trên toàn thế giới, không thể tính được cái giá phải trả về mạng sống con người do việc lạm dụng rượu gây ra. Tại Pháp, đây là nguyên nhân thứ ba gây tử vong, sau ung thư và bệnh mạch vành. Nó trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến cái chết của khoảng 50.000 người mỗi năm. Theo báo cáo của Bộ Y Tế Pháp, con số này “tương đương số nạn nhân của từ hai đến ba chiếc máy bay phản lực lớn rơi mỗi tuần”.

Con số tử vong vì rượu đặc biệt rất cao trong giới trẻ. Theo báo cáo năm 2001 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nam giới tuổi từ 15 đến 29 ở Châu Âu. Người ta dự đoán, chẳng bao lâu nữa tại các nước Đông Âu, cứ 3 người nam ở tuổi đó thì sẽ có 1 người chết vì lạm dụng rượu.

Bạo hành và cưỡng hiếp

Rượu còn là nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực. Rượu có thể khiến một người mất tự chủ và rối loạn hành vi tác phong, làm cho người đó hiểu sai về hành vi hoặc lời nói của người khác và có khả năng phản ứng bằng bạo lực.

Rượu có ảnh hưởng đáng kể đến nạn bạo hành trong gia đình và việc cưỡng hiếp. Một cuộc nghiên cứu ở Pháp về những phạm nhân đang thi hành án cho biết, hai phần ba trường hợp hiếp dâm và quấy rối tình dục là do rượu. Tạp chí Polityka ghi nhận, các cuộc nghiên cứu cho thấy tại Ba Lan, 75 phần trăm vợ của những người nghiện rượu là nạn nhân của sự bạo hành. Tác giả của một nghiên cứu ước lượng “rượu khiến nguy cơ bị giết tăng gần gấp hai lần ở mọi lứa tuổi. Thậm chí những người không uống rượu nhưng sống cùng một mái nhà với người nghiện rượu cũng có nhiều nguy cơ bị giết”.—Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (American Medical Association, Council on Scientific Affairs).

Hậu quả xã hội phải gánh

Con số chi phí xã hội phải gánh về y tế, bảo hiểm, mất năng suất lao động vì tai nạn, bệnh tật hoặc chết yểu, thật gây sửng sốt. Tại Ireland, dân số chỉ có bốn triệu người, nhưng việc lạm dụng rượu làm tiêu tốn ít nhất một tỉ Mỹ kim mỗi năm. Một thông tin trích từ The Irish Times cho biết số tiền này tương đương “chi phí bỏ ra hằng năm để xây một bệnh viện mới, một sân vận động và mua cho mỗi ông bộ trưởng một phi cơ phản lực”. Năm 1998, tờ Mainichi Daily News báo cáo rằng việc uống rượu quá độ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản “hơn 6.000 tỉ Yên mỗi năm”, hoặc khoảng 55 tỉ Mỹ kim. Theo một báo cáo gửi đến Quốc Hội Hoa Kỳ: “Chỉ riêng năm 1998, việc lạm dụng rượu gây thiệt hại cho nền kinh tế 184,6 tỉ Mỹ kim, hay khoảng 638 Mỹ kim cho mỗi đầu người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Hoa Kỳ vào năm đó”. Nói gì về thiệt hại tâm lý trong những trường hợp như gia đình tan vỡ, gia đình có người thân chết vì rượu, con đường học vấn hay sự nghiệp dở dang?

Thật không khó để nhận ra hậu quả mà xã hội phải gánh vì việc lạm dụng rượu. Vậy, thói quen uống rượu của bạn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe chính mình và người khác không? Bài tiếp theo sẽ giải đáp câu hỏi này.