Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lạm dụng rượu và sức khỏe

Lạm dụng rượu và sức khỏe

Lạm dụng rượu và sức khỏe

“Santé!” “Salute!” “Za vashe zdorovye!” “Chúc sức khỏe!” Dù ở Pháp, Ý, Nga, hay Việt Nam, khi những người bạn nâng ly, những lời chúc tương tự vang lên. Nghịch lý thay, hàng triệu người trên thế giới lại mất mạng vì quá chén.

LẠM DỤNG rượu là một vấn đề phức tạp gồm ba mức độ: uống rượu có nguy cơ bị hại, uống quá độ và nghiện rượu. Uống rượu có nguy cơ bị hại, theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới là “uống rượu thường xuyên, có nguy cơ dẫn đến hậu quả tai hại” về mặt thể chất, tâm thần, hoặc xã hội. Điều này bao hàm việc uống rượu quá mức quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền và pháp luật. Uống rượu quá độ, còn gọi là uống quá chén, ám chỉ thói quen uống rượu đã gây tác hại về mặt thể chất và tâm thần nhưng chưa dẫn đến việc nghiện rượu. Nghiện rượu được miêu tả là “không thể kiềm chế bản thân để tránh uống rượu”. Người nghiện rượu thèm rượu, tiếp tục uống bất chấp những tác hại do rượu gây ra, và lên cơn vật vã khi thiếu rượu.

Bất kể tuổi tác, giới tính hay quốc tịch, bạn không thể tránh khỏi tình trạng “uống rượu có nguy cơ bị hại”. Rượu ảnh hưởng thế nào đến cơ thể ? Uống quá chén gây nguy hiểm gì cho sức khỏe? Và uống đến mức nào được xem là an toàn?

Tác hại đến trí não

Ethanol, một hợp chất hóa học trong hầu hết các thức uống có cồn, là một độc tố—chất này có thể gây tổn thương hoặc hủy hoại hệ thần kinh. Người say rượu thật ra là đang ngộ độc. Một lượng lớn chất ethanol trong cơ thể gây hôn mê và dẫn đến tử vong. Chẳng hạn cách uống rượu gọi là ikkinomi, hay nốc cạn ly, của sinh viên Nhật, mỗi năm đều gây tử vong cho một số người. Cơ thể có khả năng chuyển hóa chất ethanol thành một chất vô hại, nhưng tiến trình này không hoàn tất được ngay. Nếu uống rượu với tốc độ nhanh hơn khả năng chuyển hóa của cơ thể, chất ethanol tích tụ lại và bắt đầu gây ảnh hưởng đáng kể trên chức năng của não. Bằng cách nào?

Tế bào thần kinh của não bộ chi phối lời nói, thị lực, khả năng phối hợp các cử động, ý nghĩ, cách ứng xử, bởi một loạt những phản ứng hóa học cực kỳ phức tạp. Sự hiện diện của chất ethanol làm biến đổi những phản ứng hóa học này, nó làm giảm hoặc tăng chức năng của một số chất dẫn truyền thần kinh—chất hóa học truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Những thông tin trong não bộ bị biến đổi, khiến não không hoạt động bình thường. Đó là nguyên nhân tại sao một người uống quá nhiều rượu sẽ nói lắp, mắt mờ, cử động chậm chạp, không làm chủ hoặc kiềm chế được bản thân—những triệu chứng thông thường ở người say.

Khi lạm dụng rượu trong một thời gian dài, chất hóa học trong não thích ứng để đối phó với ảnh hưởng độc hại của chất ethanol và giữ cho thần kinh vẫn hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng dung nạp, nghĩa là cùng một dung lượng rượu nhưng giờ đây ít tác dụng hơn trước. Tình trạng nghiện xảy ra khi não bộ đã quá quen với chất cồn đến mức không thể hoạt động bình thường nếu thiếu nó. Cơ thể đòi hỏi phải có rượu để duy trì sự cân bằng hóa học. Khi một người nghiện thiếu rượu, hóa chất ở não bộ của người đó hoàn toàn mất ổn định và xuất hiện hội chứng thiếu rượu như bồn chồn, run rẩy, ngay cả co giật.

Ngoài việc gây biến đổi hóa chất ở não, uống rượu quá độ có thể làm teo và hủy hoại tế bào, làm biến đổi ngay cả cấu trúc của não. Mặc dù việc cai rượu có thể giúp phục hồi phần nào, nhưng một số tác hại dường như vĩnh viễn, ảnh hưởng đến bộ nhớ và các chức năng nhận thức khác. Không phải chỉ có việc lạm dụng rượu trong một thời gian dài mới gây tác hại đến trí não. Theo một nghiên cứu, ngay cả việc uống rượu quá độ chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể gây hại.

Bệnh gan và ung thư

Gan đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa thức ăn, chống nhiễm trùng, điều hòa tuần hoàn huyết và thải các chất độc, kể cả rượu, ra khỏi cơ thể. Lạm dụng rượu trong một thời gian dài gây thương tổn gan ở ba mức độ. Mức độ đầu tiên, việc phân hóa chất ethanol làm chậm khả năng tiêu hóa mỡ, làm mỡ tích tụ lại trong gan. Tình trạng này gọi là gan nhiễm mỡ. Theo thời gian, bệnh này trở thành viêm gan mãn tính. Không những có thể trực tiếp gây viêm gan, hình như rượu cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể để chống viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. * Nếu không điều trị kịp thời, bệnh viêm gan làm vỡ và hủy các tế bào. Hơn nữa, rượu dường như kích thích một tiến trình tự nhiên trong cơ thể gọi là apoptosis—khiến các tế bào chết sớm hơn thời hạn bình thường.

Mức độ cuối cùng là xơ gan. Vòng luẩn quẩn giữa tình trạng viêm gan mãn tính và các tế bào bị hủy hoại là tạo ra những mô sẹo vĩnh viễn. Cuối cùng, gan trở nên xơ cứng, không còn giữ được trạng thái xốp. Các mô sẹo cản trở máu lưu thông bình thường, dẫn đến việc gan không hoạt động được nữa và bị hư.

Ảnh hưởng của rượu trên gan còn có tác hại ngấm ngầm khác—gan không đủ khả năng đảm trách vai trò bảo vệ và chống lại những tác nhân gây ung thư. Ngoài việc làm cho bệnh ung thư gan dễ dàng phát triển, rượu còn gây nguy cơ rất lớn cho ung thư miệng, họng, thanh quản và thực quản. Ngoài ra, rượu làm những chất gây ung thư có trong thuốc lá dễ dàng thẩm thấu qua niêm mạc ở trong miệng, gia tăng nguy cơ bệnh ung thư cho những người hút thuốc. Phụ nữ uống rượu hàng ngày có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Theo một cuộc nghiên cứu, phụ nữ mỗi ngày uống ba ly rượu hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, cao hơn 69 phần trăm so với người không uống.

Thai nhi bị ngộ độc vì rượu

Việc uống rượu quá độ đặc biệt gây hậu quả bi thảm đối với thai nhi. Tờ International Herald Tribune cho biết: “Rượu gây tác hại cho sự phát triển của bào thai tệ hơn bất cứ sự lạm dụng loại thuốc nào khác”. Khi một phụ nữ mang thai uống rượu, đứa bé đang phát triển cũng “uống theo”, và tác hại của rượu đặc biệt kinh khủng trong giai đoạn hình thành của bào thai. Rượu gây những tổn hại vĩnh viễn cho hệ thần kinh trung ương của bào thai. Các tế bào thần kinh không phát triển bình thường. Một số tế bào bị hủy hoại, một số khác lại phát triển không đúng nơi.

Hậu quả là bào thai mang hội chứng FAS (Fetal Alcohol Syndrome), tạm dịch là “hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi”, nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ sơ sinh. Những khó khăn của trẻ em bị FAS là trí thông minh kém, khả năng nói bị hạn chế, chậm phát triển, rối loạn hành vi, chậm lớn, hiếu động thái quá, rối loạn khả năng nghe nhìn. Gương mặt trẻ sơ sinh bị FAS đều có chung những nét bất bình thường.

Hơn nữa, con của các bà mẹ uống rượu khi mang thai, dù là điều độ, có thể mang một số tật bệnh, có vấn đề trong cách cư xử và gặp khó khăn trong học tập. Giáo sư Ann Streissguth, thuộc chuyên khoa về tác hại của rượu và thuốc đối với thai nhi, Đại Học Washington, cho biết: “Không nhất thiết là người say sưa, bạn mới làm hại con mình. Bạn chỉ cần uống rượu khi mang thai, thế là đủ hại rồi”. Một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe và Y Tế của Pháp (Rượu—Những tác hại cho sức khỏe) ghi nhận: “Việc uống rượu trong thời gian mang thai gây những tác hại ngấm ngầm. Không có lượng rượu tối thiểu nào được xác định là an toàn cho các bà mẹ”. Vì vậy, đường lối khôn ngoan nhất cho phụ nữ mang thai, hoặc dự định mang thai, là không uống một giọt rượu nào. *

Bao nhiêu là an toàn?

Những nguy cơ cho sức khỏe được đề cập ở trên vẫn chưa đầy đủ. Một bài của tạp chí Nature năm 2004 cho biết: “Một lượng rượu dù nhỏ cũng làm tăng nguy cơ gây tổn hại cơ thể và mắc khoảng 60 chứng bệnh”. Vậy thì uống bao nhiêu là an toàn? Ngày nay, hàng triệu người trên thế giới thỉnh thoảng có dịp chè chén nhưng ở mức độ an toàn. Bí quyết để giữ gìn sức khỏe là sự điều độ. Nhưng, thế nào là điều độ? Đa phần người ta cho rằng tửu lượng của họ là có chừng mực. Có thể họ lý luận rằng khi nào chưa say hoặc chưa nghiện thì không thành vấn đề. Tuy nhiên, ở Châu Âu, cứ 4 người nam uống rượu thì 1 người thuộc diện “uống rượu có nguy cơ bị hại”.

Theo nhiều nguồn tài liệu, uống điều độ là uống tương đương 20 gam chất cồn trong ngày, tức 2 ly đối với nam giới, và 10 gam hay 1 ly cho phụ nữ. Các cơ quan y tế có thẩm quyền của Pháp và Anh đề nghị “mức độ hợp lý ” là 3 ly trong ngày cho đàn ông và 2 ly cho phụ nữ. Viện Quốc Gia Hoa Kỳ về Nạn Lạm Dụng và Nghiện Rượu khuyến cáo thêm rằng: “Những người ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn nên hạn chế lượng rượu uống trong ngày là 1 ly”. * Tuy nhiên, cơ thể mỗi người phản ứng với rượu khác nhau. Trong vài trường hợp, ngay cả với giới hạn thấp như được đề nghị trên cũng có thể là quá cao. Chẳng hạn, một báo cáo gửi đến Quốc Hội Hoa Kỳ về rượu và sức khỏe (The 10th Special Report to the U.S. Congress on Alcohol and Health) ghi nhận: “Đối với người rối loạn tâm thần và lo lắng thái quá thì một lượng rượu được xem là điều độ cũng có thể gây hại”. Tuổi tác, tiền sử bệnh lý và thể trạng là những yếu tố cần xem xét.—Xem khung “Hạn chế mối nguy cơ ”.

Điều gì có thể giúp cho những người lạm dụng rượu? Bài tiếp theo sẽ giải đáp thắc mắc này.

[Chú thích]

^ đ. 11 Theo một nghiên cứu ở Pháp, bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C (VGSV-C) mà uống nhiều rượu thì có nguy cơ mắc bệnh xơ gan cao gấp hai lần so với bệnh nhân bị VGSV-C nhưng uống rượu điều độ. Có lời khuyên cho các bệnh nhân bị VGSV-C là chỉ nên uống một ít rượu, hoặc không nhắp một giọt nào.

^ đ. 17 Phụ nữ cho con bú nên ý thức rằng sau khi họ uống, rượu tích tụ trong sữa mẹ. Thực tế, lượng rượu trong sữa mẹ thường cao hơn trong máu, vì sữa chứa nhiều nước hơn máu nên hấp thu nhiều rượu hơn.

^ đ. 20 Vì lượng chất cồn chứa trong một “ly” khác nhau tùy từng địa phương, nên cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi uống.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

LÀM MỘT LY TRƯỚC KHI RA VỀ?

Gần như cùng lúc xe hơi được chế tạo, người ta đã đặt ra những hạn chế đối với việc lái xe sau khi uống rượu. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên đưa ra pháp chế này vào năm 1903.

Uống rượu khi đói thì nửa giờ sau chất cồn trong máu lên đến mức cao nhất. Ngược lại với quan điểm thông thường, uống cà phê, hít thở không khí trong lành, tập thể dục, đều không giúp bạn giã rượu. Điều duy nhất sẽ làm giảm ảnh hưởng của rượu trong cơ thể bạn là thời gian. Cũng đừng quên rằng “một ly là một ly”, nghĩa là nếu bạn uống rượu vang, bia, hay rượu mạnh theo tiêu chuẩn một “ly” của loại rượu đó, thì chất cồn chứa trong các thức uống ấy đều như nhau. *

Một lượng rượu, dù nhỏ, có thể làm giảm khả năng lái xe. Rượu ảnh hưởng đến thị giác. Những bảng chỉ đường có vẻ nhỏ hơn. Thị lực ngoại vi, khả năng ước tính khoảng cách và khả năng tập trung vào những vật ở xa bị giảm sút. Khả năng xử lý những thông tin, phản xạ và phối hợp các cử động cũng giảm hẳn.

Nếu bạn gặp tai nạn sau khi uống rượu, rất có thể các tổn thương sẽ trở nên trầm trọng hơn so với tình trạng bạn không uống rượu. Ngoài ra, nếu phải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp, bạn sẽ ít có cơ may sống sót vì ảnh hưởng của rượu đối với tim và hệ tuần hoàn. Báo cáo của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Y Tế và Sức Khỏe của Pháp ghi nhận: “Ngược lại với những gì người ta thường nghĩ, đa số trường hợp tử vong có liên quan đến rượu là của chính những người lái xe khi say”. Xét về tình trạng nguy hiểm này, bản báo cáo đưa ra những lời khuyên như sau:

▪ Đừng uống rượu và lái xe.

▪ Đừng ngồi chung xe với người có hơi men.

▪ Đừng để bạn bè hay cha mẹ lái xe sau khi họ uống rượu.

[Chú thích]

^ đ. 29 Nói chung, mỗi giờ cơ thể chỉ chuyển hóa được khoảng bảy gam cồn. Lượng cồn trong một “ly” thay đổi tùy theo từng quốc gia. Tổ Chức Y Tế Thế Giới định nghĩa một “ly” chứa 10 gam chất cồn. Lượng này tương đương 250 ml bia, 100 ml rượu vang, hay 30 ml rượu mạnh.

[Các hình]

Những “ly” này chứa một lượng cồn bằng nhau

Một chai bia thường (330 ml với 5% độ cồn)

Một ly rượu mạnh (whiskey, gin, vodka) (40 ml với 40% độ cồn)

Một ly rượu vang (140 ml với 12% độ cồn)

Một ly nhỏ rượu mùi (70 ml với 25% độ cồn)

[Khung nơi trang 6]

NGHIỆN RƯỢU — BỞI GEN DI TRUYỀN ?

Trong nỗ lực tìm phương pháp trị liệu cho chứng nghiện rượu, các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu vai trò của gen trong giai đoạn khởi đầu và phát triển của việc nghiện rượu. Họ phát hiện một số gen dường như ảnh hưởng đến phản ứng của một người đối với rượu. Tuy nhiên, gen di truyền không phải là nhân tố duy nhất làm cho một người thành nghiện rượu. Dù một số người có nguy cơ nghiện rượu bởi gen di truyền, nhưng điều này không nhất thiết sẽ xảy ra. Phải tính đến ảnh hưởng của môi trường. Các nhà khoa học liệt kê những yếu tố sau có thể là nguy cơ dẫn đến việc nghiện ngập: Thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ, trong gia đình hoặc bạn bè có người uống rượu quá độ, môi trường có nhiều xung đột, căng thẳng tâm lý, trầm cảm, hung hăng, thích tìm những cảm giác kích động, tửu lượng cao, hoặc nghiện một chất khác. Những nhân tố này và các nhân tố khác có thể dẫn đến việc nghiện rượu.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

PHÁP:

Các cuộc nghiên cứu ước lượng số người uống rượu quá độ là khoảng năm triệu, trong đó số người nghiện là từ hai đến ba triệu

NIGERIA:

Theo nhật báo Daily Champion tại Lagos, “hơn 15 triệu người Nigeria nghiện rượu”— gần 12 phần trăm dân số

BỒ ĐÀO NHA:

Nước này là một trong những nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới về mức lượng cồn trên mỗi đầu người. Nhật báo Público tại Lisbon cho biết, 10 phần trăm dân số bị “tàn tật nặng vì rượu”

HOA KỲ:

Theo báo cáo gửi đến Quốc Hội Hoa Kỳ về rượu và sức khỏe (The 10th Special Report to the U.S. Congress on Alcohol and Health), “khoảng chừng 14 triệu người Mỹ—7,4 phần trăm dân số — được chẩn đoán là có triệu chứng uống rượu quá độ hoặc nghiện rượu”

[Khung nơi trang 8]

HẠN CHẾ MỐI NGUY CƠ

Sau đây là định nghĩa của một ban chuyên ngành thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (Department of Mental Health and Substance Dependence of the World Health Organization) về “nguy cơ thấp”. “Nguy cơ thấp” không có nghĩa là không có nguy cơ. Phản ứng của mỗi người đối với rượu khác nhau.

▪ Không uống quá hai ly trong ngày *

▪ Trong tuần, ít nhất có hai ngày tuyệt đối không uống rượu

Trong những trường hợp sau, dù chỉ uống một hoặc hai ly cũng có thể là quá nhiều:

▪ Khi lái xe hoặc đang vận hành máy móc

▪ Khi mang thai hoặc cho con bú

▪ Khi đang dùng một loại thuốc nào đó

▪ Khi đang mắc một chứng bệnh nào đó

▪ Nếu bạn thiếu tự chủ

[Chú thích]

^ đ. 58 Một ly tương đương 10 gam chất cồn.

[Nguồn tư liệu]

Nguồn: Brief Intervention for Hazardous and Harmful Drinking

[Khung/​Hình nơi trang 9]

RƯỢU—TỐT CHO TIM?

Các nhà khoa học tin rằng những chất hóa học trong rượu vang đỏ (polyphenol) có khả năng kiềm chế một chất hóa học gây co thắt mạch máu.

Ngoài ra, các loại rượu nói chung đều liên quan đến việc làm tăng cholesterol tốt, một chất béo có ích trong máu. Rượu cũng làm giảm những chất có thể gây cho máu bị đóng cục.

Dường như rượu chỉ mang lại lợi ích khi một lượng nhỏ được uống nhiều ngày trong tuần hơn là cùng lượng rượu ấy được uống một lần trong một buổi tiệc. Uống quá hai ly một ngày làm tăng huyết áp, uống quá chén tăng nguy cơ đột quỵ và có thể gây sưng tim cũng như làm rối loạn nhịp tim. Uống rượu quá độ gây ra những vấn đề kể trên và những nguy cơ khác có hại cho sức khỏe, vô hiệu hóa ảnh hưởng tốt của rượu trên hệ tim mạch. Dù rượu rất tốt, nhưng lạm dụng sẽ rất tai hại.

[Biểu đồ/​Hình nơi trang 7]

TÁC HẠI CỦA RƯỢU

Trí não

Hủy tế bào, mất trí nhớ, trầm cảm, có hành vi hung hăng

Suy yếu: thị lực, khả năng nói, khả năng phối hợp các cử động

Ung thư: cổ họng, miệng, vú, gan

Tim

Suy yếu cơ, khả năng bị suy tim

Gan

Nhiễm mỡ, sưng gan, xơ gan

Những nguy cơ khác

Hệ miễn dịch kém, ung loét, sưng tuyến tụy

Phụ nữ mang thai

Nguy cơ sinh con dị dạng hoặc chậm phát triển

[Hình nơi trang 8]

“Rượu gây tác hại cho sự phát triển của bào thai tệ hơn bất cứ sự lạm dụng loại thuốc nào khác”