Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thoát khỏi xiềng xích của rượu

Thoát khỏi xiềng xích của rượu

Thoát khỏi xiềng xích của rượu

“Cha tôi là người nghiện rượu, và tôi theo bước ông. Lên 12 tuổi, tôi đã uống rượu. Đến khi kết hôn, tôi say sưa mỗi ngày. Tôi trở nên hung bạo; gia đình thường yêu cầu nhân viên công lực đến can thiệp. Sức khỏe tôi sa sút. Rượu gây xuất huyết bao tử và lần đó tôi suýt chết. Sau đó tôi mắc bệnh xơ gan và thiếu máu. Để bỏ rượu, tôi tham gia nhóm tự cai nghiện nhưng không thành công. Tôi cảm thấy mình như sa vào một mạng nhện và không thể nào thoát ra”.—VÍCTOR, * ARGENTINA.

NHIỀU LẦN, những câu chuyện tương tự đã được người từng sa vào bẫy của rượu kể lại. Như Víctor, họ cảm thấy như bị vướng trong bẫy và không có lối thoát. Có thể vượt qua hoặc thậm chí tránh những vấn đề do rượu gây ra không? Nếu được, thì bằng cách nào?

Nhận ra vấn đề

Trước tiên, điều quan trọng là người nghiện rượu và những ai thân thiết với người đó nhận ra vấn đề. Nghiện rượu chỉ là phần nhỏ của một vấn đề lớn hơn. Từ việc uống rượu điều độ hoặc có chừng mực trước đó, nó đã trở nên tồi tệ theo thời gian. Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các tai nạn giao thông, bạo hành, những vấn đề xã hội bởi ảnh hưởng của rượu, lại không do những người được xem là nghiện rượu gây ra. Hãy lưu ý đến ghi nhận của Tổ Chức Y Tế Thế Giới: “Cách tốt nhất để giảm toàn bộ những vấn đề trong xã hội có liên quan đến rượu là chúng ta tập trung mọi nỗ lực vào việc giảm lượng rượu của đối tượng thuộc nhóm điều độ hơn là thuộc nhóm người nghiện”. (Chúng tôi viết nghiêng). Lượng rượu bạn uống có vượt quá giới hạn đề nghị của các cơ quan y tế có thẩm quyền không? Bạn có uống rượu trong hoàn cảnh đòi hỏi phải tập trung cao độ và phản ứng nhanh hay không? Thói quen uống rượu của bạn có gây vấn đề trong gia đình hoặc nơi sở làm không? Khi nhận biết lượng rượu một người uống có khả năng gây nguy hiểm thì việc giảm lượng đó đi là “cách tốt nhất” để ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng sau này. Một người khi đã nghiện rồi thì việc thay đổi sẽ khó hơn nhiều.

Phản ứng thông thường của những người nghiện rượu là họ phủ nhận sự thật. Họ nói: “Tôi uống bình thường như mọi người thôi”, hoặc “Bất cứ khi nào tôi muốn, tôi sẽ ngưng”. Konstantin, ở Nga, nói: “Dù rượu suýt giết tôi nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là mình nghiện, vì vậy tôi không đi đến bước cai rượu”. Marek, ở Ba Lan, nhớ lại: “Tôi đã nhiều lần cố bỏ rượu nhưng không thật sự tự nhận là người nghiện. Tôi cho rằng những vấn đề do rượu gây ra là không quan trọng”.

Làm thế nào để có thể giúp một người nghiện rượu nhận ra vấn đề của mình và sau đó có những bước tích cực để vượt qua? Trước tiên, người đó phải thừa nhận rằng những khó khăn nảy sinh từ việc anh lạm dụng rượu, và việc cai nghiện sẽ cải thiện cuộc sống anh. Như được ghi trong một tạp chí y khoa (La Revue du Praticien—Médecine Générale), lý luận của anh cần thay đổi từ : “Tôi uống rượu vì bị vợ bỏ và vì mất việc”, sang “Tôi bị vợ bỏ và mất việc vì tôi uống rượu”.

Nếu muốn giúp một người nghiện rượu đạt được sự thay đổi này trong lối suy nghĩ, bạn có thể làm theo những đề nghị sau: Chăm chú lắng nghe, dùng những câu hỏi để người đó biểu lộ cảm nghĩ một cách thoải mái, bày tỏ thái độ đồng cảm để giúp người đó cảm thấy có người hiểu mình, đưa ra những lời khích lệ ngay cả khi người đó có tiến bộ một chút, tránh lên án hoặc tỏ thái độ có thể ngăn cản người nghiện diễn đạt cảm nghĩ cách cởi mở và tìm sự giúp đỡ. Có thể hữu ích khi cho người đó ghi lại hai bản liệt kê dựa trên các câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tiếp tục uống rượu?” và “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cai nghiện?”

Tìm sự giúp đỡ

Khi một người bắt đầu lạm dụng rượu, người đó không phải là vô giá trị hoặc vô phương cứu chữa. Một số người thậm chí thành công trong việc tự giải thoát mình. Tuy nhiên, những người nghiện rượu có thể cần sự giúp đỡ chuyên môn để cai rượu. * Việc điều trị ngoại trú thành công đối với một số người, nhưng khi những “hội chứng cai” trở nên dữ dội, có lẽ cần phải đưa người đó vào bệnh viện. Một khi “hội chứng cai” qua đi—từ ba đến năm ngày—bác sĩ chuyên môn có thể kê đơn thuốc để làm giảm cơn thèm rượu và tiếp tục cai rượu.

Song, những chương trình cai nghiện không đảm bảo là sẽ thành công. Thuốc men chỉ có tác dụng tạm thời, không là một giải pháp. Alain, ở Pháp, đã trải qua vài lần điều trị cai nghiện. Anh nói: “Ngay sau khi xuất viện, tôi bắt đầu uống rượu lại vì tôi vẫn giao tiếp với những bạn rượu cũ. Về cơ bản, tôi không có động lực chính đáng để ngưng uống rượu”.

Lấp đầy sự trống rỗng

Thật ra, nhiều người thất bại là vì thiếu rượu để lại một khoảng trống, điều đó có phần giống như người ta mất một người bạn thân. Vasiliy, ở Nga, nói: “Tôi luôn nghĩ đến việc uống rượu. Nếu một ngày trôi qua mà không có rượu, ngày đó thật vô nghĩa”. Đối với người nghiện, mọi hoạt động đều tùy thuộc vào việc thỏa mãn cơn thèm rượu. Jerzy, ở Ba Lan, nhớ lại: “Mục tiêu duy nhất trong đời sống tôi là uống rượu và kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu này”. Rõ ràng, điều thiết yếu cho người nghiện rượu đang hồi phục là tìm một mục tiêu mới trong đời sống nếu muốn tiếp tục cai nghiện.

Một tài liệu hướng dẫn của WHO với lời khuyên cho những người đang cố thay đổi thói quen uống rượu, nêu bật tầm quan trọng của những hoạt động có ý nghĩa nhằm tránh việc tái nghiện. Một đề nghị cụ thể được nêu là tham gia vào các hoạt động tôn giáo.

Bận rộn với những hoạt động tôn giáo có thể giúp một người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của rượu. Chẳng hạn, sau khi ở tù lần thứ ba vì những hành động sai quấy do rượu, Alain bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh nói: “Việc tìm hiểu Kinh Thánh cho tôi một mục tiêu trong đời sống và giúp tôi có khả năng chịu đựng cơn thèm rượu. Động lực của tôi không chỉ là ngưng uống rượu mà còn là muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va”.

Đối phó với việc tái nghiện

Các nhà tư vấn về việc lạm dụng rượu vạch rõ tầm quan trọng của việc nâng đỡ và khích lệ những người nghiện đang phục hồi. Nhiều người đã mất gia đình và bạn bè vì hoàn cảnh tồi tệ của họ. Sự cô lập có thể dẫn đến chứng trầm cảm và thậm chí tự tử. Tài liệu hướng dẫn kể trên đưa ra lời khuyên cho những ai giúp đỡ người nghiện như sau: “Cố gắng đừng chỉ trích người mà bạn đang giúp đỡ, ngay cả khi bạn bực mình và nản chí vì lối cư xử của người đó. Hãy nhớ rằng thay đổi thói quen không phải là điều dễ. Có tuần thành công, có tuần thất bại. Đối với người cố gắng uống rượu ở mức có ‘nguy cơ thấp’ hoặc tìm cách bỏ hẳn, thì những lời khích lệ, nâng đỡ và những sáng kiến của bạn là cần thiết”.

Hilario, một người nghiện rượu gần 30 năm kể lại: “Điều trợ lực tôi chính là tình yêu thương và sự chăm sóc của bạn bè trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở địa phương. Tôi đã nhiều lần tái phát cơn nghiện nhưng họ luôn kề cận bên tôi, khích lệ tôi và cho lời khuyên kịp thời dựa trên Kinh Thánh”.

Nếu bạn đang phấn đấu để thoát vòng kiềm tỏa của rượu, hãy nhớ rằng chuyện tái phát rất có khả năng xảy ra và bạn nên xem đó như một phần của tiến trình hồi phục. Đừng bỏ cuộc! Hãy phân tích nguyên nhân khiến cơn thèm rượu tái phát và dùng sự hiểu biết ấy để tránh vấp ngã trong tương lai. Hãy nhận ra những tình huống cụ thể khiến bạn thèm rượu. Có phải đó là sự buồn chán, trầm cảm, cô đơn, những cuộc cãi nhau, căng thẳng hoặc những dịp hay những nơi mà người khác uống rượu không? Vậy, hãy tránh xa những điều đó! Jerzy, người đã phải mất hai năm mới hoàn toàn cai được rượu, nói: “Tôi tập hiểu và nhận ra những xúc cảm có thể dẫn đến việc uống rượu. Giờ đây tôi tránh mọi tình huống kích thích ham muốn ấy. Tôi không đến gần những nơi người ta đang chè chén. Tôi không ăn bất cứ thứ gì có rượu, và thậm chí tránh dùng những sản phẩm chăm sóc da hay thuốc men chứa chất cồn. Tôi cũng không nhìn những quảng cáo về rượu”. Nhiều người nhận ra rằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời để Ngài ban “quyền-phép lớn” là thiết yếu trong việc khắc phục ham muốn mạnh mẽ thôi thúc họ uống rượu.—2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:6, 7.

Tự do!

Mặc dù đó có thể là một thử thách dai dẳng, thoát khỏi xiềng xích của rượu là điều có thể làm được. Tất cả những người đề cập trong bài đều đã thành công. Họ khỏe mạnh hơn và gặt hái nhiều lợi ích trong lĩnh vực gia đình và nghề nghiệp. Alain cho biết: “Bây giờ tôi có tự do để nói ‘không’ với rượu”. Konstantin nhận xét: “Biết về Đức Giê-hô-va đã cứu vãn gia đình tôi. Giờ đây tôi có mục tiêu trong đời sống. Hạnh phúc của tôi không tùy thuộc vào rượu”. Víctor bình luận: “Tôi có cảm giác mình là người tự do. Tôi đã phục hồi nhân phẩm và tư cách của mình”.

Một người có thể thay đổi dù người đó trong tình trạng uống rượu có nguy cơ bị hại, đang đau khổ về nhiều vấn đề vì uống rượu quá độ, hoặc nghiện rượu. Nếu thói quen uống rượu là mối đe dọa cho sức khỏe và hạnh phúc của bạn, hãy thực hiện ngay những thay đổi cần thiết. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chính bạn và những người yêu mến bạn.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã được đổi.

^ đ. 10 Nhiều trung tâm cai nghiện, bệnh viện và các chương trình giúp người nghiện hồi phục có thể hỗ trợ. Nhân Chứng Giê-hô-va không khuyến khích cách chữa trị đặc biệt nào. Hãy thận trọng để không dính líu đến các thực hành trái với những nguyên tắc Kinh Thánh. Tuy nhiên, cuối cùng mỗi người phải tự quyết định lối chữa trị nào mình cần.

[Hình nơi trang 10]

Nhận ra vấn đề là bước đầu tiên

[Hình nơi trang 11]

Nhiều người cần sự giúp đỡ chuyên môn để bỏ rượu

[Hình nơi trang 12]

Cầu nguyện có thể giúp ích

[Hình nơi trang 12]

Bạn có thể có đủ nghị lực để nói “không” với rượu!