Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Viếng thăm “ngọn núi phun lửa”

Viếng thăm “ngọn núi phun lửa”

Viếng thăm “ngọn núi phun lửa”

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở Ý

DÙ BẠN ở thôn quê, trên bờ biển, hoặc trong thành phố, ít có nơi nào trên thế giới mà bạn có thể thấy quang cảnh núi lửa tuyệt đẹp như núi lửa này. Nếu thành phố đó là Catania thì bạn đang nhìn Núi Etna cao hơn 3.300 mét, núi lửa cao nhất còn hoạt động ở Châu Âu, nằm khoảng nửa đường xuống bờ biển phía đông của đảo Sicily.

Được chú ý từ lâu

Người Ả-rập cai trị Sicily trong một thời gian dài đã đặt tên cho núi là Ngọn Núi Phun Lửa. Chắc chắn Etna thích hợp với tên này vì từ độ sâu trong lòng núi, nó đều đặn phun ra dung nham cực kỳ nóng. Hai tài liệu xưa nhất còn tồn tại làm chứng về hoạt động của Etna là do Pindar và Aeschylus viết. Cả hai đều miêu tả về sự phun lửa xảy ra vào năm 475 TCN. Dung nham đã nhiều lần biểu diễn thật ngoạn mục khi nó trườn xuống dốc núi như một con rắn lửa trước khi lao vào biển cả. Điều này xảy ra vào năm 396 TCN, năm 1329 CN, và năm 1669 CN. Lần chót được xem là lần nổi tiếng nhất trong số những lần phun lửa thời “hiện đại”. Trong lần đó, dải dung nham có chiều ngang 2 kilômét, chiều dài 25 kilômét tràn ngập các bức tường của thành phố Catania, quét sạch nhà cửa của 27.000 cư dân và lấp một phần cảng của thành phố.

Nói chung hoạt động của núi lửa gia tăng vào thế kỷ 20, vì trong thời gian này có nhiều trận phun lửa. Trận phun lửa dữ dội nhất xảy ra năm 1928, đã hủy diệt làng Mascali. Trong những năm gần đây, dung nham và tro tiếp tục trào ra gây vấn đề và nỗi lo sợ cho dân địa phương.

Tiểu sử của “Bà Mẹ Khổng Lồ”

Người ta cho rằng cấu trúc chính để hình thành núi Etna đã bắt đầu ít nhất 170.000 năm trước bởi sự trào ra của đá macma, hoặc đá nhão trong lòng đất. Khoảng 250 núi lửa nhỏ hình chóp nón nằm trên sườn núi lửa chính là sản phẩm của các giai đoạn phun lửa khác nhau. Chúng trông giống những em bé quây quần bên mẹ, và vì thế Etna mang biệt danh Bà Mẹ Khổng Lồ.

Nếu lái xe hoặc đi xe lửa chung quanh Etna, bạn sẽ thấy nhiều cảnh tuyệt đẹp. Những phong cảnh này gồm Monti Rossi (Những Ngọn Đồi Đỏ) gần Nicolosi, Các Miệng Núi Lửa Silvestri, và bạn có thể thấy chỗ sụt xuống rộng lớn của Valle del Bove (Thung Lũng Con Bò Đực) từ Giarre và Zafferana.

Lịch sử địa chất của núi lửa, dù chúng ta không hiểu hết, có từ thời xa xưa. Đá macma trào ra trong môi trường nước biển và duyên hải hình thành bờ biển của đảo Sicily đến phía bắc của Catania. Một phần của bờ biển đó mang tên Riviera dei Ciclopi, hay bờ biển Cyclopes, có đặc tính là những vách đá dung nham đen thẳng đứng. Ngay trước vách đá ở Aci Trezza là những tảng đá có hình dạng kỳ dị mang tên Faraglioni, ngoi lên từ biển.

Một sự gắn bó khác thường

Bạn có thể thắc mắc chẳng biết người dân sống ở chân núi lửa này có lo ngại về việc nó sẽ thình lình phun lửa không. Khi Etna yên lặng, cư dân địa phương thậm chí không nhớ đến sự tồn tại của núi lửa này nữa. Trong tác phẩm Journey to Sicily viết vào thế kỷ 19, nhà văn Pháp Guy de Maupassant nói: “Con quái vật bất động. Nó đang ngủ ở đàng xa kia”. Nếu cột khói xuất hiện, cư dân Etna có lẽ sẽ chỉ nhìn thoáng qua ngọn núi thôi. Tuy nhiên, nếu nửa đêm họ nghe tiếng nổ ầm vang dội, thấy bao lơn và đường phố phủ đầy tro, hoặc cảm nhận được tro bám vào mắt, mũi thì sự việc lại khác. Lúc đó, họ khôn ngoan tỏ ra kính nể Etna—đặc biệt khi thấy dung nham như con rắn lửa chầm chậm nhưng không ngừng trườn xuống núi, thiêu nuốt mọi vật trên đường đi.

Bất kể chuyện này, dân địa phương xem Etna là “người khổng lồ thân thiện”. Xét cho cùng, dù gây nhiều thiệt hại—hủy phá các khu vực trong thành phố, mùa màng và gần đây, nhiều tiện nghi du lịch—Etna có rất ít nạn nhân. Sau khi núi lửa tàn phá, quét sạch mọi thành quả lao động của con người, dân địa phương ngoan cường lại làm việc và một lần nữa bắt đầu xây dựng cuộc sống.

Nhà thơ Ý Giacomo Leopardi miêu tả thích đáng sự gắn bó mà người dân sống ở chân núi lửa đối với đất đai. Ông liên kết những người này với cây đậu chổi, loại cây bụi thường mọc ở khu vực núi lửa. Nó nở hoa màu vàng rất đẹp và rực rỡ. Loài cây này vẫn kiêu hãnh đứng thẳng cho đến khi dòng dung nham nuốt chửng chúng. Sau khi trận phun lửa đã qua và đá đã nguội, cây bụi lại mọc lên, mạnh mẽ và dũng cảm, như thể nó kiên quyết bắt đầu lại chu trình sinh trưởng!

Etna đang thay đổi

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu núi lửa, “người khổng lồ thân thiện” này dường như đang thay đổi. Trong thời gian qua, Etna không có đặc tính phun lửa, nhưng giờ đây, tạp chí Focus cho biết: “Việc chúng ta xem Etna là núi lửa còn hoạt động nhưng không nguy hiểm nay càng có nhiều mối nghi ngờ cần được xem xét”. Theo lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu người Pháp và Ý thì Etna “đang dần dà thay đổi, từ một núi lửa phun trào có dung nham chảy chậm và bốc khí ít, sang một núi lửa dễ bùng nổ”. Vì vậy, nhà nghiên cứu Paola Del Carlo thuộc Italian National Geophysical and Volcanology Institute of Catania (Viện Địa-Vật Lý và Núi Lửa Quốc Gia của Catania, Ý) cho biết: “Trong 30 năm qua, hoạt động phun lửa và bùng nổ [của núi lửa] đã gia tăng nhiều, và thật khó để báo trước chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”.

Một quang cảnh lạ thường

Dù gây sợ hãi và đáng kính nể, Etna cống hiến một quang cảnh lạ thường. Khi phủ đầy tuyết vào mùa đông hoặc khoác chiếc áo nâu sẫm vào hè, khi lặng lẽ vươn cao trên bờ biển, làm rúng động mặt đất và lòng người, hay khi thắp sáng bóng đêm bằng ngọn lửa, núi lửa minh chứng cho quyền năng của Đấng tạo ra nó. (Thi-thiên 65:6; 95:3, 4) Nếu bạn có dịp đến thăm đảo Sicily xinh đẹp, xin đừng quên đến tham quan Etna. Từ xa, bạn sẽ thấy đặc tính của nó là cột khói. Người dân địa phương sẽ nhanh chóng trấn an bạn: “Nếu nghe tiếng ầm ầm, đừng lo. Đó chỉ là cách Etna gửi lời chào”.

[Bản đồ nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Ý

SICILY

Núi Etna

[Hình nơi trang 22]

Tranh vẽ Núi Etna từ năm 1843

[Nguồn tư liệu]

Culver Pictures

[Hình nơi trang 23]

Ngày 26 -7- 2001

[Hình nơi trang 23]

Ngày 28 -7-2001, Catania ở hậu cảnh

[Hình nơi trang 23]

Ngày 30 -10 -2002

[Hình nơi trang 23]

Ngày 12 -9 -2004

[Hình nơi trang 24]

Tảng đá có hình dạng kỳ dị mang tên Faraglioni

[Hình nơi trang 25]

Dân địa phương xem Núi Etna là “người khổng lồ thân thiện”

[Nguồn hình ảnh nơi trang 23]

Các hình: © Tom Pfieffer; bản đồ: Mountain High Maps® Bản quyền © 1997 Digital Wisdom, Inc.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 24]

Hậu cảnh: © WOLFGANG KAEHLER 2005, www.wkaehlerphoto.com; Faraglioni: Dennis Thompson/Unicorn Stock Photos