Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời có hậu đãi dân tộc nào không?

Đức Chúa Trời có hậu đãi dân tộc nào không?

Quan điểm của Kinh Thánh

Đức Chúa Trời có hậu đãi dân tộc nào không?

NHIỀU người cho rằng Đức Chúa Trời hậu đãi dân tộc mình hơn các dân khác. Tuy nhiên, nếu phải đưa ra bằng chứng, họ sẽ nói sao? Một số người có thể nêu lên những thành tựu lịch sử của dân tộc họ—chẳng hạn những chiến công vẻ vang hoặc một nền kinh tế phát triển. Họ có thể kể đến hiệu quả của các chương trình cứu đói giảm nghèo, bảo vệ những người trong cảnh khó khăn, hoặc phát huy công lý và xét xử công bằng. Những người khác thì cho rằng Đức Chúa Trời hậu đãi đất nước họ qua cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Niềm tự hào dân tộc ấy có thể thấy trong mọi xứ. Nhưng, Kinh Thánh có ủng hộ ý niệm Đức Chúa Trời hậu đãi một dân tộc nào không?

Một đức tính quan trọng của Đức Chúa Trời

Vấn đề sẽ sáng tỏ nếu chúng ta hiểu một đức tính quan trọng của Đức Chúa Trời Toàn Năng mà Kinh Thánh miêu tả cách rõ ràng. Đức Chúa Trời không thiên vị. Chẳng hạn, Công-vụ 10:34 nói dứt khoát: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai”. Kinh Thánh cũng cho biết Đức Giê-hô-va “không thiên-vị ai” và “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, chẳng trái phép công-bình, chẳng thiên-vị người”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17; 2 Sử-ký 19:7) Đức Chúa Trời ghét sự thiên vị; Ngài thậm chí xem thiên vị tương đương với bất công.

Nhưng bạn có thể thắc mắc: ‘Chẳng phải Đức Chúa Trời đã hậu đãi dân Y-sơ-ra-ên xưa hơn các dân khác hay sao? Đó không là bằng chứng của sự thiên vị ư?’ Quả thật, vào thời Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã chọn dân Y-sơ-ra-ên và bảo vệ họ trong một số cuộc xung đột với các dân khác. Ngoài ra, Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời: “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên. Ngài chẳng hề làm như vậy cho dân nào khác”. (Thi-thiên 147:19, 20) Nhưng, cách đối xử của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên có cho thấy Ngài thiên vị không? Hoàn toàn không. Hãy xem xét ba lý do.

Thứ nhất, Đức Chúa Trời chọn dân Y-sơ-ra-ên nhằm mang lại lợi ích cho muôn dân. Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham, tổ phụ của dân ấy, khi nói rằng: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”. (Sáng-thế Ký 22:17, 18) Thật vậy, qua cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, ý định của Đức Chúa Trời là để dân này cung cấp một “dòng-dõi” mang lại ân phước lớn, không những cho một dân tộc mà còn cho “các dân thế-gian”.

Thứ nhì, ân phước của Đức Chúa Trời không chỉ hạn chế trong dân Y-sơ-ra-ên. Về việc thờ phượng, Ngài đã không thiên vị mà mở đường cho những người thuộc các dân khác đến kết hợp với dân được chọn của Ngài. (2 Sử-ký 6:32, 33) Nhiều người đã nhận lời mời ấy và được ban phước. Ru-tơ, một phụ nữ người Mô-áp, là thí dụ điển hình về việc này.—Ru-tơ 1:3, 16.

Thứ ba, mối quan hệ đặc biệt của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên trên đất chỉ là tạm thời. Năm 29 CN, dân Y-sơ-ra-ên cung cấp “dòng-dõi” đã hứa là Đấng Mê-si, Chúa Giê-su Christ. (Ga-la-ti 3:16) Tuy vậy, những người đồng hương của Chúa Giê-su đã từ chối ngài là Đấng Mê-si. Thế nên, ngài đã bảo họ: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38) Sau đó, Đức Chúa Trời không can thiệp vào việc của các nước thế gian và các cuộc xung đột giữa họ nữa. Thay vì thế, mọi người có cơ hội nhận được ân phước của Ngài. Hãy xem xét vài trường hợp.

Các món quà Đức Chúa Trời ban cho mọi người

Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ là món quà lớn nhất Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. (Rô-ma 6:23) Sự hy sinh đó là biện pháp để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, cho mỗi chúng ta cơ hội hưởng sự sống vĩnh cửu. Món quà này được ban cho những người “thuộc về mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước”. (Khải-huyền 5:9) Thật vậy, Đức Chúa Trời muốn “ai thực hành đức tin” nơi Chúa Giê-su nhận được “sự sống đời đời”.—Giăng 3:16, NW.

Tin mừng về Nước Trời mang lại nhiều ân phước cho những người biết lắng nghe. (Khải-huyền 14:6, 7) Tin mừng ấy đem lại hy vọng cho tương lai và cung cấp những lời khuyên khôn ngoan có thể dẫn đến một đời sống hạnh phúc ngay từ bây giờ. Đức Giê-hô-va đã sắp đặt hầu cho “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Công-vụ 16:10) Tin mừng ấy được ghi trong Kinh Thánh, một cuốn sách có thể tìm thấy—ít nhất cũng là một phần—trong hơn 2.300 ngôn ngữ. Là người Cha đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va lo liệu sao cho hầu hết mọi người trên đất nghe được “những lời của sự sống đời đời”.—Giăng 6:68; Giô-suê 1:8.

Đức Chúa Trời cho mọi người có cơ hội nhận được những món quà này và nhiều món quà khác—đúng vậy, cho những người thuộc các dân, các chủng tộc và ngôn ngữ. Thế nên, việc nhận ân huệ và ân phước của Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào quốc gia hoặc gốc dân của chúng ta.

Đức Chúa Trời ban ân huệ cho ai?

Vậy, chúng ta cần phải làm gì để nhận ân huệ của Đức Chúa Trời? Sứ đồ Phi-e-rơ cho lời giải đáp: “Trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Rõ ràng, yêu mến Đức Chúa Trời một cách thụ động là chưa đủ. Chúng ta cần vun trồng tình yêu thương chân thật với Đức Chúa Trời, sợ làm buồn lòng Ngài. Chúng ta cũng cần “làm sự công-bình”, tức tích cực làm điều tốt trước mặt Đức Chúa Trời.

Để minh họa: Trong nhiều xứ, nền giáo dục công lập được mở ra cho mọi người nhưng chỉ những ai đến lớp và học hành chăm chỉ thì mới được lợi ích. Tương tự thế, ai cũng có thể nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, nhưng điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nỗ lực. Những nỗ lực ấy bao gồm việc đều đặn đọc Kinh Thánh, biểu lộ đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ và sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh. Thật sự ‘tìm kiếm mặt Đức Giê-hô-va’, chúng ta sẽ bước trên con đường dẫn đến vị thế được Ngài chấp nhận.—Thi-thiên 105:3, 4; Châm-ngôn 2:2-9.

[Hình nơi trang 21]

Đức Chúa Trời lo liệu sao cho hầu hết mọi người thuộc các dân nghe được “những lời của sự sống đời đời”