Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao tránh những nguy hiểm trong phòng chat?

Làm sao tránh những nguy hiểm trong phòng chat?

Giới trẻ thắc mắc...

Làm sao tránh những nguy hiểm trong phòng chat?

“Tôi thường lên mạng tán gẫu ba, bốn tiếng một ngày. Có khi tôi ngồi suốt sáu, bảy giờ liền”.—Giang. *

CŨNG như những nơi đông người lạ khác, phòng chat là nơi nguy hiểm cần cảnh giác. Thí dụ khi đến thăm một thành phố lớn, hẳn bạn sẽ cố gắng giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể gặp phải bằng cách xác định và tránh những khu vực nguy hiểm.

Với phòng chat cũng vậy. Số Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2006 đã bàn đến hai mối nguy hiểm thường thấy ở nhiều phòng chat. Thứ nhất là khả năng gặp phải những kẻ lạm dụng tình dục, và thứ hai là bị cám dỗ trở thành kẻ giả hình. Ngoài ra, còn có những mối nguy hiểm khác đáng xem xét. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xem phòng chat được tổ chức như thế nào?

Được lập ra có mục đích

Phòng chat thường được lập ra theo chủ đề nhằm thu hút một nhóm người nào đó. Chẳng hạn, có phòng chat dành cho những người thích cùng một môn thể thao hay có chung một sở thích. Cũng có phòng chat được lập lên để mọi người trao đổi ý kiến về một chương trình truyền hình, hay để dành riêng cho những người theo một tôn giáo nào đó.

Nếu là Nhân Chứng Giê-hô-va, có lẽ trí tò mò sẽ thúc đẩy bạn vào một phòng chat được cho là nơi để các Nhân Chứng trẻ khắp thế giới tìm bạn mới. Kết bạn với những người trẻ đồng đức tin là điều tốt. Tuy nhiên, các phòng chat đó tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho tín đồ Đấng Christ. Những mối nguy hiểm nào?

Hủy hoại đạo đức

Một bạn trẻ tên Thông tâm sự: “Tôi đang tán gẫu với một nhóm trên mạng và tưởng rằng tất cả đều là Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng rồi có một số người bắt đầu chỉ trích niềm tin của chúng ta. Không cần phải mất nhiều thời gian để nhận ra rằng họ chính là những người bội đạo”. Những người đó cố tình tìm cách hủy hoại phẩm chất đạo đức của những người mà họ gọi là anh em đồng đạo.

Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, đã cảnh báo rằng một số người theo ngài sẽ quay ra tấn công chính anh em họ. (Ma-thi-ơ 24:48-51; Công-vụ 20:29, 30) Sứ đồ Phao-lô gọi những kẻ như thế vào thời ông là anh em giả, và cho biết những kẻ ấy đã “lẻn vào” hội thánh nhằm làm hại anh em. (Ga-la-ti 2:4) Giu-đe, một người viết Kinh Thánh, cũng nói những người ấy “lẻn vào” để “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác”. (Giu-đe 4) Và ông mô tả họ như “đá ngầm”.—Giu-đe 12, Ghi-đê-ôn, chú thích bên dưới.

Hãy lưu ý là cả Phao-lô và Giu-đe đều chỉ ra thủ đoạn ngấm ngầm mà những người bội đạo thường sử dụng. Cả hai đều nhận thấy những kẻ bội đạo “lẻn vào” hội thánh với mục đích làm tha hóa các tín đồ khác về phương diện đạo đức. Ngày nay, phòng chat là công cụ lý tưởng để những kẻ thể ấy che đậy âm mưu xảo quyệt của họ. Giống như đá ngầm, những tín đồ giả này che đậy ý đồ thật bằng cách giả vờ quan tâm đến các Nhân Chứng trẻ, nhưng thật ra mục tiêu của họ là làm chìm đắm đức tin của những ai thiếu cảnh giác.—1 Ti-mô-thê 1:19, 20.

Tạp chí này, cũng như các sách báo khác của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm đặc biệt này. * Vì vậy, bất kỳ ai bạn gặp trong phòng chat được xem là dành riêng cho Nhân Chứng Giê-hô-va, dù không phải là người bội đạo, thì cũng là người xem thường lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Bạn có thật sự muốn kết bạn với những người như thế không?—Châm-ngôn 3:5, 6; 15:5.

Cách xa người thân

Khi tán gẫu, một khía cạnh khác bạn cần xem xét là thời lượng. Giang, được nói đến ở đầu bài, cho biết: “Đôi khi tôi ham chat đến độ bỏ cả bữa ăn”.

Có thể bạn không mê chat đến độ đó. Dù vậy, khi lên mạng tán gẫu, bạn cũng bị mất bớt thì giờ dành cho những sinh hoạt khác. Có thể điều đó chưa ảnh hưởng ngay đến bài vở và việc nhà của bạn, nhưng ảnh hưởng trước tiên đến thời gian trò chuyện với gia đình. Adrian, sống ở Tây Ban Nha, tâm sự: “Ăn xong là em chuồn ngay để lên mạng chat. Em mê chat đến mức hầu như không còn nói chuyện với gia đình nữa”.

Nếu dành hết thời gian quý báu để tán gẫu, bạn có thể cũng đang dần dần cách xa những người thân thiết nhất của mình. Kinh Thánh cảnh báo về điều này như sau: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”. (Châm-ngôn 18:1) Những người lạ mà bạn gặp trong các phòng chat khó có thể khuyến khích bạn sống theo sự khôn ngoan thực tế của Kinh Thánh. Có chăng là họ khuyến khích bạn theo đuổi những quyền lợi ích kỷ và cám dỗ bạn gạt qua những tiêu chuẩn đạo đức của tín đồ Đấng Christ.

Đúng là việc tán gẫu hấp dẫn ở chỗ nói chuyện trên mạng thường dễ dàng hơn nói chuyện với người thân. Những người chat với bạn có vẻ sẵn sàng lắng nghe hơn và cũng bày tỏ cảm nghĩ cách cởi mở hơn. Còn những người thân trong gia đình dường như lúc nào cũng bận rộn, không để tâm gì đến những mối bận tâm của bạn, và có vẻ dè dặt khi nói ra cảm nghĩ của họ.

Tuy nhiên, hãy tự hỏi: ‘Những người chat với mình có biết mình thật sự là ai không? Họ có thật lòng quan tâm đến lợi ích lâu dài của mình không?’ Những người thân trong gia đình hẳn quan tâm hơn nhiều đến tình cảm và thiêng liêng của bạn. Nếu là những người sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, cha mẹ bạn chắc chắn rất muốn trò chuyện với bạn. (Ê-phê-sô 6:4) Nếu lễ phép bày tỏ suy nghĩ và cảm tưởng của mình, bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên khi thấy họ tỏ ra ân cần hơn bạn tưởng nhiều.—Lu-ca 11:11-13.

Làm sao tránh các mối nguy hiểm?

Cũng có lúc bạn có lý do chính đáng cần lên mạng chat, như để làm bài tập ở trường chẳng hạn. * Những lúc ấy, tuân thủ các bước cảnh giác sau có thể giúp bạn tránh những cạm bẫy của phòng chat.

Thứ nhất, tránh đặt máy vi tính nối mạng trong phòng riêng. Làm thế chẳng khác nào một mình lang thang vào các ngõ tối của một thành phố lạ, và tự rước rắc rối vào thân. Thay vì thế, hãy đặt máy vi tính ở một phòng sinh hoạt chung để người khác có thể dễ dàng giám sát.

Thứ hai, để cha mẹ hiểu bạn hơn, hãy cho họ biết những địa chỉ trên mạng mà bạn cần vào, và lý do bạn cần vào một phòng chat nào đó. Đồng thời, giới hạn thời gian lên mạng và tuân thủ nghiêm nhặt thời hạn đó.

Thứ ba, cài đặt các chương trình vi tính giúp sàng lọc nội dung các thông tin được gửi đến cho bạn hầu bảo vệ bạn khỏi bị quấy nhiễu tình dục. Nếu nhận được những lời gạ gẫm về tình dục, hãy lập tức cho cha mẹ hoặc thầy cô biết. Ở một số nước, đó là phạm tội hình sự nếu một người trưởng thành biết bạn là trẻ vị thành niên, mà vẫn tìm cách gạ gẫm bằng cách gửi tài liệu khiêu dâm hoặc những lời mời mọc tình dục. Những trường hợp đó phải được báo cảnh sát.

Ngoài ra, đừng bao giờ cho những người bạn gặp trên mạng biết tên, địa chỉ, tên trường hay số điện thoại của bạn. Và cũng đừng bao giờ đồng ý hẹn gặp mặt những người chat với bạn!

Mặc dù đã được viết ra hàng ngàn năm trước, những lời khôn ngoan của Vua Sa-lô-môn vẫn thích hợp với những nguy hiểm nơi phòng chat: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.—Châm-ngôn 22:3.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số tên đã được đổi.

[Hình nơi trang 18]

Khôn ngoan là nên cho cha mẹ biết các địa chỉ trên mạng mà bạn phải vào