Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hôn nhân đứng vững trước bão tố chăng?

Hôn nhân đứng vững trước bão tố chăng?

Hôn nhân đứng vững trước bão tố chăng?

“Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!”—MA-THI-Ơ 19:6.

TRONG thời gian gần đây, khi những cơn bão hung hãn quét từ nơi này đến nơi khác, chất lượng và độ bền của nhiều tòa nhà đã trải qua thử thách khốc liệt. Nhiều ngôi nhà có vẻ kiên cố bị cuốn phăng khỏi nền, cấu trúc nhà sụp đổ hoàn toàn.

Tuy nhiên, có một loại bão khác đang hủy hoại nghiêm trọng nền tảng và cơ cấu của một sắp đặt lâu đời trong xã hội—sắp đặt hôn nhân. Nhà phả hệ học Stephanie Coontz nhận xét: “Dù kết quả tốt hay xấu, hôn nhân không còn chiếm vị trí trọng yếu trong đời sống cá nhân và đời sống xã hội nữa”.

Bạn có nhận thấy ảnh hưởng của xu hướng này không? Bạn có cảm thấy hôn nhân đang mất dần vị trí đáng kính trọng của nó trong xã hội không? Nếu có, vì sao điều này lại xảy ra? Có hy vọng gì để bảo vệ và gìn giữ hôn nhân hạnh phúc không? Trước hết, chúng ta hãy xem xét điều gì đang đe dọa hôn nhân.

Hôn nhân trước sự tấn công

Những yếu tố tấn công hôn nhân không có gì mới mẻ; chúng đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu của lịch sử nhân loại. Chính những tính cách và thái độ hình thành nơi tổ tiên đầu tiên của con người đã dẫn tới khủng hoảng ngày nay trong hôn nhân. A-đam và Ê-va đã phạm tội khi chiều theo ham muốn ích kỷ, và qua họ, “tội-lỗi vào trong thế-gian”. (Rô-ma 5:12) Lịch sử Kinh Thánh cho thấy chẳng bao lâu sau, “các ý-tưởng của lòng [con người] chỉ là xấu luôn”.—Sáng-thế Ký 6:5.

Từ đó đến nay, tình trạng của con người không có gì thay đổi. Một trong những yếu tố bào mòn hạnh phúc hôn nhân là khuynh hướng muốn tự do thỏa mãn những ham muốn ích kỷ. Dưới tác động của nền luân lý mới, hôn nhân dường như đã trở thành một sắp đặt lỗi thời, không thực tế trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, luật pháp ngày càng nới lỏng các quy định về ly dị, khiến người ta không còn xấu hổ về vấn đề này như trước đây nữa.

Vì thiếu kiên nhẫn, muốn nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề và thỏa mãn ngay ước muốn của mình, một số người chẳng quan tâm gì đến hậu quả của việc ly dị. Họ lầm tưởng rằng ly dị sẽ giúp họ được giải phóng và tìm lại hạnh phúc.

Số khác thì tìm đến bác sĩ tâm lý và các nhà tư vấn hôn nhân, hoặc tham khảo các sách báo của những người này để gỡ rối tơ lòng. Nhưng đáng buồn là một số “chuyên viên” tư vấn hôn nhân thời nay lại rành việc xúc tiến ly dị hơn là hàn gắn hôn nhân. Cuốn The Case for Marriage (Vụ án hôn nhân) viết: “Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người, hôn nhân—vốn được xem là chuẩn mực đáng kính trọng—liên tục bị tấn công áp đảo như thế. Đôi khi sự công kích lại trực tiếp đến từ nhận định chuyên môn của một số ‘chuyên gia’, cho rằng sự chung thủy gắn bó trọn đời là không thực tế hoặc gây nhiều áp lực”.

Quan niệm thay đổi

Quan niệm của người ta về bản chất và mục đích của hôn nhân cũng thay đổi. Có lẽ bạn để ý bây giờ người ta không còn chú trọng đến sự chung thủy và hỗ trợ nhau trong hôn nhân nữa, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân—và người phải trả giá thường là người hôn phối. Tạp chí Journal of Marriage and Family (Tạp chí hôn nhân gia đình) cho biết quan niệm ích kỷ này “đã bắt đầu vào thập niên 1960 và lan rộng trong những năm 1970”. Những lý do thường đưa người ta đến hôn nhân—như muốn có tình yêu, quan hệ mật thiết, sự chung thủy, con cái và mang lại hạnh phúc cho nhau—nay không còn là động lực chính nữa.

Một số xu hướng khác gần đây cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt hôn nhân ở nhiều nước. Thứ nhất là vai trò trụ cột truyền thống của người đàn ông và vai trò nội trợ của người phụ nữ đã thay đổi ở nhiều nơi. Phụ nữ ngày nay đã tham gia vào thị trường lao động, vì thế ngày càng nhiều gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm. Thứ hai, việc có con ngoài giá thú ngày càng được chấp nhận rộng rãi, nên tình trạng gia đình chỉ có cha hoặc mẹ cũng gia tăng. Thứ ba, tình trạng chung sống ngoài giá thú ngày càng phổ biến. (Xem khung “Bấp bênh hơn hôn nhân”). Thứ tư, quan hệ đồng tính luyến ái và phong trào đòi hợp thức hóa loại quan hệ này ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Những xu hướng hiện đại này có ảnh hưởng đến quan điểm của bạn về hôn nhân không?

Tỉ lệ ly dị bùng phát

Chúng ta hãy xem xét tình hình một số nước để thấy tình trạng ly dị phổ biến gây ảnh hưởng tai hại thế nào trên hôn nhân. Theo một báo cáo gần đây ở Hoa Kỳ, “từ năm 1970 đến 1996, tỉ lệ ly dị nước này tăng lên gấp bốn lần”. Điều đó có nghĩa là cứ khoảng 5 người lớn thì có 1 người là nạn nhân của cơn bão ly dị. Những ai dễ trở thành nạn nhân nhất? Số liệu thống kê cho thấy khoảng chừng 60 phần trăm các cuộc ly dị xảy ra trong 10 năm đầu kết hôn.

Tỉ lệ ly dị ở các nước khác cũng tăng vọt. Trong năm 2004, tổng số vụ ly dị ở Anh và xứ Wales đã lên đến con số 153.490 vụ. Người Úc ước tính khoảng 40 phần trăm các cuộc hôn nhân của họ kết thúc bằng ly dị. Hàn Quốc cũng tăng thêm 21.800 vụ chỉ trong vòng một năm—từ năm 2002 đến 2003, nâng tổng số vụ ly dị ở nước này lên 167.100 vụ. Nhật Bản cũng có tỉ lệ ly dị không kém gì các nước Âu Châu, khi cứ 4 cặp thì có 1 cặp kết thúc bằng ly dị. Một chuyên gia nghiên cứu về gia đình của trường Red Cross University (Đại Học Chữ Thập Đỏ) của Nhật nhận xét: “Ngày xưa, chỉ những cuộc hôn nhân tồi tệ lắm mới đi đến ly dị. Còn bây giờ, đó chỉ là vấn đề về lối sống”.

Tại nhiều nước, trước đây hôn nhân được bền vững một phần là nhờ ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo lâu đời và truyền thống xã hội. Nhưng giờ đây, những nhân tố đó không còn ngăn chặn nổi làn sóng ly dị được xã hội chấp nhận rộng rãi. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp Giáo Hội Công Giáo La Mã, một tôn giáo vốn xem hôn nhân là thánh khiết. Vào năm 1983, giáo hội nới lỏng các luật lệ ràng buộc hôn nhân và cho phép giáo dân hủy hôn dễ dàng hơn. Từ đó tình trạng ly dị đã tăng vọt.

Rõ ràng, những sợi dây ràng buộc hôn nhân đang ngày càng trở nên lỏng lẻo. Tuy nhiên, không phải nguyên nhân nào cũng lộ rõ. Thật ra, bên cạnh sự sụp đổ nói chung của các chuẩn mực xã hội, còn có một nguyên nhân chính khác gây ra sự đổ vỡ hàng loạt này—một nguyên nhân mà phần đông nhân loại không thể thấy được.

Nguyên nhân bí ẩn của cơn bão

Kinh Thánh cho biết Sa-tan Ma-quỉ, hiện thân của sự ích kỷ, đang gây ảnh hưởng độc hại ngày càng mạnh trên thế giới một cách vô hình. Tại sao vậy? Bởi vì hắn đã bị quăng từ trời xuống vùng phụ cận trái đất, và đang rất giận dữ. Thật thế, hắn nhất quyết gây “khốn-nạn” cho loài người, và thể chế hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập chỉ là một trong những mục tiêu của Sa-tan trong cơn giận dữ điên cuồng.—Khải-huyền 12:9, 12.

Mô tả thời kỳ sau khi Sa-tan bị quăng xuống đất, Chúa Giê-su nói: “Vì cớ tội-ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”. (Ma-thi-ơ 24:12) Tương tự thế, sứ đồ Phao-lô viết: “Người ta đều tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội-bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo, ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:2- 4) Những tính xấu đó tuy thời nào cũng có, nhưng hầu như ai cũng phải công nhận là trong thời gian gần đây, chúng lan tràn hơn nhiều.

Thể chế hôn nhân đang chống chọi với bão tố, vậy chúng ta có thể làm gì để bảo vệ mình và có một hôn nhân lâu dài, hạnh phúc? Bài tiếp theo sẽ thảo luận đề tài này.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

“Trong một xã hội đã quen vứt bỏ những gì mình không thích, người ta cũng có thể dễ dàng vứt bỏ các mối quan hệ ”.—SANDRA DAVIS, CHUYÊN GIA LUẬT GIA ĐÌNH

[Khung/​Hình nơi trang 4]

“Bấp bênh hơn hôn nhân”

Ngày nay, nhiều cặp sống chung mà không hề kết hôn. Những mối quan hệ như thế thậm chí còn “bấp bênh hơn hôn nhân”, một báo cáo của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật của Hoa Kỳ nhận xét. Một số muốn sống thử để xem họ có hợp nhau không trước khi kết hôn. Nhưng điều đó có thật sự giúp họ tránh kết hôn với người không hợp, và xây dựng hôn nhân tốt hơn về sau không? Tạp chí Journal of Marriage and Family cho biết kết quả hoàn toàn ngược lại. Tạp chí này nói: “Trong số các cặp đã kết hôn, những cặp từng sống thử trước hôn nhân thường lại ít hạnh phúc hơn. . . , gặp nhiều vấn đề hơn và. . . có nguy cơ ly dị cao hơn”.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Tuổi thọ và hôn nhân

Ngày nay người ta có tuổi thọ cao hơn. Ngay cả bước tiến này cũng là một yếu tố gây áp lực cho hôn nhân. Nạn ly dị ngày nay đã thay thế vai trò của thần chết để chấm dứt nhiều cuộc hôn nhân. Hãy xem một hội chứng bất thường trong hôn nhân mà những phụ nữ kết hôn lâu năm ở Nhật đang gặp phải. Theo tờ The Washington Post, các chuyên gia gọi đó là hội chứng “RHS”, hay “hội chứng những ông chồng về hưu” (retired husband syndrome). Một phụ nữ đã kết hôn 40 năm cho biết cảm xúc của bà lúc chồng về hưu như sau: “Tôi nghĩ tôi phải ly dị ông ấy thôi. Ngày xưa, phải hầu hạ mỗi lần ông ấy đi làm về là đủ mệt rồi. Bây giờ ông ấy cứ quanh quẩn trong nhà suốt ngày, tôi không thể chịu đựng được nữa”.