Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Câu hỏi khó nhất

Câu hỏi khó nhất

Câu hỏi khó nhất

“TẠI SAO?” Câu hỏi này tuy đơn giản nhưng chất chứa biết bao nỗi sầu khổ, đau đớn! Người ta thường thốt lên câu hỏi này sau khi một tai họa hoặc thảm kịch xảy ra: Một cơn bão để lại cảnh chết chóc và tàn phá. Một trận động đất làm tan hoang cả thành phố. Một cuộc tấn công của bọn khủng bố biến một ngày yên tĩnh thường lệ trở thành cơn ác mộng đầy sợ hãi và kinh hoàng. Một tai nạn thảm khốc cướp đi sức khỏe hoặc mạng sống của người thân yêu.

Thông thường, nạn nhân là những người vô tội và không có khả năng tự vệ. Gần đây, những thảm họa như thế thường xuyên xảy ra, nên nhiều người kêu than với Trời: “Tại sao?” Hãy xem vài ví dụ:

▪ “Trời ơi, sao lại đối xử với chúng con như thế? Chúng con đã làm gì sai?” Theo báo cáo của cơ quan thông tấn xã Reuters, đó là câu hỏi của một phụ nữ lớn tuổi ở Ấn Độ sau khi cơn sóng thần tàn phá ngôi làng của bà.

▪ “Chúa ở đâu? Nếu Ngài thật sự có uy quyền tối cao, sao lại để cảnh này xảy ra?” Những câu hỏi này xuất hiện trên một tờ báo ở Texas, Hoa Kỳ, sau khi một tay súng nã đạn vào một nhà thờ, làm bị thương và thiệt mạng nhiều giáo dân.

▪ “Sao Thượng Đế để bà ấy ra đi?” Một phụ nữ đã hỏi như thế khi căn bệnh ung thư cướp đi sinh mạng người bạn của bà, để lại năm con nhỏ cho người chồng trong cảnh gà trống nuôi con.

Không phải chỉ những người này mới nghĩ rằng Đức Chúa Trời đứng đằng sau nỗi đau khổ của họ. Nói về thiên tai chẳng hạn, gần phân nửa số người tham gia một cuộc thăm dò gần đây trên Internet cho rằng những thảm họa như bão lụt đều là do ý Trời. Tại sao có quá nhiều người nghĩ như thế?

Nỗi hoang mang từ tôn giáo

Thay vì đưa ra những câu trả lời thỏa đáng, các nhà lãnh đạo tôn giáo thường gây hoang mang hơn. Hãy xem xét ba lời giải thích thông thường của họ.

Thứ nhất, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo dạy rằng các thảm họa là hình phạt Đức Chúa Trời giáng trên những người bất trị. Như ở Hoa Kỳ chẳng hạn, sau khi trận bão Katrina đổ bộ vào New Orleans, bang Louisiana, một số mục sư tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã trừng phạt thành phố. Họ nêu ra tình trạng tham nhũng, cờ bạc và vô luân lan tràn ở đó. Một số thậm chí còn trích dẫn Kinh Thánh để làm bằng chứng, nhắc lại những trường hợp Đức Chúa Trời đã hủy diệt người ác bằng nước lụt hoặc bằng lửa. Tuy nhiên, giải thích như thế là bóp méo Kinh Thánh.—Xem khung “Có phải Trời phạt không?”

Thứ hai, một số tu sĩ khẳng định rằng Đức Chúa Trời có lý do để giáng tai họa trên nhân loại, nhưng những lý do đó nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Nhiều người cảm thấy lời giải thích này không thỏa đáng. Họ thắc mắc: ‘Có thể nào một Đức Chúa Trời yêu thương lại làm những điều tàn ác như thế mà không giải thích lý do cho những người khao khát sự an ủi và thiết tha muốn biết: “Tại sao?” ’ Kinh Thánh quả thật có nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”.—1 Giăng 4:8.

Thứ ba, một số nhà lãnh đạo tôn giáo khác nghĩ rằng có lẽ Đức Chúa Trời không nắm toàn quyền và không hề yêu thương. Một lần nữa, cách giải thích như thế dẫn đến những thắc mắc nghiêm trọng. Phải chăng Đấng đã “dựng nên muôn vật”—kể cả vũ trụ rộng lớn vô biên—lại không thể ngăn chặn tình trạng đau khổ chỉ trên một hành tinh? (Khải-huyền 4:11) Làm sao Đấng đã tạo ra chúng ta với nhu cầu yêu và được yêu, Đấng mà Kinh Thánh miêu tả là hiện thân của tình yêu thương, lại có thể lạnh lùng trước cảnh đau khổ của nhân loại?—Sáng-thế Ký 1:27; 1 Giăng 4:8.

Dĩ nhiên, ba câu trả lời trên chỉ là vài cách mà con người cố gắng giải thích lý do Đức Chúa Trời để sự đau khổ xảy ra—một câu hỏi mà trong hàng thế kỷ qua đã làm điên đầu những người cố đi tìm câu trả lời. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về đề tài nóng bỏng và quan trọng này. Và bạn sẽ thấy, lời giải thích hợp lý và rõ ràng của Kinh Thánh sẽ xua tan mọi nỗi hoang mang. Hơn nữa, Kinh Thánh mang lại sự an ủi sâu xa cho tất cả những ai đang đau khổ.

[Khung/​Hình nơi trang 4]

Có phải Trời phạt không?

Có phải Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời gây ra những thiên tai mà chúng ta thấy ngày nay? Hoàn toàn không! Những hình phạt từ Đức Chúa Trời, được thuật lại trong Kinh Thánh, khác hẳn với thiên tai. Trước hết, khi Đức Chúa Trời trừng phạt, Ngài phân biệt người tốt và người xấu. Ngài đọc được lòng mỗi người và chỉ hủy diệt những người đáng bị hủy diệt. (Sáng-thế Ký 18:23-32) Ngoài ra, Ngài cũng cảnh báo trước, nhờ vậy những người ngay thẳng có cơ hội được cứu thoát.

Trái lại, thiên tai thường đến bất thình lình, gây chết chóc và thương tật cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Ở một mức độ nào đó, con người đã góp phần làm cho thiên tai xảy ra thường hơn, với sức tàn phá lớn hơn khi họ hủy hoại môi trường thiên nhiên, xây cất ở những vùng thường xảy ra động đất, lụt lội và thời tiết khắc nghiệt.

[Nguồn tư liệu]

SENA VIDANAGAMA/AFP/Getty Images

[Hình nơi trang 4]

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra nhiều lời giải đáp khác nhau, gây thêm hoang mang