Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao bênh vực những điều mình tin về sự sáng tạo?

Làm sao bênh vực những điều mình tin về sự sáng tạo?

Giới Trẻ Thắc Mắc...

Làm sao bênh vực những điều mình tin về sự sáng tạo?

“Khi lớp tôi bàn về thuyết tiến hóa, những điều đó rất khác với những gì cha mẹ dạy. Vấn đề này được trình bày như một sự kiện có thật, tôi sợ không biết phải giải thích thế nào”. — Quân, 18 tuổi. *

“Lúc 12 tuổi, tôi có một cô giáo rất tin thuyết tiến hóa. Vì thế, tôi ngại nói ra niềm tin của mình về sự sáng tạo”.— Tyler, 19 tuổi.

“Khi cô giáo môn xã hội học cho biết bài tới sẽ học về thuyết tiến hóa, tôi sợ lắm. Tôi biết mình phải giải thích về lập trường liên quan đến đề tài gây tranh cãi này”.— Mai, 14 tuổi.

CŨNG như Quân, Tyler và Mai, có lẽ bạn cảm thấy lo lắng khi thuyết tiến hóa được nêu ra trong lớp. Bạn tin rằng Đức Chúa Trời “đã dựng nên muôn vật”. (Khải-huyền 4:11) Bạn thấy mọi nơi đều có bằng chứng về khả năng thiết kế thông minh. Nhưng sách giáo khoa cũng như thầy cô đều cho rằng chúng ta hiện hữu là nhờ tiến hóa. Bạn thầm nghĩ mình là ai mà dám bất đồng ý kiến với những “chuyên gia” đó? Và các bạn bè trong lớp sẽ phản ứng thế nào nếu bạn bắt đầu nói về... Đức Chúa Trời?

Nếu những thắc mắc này làm bạn lo lắng thì hãy bình tĩnh! Bạn không phải là người duy nhất tin nơi sự sáng tạo. Thật ra, ngay cả một số nhà khoa học cũng không chấp nhận thuyết tiến hóa. Nhiều thầy cô cũng không đồng ý với thuyết này. Ở Hoa Kỳ, cứ mỗi 5 học sinh thì có 4 người tin Đấng Tạo Hóa dù cho các sách giáo khoa dạy gì đi nữa.

Nhưng có lẽ bạn tự hỏi: ‘Tôi sẽ nói gì để bênh vực niềm tin về sự sáng tạo?’ Hãy yên tâm, dù rụt rè, bạn có thể tự tin nói lên lập trường của mình. Tuy nhiên, muốn làm thế thì cần phải chuẩn bị.

Hãy xem xét những gì mình tin!

Nếu lớn lên trong gia đình theo đạo Đấng Christ, có lẽ bạn tin nơi sự sáng tạo bởi đó là điều mà bạn được dạy. Nhưng bây giờ khi lớn lên, bạn muốn thờ phượng Đức Chúa Trời với “khả năng suy luận”, muốn niềm tin của mình có nền tảng vững chắc. (Rô-ma 12:1, NW) Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất “hãy xem-xét mọi việc”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Làm sao bạn có thể xem xét niềm tin của mình về sự sáng tạo?

Trước hết, hãy xem những gì Phao-lô viết về Đức Chúa Trời: “Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được... từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”. (Rô-ma 1:20) Hãy nhớ những lời này khi quan sát cơ thể con người, trái đất, vũ trụ bao la và biển cả sâu thẳm. Hãy ngẫm nghĩ về côn trùng, cây cối và thú vật—bất cứ lĩnh vực nào mà bạn thích. Rồi với “khả năng suy luận”, bạn hãy tự hỏi: ‘Điều gì khiến tôi tin có một Đấng Tạo Hóa?’

Để trả lời câu hỏi đó, Sâm, 14 tuổi, đã nêu ra thí dụ về cơ thể con người: “Cơ thể có rất nhiều chi tiết phức tạp, và tất cả các bộ phận đều hòa hợp với nhau. Cơ thể con người không thể do tiến hóa mà có!” Hoa, 16 tuổi, cũng đồng ý và nói: “Từ khi bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh tiểu đường, tôi hiểu được nhiều về cách hoạt động của cơ thể. Thật là ngạc nhiên, chẳng hạn như tuyến tụy—một cơ quan nằm đằng sau bao tử—có nhiệm vụ rất lớn là giúp cho máu và các cơ quan khác hoạt động”.

Những bạn trẻ khác nhận xét vấn đề này theo một góc cạnh khác. Danh, 19 tuổi, nói: “Đối với tôi, bằng chứng lớn nhất là con người chúng ta có nhu cầu tâm linh, biết thưởng thức cái đẹp và ham thích học hỏi. Chúng ta không cần những đặc điểm này để sống sót, như những người theo thuyết tiến hóa muốn chúng ta tin. Đối với tôi, cách giải thích ý nghĩa nhất là có một Đấng muốn chúng ta vui hưởng đời sống và Ngài đã đặt chúng ta trên trái đất”. Tyler, được nói ở đầu bài, cũng kết luận tương tự: “Khi xem xét vai trò của cây cối trong việc duy trì sự sống cũng như tính chất phức tạp và cấu trúc tuyệt vời của chúng, tôi tin chắc rằng có một Đấng Tạo Hóa”.

Trình bày về sự sáng tạo không khó nếu bạn tìm hiểu kỹ và thật sự tin nơi điều đó. Vì vậy, như Sâm, Hoa, Danh và Tyler, bạn hãy dành thời giờ để xem xét các kỳ công của Đức Chúa Trời. Rồi chú ý đến những gì bạn học được từ những kỳ công ấy. Chắc chắn bạn cũng sẽ đi đến kết luận như sứ đồ Phao-lô—Đức Chúa Trời không những hiện hữu mà sự trọn lành của Ngài có thể thấy rõ “khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”. *

Biết những gì Kinh Thánh thật sự dạy

Để bênh vực sự sáng tạo, ngoài việc xem xét kỹ những điều Đức Chúa Trời tạo dựng, bạn cũng cần biết Kinh Thánh thật sự dạy gì về vấn đề này. Bạn không nên tranh luận về những điều mà Kinh Thánh không trực tiếp nói đến. Hãy xem qua vài trường hợp.

▪ Sách giáo khoa về khoa học nói rằng trái đất và thái dương hệ đã hiện hữu hàng tỷ năm. Kinh Thánh không nói gì về tuổi của trái đất hoặc của thái dương hệ. Những gì Kinh Thánh nói cũng tương hợp với quan niệm cho rằng vũ trụ rất có thể đã hiện hữu hàng tỷ năm trước khi “ngày” sáng tạo thứ nhất bắt đầu.—Sáng-thế Ký 1:1, 2.

▪ Thầy cô tôi nói rằng trái đất không thể nào được tạo dựng chỉ trong sáu ngày. Kinh Thánh không nói mỗi “ngày” sáng tạo là 24 giờ theo nghĩa đen. Để biết thêm, xin xem trang 10-12 của tạp chí này.

▪ Cả lớp bàn luận một số trường hợp về sự thay đổi theo thời gian trong loài thú và loài người. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mọi vật “tùy theo loại”. (Sáng-thế Ký 1:20, 21) Kinh Thánh không tán thành sự sống đến từ vật vô sinh hoặc Đức Chúa Trời bắt đầu quá trình tiến hóa với một đơn bào. Tuy nhiên, mỗi “loại” có thể có nhiều giống khác nhau. Vì vậy, theo Kinh Thánh, có thể có sự biến đổi trong mỗi “loại”.

Hãy tin chắc điều mình tin!

Không có lý do nào để cảm thấy ngượng ngùng vì bạn tin nơi sự sáng tạo. Khi xem xét các bằng chứng, chúng ta phải tin rằng con người hiện hữu là do sự thiết kế thông minh. Điều này hoàn toàn hợp lý, và lại còn phù hợp với khoa học. Rốt cuộc, chính thuyết tiến hóa—chứ không phải sự sáng tạo—mới đòi hỏi bạn phải nhắm mắt mà tin, không cần bằng chứng, và nó cũng đòi hỏi bạn tin phép lạ đã xảy ra mà không có ai làm phép lạ ấy. Thật vậy, sau khi xem sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, chắc chắn bạn sẽ vững tin rằng các bằng chứng đều hỗ trợ cho sự sáng tạo. Một khi dùng khả năng suy luận để nghiên cứu kỹ đề tài này, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong lớp học khi bênh vực cho những điều mình tin.

Mai cũng cảm thấy như vậy và nói: “Tôi phải mất vài ngày mới nhận ra rằng mình phải lên tiếng bênh vực những gì mình tin. Tôi đem cho cô giáo cuốn sách ‘Sự sống xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo?’ Tôi đánh dấu những phần mà tôi muốn cô chú ý. Sau đó, cô nói với tôi rằng nhờ sách đó, cô có cái nhìn hoàn toàn khác về thuyết tiến hóa, và trong tương lai cô sẽ nghĩ đến những gì mình đã đọc khi dạy về đề tài này!”

VÀI ĐIỀU ĐỂ SUY NGHĨ

▪ Những cách nào giúp bạn nói lên niềm tin về sự sáng tạo một cách dễ dàng?

▪ Làm sao bạn tỏ lòng biết ơn Đấng đã tạo ra muôn vật?—Công-vụ 17:26, 27.

[Chú thích]

^ đ. 3 Nhiều bạn trẻ đã nhận được lợi ích khi xem lại tài liệu in trong những ấn phẩm như Life—How Did It Get Here? By Evolution or by Creation? (Sự sống xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo?) và Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? Cả hai đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 27]

“VÔ SỐ BẰNG CHỨNG”

Một nhà vi trùng học và cũng là Nhân Chứng Giê-hô-va đã được phỏng vấn như sau: “Xin chị cho biết chị sẽ nói gì với người trẻ đã được cha mẹ dạy tin nơi Đấng Tạo Hóa, nhưng trường lại dạy em về thuyết tiến hóa?” Chị ấy trả lời thế nào? “Các em nên xem đó là một dịp để giúp mình chứng minh rằng Đức Chúa Trời hiện hữu—không phải chỉ vì được cha mẹ dạy về điều này nhưng vì các em đã xem xét các bằng chứng và tự đi đến kết luận. Đôi khi học sinh xin thầy cô chứng minh là có sự tiến hóa, nhưng họ không nêu được bằng chứng, và nhận thấy rằng họ đã chấp nhận thuyết này chỉ vì đã được dạy như thế. Các em cũng có thể rơi vào trường hợp đó nếu không giải thích được niềm tin về Đấng Tạo Hóa. Do đó, các em nên nghiên cứu để chính mình tin rằng Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu. Có vô số bằng chứng và chúng ta có thể tìm được một cách dễ dàng”.

[Khung/​Hình nơi trang 28]

ĐIỀU GÌ THUYẾT PHỤC BẠN?

Hãy liệt kê dưới đây ba điều thuyết phục bạn tin chắc là có Đấng Tạo Hóa:

1. _______________________________________________________

2. _______________________________________________________

3. _______________________________________________________

[Chú thích]

^ đ. 14 Một số tên đã thay đổi.