Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao Đức Chúa Trời để cho đau khổ xảy ra?

Tại sao Đức Chúa Trời để cho đau khổ xảy ra?

Tại sao Đức Chúa Trời để cho đau khổ xảy ra?

ĐỐI VỚI một người đặt câu hỏi “Tại sao?”, đôi khi việc đi tìm nguồn an ủi cũng quan trọng như việc tìm lời giải đáp. Nhất là khi người ta nêu lên câu hỏi này vì phải chịu đựng quá nhiều mất mát, việc tìm được sự an ủi là điều rất cần thiết. Kinh Thánh có mang lại sự an ủi không? Hãy xem Kinh Thánh giải thích ba chân lý liên quan đến vấn đề này.

Thứ nhất, không có gì sai khi thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời để cho đau khổ xảy ra. Một số người lo ngại rằng khi nêu lên câu hỏi này thì có nghĩa là họ thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời hoặc không tôn kính Ngài. Thật ra, nếu chân thành thắc mắc về câu hỏi này, bạn không phải lo ngại gì vì nhiều người tốt cũng từng thắc mắc như bạn. Nhà tiên tri trung thành Ha-ba-cúc từng hỏi Đức Chúa Trời: “Sao Chúa để tôi thấy những bất công như vậy? Sao Chúa dung túng tội đàn áp ấy? Tôi chỉ thấy tàn phá, ngược đãi, cãi cọ, chửi rủa”. (Ha-ba-cúc 1:3, Trịnh Văn Căn) Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã không trách Ha-ba-cúc. Thay vì thế, Ngài còn cho ghi lại những câu hỏi của người trung thành này cho chúng ta ngày nay.—Rô-ma 15:4.

Thứ hai, nên nhớ rằng Đức Chúa Trời thấu hiểu những đau đớn của bạn. Ngài không xa cách và bí ẩn, Ngài “chuộng sự công-bình”, gớm ghiếc điều ác và sự đau khổ mà nó gây ra. (Thi-thiên 37:28; Châm-ngôn 6:16-19) Vào thời Nô-ê, Đức Chúa Trời “buồn-rầu trong lòng” vì nạn bạo hành tràn lan khắp đất. (Sáng-thế Ký 6:5, 6) Đức Chúa Trời không hề thay đổi, Ngài cũng có cùng cảm giác như thế khi chứng kiến những điều đang xảy ra ngày nay.—Ma-la-chi 3:6.

Thứ ba, Đức Chúa Trời không bao giờ làm ác. Kinh Thánh cho thấy rõ điều này. Những ai quy những việc tàn ác như giết người và khủng bố cho Đức Chúa Trời là vu khống Ngài. Hãy lưu ý những lời nơi Gióp 34:10: “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác, Đấng Toàn-năng không bao giờ làm hung-nghiệt”. Cũng vậy, Gia-cơ 1:13 cho biết: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. Vì vậy, nếu bạn gặp khốn khổ, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời không hề làm những điều đó.

Ai nắm quyền cai trị thế giới?

Đến đây, chúng ta vẫn còn câu hỏi: Nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, công bình và toàn năng, tại sao thế giới đầy dẫy điều ác? Trước tiên cần phải làm sáng tỏ một quan niệm phổ biến nhưng sai lầm. Nhiều người nghĩ Đức Chúa Trời Toàn Năng là Đấng nắm quyền trên cả thế giới và trực tiếp điều hành mọi việc. Viện trưởng của một chủng viện đã nói: “Không một phân tử hay nguyên tử nào trong vũ trụ này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài”. Kinh Thánh có thật sự nói như thế không?

Hoàn toàn không. Nhiều người ngạc nhiên khi biết những điều Kinh Thánh tiết lộ về nhân vật thật sự nắm quyền thế giới. Chẳng hạn, câu 1 Giăng 5:19 nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. Chúa Giê-su cũng gọi Sa-tan Ma-quỉ là “vua-chúa thế-gian nầy”. (Giăng 14:30) Điều này không hợp lý sao? Sa-tan là kẻ tàn ác, gian xảo và đầy hận thù—những đặc tính này là nguồn gốc dẫn đến nhiều nỗi đau khổ mà con người phải chịu. Thế thì tại sao Đức Chúa Trời để cho Sa-tan nắm quyền?

Vấn đề nêu lên trong vườn Ê-đen

Một người cha yêu thương, chăm sóc gia đình chu đáo sẽ cảm thấy thế nào nếu bị tố cáo là đã nói dối con, lạm dụng quyền và không cho con cái hưởng những điều tốt? Nếu đánh trả kẻ vu khống, liệu cách giải quyết như thế có giúp ông làm sáng tỏ sự việc không? Dĩ nhiên là không! Thật vậy, nếu phản ứng theo cách đó, ông vô tình làm người ta tin lời buộc tội ấy là đúng.

Minh họa trên giúp chúng ta hiểu được cách Giê-hô-va Đức Chúa Trời giải quyết một lời thách thức được nêu lên ngay từ thuở ban đầu của lịch sử nhân loại, trong khu vườn có tên là Ê-đen. Ở đó, Đức Chúa Trời đã cho hai người đầu tiên, A-đam và Ê-va, biết về ý định tuyệt vời Ngài dành cho con cái ở trên đất. Họ có nhiệm vụ sinh con cái để xã hội loài người lan rộng khắp đất, quản trị và biến cả trái đất thành một địa đàng. (Sáng-thế Ký 1:28) Hàng trăm triệu người con trên trời của Đức Chúa Trời cũng rất quan tâm đến ý định tuyệt vời này.—Gióp 38:4, 7; Đa-ni-ên 7:10.

Là Đức Chúa Trời rộng lượng, Đức Giê-hô-va ban cho A-đam và Ê-va một khu vườn xinh đẹp với đủ mọi loại trái cây thơm ngon. Chỉ có một cây họ không có quyền đụng đến, đó là “cây biết điều thiện và điều ác”. Khi không ăn trái của cây này, A-đam và Ê-va thể hiện niềm tin cậy tuyệt tối nơi Cha của họ, thừa nhận Ngài có quyền quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác.—Sáng-thế Ký 2:16, 17.

Đáng buồn thay, một người con trên trời đã tham muốn được thờ phượng. Vì thế, vị thiên sứ này đã nói với Ê-va rằng nếu bà ăn trái của cây bị cấm, bà sẽ không chết đâu. (Sáng-thế Ký 2:17; 3:1-5) Vậy, thiên sứ gian ác ấy, Sa-tan, đã trắng trợn phủ nhận những gì Đức Chúa Trời nói, chẳng khác nào cho rằng Ngài là kẻ nói dối! Sa-tan còn tố cáo Đức Chúa Trời là đã giấu A-đam và Ê-va những sự hiểu biết quan trọng, hàm ý rằng con người lẽ ra có quyền tự quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác. Nói một cách đơn giản, Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời không xứng đáng là một người Cha và Đấng Cai Trị, và hàm ý rằng hắn có thể đảm nhiệm những vai trò này tốt hơn.

Bởi những lời nói dối hiểm độc và xảo quyệt, vị thiên sứ ấy tự biến mình thành Sa-tan Ma-quỉ. Hai từ này có nghĩa là “Kẻ chống đối” và “Kẻ vu khống”. A-đam và Ê-va đã phản ứng thế nào? Họ đứng về phía Sa-tan, quay lưng lại với Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 3:6.

Đức Giê-hô-va có thể hủy diệt những kẻ phản loạn ngay lúc ấy. Tuy nhiên, như đã đề cập trong minh họa trên, những vấn đề như thế không thể giải quyết bằng bạo lực. Hãy nhớ rằng khi Sa-tan thách thức Đức Chúa Trời, hàng triệu thiên sứ khác cũng nghe lời thách thức ấy. Thật ra, sau đó có nhiều thiên sứ, không rõ bao nhiêu, cũng đứng về phía Sa-tan trong cuộc phản nghịch, tự biến mình thành các quỉ.—Mác 1:34; 2 Phi-e-rơ 2:4; Giu-đe 6.

Tại sao Đức Chúa Trời không can thiệp?

Bằng cách xúi giục A-đam và Ê-va chọn theo đường lối độc lập, tách rời khỏi Đấng Tạo Hóa, Sa-tan tạo ra một “gia đình” phục dưới quyền kiểm soát của hắn, chứ không thật sự tự do như lời hắn đã nói. Dù biết hay không, gia đình này chịu ảnh hưởng của người “cha” Ma-quỉ. Và dưới ảnh hưởng này, họ bắt đầu tự đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn đạo đức riêng. (Giăng 8:44) Nhưng lối sống đó có mang lại tự do thật sự và hạnh phúc lâu dài không? Đức Giê-hô-va biết rất rõ rằng không thể được. Tuy vậy, Ngài vẫn để những kẻ phản loạn tiếp tục đi theo đường lối độc lập của họ, vì chỉ cách đó mới giải quyết triệt để những vấn đề được nêu lên trong vườn Ê-đen.

Đến nay đã hơn 6.000 năm, nhân loại đã kiến tạo một hệ thống toàn cầu, thử nghiệm nhiều hình thức cai trị và tiêu chuẩn đạo đức khác nhau. Bạn có thấy thỏa lòng với kết cuộc ngày nay không? Gia đình nhân loại có thật sự được hạnh phúc, hòa bình và hợp nhất không? Rõ ràng câu trả lời là không! Thay vào đó là chiến tranh, đói kém, thiên tai, bệnh tật và chết chóc bao trùm khắp nhân loại, khiến mọi sự đều “hư-không”, muôn vật “than-thở” và “chịu khó-nhọc” như lời Kinh Thánh đã nói.—Rô-ma 8:19-22; Truyền-đạo 8:9.

Tuy vậy, một số người có lẽ thắc mắc: ‘Sao Đức Chúa Trời không ngăn chặn các thảm họa?’ Nếu thế thì không đúng với công lý mà còn làm cho vấn đề mà Sa-tan nêu lên trở nên khó giải quyết hơn. Nếu Đức Chúa Trời ngăn chặn các thảm họa, người ta sẽ lầm tưởng rằng chống nghịch lại Đức Chúa Trời không có hậu quả gì. Do đó, Đức Giê-hô-va không đứng đằng sau để ngăn chặn tội ác và đau khổ, là những hậu quả—trực tiếp hoặc gián tiếp—của thái độ bất tuân đối với Ngài. * Đức Giê-hô-va không bao giờ ủng hộ lời nói dối tai hại cho rằng hệ thống của Sa-tan có thể thành công và mang lại hạnh phúc cho con người! Tuy nhiên, Ngài không làm ngơ trước những điều đang diễn ra. Quả vậy, Ngài vẫn luôn hành động, như bạn sẽ thấy sau đây.

“Cha ta làm việc cho đến bây giờ”

Qua câu nói này, Chúa Giê-su cho thấy Đức Chúa Trời không đứng nhìn các biến cố thế giới với thái độ bàng quan. (Giăng 5:17) Ngược lại, từ khi có sự phản nghịch trong vườn Ê-đen, Ngài vẫn luôn làm việc. Chẳng hạn, Ngài soi dẫn cho những người viết Kinh Thánh ghi lại lời hứa của Ngài rằng một “dòng-dõi” tương lai sẽ hủy diệt Sa-tan cùng những kẻ theo phe hắn. (Sáng-thế Ký 3:15) Hơn nữa, qua Dòng Dõi đó, Đức Chúa Trời sẽ thiết lập một chính phủ—một vương quốc trên trời. Chính phủ ấy sẽ mang lại ân phước cho những người vâng lời, và chấm dứt mọi nguyên nhân gây đau khổ, kể cả sự chết.—Sáng-thế Ký 22:18; Thi-thiên 46:9; 72:16; Ê-sai 25:8; 33:24; Đa-ni-ên 7:13, 14.

Để thực hiện những lời hứa tuyệt diệu của Ngài, Đức Giê-hô-va đã sai đến trái đất Đấng sẽ cầm quyền chính của Nước ấy. Đấng này không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 3:16) Đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã tập trung vào việc giảng dạy về Nước Trời. (Lu-ca 4:43) Hơn nữa, qua việc làm, Đấng Christ cho thấy trước những điều ngài sẽ thực hiện khi làm Vua Nước Trời. Ngài cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người đói, chữa lành người bệnh, làm người chết sống lại và chứng tỏ uy quyền trên thiên nhiên bằng cách làm yên bão tố. (Ma-thi-ơ 14: 14-21; Mác 4:37-39; Giăng 11:43, 44) Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su: “Các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả”.—2 Cô-rinh-tô 1:20.

Những ai nghe lời Chúa Giê-su và ra khỏi từ “giữa thế-gian”—hệ thống xã hội xa cách Đức Chúa Trời và dưới quyền cai trị của Sa-tan—sẽ được đón nhận vào gia đình của Đức Giê-hô-va. (Giăng 15:19) Gia đình toàn cầu này, gồm những tín đồ chân chính của Đấng Christ, sống dựa trên tình yêu thương và theo đuổi đường lối hòa bình. Đặc điểm khác của gia đình này là kiên quyết loại trừ thành kiến và tinh thần kỳ thị chủng tộc trong vòng họ.—Ma-la-chi 3:17, 18; Giăng 13:34, 35.

Thay vì ủng hộ các chính phủ thế gian, những tín đồ thật của Đấng Christ ủng hộ và loan báo Nước Trời, theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14. Hãy nghĩ xem: Những ai đang rao giảng ‘Tin-lành về nước Đức Chúa Trời’ ra khắp thế giới? Nhóm người nào, với tư cách là đoàn thể anh em quốc tế, từ chối tham gia chiến tranh và những cuộc xung đột về quốc gia, chủng tộc? Ai là những người luôn làm theo sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời, cho dù người ta có ủng hộ những tiêu chuẩn cao quý ấy hay không? (1 Giăng 5:3) Nhiều người nhận thấy những đặc điểm này nơi Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn hãy đích thân tìm hiểu sự thật!

Hãy chọn Nước của Đức Chúa Trời!

Xa cách Đức Chúa Trời và bị Sa-tan dẫn dụ, nhân loại đã thiết lập một hệ thống toàn cầu mà càng ngày càng mang đến nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Ngay cả trái đất cũng bị tàn phá! Trái lại, chính phủ mà Đức Giê-hô-va thành lập trên trời đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu người và mang lại niềm hy vọng chắc chắn cho từng cá nhân. (1 Ti-mô-thê 4:10) Bạn sẽ chọn bên nào?

Bây giờ là lúc để quyết định, vì Đức Chúa Trời sẽ không để Sa-tan và thế gian hung ác của hắn tồn tại mãi. Ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời không bao giờ lay chuyển: Biến cả trái đất thành một địa đàng. Vì thế, Nước Ngài và những người ủng hộ Nước ấy sẽ ngày càng vững mạnh, trong khi thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan sẽ ngày càng gặp nhiều điều “tai-hại” cho đến lúc bị Đức Chúa Trời phán xét. (Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8) Vậy, nếu bạn đã chân thành hỏi Đức Chúa Trời: “Tại sao?”, hãy lắng nghe câu trả lời của Ngài qua thông điệp trong Kinh Thánh, thông điệp mang lại niềm an ủi và hy vọng. Thậm chí ngay từ bây giờ, những giọt nước mắt đau thương của bạn có thể trở thành những giọt nước mắt vui mừng.—Ma-thi-ơ 5:4; Khải-huyền 21:3, 4.

[Chú thích]

^ đ. 19 Dù đôi khi Đức Chúa Trời đã can thiệp vào một số vấn đề của nhân loại, nhưng những hành động ấy không nhằm ủng hộ hệ thống hiện tại này. Thay vì thế, chúng có liên quan đến việc thực hiện ý định Ngài.—Lu-ca 17:26-30; Rô-ma 9:17-24.

[Các hình nơi trang 7]

Bạn có thỏa lòng với kết quả từ sự cai trị của loài người không?

[Nguồn tư liệu]

Em bé: © J. B. Russell/Panos Pictures; người phụ nữ đang kêu gào: © Paul Lowe/Panos Pictures

[Hình nơi trang 8, 9]

Chúa Giê-su sẽ phục hồi Địa Đàng—và ngay cả khiến người chết sống lại