Giá trị lâu dài hơn nghệ thuật
Giá trị lâu dài hơn nghệ thuật
Do Rakel Koivisto kể lại
Vào năm 1950, tôi đoạt giải cuộc thi toàn quốc về đề tài xây dựng tượng đài ghi công những người đã hy sinh trong Thế Chiến Thứ II. Một năm sau, khi bức tượng khổng lồ bằng đá hoa cương của tôi được ra mắt trong một buổi lễ long trọng tại Tuusula, Phần Lan, tôi lại không đến dự. Tôi xin giải thích lý do.
TÔI ra đời vào năm 1917, là con út trong một gia đình gồm tám người con. Gia đình tôi cư ngụ ở một làng quê thuộc miền nam Phần Lan. Tuy nghèo nhưng chúng tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc. Cha mẹ tôi là những người nề nếp, có lòng tin kính và luôn dạy chúng tôi biết quý những điều thuộc về tâm linh. Trong gia đình tôi, vật quý nhất là cuốn Kinh Thánh mà cha đã mua.
Thời niên thiếu, tôi thường tạc những tượng nhỏ bằng gỗ. Thấy tôi có khiếu, họ hàng khuyến khích tôi nên học ngành mỹ thuật. Với thời gian, tôi trúng tuyển vào trường Đại Học Thiết Kế Mỹ Thuật ở Helsinki. Ngôi trường nổi tiếng này là trung tâm đời sống nghệ thuật của người dân Phần Lan. Đối với một thiếu nữ thôn quê như tôi, đây là một thế giới đầy quyến rũ và tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào đó. Khi tốt nghiệp vào năm 1947, tôi nghĩ mình có thể để lại cho thế hệ sau điều gì đó có giá trị lâu dài.
Bước ngoặt cuộc đời
Sau đó, cuộc đời tôi đổi hướng hoàn toàn. Một ngày nọ, chị Aune phấn khởi nói với tôi: “Chị tìm được đạo thật rồi!” Vì chị đã nhận được quyển “Let God Be True” (Xưng Đức Chúa Trời là thật), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Tôi chẳng màng quan tâm. Nhưng không lâu sau, tôi thấy một cô bạn cũ ở trường đại học cũng có một quyển như vậy. Khi thấy tôi chê quyển sách, bạn ấy đáp: “Đừng vội chê! Nhờ sách này bạn mới hiểu được Kinh Thánh”. Khi có cuốn sách đó, tôi đọc hết một mạch, hầu như không bỏ xuống. Sau đó, tôi không còn chê được nữa mà ngược lại tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là đạo thật. Tôi cũng được biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho tôi một triển vọng mà sự nghiệp nghệ thuật không thể mang lại: sự sống vĩnh cửu.
Khi tiếp xúc với tôi trong thời gian đầu, các Nhân Chứng không mời tôi đến dự nhóm họp. Vì vậy, tôi cứ nghĩ các buổi nhóm họp
chỉ dành cho những người đã vào đạo. Thế nhưng, tôi đã ngỏ ý muốn tham dự và rất mừng khi được biết là buổi nhóm họp dành cho tất cả mọi người. Nhờ các buổi nhóm họp, đức tin tôi được vững mạnh và tôi quyết định dâng đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi công khai sự dâng mình qua phép báp têm vào ngày 19-11-1950, cùng ngày với chị gái của tôi. Tôi càng mừng hơn khi với thời gian, cha mẹ và bốn chị gái khác cũng theo đạo Nhân Chứng Giê-hô-va.Chọn hướng đi
Trong thời gian học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vẫn tiếp tục học ngành mỹ thuật. Tốt nghiệp xong, tôi làm phụ tá cho một giáo sư ngành điêu khắc. Như đề cập ở đầu bài, sau đó tôi đoạt giải cuộc thi toàn quốc về đề tài xây dựng tượng đài ghi công những người đã hy sinh trong Thế Chiến Thứ II. Tên gọi tác phẩm của tôi là “Đường đi không thể trở về”, phản ánh quan điểm mới của tôi về chiến tranh. (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:52) Khi tượng đài cao hơn 5 mét được khánh thành, tôi không đến dự vì buổi lễ có những nghi thức mang tính chủ nghĩa quốc gia, trái với quan điểm mới của tôi sau khi học Kinh Thánh.
Tôi ngày càng tiến thân trên con đường nghệ thuật, trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều hợp đồng đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, tôi đã xem xét lại những mục tiêu của đời mình. Dù tôi rất yêu nghề, nhưng ước muốn cống hiến cuộc đời để giúp người đồng loại về mặt tâm linh còn mãnh liệt hơn. Vì thế, năm 1953, tôi bắt đầu tham gia công việc tiên phong, làm người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Đôi khi có người nói là tôi đã lãng phí tài năng của mình, nhưng tôi ý thức rằng dù đạt được thành quả nào chăng nữa trong ngành điêu khắc, điều đó chỉ có giá trị tạm thời. Ngay cả những bức tượng bằng đá hoa cương cũng sẽ đổ nát theo thời gian. Tuy nhiên, khi tham gia công việc tiên phong, tôi có thể dùng hầu hết thời gian của mình để giúp người khác đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời. (Giăng 17:3) Dù vậy, tôi vẫn rất yêu nghề điêu khắc. Thỉnh thoảng, tôi cũng làm những bức tượng nhỏ, vừa thỏa lòng đam mê vừa có chút thu nhập.
Chuyển đến vùng nông thôn
Sau bốn năm làm công việc tiên phong ở Helsinki, năm 1957 tôi được văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Phần Lan mời đi phụng sự ở Jalasjärvi, một thị trấn thuộc vùng Nam Ostrobothnia. Đến đó, tôi sẽ làm việc chung với Anja Keto, một Nhân Chứng trẻ hơn tôi 17 tuổi. Dù chưa biết Anja, tôi vẫn sẵn sàng nhận nhiệm sở và dọn đến ở chung với chị ấy. Chúng tôi là hai Nhân Chứng duy nhất ở khu vực này, vì vậy hầu như lúc nào chúng tôi cũng đi rao giảng chung. Không bao lâu, chúng tôi trở nên thân thiết như hình với bóng.
Dọn đến Jalasjärvi có nghĩa là trở lại với cuộc sống bình dị ở nông thôn, cuộc sống mà tôi từng trải qua trước khi bước vào thế giới nghệ thuật ở thủ đô 20 năm về trước. Thời tiết mùa đông ở đó rất khắc nghiệt, đôi khi chúng tôi phải lội trong tuyết ngập đến hông. Chúng tôi sống trong một căn nhà nhỏ vô cùng đơn sơ, và phải múc nước ở một con suối gần nhà. Đôi khi, nước để qua đêm đã bị đông đá. Tuy vậy, chúng tôi có đủ những thứ cần dùng. (1 Ti-mô-thê 6:8) Đó là những ngày tháng bận rộn và tràn đầy hạnh phúc.
Bận rộn trong công việc
Lúc đầu, công việc rao giảng của chúng tôi dường như không đạt nhiều kết quả vì dân địa phương có thành kiến với Nhân Chứng. Để xóa bỏ thành kiến của họ, chúng tôi tổ chức chiếu những cuốn phim do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất, chẳng hạn như The New World Society in Action (Xã hội thế giới mới đang hoạt động) và The Happiness of the New World Society (Hạnh phúc của xã hội thế giới mới). Nhờ những cuốn phim này, người dân hiểu rõ hơn về chúng tôi và tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ cũng thấy được công việc của chúng tôi đã giúp ích cho nhiều người trên khắp thế giới. Vào những buổi chiếu phim đó, thường có đông người đến xem.
Có lần, anh Eero Muurainen, một giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va, chiếu cuốn phim The New World Society in Action tại một hội trường. Số người xem đông đến độ khó khăn lắm tôi mới tìm được một góc rất xa để đứng. Suốt buổi, tôi phải đứng một chân và dựa lưng vào tường. Sau khi phim kết thúc, nhiều người hẹn chúng tôi đến nhà họ.
Ở các nông trại, chúng tôi dùng máy hát để phát thanh những bài giảng Kinh Thánh được thu âm sẵn. Một lần nọ, chúng tôi hẹn với một gia đình sẽ cho họ nghe một bài giảng vào lúc 7 giờ tối, và mời tất cả dân làng đến nghe. Sáng sớm hôm đó, chúng tôi đi xe đạp đến rao giảng ở một ngôi làng cách xa 25 kilômét và nghĩ rằng có thể về kịp giờ hẹn. Tuy nhiên, đến giờ về thì cơn mưa đã biến con đường trở nên lầy lội.
Càng đi, bánh xe càng dính đầy bùn đến độ không thể lăn bánh, thế nên chúng tôi phải khiêng xe về, đến nhà thì đã trễ hẹn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xách chiếc máy hát nặng nề đến nơi hẹn. Bấy giờ đã 10 giờ tối nên chúng tôi nghĩ mọi người đã bỏ về. Thật không ngờ, họ vẫn chờ chúng tôi trong ngôi nhà ấy! Sau buổi phát thanh, chúng tôi và dân làng cùng thảo luận sôi nổi. Rạng sáng hôm sau chúng tôi mới về đến nhà, tuy mệt rã rời nhưng rất vui mừng.
Khoảng cách từ làng này đến làng kia rất xa, vì thế các Nhân Chứng trong vùng giúp chúng tôi mua một xe hơi—một chiếc xe cũ do Liên Xô sản xuất. Nhờ nó, công việc rao giảng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Sau đó, chiếc xe được nổi tiếng vì trong chuyến viếng thăm của vị giám mục địa phận ấy, ông đã dặn dò giáo dân không được tiếp chuyện chúng tôi, hai phụ nữ đi chiếc xe màu xanh dương. Lời cảnh báo ấy có hiệu quả tức thời. Cả làng tò mò muốn biết hai phụ nữ ấy là ai và tại sao lại nguy hiểm đến thế! Cũng chính vì sự hiếu kỳ đó, chúng tôi có nhiều dịp thảo luận Kinh Thánh thú vị với họ. Điều này thật đúng với lời của Ê-sai: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”.—Ê-sai 54:17.
Với thời gian, công việc của chúng tôi cũng có kết quả. Chúng tôi bắt đầu tổ chức những buổi họp hàng tuần với sự tham gia của vài người chú ý Kinh Thánh. Số người trong nhóm gia tăng dần, và đến năm 1962, một hội thánh được thành lập gồm 18 Nhân Chứng, đa số là phụ nữ. Hai năm sau, tôi và Anja được phái đến thị trấn Ylistaro cũng thuộc vùng Nam Ostrobothnia.
Môi trường gợi cảm hứng
Tại nhiệm sở mới, tuy rất thích cảnh đẹp và không khí thanh bình miền quê, nhưng chúng tôi đặc biệt thích người dân ở đó. Họ thường hiếu khách và thân thiện. Đành rằng nhiều người rất sùng đạo và có lòng ái quốc, đôi khi họ hắt hủi chúng tôi; nhưng cũng có những người tôn trọng Kinh Thánh. Nhiều lần, khi thấy chúng tôi lấy Kinh Thánh ra thì các phụ nữ liền ngừng làm việc để lắng nghe, còn nam giới thì bỏ nón xuống—thông thường, những chiếc nón ấy luôn ở trên đầu họ. Thỉnh thoảng, khi chúng tôi hướng dẫn một người học Kinh Thánh, cả gia đình và thậm chí người hàng xóm cũng đến nghe.
Những con người thật thà chất phác tôi gặp trong thánh chức là nguồn cảm hứng sáng tác cho tôi. Khi rảnh rỗi, tôi lấy đất sét ra nắn tượng. Vì tôi thường chú ý đến cái hay cái đẹp và nét khôi hài nơi con người, nên hầu hết các bức tượng của tôi đều miêu tả về con người. Trong số đó, có nhiều tượng về phụ nữ đang làm việc. Một tạp chí nói về những bức tượng của tôi: “Chúng toát lên sức sống của đất, vẻ thanh bình, óc khôi hài và nét hài hòa. . . Chúng là tác phẩm của một người vừa tài hoa vừa có lòng nhân hậu”. Tuy nhiên, tôi thận trọng không để nghệ thuật chiếm hết tâm trí mà giữ vững quyết tâm dành trọn thời gian để phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Năm 1973, tôi được nhận một lời mời không thể từ chối—làm một bức phù điêu lớn bằng đất sét để trang trí trong phòng tiếp tân mới của văn phòng chi nhánh ở Vantaa, Phần Lan. Tác phẩm này dựa trên Thi-thiên 96:11-13. Thật hạnh phúc khi được đóng góp tài năng của mình để ngợi khen Đức Giê-hô-va!
Trong thời gian tham gia công việc tiên phong, tôi nặn tượng hầu như chỉ để thỏa mãn lòng đam mê, vì thế tôi vô cùng ngạc nhiên khi được nhận trợ cấp hưu trí vào cuối thập niên 1970. Dĩ nhiên, tôi cũng quý số tiền trợ cấp này, nhưng thầm nghĩ: ‘Nếu đã chọn suốt đời theo đuổi con đường nghệ thuật, đây là tất cả những gì mà tôi được hưởng sao, thêm chút tiền để tuổi già an nhàn hơn?’ Thật không đáng khi so với phần thưởng sự sống vĩnh cửu!—1 Ti-mô-thê 6:12.
Trở lại đời sống thành thị
Năm 1974, có một thay đổi lớn trong đời sống và thánh chức của tôi và Anja, đó là được phái đến nhiệm sở mới ở Turku—một thành phố lớn. Bấy giờ, người ta đang xây nhiều khu dân cư mới và nhiều người dọn đến đó sinh sống, vì thế cần thêm người rao giảng về Nước Trời. Lúc đầu, chúng tôi không mấy hào hứng với nhiệm sở mới. Công việc rao giảng ở thành thị có vẻ khó hơn vì không có nhiều người chú ý Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng tôi dần dần thích nghi và tìm được nhiều người quý trọng sự dạy dỗ từ Lời Đức Chúa Trời.
Nhiều năm trôi qua, tôi và Anja có được đặc ân giúp hơn 40 người dâng mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ là những “người con” mang lại cho chúng tôi niềm vui khôn tả! (3 Giăng 4) Thời gian gần đây, sức khỏe tôi ngày càng suy giảm, nhưng tôi cảm nhận nhiều hơn sự giúp đỡ từ Đức Giê-hô-va, tình yêu thương của các anh chị trong hội thánh, và “sự yên-ủi” từ người bạn cùng làm tiên phong là Anja. (Cô-lô-se 4:11; Thi-thiên 55:22) Khi gặp nhau cách đây gần 50 năm, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ là bạn cùng làm tiên phong suốt đời.
Có một câu nói rất nổi tiếng: “Đời sống chóng qua, nhưng nghệ thuật còn mãi”. Tuy nhiên, đây không phải là phương châm của tôi. Trái lại, tôi rất tâm đắc với lời của sứ đồ Phao-lô ghi nơi 2 Cô-rinh-tô 4:18: “Những sự thấy được chỉ là tạm-thời, mà sự không thấy được là đời đời”. Tất cả niềm vui trong nghệ thuật, “những sự thấy được” chỉ là tạm thời, không thể sánh bằng niềm vui được phụng sự Đức Giê-hô-va, và cũng không mang lại sự sống vĩnh cửu. Tôi sung sướng vì đã dâng cuộc đời để theo đuổi “sự không thấy được”, là điều có giá trị lâu dài hơn nghệ thuật.
[Hình nơi trang 19]
Khắc tượng đài bằng đá hoa cương
[Hình nơi trang 21]
Với Anja (bên trái), năm 1957
[Hình nơi trang 22]
Với Anja (bên phải), hiện nay