Học ngoại ngữ, không quá khó!
Học ngoại ngữ, không quá khó!
“Tôi sẽ không đánh đổi với bất cứ điều gì”, anh Mike nói như thế. Anh Phelps thì nói: “Tôi không hối tiếc về quyết định của mình”. Đó là ý kiến của hai người đã quyết định học ngoại ngữ.
TRÊN thế giới, ngày càng nhiều người học ngoại ngữ với những lý do khác nhau, chẳng hạn vì kinh tế, tôn giáo hoặc lý do cá nhân. Phỏng vấn một số người đang học ngoại ngữ, tạp chí Tỉnh Thức! đã đặt một số câu hỏi như: Người lớn gặp phải khó khăn nào khi học ngoại ngữ, và làm thế nào để khắc phục? Bài này đúc kết ý kiến từ những người được phỏng vấn. Bạn sẽ thấy ý kiến của họ vừa khích lệ vừa hữu ích, nhất là khi bạn đang hoặc dự định học ngoại ngữ. Hãy xem vài đức tính mà họ thấy cần thiết để thành thạo một ngôn ngữ.
Kiên nhẫn, khiêm tốn và dễ thích ứng
Thông thường, trẻ em chỉ cần nghe thì có thể tiếp thu hai ba ngôn ngữ cùng lúc. Trong khi đó, người lớn cảm thấy khó khăn hơn. Họ phải kiên nhẫn vì học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài. Ngoài ra, với cuộc sống bận rộn, việc học thường đòi hỏi họ phải tạm gác lại những việc khác.
Anh George nói: “Cần phải khiêm tốn. Khi mới học một ngôn ngữ, bạn phải chấp nhận nói—và thậm chí có lúc bị đối xử—như một đứa trẻ”. Cuốn How to Learn a Foreign Language (Cẩm nang học ngoại ngữ) cho biết: “Muốn thật sự tiến bộ, bạn không nên tự ái hoặc sợ mất thể diện”. Vậy, đừng quan trọng hóa chính mình. Anh Ben nhận xét: “Nếu chưa bao giờ nói sai, nghĩa là bạn nói quá ít”.
Đừng ngại người khác cười khi bạn nói sai. Thay vì thế, hãy cười theo họ! Rồi sẽ có ngày chính bạn là người kể cho người khác nghe chuyện vui về những câu nói sai của mình. Cũng đừng ngại hỏi. Một khi hiểu cách dùng từ ngữ, bạn sẽ dễ nhớ hơn.
Ngoài ra, học một ngoại ngữ thường đi đôi với việc tìm hiểu một nền văn hóa khác. Vì thế, cần phải dễ thích ứng và có tinh thần cởi mở. Chị Julie nói: “Nhờ học ngoại ngữ, tôi hiểu rằng có nhiều cách để nhận định hoặc làm một việc nào đó. Không cách nào tốt hơn cách nào, chúng chỉ khác nhau thôi”. Anh Jay đề nghị: “Hãy kết bạn và hòa đồng với người bản ngữ”. Dĩ nhiên, các tín đồ Đấng Christ phải chọn những bạn tốt, có cách nói năng lịch sự. (1 Cô-rinh-tô 15:33; Ê-phê-sô 5:3, 4) Anh nói thêm: “Khi thấy bạn quan tâm đến họ, thích âm nhạc, món ăn và những khía cạnh khác trong nền văn hóa của họ, tự nhiên họ sẽ có cảm tình với bạn”.
Càng dành nhiều thời giờ để học, và nhất là để nói, bạn càng tiến bộ nhanh. Anh George nhận xét: “Cách chúng ta học ngoại ngữ cũng giống như một chú gà mổ thóc—từng hạt một. Mỗi hạt tuy ít, nhưng tích ít thành nhiều”. Anh Bill, một giáo sĩ biết nhiều ngôn ngữ, nói: “Đi đâu tôi cũng mang theo tờ giấy ghi từ vựng, mỗi khi có vài phút tôi lại lấy ra xem”. Nhiều người nhận thấy rằng thường xuyên dành chút thời giờ để học thì hiệu quả hơn là thỉnh thoảng học hàng giờ.
Người học ngoại ngữ có vô số phương tiện trợ giúp như sách báo, băng đĩa, thẻ từ vựng và nhiều công cụ khác. Dù có nhiều công cụ như thế, nhưng nhiều người thấy rằng điều quan trọng là phải tạo nề nếp học tập. Hãy dùng phương pháp nào thích hợp với bạn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không gì thay thế được nỗ lực cá nhân và sự chăm chỉ. Dù vậy, vẫn có những cách để việc học trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn. Một cách là chịu khó tiếp cận với ngôn ngữ và nền văn hóa đó.
Anh George nói: “Khi có vốn từ vựng và ngữ pháp căn bản, tốt nhất bạn nên đến xứ đó một thời gian để được sống trong môi trường của ngôn ngữ bạn đang học”. Chị Barb đồng tình: “Khi đến thăm đất nước đó, bạn sẽ cảm nhận được cái hay cái đẹp của ngôn ngữ ấy”. Quan trọng hơn hết, khi sống trong môi trường của ngôn ngữ bạn đang học, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ theo ngôn ngữ đó. Đành rằng không phải ai cũng có điều kiện như thế, nhưng bạn vẫn có thể tiếp cận với văn hóa và ngôn ngữ mà không cần đi đâu xa. Chẳng hạn, bạn có thể xem hoặc nghe những chương trình truyền hình và truyền thanh có nội dung lành mạnh. Hãy tìm và trò chuyện với người bản ngữ. Cuốn How to Learn a Foreign Language kết luận: “Trên hết, thực tập là chìa khóa để thành công”. *
Giai đoạn chậm tiến bộ
Sau một thời gian, đôi khi bạn sẽ cảm
thấy mình chậm tiến bộ, tuy có cố gắng nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Làm sao bây giờ? Thứ nhất, hãy nhớ xem tại sao bạn quyết định học ngôn ngữ đó. Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã quyết định học ngoại ngữ để giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Khi nhớ lại những mục tiêu ban đầu, bạn sẽ có quyết tâm hơn.Thứ nhì, phải thực tế. Cuốn cẩm nang trên nói: “Có lẽ, không bao giờ bạn thành thạo bằng người bản xứ, và đó cũng không phải là mục tiêu của bạn. Chỉ cần người ta hiểu bạn là đủ”. Do đó, nếu không nói lưu loát ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ, thay vì chán nản thì hãy cố gắng nói rõ ràng bằng vốn từ bạn có.
Thứ ba, hãy nhìn lại chặng đường đã qua để thấy mức tiến bộ của chính mình. Quá trình tiến bộ về ngôn ngữ giống như quá trình tăng trưởng của cỏ—bạn không thấy cỏ phát triển, nhưng mỗi ngày chúng quả có cao hơn. Cũng vậy, nếu so với lúc mới bắt đầu học, hẳn bạn thấy rằng mình có tiến bộ. Đừng so sánh với người khác. Thay vì thế, hãy theo nguyên tắc Kinh Thánh ghi nơi Ga-la-ti 6:4 (Bản Dịch Mới): “Mỗi người nên xem xét việc làm của chính mình rồi sẽ thấy hãnh diện, nhưng chỉ vì chính mình chứ không phải vì so sánh với người khác”.
Thứ tư, hãy nhớ rằng việc học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài. Bạn thử nghĩ xem: Một em bé ba hoặc bốn tuổi có khả năng diễn đạt tới mức nào? Em có dùng từ ngữ và cấu trúc câu phức tạp không? Dĩ nhiên không! Tuy vậy, em vẫn trò chuyện được. Thật thế, ngay cả đối với một đứa trẻ, việc học ngôn ngữ cũng phải mất vài năm.
Thứ năm, hãy cố gắng giao tiếp—càng nhiều càng tốt. Anh Ben nói: “Tôi cảm thấy mình dậm chân tại chỗ khi không giao tiếp thường xuyên”. Vậy, hãy kiên trì, vì “nói hay không bằng hay nói”. Dĩ nhiên, bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi không đủ từ vựng để diễn đạt. Chị Mileivi tâm sự: “Điều khó nhất là tôi không thể nói những gì mình muốn vào những lúc mình cần”. Thật ra, chính nỗi khó chịu ấy có thể là động lực khiến bạn kiên trì. Anh Mike nói: “Tôi rất ấm ức khi không hiểu người khác kể chuyện hoặc nói đùa. Chính vì thế, tôi càng quyết tâm học chăm chỉ để tiến bộ hơn”.
Cách người khác giúp bạn
Làm sao người đã biết ngôn ngữ có thể giúp người đang học? Anh Bill, được đề cập ở trên, khuyên: “Hãy nói chậm nhưng chính xác, đừng nói theo cách của trẻ con”. Chị Julie nói: “Hãy kiên nhẫn, đừng nói thay họ khi họ chưa nói hết câu”. Anh Tony kể: “Người khác hay nói với tôi bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, nhưng điều đó lại làm tôi chậm tiến bộ”. Vì thế, một số người nhờ bạn bè dành thời gian trò chuyện bằng ngôn ngữ mình đang học, và góp ý về những điểm cần trau giồi. Người học cũng quý những ai thành thật khen họ. Như anh George nói: “Tôi không thể thành công nếu không có sự quan tâm và khích lệ từ bạn bè”.
Vậy thì, học ngoại ngữ có đáng công không? “Có chứ!” Đó là lời khẳng định của anh Bill, người nói được nhiều ngôn ngữ như đã đề cập ở trên. Anh nói thêm: “Việc học ngoại ngữ đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn và biết xem xét sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều đặc biệt đáng công là được hướng dẫn Kinh Thánh cho người nói ngôn ngữ khác, thấy họ hưởng ứng lẽ thật và ngày càng tiến bộ. Thật thế, một nhà ngôn ngữ học thành thạo 12 thứ tiếng từng nói với tôi: ‘Anh hay hơn tôi. Tôi học ngoại ngữ chỉ vì đam mê, còn anh thì học để giúp người đồng loại’ ”.
[Chú thích]
[Câu nổi bật nơi trang 11]
Lòng mong muốn giúp người khác là động lực mạnh mẽ để học ngoại ngữ