Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một nhân vật quan trọng—Tại sao?

Một nhân vật quan trọng—Tại sao?

Một nhân vật quan trọng—Tại sao?

TRONG 2.000 năm qua, sự ra đời của Chúa Giê-su là điều được nhiều người chú ý. Y sĩ Lu-ca, sống vào thế kỷ thứ nhất, tường thuật rằng thiên sứ đã báo tin cho một trinh nữ tên là Ma-ri: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus [Giê-su]”. Thiên sứ cho biết gì về con trẻ này? “Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao. . . Ngài [Chúa Giê-su] sẽ trị-vì đời đời. . . , nước Ngài vô-cùng”.—Lu-ca 1:31-33.

Hẳn đó là điều mà nhân loại cần—một vị lãnh đạo công bình để cai trị thế giới với lòng nhân từ! Thật vậy, từ rất lâu trước khi Chúa Giê-su ra đời, Kinh Thánh đã báo: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là. . . Cha Đời đời, là Chúa Bình-an [“Hoàng Tử Bình An”, Bản Dịch Mới]. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”.—Ê-sai 9:5, 6.

Một chính phủ công bình và mang lại sự bình an—thật là triển vọng huy hoàng! Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là theo lời tiên tri trên, chính phủ này được đặt “trên vai” một vị hoàng tử—“Hoàng Tử Bình An”. Điều này cho thấy vị vua cai trị hoàn vũ, Đức Chúa Trời Toàn Năng, đã giao nước ấy cho Con Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su nhiều lần gọi chính phủ mà ngài sẽ lãnh đạo là “nước Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 9:27, 60, 62.

Khi mới bắt đầu thi hành thánh chức, Chúa Giê-su nói: “Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời. . . vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến”. (Lu-ca 4:43) Chúa Giê-su còn dạy các môn đồ cầu nguyện cho Nước của Đức Chúa Trời mau cai trị. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Tờ Christianity and Crisis nói: “Nước Trời là đề tài dạy dỗ chính của [Chúa Giê-su]. Ngài chú trọng nhiều nhất đến đề tài này và đó là trọng tâm của thông điệp Ngài. Đề tài này được đề cập hơn một trăm lần trong các sách Phúc Âm”.

Những câu hỏi đáng xem xét

Khi nói đến Chúa Giê-su, bạn hình dung ngài ra sao? Vào cuối năm, người ta thường dựng lại cảnh ngài nằm trong máng cỏ. Đành rằng có một thời gian ngắn ngài từng là một em bé như bao đứa trẻ khác. (Lu-ca 2:15-20) Nhưng đó có phải là hình ảnh bạn nên liên tưởng đến khi nói về Chúa Giê-su không? Hãy nghĩ xem, tại sao ngài giáng thế? Ngài thật sự là ai?

Cuốn Encarta Yearbook năm 1996 nêu những câu hỏi: “Phải chăng Giê-su là Con Thượng Đế, Đấng Mê-si mà Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã hứa trước? Hay ngài chỉ là con người, dù xuất chúng, nhưng vẫn là người như bao người khác?” Những câu hỏi như thế đáng để suy nghĩ. Tại sao? Vì quan điểm và thái độ của chúng ta đối với Chúa Giê-su sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và sự sống còn của chúng ta. Kinh Thánh nói: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu”.—Giăng 3:36.

Không phải một người tầm thường

Sau khi tường thuật những gì Chúa Giê-su làm tại đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm ngài 12 tuổi, Kinh Thánh cho biết ngài theo bà Ma-ri và ông Giô-sép trở về nhà, tiếp tục “chịu lụy cha mẹ”. (Lu-ca 2:51, 52) Tuy nhiên, khi đã trưởng thành, ngài rõ ràng không phải là một người tầm thường.

Khi thấy Chúa Giê-su làm yên lặng bão biển, một người bạn đã kinh ngạc thốt lên: “Người nầy là ai?” (Mác 4:41) Một thời gian sau, ngài bị vu cáo và giải đến Quan Tổng Đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát. Ông tin rằng Chúa Giê-su là người vô tội và cảm phục thái độ của ngài khi bị đối xử tàn bạo và bất công. Do đó, ông đưa ngài ra trước mặt dân chúng rồi nói với lòng khâm phục: “Kìa, xem người nầy!” Nhưng dân Do Thái đáp lại: “Chúng tôi có luật, chiếu luật đó hắn phải chết; vì hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời”.—Giăng 19:4-7.

Khi nghe dân chúng cáo rằng ngài từng xưng là “Con Đức Chúa Trời”, Phi-lát càng cảm thấy sợ. Trước đó, ông đã nghe vợ kể giấc chiêm bao về Chúa Giê-su, và bà gọi ngài là “người công-bình”. (Ma-thi-ơ 27:19) Vì vậy, Phi-lát thắc mắc Chúa Giê-su thật sự là ai. Tuy biết quê quán ngài ở vùng Ga-li-lê, ông vẫn hỏi: “Ngươi từ đâu?” Khi Chúa Giê-su không trả lời thì ông không chất vấn thêm nữa.—Giăng 19:9, 10.

Rõ ràng, Chúa Giê-su con người, nhưng ngài không giống như bao người khác vì trước đó ngài là một vị thần sống ở trên trời, mang tên Ngôi Lời. Sau đó, bằng phép lạ, Đức Chúa Trời đã chuyển sự sống của ngài vào lòng trinh nữ Ma-ri. Sứ đồ Giăng khẳng định: “Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta”.—Giăng 1:1, 2, 14, 18; Khải-huyền 3:14.

Tại sao cần người giáng thế?

Ông A-đam, người đầu tiên, đã phạm tội trước khi có con. Một thiên sứ phản nghịch, gọi là Sa-tan Ma-quỉ, đã xui được ông bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Khi làm theo lời xui giục ấy, A-đam đánh mất đặc ân làm con Đức Chúa Trời, như Ngài đã báo trước. Vì vậy, ông phải gánh chịu hậu quả là bị nhiễm tội, già nua và cuối cùng bị chết.—Sáng-thế Ký 2:15-17; 3:17-19; Khải-huyền 12:9.

Miêu tả hậu quả mà chúng ta là con cháu của A-đam phải chịu, Kinh Thánh nói: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Đáng buồn thay, A-đam đã truyền lại tội lỗi cho tất cả chúng ta, cùng với hậu quả đau đớn là tuổi già và sự chết.—Gióp 14:4; Rô-ma 3:23.

Muốn thoát khỏi tình trạng này, nhân loại phải có một người cha khác—không bị nhiễm tội và không phải mang hậu quả thảm hại của tội lỗi. Hãy xem làm sao nhân loại có được người cha như thế, người tương xứng với A-đam lúc chưa phạm tội.

Người cha tương xứng đã xuất hiện

Hẳn bạn còn nhớ rằng “Chúa Bình-an”, đấng được hứa trước, cũng gọi là “Cha Đời đời”. Kinh Thánh đã tiên tri về sự ra đời của ngài: “Một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai”. (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:20-23) Vì vậy, cha của Chúa Giê-su không phải là người phàm. Trường hợp này cũng tương tự như của A-đam, người đầu tiên. Lần ngược lại gia phả của Chúa Giê-su về thời kỳ đầu của lịch sử nhân loại, sử gia Lu-ca cho biết A-đam là “con Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 3:38) Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, A-đam đánh mất đặc ân làm con Đức Chúa Trời và cũng khiến con cháu ông mất đi đặc ân này. Vì vậy, tất cả chúng ta đều cần một người cha khác, một người cha không nhiễm tội, tương xứng với A-đam khi ông được tạo ra.

Đức Chúa Trời đã sai con Ngài từ trời xuống thế để trở thành A-đam mới, thay thế cho A-đam đầu tiên. Kinh Thánh nói: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra”. (1 Cô-rinh-tô 15:45, 47) Chúa Giê-su, tức “A-đam sau hết”, tương xứng với ‘A-đam thứ nhứt’ vì ngài không bị nhiễm tội. Ngài có thể trở thành cha của những đứa con không tội lỗi. Những người con đó có thể được sống mãi mãi trên trái đất.—Thi-thiên 37:29; Khải-huyền 21:3, 4.

Chúa Giê-su không là cha theo nghĩa đen. Ngài đã trung thành với Đức Chúa Trời cho đến khi kết thúc đời sống nơi trần thế, bất kể mọi tấn công của Sa-tan. Mạng sống mà ngài đã hy sinh được gọi là giá chuộc. Kinh Thánh giải thích: “Chúng ta được cứu-chuộc [khỏi tội lỗi và sự chết di truyền từ A-đam] bởi huyết [Chúa Giê-su]”. Kinh Thánh cũng nói: “Như bởi sự không vâng-phục của [A-đam] mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng-phục của [Chúa Giê-su] mà mọi người khác sẽ đều thành ra công-bình”.—Ê-phê-sô 1:7; Rô-ma 5:18, 19; Ma-thi-ơ 20:28.

Nếu chúng ta tin nơi Chúa Giê-su, ngài sẽ trở thành “Cha Đời đời” và “Đấng Cứu-thế” của chúng ta. Là đấng được giao quyền cai trị, ngài sẽ là vị lãnh đạo tuyệt vời trong Nước của Cha ngài. Hãy đọc bài kế tiếp để biết đời sống sẽ ra sao dưới sự cai trị của ngài, và khi nào chúng ta nhận được những ân phước tuyệt vời ấy.—Lu-ca 2:8-11.

[Các hình nơi trang 5]

Khi nói đến Chúa Giê-su, bạn hình dung ngài ra sao?

[Hình nơi trang 6]

Tại sao Chúa Giê-su được gọi là “A-đam sau hết”?