Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phấn hoa—Hạt bụi mang mầm sống

Phấn hoa—Hạt bụi mang mầm sống

Phấn hoa—Hạt bụi mang mầm sống

KHI mùa xuân đến, phấn hoa bay khắp mọi nơi và những chú ong lại bắt đầu bận rộn với công việc. Đối với những người bị dị ứng, dường như phấn hoa là họa chứ không phải là phước. Tuy nhiên, trước khi kết luận như thế, chúng ta cần nhớ đến vai trò của hạt bụi đặc biệt này. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng cuộc sống chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những hạt bụi nhỏ bé ấy.

Phấn hoa là gì? Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) định nghĩa: “Phấn hoa là những hạt nhỏ sản sinh trong bộ phận sinh sản đực của những cây có hoa và cây có quả”. Nói đơn giản, cây tạo phấn hoa để nhân giống. Như chúng ta đã biết, ở con người, trứng phải được thụ tinh bởi tinh trùng mới có thể hình thành một thai nhi. Cũng thế, ở thực vật, bộ phận sinh sản cái (nhụy cái) cần phải tiếp nhận hạt phấn của bộ phận sinh sản đực (nhị đực) thì cây mới thụ phấn và kết quả. *

Hạt phấn nhỏ đến mức chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ có thể thấy được qua kính hiển vi. Khi nhìn qua kính hiển vi, chúng ta thấy hạt phấn của mỗi giống cây có kích cỡ và hình dạng khác nhau. Ngoài ra, vì phấn hoa khó bị hư nên các nhà thực vật học thường có thể nghiên cứu đặc điểm riêng biệt của các hạt phấn mà họ đào được. Nhờ thế, họ xác định được những giống cây người ta từng trồng cách đây hàng trăm năm. Quan trọng hơn, nhờ mỗi loại phấn có đặc điểm riêng, hoa có thể nhận biết hạt nào cùng loại với chúng.

Đường đi của phấn hoa

Khi gió làm cây lay động, chùm hoa hay quả sẽ tung phấn trong không khí, sau đó phấn sẽ theo gió bay đến nơi khác. Đối với loại cây sống dưới nước, phấn hoa sẽ được nước vận chuyển đi. Vì kết quả thụ phấn nhờ gió khi được khi không, nên loại cây thụ phấn theo cách này phải sản sinh rất nhiều phấn hoa. * Chính vì thế mà những người bị dị ứng theo mùa rất khổ sở.

Tuy cách thụ phấn nhờ gió có hiệu quả đối với nhiều loại cây thân gỗ và cỏ, nhưng đối với cây hoa mọc rải rác thì cần một cách thụ phấn hữu hiệu hơn. Làm sao phấn ở những cây này có thể được chuyển đến cây cùng loại cách xa hàng cây số? Nhờ dịch vụ vận chuyển rất hữu hiệu của những chú dơi, chim và côn trùng. Dĩ nhiên, đây không phải là dịch vụ miễn phí.

Hoa phải bồi dưỡng mật cho “công nhân” vận chuyển—một món ngon ngọt mà chúng khó lòng từ chối. Khi lúi húi hút mật, thân thể chúng sẽ dính đầy phấn. Sau đó, khi đến hút mật ở hoa khác, chúng vô tình vận chuyển phấn đến hoa đó.

Sự thụ phấn được thực hiện phần lớn nhờ côn trùng, đặc biệt ở những xứ ôn đới. Mỗi ngày chúng tìm đến vô số bông hoa để hút mật và ăn phấn hoa. * Nhà côn trùng học May Berenbaum giải thích: “Có lẽ sự đóng góp lớn nhất của côn trùng vì lợi ích và sức khỏe của con người là một sự đóng góp thầm lặng ít ai để ý đến: thụ phấn cho cây”. Thông thường, nếu không tiếp nhận phấn từ cây khác, cây ăn trái sẽ không sai quả. Hẳn bạn thấy rõ tầm quan trọng của dịch vụ vận chuyển phấn hoa đối với lợi ích con người.

Thu hút công nhân

Hoa phải quyến rũ và bồi dưỡng cho những công nhân thụ phấn. Bằng cách nào? Có loại cung cấp nơi nghỉ ngơi ấm áp cho công nhân, loại khác thì thường tự giới thiệu bằng cách tỏa hương thơm và khoe vẻ đẹp mỹ miều của mình. Nhiều loại hoa còn có những đốm hay sọc màu để chỉ dẫn công nhân biết nơi lấy mật.

Mỗi loại hoa có cách riêng để kêu gọi công nhân. Có loại tỏa mùi hôi thối để thu hút ruồi. Số khác thì giả dạng rất giỏi. Chẳng hạn, loài lan ong có hình dáng giống nàng ong, vì thế có thể thu hút những chàng ong đang kiếm bạn tình. Có loại hoa bắt nhốt công nhân cho đến khi thụ phấn xong mới chịu thả ra. Nhà thực vật học Malcolm Wilkins viết: “Trong thế giới thực vật, không điều gì tinh vi, chính xác và khéo léo bằng quá trình vô cùng quan trọng là thụ phấn cho hoa”.

Nếu Đấng Tạo Hóa không ban cho mỗi loại cây khả năng thu hút những loài vật thực hiện nhiệm vụ thụ phấn, hàng triệu loại cây sẽ không được nhân giống. Về kết quả của quá trình này, Chúa Giê-su nói: “Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó-nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó”.—Ma-thi-ơ 6:25, 28, 29.

Nhờ sự thụ phấn, cây cối được nhân giống và cung cấp lương thực cho con người. Tuy một số người phải khổ sở vì phấn hoa, nhưng tất cả chúng ta nên nhớ đến công lao của các công nhân vận chuyển những hạt bụi mang mầm sống. Mùa màng phụ thuộc phần lớn vào quá trình kỳ diệu này trong thiên nhiên, một bằng chứng cho thấy tài năng của Đấng Tạo Hóa.

[Chú thích]

^ đ. 3 Quá trình thụ phấn có thể diễn ra qua hai cách, đó là giao phấn (tiếp nhận hạt phấn từ cây khác) hoặc tự thụ phấn (nhận phấn từ cùng một cây). Tuy nhiên, cách thứ nhất giúp duy trì tính đa dạng của thực vật, nhờ vậy cây cối có sức chịu đựng và kháng bệnh tốt hơn.

^ đ. 6 Chẳng hạn, chỉ một chùm hoa của cây phong có thể sản sinh hơn năm triệu hạt phấn, và trung bình một cây phong có đến hàng ngàn chùm hoa.

^ đ. 9 Những chú ong phải bay khoảng mười triệu chuyến đến các bông hoa để sản xuất một kilôgram mật ong.

[Khung/​Hình nơi trang 16, 17]

Công nhân thụ phấn

RUỒI VÀ BỌ

Đây là vài trong số những công nhân thụ phấn thầm lặng. Nếu bạn thích ăn sô-cô-la, hẳn bạn phải nhớ ơn những chú ruồi nhỏ bé đã thụ phấn cho cây cacao.

DƠI VÀ THÚ CÓ TÚI

Nhiều loại cây cao lớn được thụ phấn nhờ dơi, chẳng hạn như cây bông gạo và baobab. Một số loài dơi ăn quả không chỉ hút mật mà còn ăn trái rồi làm vãi hạt, như thế chúng giúp cây nhân giống bằng hai cách. Ở Úc, những thú nhỏ thuộc bộ có túi thường hút mật ở hoa. Khi đi từ hoa này đến hoa kia để hút mật, chúng cũng vận chuyển phấn hoa dính trên lông chúng.

BƯỚM NGÀY VÀ BƯỚM ĐÊM

Thức ăn của loài côn trùng xinh đẹp này là mật hoa, chúng mang theo phấn khi đậu trên hoa này rồi bay sang đậu trên hoa khác. Sự thụ phấn ở một số loài lan hoàn toàn phụ thuộc vào bướm đêm.

CHIM HÚT MẬT VÀ CHIM RUỒI

Những chú chim sặc sỡ này bay liên tục từ hoa này sang hoa khác để hút mật. Phấn hoa sẽ dính vào lông trên đầu và trên ức của chúng.

ONG MẬT VÀ ONG VÒ VẼ

Cơ thể đầy lông của chúng dễ dính phấn giống như mắt kính dễ bám bụi. Vì vậy, chúng là những chú thợ thụ phấn lý tưởng. Chỉ một chú ong nghệ có thể vận chuyển đến 15.000 hạt phấn. Nhờ nhập cảng ong nghệ từ Anh quốc vào thế kỷ 19, nay đồng cỏ ba lá ở New Zealand phát triển sum suê, là nguồn thực phẩm cần thiết cho các bầy gia súc ở xứ này.

Ong mật là những chú thợ thụ phấn quan trọng nhất trên thế giới. Thông thường, chúng hút mật của loại hoa mọc nhiều nhất ở gần tổ. Nhà côn trùng học Christopher O’Toole ước tính rằng “có đến 30 phần trăm nguồn thực phẩm của con người phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự thụ phấn nhờ ong”. Nhà nông cần ong để thụ phấn cho vườn hạnh nhân, táo, mận, anh đào và kiwi của họ. Vì thế, họ phải thuê ong và trả công cho người nuôi ong.

[Hình nơi trang 18]

Lan ong