Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đến thăm đất nước Đông Timor

Đến thăm đất nước Đông Timor

Đến thăm đất nước Đông Timor

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC

ĐÔNG TIMOR, hay Timor-Leste, là một đất nước nhỏ bé với diện tích chiếm nửa hòn đảo Timor về phía đông. Từ “Timor” trong tiếng Malaysia và từ “Leste” trong tiếng Bồ Đào Nha đều có nghĩa là “phía đông”. Tên gọi Đông Timor rất thích hợp với quốc gia này vì đảo Timor cũng nằm ở cực đông của quần đảo Indonesia.

Đông Timor có diện tích khoảng 14.800 kilômét vuông, nhỏ hơn Việt Nam 22 lần. Tuy nhỏ bé nhưng đảo Timor có hệ sinh thái đa dạng, vốn là sự kết hợp giữa châu Á và châu Úc. Bên cạnh những cánh rừng nhiệt đới xanh tươi là những lùm cây khuynh diệp xơ xác và đồng cỏ khô cằn. Động vật hoang dã ở đây cũng có nhiều loài đến từ hai châu lục này. Bạn có thể tìm thấy các loài thú có túi và chim của châu Úc lẫn các loài khỉ và cá sấu nước mặn của châu Á. Còn người dân Đông Timor thì sao? Bạn có muốn đến thăm họ không?

Thời thuộc địa

Có lẽ các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đặt chân đến Đông Timor lần đầu tiên vào năm 1514. Thời đó, những cánh rừng bạch đàn phủ kín các ngọn đồi. Gỗ bạch đàn là nguồn tài nguyên quí giá của xứ sở này, và chỉ riêng nguồn lợi này thôi cũng đủ thu hút các thương gia Bồ Đào Nha đến đây buôn bán. Giáo Hội Công Giáo cũng quan tâm đến vùng đất này và muốn phái giáo sĩ tới truyền đạo cho dân bản xứ. Vì hai lý do trên, Bồ Đào Nha đã biến đảo này thành thuộc địa của họ vào năm 1556.

Tuy nhiên, đảo Timor vẫn là một thuộc địa xa xôi và không được khai thác nhiều. Đến năm 1656, khi Hà Lan kiểm soát phân nửa phía tây của hòn đảo, thì Bồ Đào Nha rút về phía đông. Cuối cùng, sau hơn 400 năm đô hộ, Bồ Đào Nha hoàn toàn rút khỏi nơi này vào năm 1975.

Cũng vào năm đó, nội chiến bùng nổ. Theo ước tính, khoảng 200.000 người dân Đông Timor—khoảng một phần ba dân số—đã bị thiệt mạng trong 24 năm nội chiến. Làn sóng bạo động dâng cao vào năm 1999, khiến 85 phần trăm nhà cửa và phần lớn cơ sở hạ tầng của nước này bị phá hủy. Hàng trăm ngàn người phải trốn lên miền núi. Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc đã can thiệp để chấm dứt cuộc tương tàn và ổn định đảo quốc này.

Kể từ đó, người Timor bắt đầu ra sức xây dựng lại cuộc sống. Vào tháng 5 năm 2002, nước Cộng Hòa Đông Timor chính thức được công nhận là một quốc gia mới.

Nơi hội tụ các nền văn hóa

Hàng thế kỷ thông thương với nước ngoài, cùng với làn sóng nhập cư từ châu Á và châu Úc, cũng như sự đô hộ của các nước châu Âu đã tạo nên quốc gia Đông Timor với nền văn hóa và hệ thống ngôn ngữ mang nhiều bản sắc. Mặc dù tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng trong giao dịch thương mại và các cơ quan nhà nước, nhưng 80 phần trăm dân số nói tiếng Tetum, một ngôn ngữ có nhiều từ vựng mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Ngoài ra, nước này còn có ít nhất 22 ngôn ngữ khác được các dân tộc thiểu số sử dụng.

Ở nông thôn, trưởng làng có vai trò rất quan trọng. Họ tổ chức các buổi lễ, chia đất và giúp gìn giữ phong tục tập quán địa phương; còn việc giải quyết những vấn đề hành chính là nhiệm vụ của một người do dân tín nhiệm bầu lên.

Tôn giáo cũng là một sự pha trộn giữa niềm tin của người địa phương với đạo Công Giáo du nhập từ châu Âu. Có thể nhìn thấy tục thờ tổ tiên, phép phù thủy và ma thuật trong mọi sinh hoạt của người dân. Những người theo đạo Công Giáo vẫn thường xuyên cầu hỏi matan do’ok, tức các thầy pháp địa phương, để biết tương lai, chữa bệnh và trừ tà ma.

Những con người hiếu kỳ và hiếu khách

Người dân Đông Timor có bản chất vui vẻ, hiếu kỳ và hiếu khách. Tổng thống Kay Rala Xanana Gusmão nói: “Chúng tôi là một dân tộc hiếu học, hòa đồng, thích trao đổi và giao lưu với các dân tộc khác”.

Khi được mời dùng bữa, khách thường ăn chung với người chủ gia đình. Vợ và con cái sẽ lo phục vụ rồi ăn sau. Theo phép lịch sự, lúc đầu chỉ nên lấy một ít thức ăn, rồi sau đó xin thêm. Làm thế, người nấu sẽ cảm thấy vui vì khách thích món ăn của họ.

Phần lớn các bữa ăn của người Timor đều có cơm, bắp hay khoai mì và rau củ. Một đặc sản của xứ sở này là món saboko, gồm cá mòi trộn với sốt me và gia vị rồi cuốn trong lá cọ. Còn thịt là món xa xỉ đối với người dân ở đây.

Những đứa trẻ náo nhiệt

Đông Timor là một quốc gia có dân số trẻ. Gần phân nửa dân số nước này là trẻ em. Nhiều gia đình có đến 10 hay 12 con.

Trên đường đến trường, những đứa trẻ cùng nắm tay vui hát và cười đùa. Chương trình giáo dục ở trường không những truyền đạt kiến thức mà còn dạy về đạo đức và cách sống.

Trẻ em Timor không bao giờ lặng lẽ chơi một mình, mà thường chơi chung cả xóm. Một trò chơi rất được bọn trẻ ưa thích là dudu karreta, có nghĩa là đẩy xe. Chúng dùng niềng xe đạp giả làm xe hơi, rồi dùng một cái que vừa lăn vừa điều khiển và chạy theo niềng xe, reo hò vang xóm.

Tuy nhiên, trẻ em Timor không chỉ biết chơi. Chẳng hạn, các em cũng được giao các công việc vặt như giã bắp bằng những chiếc chày nặng. Dù thế, chúng vẫn vui vẻ làm việc, dường như không chút ưu tư vì sinh ra ở một đất nước thuộc mười quốc gia nghèo nhất thế giới.

Nỗi đau của đất nước mới phôi thai

Tình trạng đói nghèo khiến đời sống của người Timor vô cùng bấp bênh. Bốn mươi phần trăm dân số sống dưới mức 1,5 Mỹ kim một ngày, là mức tối thiểu để trang trải những nhu cầu cơ bản. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Một báo cáo của chính phủ cho biết: “Trên toàn quốc, 75 phần trăm người dân không có điện, 60 phần trăm không có hệ thống vệ sinh, và 50 phần trăm không có nước sạch để uống”.

Điều kiện sống như thế cũng gây nhiều vấn đề sức khỏe. Nạn suy dinh dưỡng, bệnh sốt rét, lao phổi và những bệnh tật khác khiến tuổi thọ trung bình của người dân chỉ độ 50. Khoảng 10 phần trăm trẻ em bị chết khi chưa được 5 tuổi. Trong năm 2004, với dân số gần 800.000 người mà ở đây có không tới 50 bác sĩ.

Nhiều quốc gia khác đang hợp tác với Liên Hiệp Quốc để giúp người dân Timor tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá. Nguồn dầu khí dồi dào ngoài khơi biển Timor cũng tạo cơ hội cho họ vươn lên khỏi tình trạng kinh tế nghèo nàn. Tuy nhiên, vốn quý nhất của xứ sở này vẫn là những con người khiêm nhường và chịu đựng dẻo dai. Khi trò chuyện với phóng viên Tỉnh Thức!, một phụ nữ Timor nói: “Tuy nghèo nhưng chúng tôi không khổ!”

“Tin tốt về phước-lành”

Trong những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va đã đem “tin tốt về phước-lành” đến với người dân Đông Timor. (Ê-sai 52:7; Rô-ma 10:14, 15) Chỉ riêng năm 2005, hội thánh duy nhất của Nhân Chứng ở nước này đã dành gần 30.000 giờ để giúp người khác biết lời hứa của Kinh Thánh về một địa đàng tuyệt diệu.—Thi-thiên 37:10, 11; 2 Phi-e-rơ 3:13.

Lẽ thật Kinh Thánh đã giải thoát nhiều người khỏi vòng kiềm tỏa của ma thuật, như trường hợp anh Jacob chẳng hạn. Là người chủ gia đình có vợ và năm con, anh rất tin các hình thức thuật thông linh. Anh thường cúng tế thú vật cho vong linh người chết. Việc làm này là cả một gánh nặng tài chính cho gia đình anh. Nếu cúng một con gà thì tốn gần một ngày lương, còn một con dê hay một con heo đặc biệt thì mất vài tuần lương.

Với thời gian, chị Fransiska, vợ anh Jacob, bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, rồi cho anh xem những câu Kinh Thánh chứng minh người chết không biết gì hết và cũng không thể làm hại người sống. (Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4) Họ chấp nhận quan điểm của Kinh Thánh và quyết định ngưng thờ cúng các vong linh. Điều đó khiến họ bị người thân ruồng bỏ và hăm dọa là sẽ bị các vong linh quấy phá, hành hại. Tuy nhiên, vợ chồng anh vẫn giữ vững lập trường. Họ nói: “Đức Giê-hô-va sẽ che chở chúng tôi”.

Cũng trong thời gian ấy, anh Jacob bắt đầu học Kinh Thánh và cùng gia đình tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ. Nhờ vậy, đời sống anh trở nên tốt hơn. Chẳng hạn, anh đã bỏ được tật nghiện thuốc lá lâu năm, dù trước kia từng hút mỗi ngày một gói. Giờ đây, anh cũng biết đọc, biết viết. Còn chị Fransiska thì bỏ được tật nhai trầu. Và rồi vào năm 2005, hai anh chị đã làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Nay họ biết dùng tiền để nuôi con ăn học và chữa bệnh cho con.

Quả thật, như Chúa Giê-su đã báo trước, tin mừng về Nước Trời đang được giảng ra “cho đến cùng trái đất”, đến tận xứ sở Đông Timor nhỏ bé với những người dân có tấm lòng bao la, hiếu kỳ và hiếu khách.—Công-vụ 1:8; Ma-thi-ơ 24:14.

[Khung/​Hình nơi trang 17]

“Thêm chỉ thêm suốt”

“Thêm chỉ thêm suốt” từng là câu nói của người Timor khi một bé gái chào đời. Câu này nói lên công việc truyền thống của phụ nữ Timor là dệt tais, những khúc vải dài với hoa văn sặc sỡ. Tais được dùng để may các bộ lễ phục sang trọng, làm khăn trang trí hay vật gia bảo. Phụ nữ lớn tuổi thường dạy các thiếu nữ cách trồng, hái bông vải, se chỉ, nhuộm và dệt những tấm vải với các hoa văn đầy màu sắc. Tùy theo độ phức tạp của hoa văn, dệt một tấm tais có thể mất một năm hoặc lâu hơn. Vì mỗi vùng có hoa văn truyền thống riêng, nên những người biết rành mặt hàng này thường có thể nhận ra ngay nơi xuất xứ của từng tấm tais.

[Bản đồ nơi trang 14]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PAPUA NEW GUINEA

INDONESIA

ĐÔNG TIMOR

ÚC

[Hình nơi trang 15]

Kiểu nhà hình nón của người Timor

[Hình nơi trang 16]

“Dudu karreta”—trò chơi ưa thích của trẻ em

[Hình nơi trang 16, 17]

Anh Jacob cùng gia đình