Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hy vọng nào cho người nghèo?

Hy vọng nào cho người nghèo?

Hy vọng nào cho người nghèo?

AI CŨNG biết rằng chịu cực để kiếm sống là điều bình thường, miễn là được trả lương xứng đáng. Một người viết Kinh Thánh nhận xét: “Vậy, ta nhìn-biết chẳng có điều gì tốt. . . hơn là vui-vẻ. . . Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:12, 13.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, hệ thống kinh tế thế giới đòi hỏi người lao động phải làm việc cực nhọc, nhưng lại không trả công xứng đáng. Người nghèo vẫn nghèo và phải chạy cơm từng bữa. Sống như thế làm sao họ có thể “vui-vẻ” và ‘hưởng phước’! Ngày nay, kinh tế thế giới đã phát triển đáng kể, nhưng gần phân nửa nhân loại không được hưởng sự phồn thịnh đó.

Đức Chúa Trời quan tâm đến người nghèo

Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, rất đau lòng khi thấy nhân loại rơi vào tình trạng như hiện nay. Ngài thương xót những người bần cùng. Kinh Thánh nói: ‘[Đức Chúa Trời] chẳng hề quên tiếng kêu của kẻ khốn-cùng’. (Thi-thiên 9:12) Thật vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng quan tâm đến người nghèo.

Kinh Thánh cũng cho biết về Ngài: “Kẻ khốn-khổ phó mình cho Chúa; Chúa là Đấng giúp-đỡ kẻ mồ-côi”. (Thi-thiên 10:14) Hãy lưu ý câu Kinh Thánh trên nói đến từng cá nhân bị đau khổ. * Thật vậy, Đức Chúa Trời lưu tâm đến từng người và chăm lo nhu cầu của họ. Đối với Ngài, mỗi người đều đáng quý và đáng được quan tâm. Đức Giê-hô-va kêu gọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội hãy học nơi Ngài và trở thành bạn của Ngài.

Một điều mà người ta có thể học nơi Đức Chúa Trời là bày tỏ lòng thương xót và đồng cảm với người khác. Nhân Chứng Giê-hô-va luôn xem nhau như anh em một nhà. Họ quý trọng từng anh em đồng đạo và yêu thương nhau cách chân thật. Chúa Giê-su từng nói với môn đồ: “Các ngươi hết thảy đều là anh em”. (Ma-thi-ơ 23:8) Vì thế, trong vòng tín đồ thật của Đấng Christ không có sự phân biệt giàu nghèo. Họ luôn quan tâm giúp đỡ và khích lệ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn.

Qua Kinh Thánh, chúng ta cũng tìm thấy những nguyên tắc giúp giảm bớt khó khăn về kinh tế. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời lên án các thói hư tật xấu, như hút thuốc và say sưa. (Châm-ngôn 20:1; 2 Cô-rinh-tô 7:1) Những ai làm theo các nguyên tắc này sẽ không lãng phí tiền bạc cho những thói tật có hại. Họ tránh được bệnh tật do thuốc lá, rượu chè gây ra, và nhờ thế đỡ tốn tiền thuốc men. Kinh Thánh cũng dạy người ta tránh đặt nặng vật chất và tinh thần tham lam. (Mác 4:19; Ê-phê-sô 5:3) Về phương diện này, nếu nghe theo lời khuyên của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không phải “cháy túi” vì cờ bạc.

Kinh Thánh còn chứa đựng những nguyên tắc thiết thực cho đời sống hằng ngày, ngay cả khi sống trong cảnh bần cùng. Hãy xem một kinh nghiệm.

Ở một nước có tỉ lệ thất nghiệp cao, một công nhân đã mạnh dạn xin chủ làm bớt giờ để đi dự các buổi họp của đạo Đấng Christ. Chị có thể mất việc vì yêu cầu đó. Nhưng cả xưởng vô cùng ngạc nhiên khi chủ chấp thuận yêu cầu của chị. Ông cho biết ông muốn chị tiếp tục làm việc tại xưởng và khen chị là “công nhân gương mẫu”. Tại sao thế?

Nữ công nhân đó là Nhân Chứng Giê-hô-va và luôn sống theo nguyên tắc Kinh Thánh. Vì muốn “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”, chị không nói dối và ăn cắp nên có tiếng là người thật thà, lương thiện. (Hê-bơ-rơ 13:18) Chị luôn làm việc “hết lòng” theo nguyên tắc của Kinh Thánh nơi Cô-lô-se 3:22, 23 bằng cách vâng lời chủ và không ăn cắp giờ làm việc.

Dĩ nhiên, vì sống trong một hệ thống kinh tế ích kỷ và chạy theo lợi nhuận, nên những người sống theo nguyên tắc Kinh Thánh có thể vẫn phải vất vả để kiếm cái ăn, cái mặc và chỗ ở. Nhưng họ có lương tâm trong sạch trước mặt Đấng Tạo Hóa và niềm hy vọng chắc chắn về một tương lai tươi sáng hơn, vì “Đức Chúa Trời là nguồn hy vọng”.—Rô-ma 15:13, Bản Dịch Mới.

Giải pháp vĩnh viễn

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va vô cùng phẫn nộ trước cảnh người nghèo bị hiếp đáp. Lời Ngài nói: “Khốn thay cho những kẻ lập luật không công-bình, cho những kẻ chép lời trái lẽ, cất mất sự công-bình khỏi kẻ nghèo, cướp lẽ phải của kẻ khốn-khó. . . lấy kẻ góa-bụa làm miếng mồi, kẻ mồ-côi làm của cướp!” (Ê-sai 10:1, 2) Dù vô tình hay cố ý làm ngơ trước tình cảnh của người nghèo, những người điều hành nền kinh tế hiện nay phải chịu trách nhiệm về hệ thống bóc lột của họ. Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ loại bỏ hệ thống đó.

Nhà tiên tri Ê-sai đặt một câu hỏi đáng sợ cho những kẻ bóc lột người khác: “Tới ngày thăm-phạt, khi họa-hoạn từ xa mà đến, các ngươi sẽ làm thể nào?” (Ê-sai 10:3) Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ họ cùng hệ thống bất công mà họ cố duy trì.

Tuy nhiên, ý định của Đức Chúa Trời không chỉ có thế. Ngài còn muốn những người ngay thẳng được hưởng sự công bằng. Qua một chính phủ tốt hơn, Ngài sẽ ban cho nhân loại đời sống ấm no, hạnh phúc. Lúc ấy, bạn sẽ sống sung túc mà không cần phải thừa hưởng gia tài kếch xù, có tài kinh doanh, hoặc quen biết với những người có thế lực. Làm sao chúng ta biết chắc những điều đó sẽ xảy ra?

Chúa Giê-su, đấng được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để cai trị nhân loại, đã gọi tương lai huy hoàng đó là “kỳ muôn vật đổi mới”. (Ma-thi-ơ 19:28) Cụm từ này hàm ý nói về một khởi đầu mới cho nhân loại. Khi dùng cụm từ “kỳ muôn vật đổi mới”, Chúa Giê-su cho thấy rõ Đức Giê-hô-va muốn những người công bình được sống trong điều kiện như Ngài đã định khi tạo ra muôn vật. Lúc ấy, ngoài những ân phước khác, nhân loại sẽ vĩnh viễn được thoát khỏi mọi gánh nặng kinh tế.

Kinh Thánh tiên tri về triều đại của Chúa Giê-su: “Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu”.—Thi-thiên 72:12-14.

Tương lai tốt đẹp đó đang chờ đón bạn. Tuy nhiên, để hội đủ điều kiện sống trong thế giới mới, điều quan trọng là bạn phải học và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Hãy quyết định khôn ngoan mọi việc dựa trên sự hiểu biết Kinh Thánh, và hướng tới tương lai tuyệt diệu mà Ngài hứa. Bạn sẽ không thất vọng vì Đức Chúa Trời khẳng định: “Người thiếu-thốn sẽ không bị bỏ quên luôn luôn, và kẻ khốn-cùng chẳng thất vọng mãi mãi”.—Thi-thiên 9:18.

[Chú thích]

^ đ. 6 Lòng quan tâm của Đức Chúa Trời đối với người nghèo khổ cũng được nêu bật nơi Thi-thiên 35:10 và 113:7.

[Câu nổi bật nơi trang 9]

Một tương lai tốt đẹp đang chờ đón bạn

[Khung/​Hình nơi trang 10]

Tôi nên chuyển đến nơi có điều kiện sống tốt hơn không?

Kinh Thánh không khuyên người ta nên sống và làm việc ở đâu. Tuy nhiên, trong đó có một số nguyên tắc giúp chúng ta quyết định có nên chuyển đến một nước khác vì lý do kinh tế hay không. Hãy xem xét các câu hỏi cùng những nguyên tắc Kinh Thánh sau.

1. Tôi có bị lôi cuốn bởi những lời đồn đại vô căn cứ không? Châm-ngôn 14:15 nói: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Sau khi di cư đến một nước phát triển, một người Đông Âu tâm sự: “Người ta nói ở đây tiền rải đầy đường. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy con đường nào có tiền”.

2. Tôi có quan điểm đúng đắn về nhu cầu của gia đình không? Tôi có lẫn lộn giữa nhu cầu và ham muốn không? Những người chủ gia đình có trách nhiệm phải nuôi vợ con. (1 Ti-mô-thê 5:8) Nhưng bên cạnh đó, họ cũng phải dạy dỗ con cái về mặt đạo đức và tâm linh. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; Ê-phê-sô 6:4) Nếu làm việc xa nhà, có thể họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho gia đình. Tuy nhiên, họ không thể dạy dỗ con cái nếu xa nhà vài tuần, vài tháng hoặc vài năm.

3. Tôi có ý thức rằng việc vợ chồng xa cách có thể là cạm bẫy cho cả hai hay không? Đức Chúa Trời khuyên các cặp vợ chồng nên quan tâm đến nhu cầu sinh lý của nhau.—1 Cô-rinh-tô 7:5.

4. Tôi có biết rằng việc nhập cư bất hợp pháp sẽ bị nhà cầm quyền phạt nặng hay không? Tín đồ thật của Đấng Christ phải vâng phục nhà cầm quyền.—Rô-ma 13:1-7.

[Các hình nơi trang 8, 9]

Nguyên tắc Kinh Thánh thiết thực cho mọi người, bất kể giàu nghèo

[Nguồn tư liệu nơi trang 7]

Hình trên: © Trygve Bolstad/Panos Pictures