Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vì sao quá nhiều người nghèo trong thế giới thịnh vượng?

Vì sao quá nhiều người nghèo trong thế giới thịnh vượng?

Vì sao quá nhiều người nghèo trong thế giới thịnh vượng?

“CÁC ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình”. (Ma-thi-ơ 26:11) Chúa Giê-su đã nói những lời ấy vào thế kỷ thứ nhất. Từ thời đó đến nay, thế giới lúc nào cũng có nhiều người nghèo. Tại sao lại xảy ra tình trạng đó trong một thế giới thịnh vượng như hiện nay?

Một số người cho rằng người ta nghèo là tại bản thân họ. Điều đó có thể đúng trong vài trường hợp. Những người say sưa, nghiện ngập, cờ bạc đương nhiên khó tránh khỏi cảnh nghèo. Nhưng không phải ai nghèo cũng do lỗi của họ.

Nhiều người bị thất nghiệp do có sự thay đổi trong các ngành công nghiệp. Những người có công ăn việc làm thì mất sạch tiền dành dụm cả đời vì chi phí y tế tăng vùn vụt. Còn ở những nước đang phát triển, hàng trăm triệu người dù muốn cũng không thể thoát khỏi cái nghèo. Nguyên nhân của sự nghèo đói thường nằm ngoài khả năng kiểm soát của các nạn nhân, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Nhìn lại quá khứ

Đầu thập niên 1930, thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng mà sau này gọi là Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế. Tại một quốc gia, hàng triệu người mất việc làm và hàng trăm ngàn gia đình mất nhà cửa. Trong khi nhiều người bị đói thì các nông trại lại đổ đi không biết bao nhiêu ngàn lít sữa, và nhân viên chính phủ buộc nông dân phải giết hàng triệu gia súc.

Tại sao người ta làm thế? Hệ thống kinh tế đòi hỏi nông phẩm và hàng hóa phải sinh lợi nhuận. Dù thịt, sữa và ngũ cốc cần thiết cho người nghèo, nhưng nếu không đem lại lợi nhuận thì kể như vô giá trị và phải bỏ đi.

Vì thiếu thực phẩm nên bạo loạn xảy ra ở nhiều thành phố. Nhiều người do không có tiền mua thức ăn cho gia đình nên phải đi cướp giựt, còn những người khác thì chịu chết đói. Thảm trạng đó đã xảy ra ở Hoa Kỳ. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, hệ thống tài chính đồ sộ của nước này đã không giúp gì được cho những người có thu nhập thấp nhất. Thay vì chăm lo trước hết cho nhu cầu tối thiểu của người dân, là thức ăn, chỗ ở và việc làm, hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ lại chú trọng đến việc tạo lợi nhuận.

Tình trạng hiện nay

Nền kinh tế thế giới đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng trên. Ngày nay nhiều người có vẻ giàu hơn và có đời sống ổn định hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự sung túc đó, người nghèo vẫn không có cơ hội cải thiện đời sống. Nạn đói và tình trạng nghèo túng ở một số nước xuất hiện thường xuyên trên tin tức đến độ nhiều người không còn muốn đọc nữa. Nhiều nơi vẫn diễn ra cảnh người tị nạn bị đói vì chiến tranh, các kho lương thực bị hủy vì mục đích chính trị, và giá nhu yếu phẩm vượt quá khả năng của người nghèo do nạn đầu cơ tích trữ. Điều đó chứng tỏ không có gì thay đổi trong hệ thống kinh tế hiện nay. Cơ cấu kinh tế thế giới vẫn không màng đến hàng triệu người nghèo.

Thật ra, không hệ thống kinh tế nào của con người có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Khoảng 3.000 năm trước, khi nghiền ngẫm về cuộc sống, một người đã nhận định: “Ta xây lại, xem-xét mọi sự hà-hiếp làm ra ở dưới mặt trời; kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp!” (Truyền-đạo 4:1) Thời nay, dù vật chất dư thừa nhưng nạn hà hiếp bóc lột vẫn tồn tại khắp nơi.

Hàng triệu người hầu như không có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo. Tuy nhiên, nhiều người đã học được cách vượt qua khó khăn về kinh tế. Họ cũng tìm được hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

[Khung nơi trang 5]

Vật lộn với cuộc sống

Qua cuốn sách của ông nhan đề The Working Poor—Invisible in America (Giới lao động nghèoNhững thân phận thầm lặng ở Hoa Kỳ), nhà báo David K. Shipler cho chúng ta ý niệm về hoàn cảnh của những người đang ở bờ vực của sự nghèo túng: “Vì sống trong nhà ổ chuột nên bệnh suyễn của con cái có thể ngày càng nặng. Khi bệnh nặng thì phải nhập viện và chịu viện phí cao. Trả viện phí không nổi thì ảnh hưởng xấu đến hồ sơ tín dụng. Tín dụng xấu thì phải chịu lãi suất cao khi mua xe trả góp, vì thế phải mua xe cũ. Xe cũ thì hay chết máy, nên đi làm trễ, vì vậy không được lên lương, thăng chức. Thế là phải tiếp tục sống trong nhà ổ chuột”. Tai họa cứ thế lơ lửng trên đầu gia đình ấy, dù họ sống ở quốc gia giàu nhất thế giới.

[Khung nơi trang 6]

Thiện chí—Có đủ không?

Vào tháng 11 năm 1993, một nhóm quan chức đang họp bên trong tòa nhà chính phủ ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, để tìm cách giải quyết một vấn đề nghiêm trọng. Với ngân sách hàng trăm triệu Mỹ kim trong tay, họ có nhiệm vụ lên kế hoạch trợ giúp những người vô gia cư. Trong khi cuộc họp đang diễn ra thì cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên cấp cứu đổ về trạm xe buýt bên kia đường. Sau đó, xe cấp cứu chở đi thi thể của một phụ nữ vô gia cư. Bà đã chết ngay trước tòa nhà của Cơ quan Phát triển Nhà ở và Thành thị Hoa Kỳ (HUD), cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ những người không chốn nương thân.

Một phóng viên của tờ The New York Times sau đó đã phỏng vấn một quan chức của HUD. Vị này bình luận như sau về số xe cộ và nhân viên cấp cứu có mặt tại hiện trường lúc đó: “Thật nực cười khi thấy không biết bao nhiêu bàn tay giơ ra giúp đỡ sau khi một người qua đời, còn trước đó thì chẳng có bàn tay nào”.

[Hình nơi trang 4, 5]

Một phụ nữ di cư cùng ba con nhỏ trong Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế vào thập niên 1930

[Nguồn tư liệu]

Dorothea Lange, FSA Collection, Thư viện Quốc Hội

[Hình nơi trang 6, 7]

Trong một xưởng bóc lột lao động như thế này, công nhân được trả trung bình 14 Mỹ kim một tháng, và có khi phải làm việc 70 giờ một tuần

[Nguồn tư liệu]

© Fernando Moleres/Panos Pictures