Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dự báo về các “cỗ máy hủy diệt”

Dự báo về các “cỗ máy hủy diệt”

Dự báo về các “cỗ máy hủy diệt”

“Con người với ý nghĩ xấu xa luôn tìm cách biến những thành tựu của mình thành công cụ để nô dịch, hủy diệt và lừa gạt đồng loại”.—Horace Walpole, nhà văn người Anh thế kỷ 18.

KỸ NGHỆ HÀNG KHÔNG mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho con người. Tuy nhiên, lời nhận xét trên của ông Horace Walpole thật đúng! Ngay cả trước khi ước mơ được bay lên không trung trở thành hiện thực, con người đã tính toán nhiều cách để biến những thiết bị bay thành công cụ phục vụ chiến tranh.

Vào năm 1670, một tu sĩ dòng Tên ở Ý là Francesco Lana đã nhấn mạnh rằng có lẽ “Thiên Chúa không bao giờ cho phép người ta chế tạo một cỗ máy như thế [khí cầu]. Ngài không muốn nó gây tác hại to lớn, làm xáo trộn hệ thống chính trị và xã hội của loài người”. Ông cho biết trước hậu quả của việc chế tạo này: “Ai cũng biết các thành phố có thể bị tấn công bất cứ lúc nào khi một khí cầu bỗng nhiên xuất hiện trên nơi họp chợ và quân lính đổ bộ xuống. Nó cũng có thể xuất hiện ở sân trước nhà hoặc trên những chiếc thuyền đang vượt đại dương. . . Không cần phải đáp xuống, khí cầu có thể ném những mảnh sắt mạnh đến nỗi lật úp thuyền và giết chết người ta. Chúng cũng ném những quả cầu lửa, đạn đại bác và bom để đốt cháy thuyền”. Ông Lana nói điều này hơn 100 năm trước khi quả khí cầu có người lái lần đầu tiên bay lên bầu trời.

Vào cuối thế kỷ 18, khi khí cầu khí nóng và khí cầu bơm khinh khí (hyđrô) được chế tạo, ông Walpole sợ rằng những quả khí cầu này sẽ nhanh chóng trở thành “các cỗ máy hủy diệt của con người”. Thật vậy, vào cuối năm 1794, các sĩ quan Pháp đã dùng khinh khí cầu để do thám khu vực của kẻ thù và chỉ huy các đội quân. Khí cầu cũng được dùng trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ (1861-1865) và chiến tranh Pháp-Đức (thập niên 1870). Ngoài ra, trong hai cuộc thế chiến của thế kỷ qua, quân đội Anh, Đức, Hoa Kỳ và Pháp cũng tận dùng khí cầu để làm nhiệm vụ trinh sát.

Trong Thế Chiến II, khí cầu thật sự trở thành cỗ máy giết người khi quân đội Nhật thả 9.000 quả khí cầu không người lái có trang bị bom về phía Hoa Kỳ. Hơn 280 quả khí cầu này đã bay đến Bắc Mỹ.

Dự đoán về các “chiến hạm” trên không

Ngay từ khi máy bay mới được chế tạo, người ta cũng nghĩ nó có tiềm năng trở thành cỗ máy phục vụ chiến tranh. Năm 1907, nhà phát minh Alexander Graham Bell nói: “Chỉ ít người biết Hoa Kỳ hiện giờ sắp sửa giải quyết một vấn đề mà có thể thay đổi toàn bộ cục diện chiến tranh trên khắp thế giới. Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây là việc chế tạo ‘chiến hạm’ trên không”. Cũng trong năm đó, tờ The New York Times trích lời chỉ huy trưởng đội lái khí cầu là Thomas T. Lovelace như sau: “Trong vòng 2 đến 5 năm nữa, mỗi đế quốc sẽ có khí cầu chiến đấu và khí cầu hủy diệt, giống như bây giờ họ đã có các tàu ngư lôi và loại tàu hủy diệt chúng”.

Chỉ ba tháng sau, anh em nhà Wright đã ký hợp đồng với Quân đoàn truyền tin Hoa Kỳ (U.S. Signal Corps) để chế tạo chiếc máy bay quân sự đầu tiên. Một bài báo ra ngày 13-9-1908 của tờ The New York Times cho biết tại sao quân đội quan tâm nhiều đến máy bay: “Một máy bay có thể thả bom vào ống khói của tàu chiến, phá hủy máy móc và hoàn tất nhiệm vụ hủy diệt bằng cách làm nổ tung đầu máy hơi nước”.

Đúng như lời của ông Bell nói, máy bay đã “thay đổi toàn bộ cục diện chiến tranh trên khắp thế giới”. Năm 1915, các hãng sản xuất máy bay đã lắp đặt thêm loại súng máy có thể bắn chính xác xuyên qua giữa các cánh quạt khi chúng đang quay. Chẳng bao lâu sau khi chế tạo máy bay chiến đấu, họ cũng cho ra đời loại máy bay ném bom. Trước Thế Chiến II, máy bay dạng này được thiết kế lớn hơn và có động cơ mạnh hơn. Vào ngày 6-8-1945, pháo đài bay B-29 đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên san bằng thành phố Hiroshima của Nhật Bản thành bình địa, và cướp đi mạng sống của tổng cộng 100.000 người dân.

Chỉ hai năm trước đó, năm 1943, ông Orville Wright đã nói trong một cuộc trò chuyện là ông lấy làm tiếc vì đã phát minh ra máy bay. Ông nhận thấy máy bay thật sự trở thành thứ vũ khí kinh hoàng trong hai cuộc thế chiến. Kể từ đó, cùng với sự ra đời của tên lửa điều khiển bằng laser và những vũ khí tinh vi khác, khả năng hủy diệt của máy bay ngày càng lớn, nhất là khi ‘dân nầy dấy lên nghịch cùng dân khác’.—Ma-thi-ơ 24:7.

[Các hình nơi trang 12, 13]

1. Khí cầu không người lái có trang bị bom

2. Khí cầu dùng làm hàng rào phòng không

[Nguồn tư liệu]

Library of Congress, Prints & Photographs Division, FSA/OWI Collection, LC-USE6-D-004722

3. Pháo đài bay B-29

[Nguồn tư liệu]

USAF photo

4. Máy bay chiến đấu F/A-18C Hornet

5. Máy bay tàng hình F-117A Nighthawk

[Nguồn tư liệu]

U.S. Department of Defense