Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đến và thư giãn ở Vanuatu

Hãy đến và thư giãn ở Vanuatu

Hãy đến và thư giãn ở Vanuatu

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở NEW CALEDONIA

Bạn bị căng thẳng? Bạn muốn đi xa để nghỉ ngơi? Vậy thì hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang nằm thư giãn trên một hòn đảo đầy ánh nắng mặt trời ấm áp. Hãy hình dung bạn đang bơi lội trong dòng nước xanh màu ngọc lam, hay đang thả bộ trên lối mòn xuyên qua khu rừng mưa nhiệt đới đầy cây cối xum xuê, hoặc bạn đang giao tiếp với những thổ dân mà mình chưa bao giờ gặp. Trên đất mà cũng còn có một nơi xinh đẹp như vườn địa đàng đến thế sao? Có chứ! Đó là quần đảo Vanuatu.

NẰM khoảng chính giữa Úc và Fiji, Vanuatu là một quốc gia gồm 80 hòn đảo nhỏ hợp lại thành hình chữ Y, về phía tây nam của Thái Bình Dương. Theo các nhà địa chất, các lớp địa tầng khổng lồ của vỏ trái đất chuyển động và va chạm mạnh với nhau, hình thành những dãy núi cao chìm trong đại dương. Đỉnh của những ngọn núi cao nhất nhô lên khỏi mặt nước tạo nên quần đảo Vanuatu với nhiều mỏm đá lởm chởm. Ngày nay, sự chuyển động địa chất gây ra vô số trận động đất nhỏ và khiến 9 ngọn núi lửa hoạt động. Những khách tham quan mạo hiểm có thể đến gần xem lớp dung nham nóng chảy khi núi lửa phun.

Các hòn đảo này đầy những cánh rừng mưa nhiệt đới xum xuê. Đây là vương quốc của những cây đa khổng lồ. Ngọn của chúng rậm rạp lá, có thể tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn. Hơn 150 loài phong lan và 250 loài dương xỉ tô điểm thêm cho những bụi cây bên dưới. Những bãi biển tuyệt đẹp và vách đá lởm chởm bao quanh mặt nước trong veo. Có vô số các loài cá và san hô đủ màu sắc dưới nước. Các nhà du lịch sinh thái từ nhiều quốc gia đến đảo Epi để được bơi lội cùng với những con cá nược hiền lành nhưng thích vui đùa. *

Thổ dân ăn thịt người và phái Cargo

Các nhà thám hiểm châu Âu đã đến Vanuatu lần đầu tiên vào năm 1606. * Khi ấy, có những nhóm thổ dân hung dữ sinh sống ở đây, và ăn thịt người là một tục phổ biến trên đảo. Vào thời đó, cánh rừng gỗ đàn hương trải dài khắp đảo. Loại gỗ có mùi thơm này rất quý ở châu Á. Thấy được nguồn lợi to lớn, những thương gia châu Âu đã đốn hàng loạt các cánh rừng này. Rồi họ quay sang “kinh doanh” thổ dân trên đảo.

Các thương gia châu Âu “kinh doanh” thổ dân trên đảo bằng cách tuyển họ vào làm ở các đồn điền trồng mía và cây bông vải tại Samoa, Fiji và Úc. Trên lý thuyết, họ tự nguyện ký vào bản hợp đồng làm việc ba năm. Nhưng trên thực tế, hầu hết họ đều bị bắt cóc. Cuối thập niên 1800, khi công việc kinh doanh lên đến đỉnh điểm, hơn một nửa số người nam của vài hòn đảo thuộc Vanuatu đi lao động ở nước ngoài. Phần lớn họ không bao giờ trở về. Chỉ riêng ở nước Úc, gần 10.000 người dân các đảo Thái Bình Dương đã chết. Nguyên do chính là vì bị bệnh.

Những căn bệnh do người châu Âu mang đến cũng gây tai hại cho quần đảo Vanuatu. Hệ miễn dịch của dân trên đảo hầu như không thể kháng cự lại được bệnh sởi, dịch tả, đậu mùa và những căn bệnh khác. Một nguồn tài liệu cho biết: “Bệnh cảm lạnh cũng có thể tiêu diệt toàn bộ cư dân trên đảo”.

Khi các giáo sĩ khối đạo tự xưng là đại diện cho Đấng Christ đến Vanuatu vào năm 1839, họ liền được thổ dân trên đảo mời dùng bữa tối. “Nguyên liệu” để chế biến món ăn chính là hai trong số những giáo sĩ này! Nhiều người truyền giáo đến sau cũng cùng chịu chung số phận. Tuy nhiên, sau này, các nhà thờ Tin Lành và Công Giáo được thành lập khắp quần đảo. Ngày nay, hơn 80 phần trăm cư dân Vanuatu tuyên bố mình là giáo dân của hai đạo này. Dù vậy, nhà văn Paul Raffaele cho biết: “Vẫn còn nhiều cư dân tôn sùng các thầy phù thủy trong làng. Họ tin rằng trong các nghi lễ huyền bí, thầy phù thủy có thể dùng những hòn đá được thần linh nhập vào để giúp quyến rũ người họ thích, vỗ béo con heo hoặc giết kẻ thù”.

Vanuatu là một trong những nơi mà phái Cargo còn tồn tại. Trong Thế Chiến II, trên đường đến chiến trường Thái Bình Dương, nửa triệu quân lính Hoa Kỳ đã ghé qua Vanuatu. Cư dân ở đây vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy họ mang theo một lượng hàng hóa khổng lồ, được gọi là “cargo”. Khi chiến tranh kết thúc, quân đội Hoa Kỳ thu dọn hành lý và trở về. Trang thiết bị còn lại trị giá hàng triệu đô la đã bị quăng xuống biển. Những nhóm người trên đảo thuộc phái Cargo đã xây các cầu tàu và đường băng cũng như luyện tập quân sự với vũ khí giả để “mời gọi” quân lính trở lại. Cho đến ngày nay, hàng trăm dân làng trên đảo Tanna vẫn còn cầu nguyện với John Frum. Họ xem ông là “bóng ma đấng cứu thế người Mỹ”, và mong chờ một ngày nào đó ông sẽ trở về, mang theo vô số “cargo” đem lại sự thịnh vượng cho họ.

Nền văn hóa đa dạng

Ngôn ngữ và phong tục của quốc gia này vô cùng đa dạng. Một sách hướng dẫn du lịch cho biết: “Vanuatu được xem là nơi có tỉ lệ ngôn ngữ trên dân số cao nhất thế giới”. Có ít nhất 105 ngôn ngữ và rất nhiều thổ ngữ được sử dụng trên khắp quần đảo này. Ngôn ngữ chính thức ở đây là tiếng Bislama (ngôn ngữ chung của cả nước), tiếng Anh và tiếng Pháp.

Dù vậy, quần đảo này vẫn có một điều không thay đổi: Những nghi lễ cổ xưa chi phối mọi khía cạnh của đời sống cư dân. Một nghi lễ cầu mùa trên đảo Pentecost đã hình thành nên lối nhảy bungee phổ biến khắp thế giới. Vào mùa thu hoạch khoai hàng năm, những người nam phải nhảy xuống từ các tháp gỗ cao 20 đến 30 mét. Chỉ có sợi dây leo buộc ở cổ chân là thứ duy nhất cứu họ khỏi cái chết. Khi đầu họ lướt nhẹ qua mặt đất, họ hy vọng rằng hành động này sẽ làm “màu mỡ” đất, chuẩn bị cho mùa màng trong năm kế tiếp.

Chỉ vài năm gần đây, một số làng ở đảo Malekula mới mở cửa với thế giới bên ngoài. Hai bộ tộc chính là Đại Nambas và Tiểu Nambas sinh sống ở đây. Người ta cho biết rằng mãi đến năm 1974, hai bộ tộc ăn thịt người đó mới chấm dứt thực hành hung tợn này. Tương tự, tục lệ buộc chặt đầu của những bé trai để làm cho sọ dài ra và trông “hấp dẫn” hơn đã kết thúc cách đây chỉ vài năm. Ngày nay, người Nambas trở nên thân thiện lạ thường và sẵn sàng giới thiệu di sản văn hóa của mình cho du khách đến thăm.

Cư dân ở quần đảo địa đàng

Hầu hết du khách đến thăm Vanuatu chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va đã đặt chân đến quần đảo này khoảng 70 năm về trước để giúp người ta học biết về Đức Chúa Trời. Nỗ lực của các Nhân Chứng nhằm đem thông điệp trong Kinh Thánh “cho đến cùng trái đất” đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. (Công-vụ 1:8) (Xin xem khung “Từ người nghiện kava trở thành tín đồ Đấng Christ”). Trong năm 2006, năm hội thánh ở quốc gia này đã dành ra hơn 80.000 giờ để chia sẻ thông điệp về một địa đàng sắp đến trên khắp đất. (Ê-sai 65:17-25) Thật hạnh phúc thay khi biết rằng địa đàng tương lai sẽ mang lại sự khuây khỏa lâu dài và giúp chúng ta thoát khỏi những áp lực và lo âu trong thế giới hiện đại này!—Khải-huyền 21:4.

[Chú thích]

^ đ. 5 Cá nược là loài động vật có vú, sống dưới nước, ăn tảo và cỏ biển. Nó có thể dài đến 3,4 mét và nặng hơn 400 kilôgam.

^ đ. 7 Trước khi giành độc lập vào năm 1980, Vanuatu được gọi là Tân Hebrides.

[Khung/​Hình nơi trang 17]

QUẦN ĐẢO HẠNH PHÚC

Vào năm 2006, Vanuatu đứng đầu danh sách các quốc gia góp phần làm cho hành tinh chúng ta hạnh phúc (Happy Planet Index). Danh sách này được thành lập bởi một nhóm chuyên gia cố vấn ở Anh Quốc (New Economics Foundation). Họ xếp hạng 178 quốc gia trên thế giới theo tiêu chuẩn: hạnh phúc, sống lâu và mức độ tác động đến môi trường. Tờ Vanuatu Daily Post cho biết: “[Vanuatu] đứng đầu danh sách vì cư dân ở đây rất hạnh phúc, sống thọ gần 70 tuổi và không làm hại gì đến hành tinh của chúng ta”.

[Hình]

Trang phục truyền thống

[Nguồn tư liệu]

© Kirklandphotos.com

[Khung/​Hình nơi trang 17]

TỪ NGƯỜI NGHIỆN KAVA TRỞ THÀNH TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST

Một cư dân đảo Pentecost tên là Willie nghiện kava từ khi còn rất trẻ. Loại thức uống an thần này được ép ra từ rễ của một loại cây bụi họ tiêu và được ủ trong một thời gian. Hàng đêm, anh Willie uống say ở các quán kava rồi loạng choạng đi về nhà. Nợ nần ngày càng chồng chất. Anh thường hung bạo và đánh đập vợ mình là chị Ida. Sau đó, một đồng nghiệp của anh là Nhân Chứng Giê-hô-va đã mời anh học Kinh Thánh. Anh Willie đồng ý học. Ban đầu chị Ida không thích. Nhưng khi thấy hạnh kiểm của chồng ngày một tốt hơn, chị đổi ý và cũng bắt đầu học Kinh Thánh. Hai vợ chồng anh chị tiến bộ tốt trong việc học hỏi. Dần dần, anh Willie đã từ bỏ được thói hư tật xấu. Hai anh chị làm báp têm và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1999.

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

NEW ZEALAND

ÚC

THÁI BÌNH DƯƠNG

FIJI

[Hình nơi trang 16]

Những người nhảy từ độ cao vô cùng nguy hiểm này đang làm nghi thức cầu xin cho đất đai màu mỡ

[Nguồn tư liệu]

© Kirklandphotos.com

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

© Kirklandphotos.com

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

© Kirklandphotos.com

[Nguồn tư liệu nơi trang 16]

© Kirklandphotos.com