Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy xây dựng một gia đình an toàn

Hãy xây dựng một gia đình an toàn

Hãy xây dựng một gia đình an toàn

“VÔ-TÌNH”, đây là từ Kinh Thánh dùng để miêu tả thái độ đáng buồn của nhiều người thời nay, thời kỳ được gọi là “ngày sau-rốt”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 3, 4) Nạn xâm hại trẻ em trong gia đình là bằng chứng rõ ràng về tính xác thực của lời tiên tri này. Thật vậy, trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, từ aʹstor·gos được dịch là “vô-tình” nói đến sự thiếu tình yêu thương mà các thành viên trong gia đình thường có đối với nhau, nhất là giữa cha mẹ và con cái. * Cũng chính trong gia đình, trẻ em rất thường bị lạm dụng hoặc xâm phạm.

Một số nhà nghiên cứu nói rằng người thường lạm dụng tình dục nhất chính là người đàn ông làm chủ gia đình. Những người đàn ông khác có quan hệ họ hàng cũng thường là kẻ quấy nhiễu. Tuy đa số nạn nhân là các em gái, nhiều em trai cũng bị xâm hại. Số phụ nữ lạm dụng tình dục trẻ em không ít như bạn nghĩ. Có lẽ hình thức xâm phạm ít được báo cáo nhất là loạn luân giữa anh chị em, đứa lớn hơn hoặc mạnh hơn dụ dỗ, cưỡng ép đứa nhỏ hơn hoặc yếu hơn để thực hiện hành vi tình dục. Là bậc cha mẹ, chắc chắn bạn thấy điều đó là ghê tởm.

Bạn có thể làm gì để những vấn đề này không xảy ra trong gia đình mình? Rõ ràng, mỗi thành viên trong gia đình cần biết và quý trọng một số nguyên tắc giúp ngăn ngừa mọi hành vi lạm dụng. Nơi tốt nhất để tìm sự hướng dẫn như thế là Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh.

Lời Đức Chúa Trời và quan hệ tình dục

Muốn được an toàn, gia đình cần theo sát tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh. Sách này không ngần ngại khi nói về tình dục nhưng trình bày vấn đề một cách nghiêm túc, thẳng thắn. Kinh Thánh cho thấy quan hệ tình dục là ân phước mà Đức Chúa Trời chỉ dành cho vợ chồng. (Châm-ngôn 5:15-20) Tuy nhiên, Lời Ngài nói quan hệ ngoài vòng hôn nhân là sai trái. Chẳng hạn, Kinh Thánh lên án sự loạn luân. Nơi sách Lê-vi Ký chương 18 liệt kê rõ ràng những hình thức loạn luân bị cấm. Hãy chú ý đến những lời sau đây: “Chớ một ai trong vòng các ngươi đến gần cùng người nữ bà-con mình đặng cấu-hiệp: Ta là Đức Giê-hô-va”.—Lê-vi Ký 18:6.

Đức Giê-hô-va liệt các hành vi loạn luân vào những “điều quái-gớm” mà người vi phạm sẽ bị tử hình. (Lê-vi Ký 18:26, 29) Rõ ràng, Đấng Tạo Hóa có tiêu chuẩn rất cao trong vấn đề này. Ngày nay, nhiều chính phủ cũng có quan điểm tương tự, cấm việc xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình. Luật pháp thường nói rõ khi một đứa trẻ giao hợp với người lớn thì đó là hiếp dâm. Tại sao dùng từ mạnh mẽ như thế nếu người ấy đã không dùng vũ lực?

Nhiều nhà cầm quyền thừa nhận điều mà Kinh Thánh từ lâu đã nói về trẻ em, đó là chúng thường không thể suy luận như người lớn. Chẳng hạn, Châm-ngôn 22:15 nói: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. Còn sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Khi tôi còn bé thơ, tôi. . . suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con, nhưng khi đã thành nhân tôi từ bỏ những hành vi trẻ con”.—1 Cô-rinh-tô 13:11, Bản Dịch Mới.

Một đứa trẻ không thể hiểu hết ý nghĩa cũng như hậu quả lâu dài của các hành vi tình dục. Vì thế, khắp nơi người ta đều đồng ý rằng các em không có đủ khả năng để quyết định ưng thuận giao hợp. Nói cách khác, nếu người lớn (hay một người trẻ nhiều tuổi hơn) giao hợp với một em nhỏ, người đó không thể bào chữa bằng cách nói em ấy đâu có phản kháng hay em ấy muốn thế. Người này đã phạm tội hiếp dâm. Đây là một tội ác và thường bị phạt tù. Kẻ cưỡng dâm phải chịu trách nhiệm chứ không phải là nạn nhân bất đắc dĩ.

Điều đáng buồn là ngày nay đa số các vụ phạm tội như thế không bị trừng phạt. Chẳng hạn tại Úc, người ta ước lượng có khoảng 10% kẻ phạm tội bị truy tố và chỉ ít người bị kết án. Tại những nước khác cũng vậy. Mặc dù chính phủ không thể làm gì nhiều để bảo vệ gia đình đạo Đấng Christ, việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể đem lại nhiều lợi ích.

Tín đồ Đấng Christ chân chính biết rằng Đức Chúa Trời cho ghi lại các nguyên tắc ấy trong Kinh Thánh và Ngài không hề thay đổi. Ngài thấy mọi điều chúng ta làm, ngay cả những điều phần đông những người khác không thấy. Lời Ngài nói: “Thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.—Hê-bơ-rơ 4:13.

Nếu vi phạm điều răn Ngài và làm hại người khác, chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời. Ngược lại, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi chúng ta áp dụng các điều răn hữu ích của Ngài về đời sống gia đình. Một số nguyên tắc này là gì?

Gia đình hợp nhất nhờ tình yêu thương

Kinh Thánh nói ‘tình yêu-thương là dây liên-lạc của sự trọn-lành’. (Cô-lô-se 3:14) Như được miêu tả trong Kinh Thánh, tình yêu thương không đơn thuần là cảm xúc. Tình yêu thương chân chính thúc đẩy người ta có lối cư xử và thái độ đúng đắn. (1 Cô-rinh-tô 13:4-8) Trong gia đình, bày tỏ tình yêu thương có nghĩa là tôn trọng và đối xử nhân từ với nhau. Điều đó cũng có nghĩa là sống phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời về mỗi thành viên trong gia đình. Ngài ban cho mỗi người một vai trò quan trọng và cao quý.

Là chủ gia đình, người cha cần dẫn đầu trong việc bày tỏ tình yêu thương. Anh hiểu rằng người cha theo đạo Đấng Christ không được độc tài, lạm dụng quyền hành với vợ con. Thay vì thế, anh noi gương Chúa Giê-su trong việc sử dụng quyền làm đầu. (Ê-phê-sô 5:23, 25) Vì vậy, anh đối xử với vợ một cách mềm mại và yêu thương, đồng thời kiên nhẫn và dịu dàng với con cái. Người cha luôn bảo vệ con và cố gắng không để bất cứ điều gì cướp đi sự bình an, trong trắng, lòng tin cậy và sự an toàn của chúng.

Tương tự như thế, người làm mẹ, làm vợ cũng có vai trò trọng yếu và cao quý trong gia đình. Kinh Thánh đề cập đến bản năng bảo vệ con của loài vật để minh họa cách Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su quan tâm bảo vệ chúng ta. (Ma-thi-ơ 23:37) Tương tự thế, người mẹ cũng phải luôn bảo vệ con cái. Người mẹ thương con sẽ không do dự đặt sự an toàn và hạnh phúc của con cái lên hàng đầu. Các bậc cha mẹ sẽ không lạm dụng quyền hành, ức hiếp hoặc đe dọa khi cư xử với nhau hay với con cái. Họ cũng không cho phép con cái đối xử với nhau như thế.

Khi mỗi thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, mối giao tiếp giữa họ sẽ tốt hơn. Tác giả William Prendergast nói: “Các bậc cha mẹ hàng ngày nên gần gũi, thường xuyên nói chuyện với con cái”. Ông nói thêm: “Điều này dường như là giải pháp tốt nhất cho vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em”. Thật vậy, Kinh Thánh khuyên nên có mối giao tiếp yêu thương và đều đặn như thế. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Khi áp dụng sự hướng dẫn đó, gia đình sẽ là nơi mỗi thành viên có thể cảm thấy an toàn và thoải mái nói lên nỗi niềm của mình.

Chúng ta sống trong một thế giới gian ác và không thể ngăn chặn hết mọi sự lạm dụng. Dù vậy, một gia đình an toàn có thể mang lại nhiều lợi ích. Nếu thành viên nào bị tổn thương hay bị xúc phạm ở bên ngoài, người đó biết phải quay về đâu để được an ủi và cảm thông. Một gia đình như thế quả là nơi nương náu an toàn trong thế giới hỗn loạn này. Mong sao Đức Chúa Trời ban phước cho những nỗ lực của bạn để xây dựng một gia đình an toàn!

[Chú thích]

^ đ. 2 Từ Hy Lạp cổ này được định nghĩa là “nhẫn tâm đối với người thân”. Vì thế, một bản Kinh Thánh khác dịch câu này: “Họ sẽ. . . thiếu tình yêu thương thông thường đối với gia đình”.

[Khung/​Hình nơi trang 10]

VÀI ĐỀ NGHỊ GIÚP GIỮ SỰ AN TOÀN

Internet: Nếu con bạn dùng Internet, chúng cần được hướng dẫn để biết cách sử dụng an toàn. Có vô số trang Web khiêu dâm, phòng chat và nhiều mạng khác để giao tiếp. Những kẻ lạm dụng tình dục thường vào đó để tìm kiếm và dụ dỗ trẻ em. Vì vậy, nên khôn ngoan đặt máy vi tính ở nơi có nhiều người qua lại để cha mẹ có thể dễ dàng kiểm soát. Không có sự giám sát của cha mẹ, con cái chớ bao giờ cung cấp thông tin cá nhân hoặc hẹn gặp bất kỳ ai mà chúng đã tiếp xúc qua Internet.—Thi-thiên 26:4.

Rượu: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Kinh nghiệm cho thấy khi người lớn uống quá chén, họ khó tự chủ; một số người thường chiều theo những ham muốn mà lúc tỉnh táo họ kìm giữ được. Dù sao đi nữa, mối nguy hiểm này là một lý do khác để làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là tránh say sưa và uống rượu quá độ.—Châm-ngôn 20:1; 23:20, 31-33; 1 Phi-e-rơ 4:3.

Sự riêng tư: Một phụ nữ kể lại: “Sau khi mẹ qua đời, cha tôi là người duy nhất trong nhà có màn che cửa sổ hay cửa phòng ngủ của ông. Ông không cho chúng tôi bất cứ sự riêng tư nào, kể cả nhà tắm”. Người đàn ông này đã lạm dụng các con gái của mình. Mỗi thành viên trong gia đình cần hiểu rõ tầm quan trọng của sự riêng tư. Như cha mẹ có những lúc cần sự riêng tư, họ cũng nên cho con cái sự riêng tư thích hợp với độ tuổi của chúng. Các bậc cha mẹ khôn ngoan đối xử với người khác theo cách mà họ muốn được đối xử.—Ma-thi-ơ 7:12.