Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Khí hậu của địa cầu ngày càng nóng dần lên là điều “không thể chối cãi”, và “rất có thể” nguyên nhân là do những hoạt động của con người.—BAN NGHIÊN CỨU SỰ THAY ĐỔI KHÍ HẬU LIÊN QUỐC GIA (IPCC), THỤY SĨ.

Tại Đức, khoảng 1,4 triệu đến 1,9 triệu người “nghiện uống thuốc”. Vấn đề này cũng nghiêm trọng như nạn nghiện rượu. —TỜ TAGESSCHAU, ĐỨC.

Tại Anh Quốc, trẻ em dưới một tuổi là độ tuổi có nguy cơ bị sát hại nhiều nhất.—TỜ THE TIMES, ANH QUỐC.

Cây cối mọc um tùm che khuất nhiều phần của biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada đến nỗi các nhà chức trách “không tìm thấy được”. Ông Dennis Schornack, thuộc Ủy ban bảo vệ biên giới quốc tế (International Boundary Commission), cho biết: “Nếu không tìm ra biên giới, thì không thể nào quản lý được nó”.—THÔNG TẤN XÃ, HOA KỲ.

Cơ thể với khả năng tự chữa trị

Giáo sư Gustav Dobos là bác sĩ tư vấn có thâm niên của bệnh viện dành cho công nhân hầm mỏ thành phố Essen, Đức. Ông nói: “Cơ thể con người có khả năng tự chữa trị từ 60% đến 70% các loại bệnh”. Để làm được điều đó, cơ thể phải tiết ra từ 30 đến 40 loại “thuốc”, chẳng hạn như thuốc chống viêm và dị ứng hoặc thuốc chống sỏi thận. Các nhà nghiên cứu biết được một vài tiến trình liên quan đến việc cơ thể tự chữa trị, nhưng vẫn còn nhiều thứ họ chưa biết. Theo tạp chí Vital, các nhà khoa học thấy rằng “có sự tương tác phức tạp giữa các hormon, chất miễn dịch và tế bào bạch huyết có hoạt tính tiêu diệt các tế bào độc hại”. Ngoài ra, “tâm trạng và cảm xúc cũng ảnh hưởng đến khả năng tự chữa trị của cơ thể”. Tạp chí cũng cho biết thêm rằng sự căng thẳng và các vấn đề cá nhân kéo dài lâu có thể “làm yếu dần hệ miễn dịch”.

Sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới

Tờ Guardian của Luân Đôn cho biết “40% của cải thế giới nằm trong tay 1% những người giàu nhất hành tinh”. Tờ báo cũng nói thêm: “Phần lớn những người siêu giàu là những người làm việc trong lĩnh vực tài chính và internet”. Theo một cuộc nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, 37% những người giàu nhất sống ở Hoa Kỳ, 27% ở Nhật Bản và 6% ở Anh Quốc. Trái lại, 50% dân số thế giới thuộc dạng nghèo thì chỉ sở hữu được 1% tổng sản lượng của cải. Theo ông Duncan Green, người dẫn đầu công trình nghiên cứu thuộc tổ chức từ thiện Oxfam của Anh Quốc, “mức độ chênh lệch này thật khó tưởng tượng. . . Không thể nào giải thích nổi tại sao có những người siêu giàu như thế mà lại có đến 800 triệu người mỗi đêm đi ngủ với cái bụng đói”.

Tỉ lệ nam nữ mất cân bằng ở Trung Quốc

Trong năm 2005, tỉ lệ nam nữ ở trẻ sơ sinh của Trung Quốc là 100 bé gái trên 118 bé trai. Tờ China Daily cho biết tại một số vùng, “tỉ lệ này là 100 bé gái trên 130 bé trai”. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do các bà mẹ phá thai khi biết kết quả khám thai là con gái. Các nhà chức trách nhận ra rằng tình trạng này liên quan đến chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Chính sách này quy định các cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được có một con. Tờ báo trên cũng nói: “Đến năm 2020, số người nam ở tuổi kết hôn sẽ nhiều hơn số người nữ ở độ tuổi này là 30 triệu người”. Sự chênh lệch này sẽ “ảnh hưởng đến tình trạng ổn định của xã hội”.