Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su có quan điểm nào về phụ nữ?

Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su có quan điểm nào về phụ nữ?

Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su có quan điểm nào về phụ nữ?

Làm thế nào chúng ta có thể biết rõ quan điểm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời về phụ nữ? Một cách là xem xét thái độ và cách cư xử của Chúa Giê-su, vì ngài là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được” và ngài phản ánh trọn vẹn quan điểm của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:15). Cách Chúa Giê-su đối xử với phụ nữ thời ngài cho thấy Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su xem trọng họ và không chấp nhận cách đối xử khắc nghiệt với họ đang phổ biến tại nhiều nước vào thời nay.

Chẳng hạn, hãy xem trường hợp khi Chúa Giê-su nói chuyện với một người đàn bà bên giếng nước. Người viết Phúc âm là Giăng thuật lại: “Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy cho ta uống”. Ngài không ngại nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri tại nơi công cộng, cho dù đa số người Giu-đa hay Do Thái không giao tiếp với người Sa-ma-ri. Theo một cuốn bách khoa từ điển (The International Standard Bible Encyclopedia), đối với người Do Thái, “nói chuyện với phụ nữ tại nơi công cộng là điều đặc biệt gây tai tiếng”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su xem trọng phụ nữ và quan tâm đến cảm xúc của họ; ngài cũng không có thành kiến về chủng tộc hay giới tính. Không những thế, lần đầu tiên Chúa Giê-su tự nhận mình là Đấng Mê-si là khi nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri.—Giăng 4:7-9, 25, 26.

Vào dịp khác, một người đàn bà bị băng huyết 12 năm và bệnh tình ngày càng trầm trọng, bà rất ngượng ngùng vì chứng bệnh này. Bà đến gần Chúa Giê-su và ngay khi sờ vạt áo ngài thì được lành bệnh. “Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn-bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức-tin con đã làm cho con được lành” (Ma-thi-ơ 9:22). Theo Luật pháp Môi-se, một phụ nữ trong tình trạng của bà không được phép vào giữa đám đông, huống chi là chạm đến người khác. Thế nhưng, Chúa Giê-su không quở trách, mà ngài còn bày tỏ lòng thương xót và gọi bà là “con”. Lời đó hẳn làm bà an lòng biết bao! Và Chúa Giê-su hẳn cũng rất sung sướng khi chữa lành cho bà!

Sau khi Chúa Giê-su sống lại, ngài hiện ra trước tiên cho Ma-ri Ma-đơ-len và một môn đồ khác, mà Kinh Thánh gọi là “Ma-ri khác”. Chúa Giê-su đã có thể hiện ra trước tiên cho Phi-e-rơ, Giăng hay một môn đồ nam khác. Thay vì thế, ngài cho hai phụ nữ này vinh dự là những người đầu tiên chứng kiến ngài đã được sống lại. Một thiên sứ bảo họ đi báo tin cho các nam môn đồ biết về sự kiện kỳ diệu này. Chúa Giê-su cũng phán với hai người đàn bà: “Hãy đi bảo cho anh em ta” (Ma-thi-ơ 28:1, 5-10). Chắc chắn, Chúa Giê-su không bị ảnh hưởng bởi những thành kiến thông thường của người Do Thái thời đó. Theo họ, phụ nữ không được làm những chứng nhân hợp pháp.

Vậy, chẳng những Chúa Giê-su không có thành kiến, cũng không chấp nhận thái độ khinh thường phụ nữ, mà ngược lại ngài còn quý trọng họ. Bạo lực đối với phụ nữ hoàn toàn trái ngược với những gì Chúa Giê-su dạy, và chúng ta có thể chắc chắn là thái độ của ngài phản ánh đúng quan điểm của Cha ngài, Đức Giê-hô-va.

Phụ nữ dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời

“Không có nơi nào ở vùng Địa Trung Hải hay Trung Đông thời xưa mà phụ nữ có được tự do như thời nay ở các nước Tây phương. Phụ nữ thường bị xem là thấp kém hơn đàn ông, như nô lệ so với người tự do, người trẻ với người lớn tuổi. . . Con trai được quý hơn con gái, và các bé gái sơ sinh đôi khi bị bỏ mặc cho chết”. Đó là lời diễn tả của một từ điển Kinh Thánh về thái độ phổ biến đối với nữ giới vào thời xưa. Trong nhiều trường hợp, họ bị xem chẳng khác nào nô lệ.

Mặc dù Kinh Thánh được viết vào thời mà phong tục các nước phản ánh thái độ này, nhưng luật pháp của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh Thánh cho thấy quan điểm xem trọng phụ nữ. Điều này tương phản rõ rệt với nhiều nền văn hóa thời xưa.

Sự quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với phụ nữ được thấy rõ trong nhiều trường hợp khi Ngài hành động vì lợi ích của những người nữ thờ phượng Ngài. Ngài đã hai lần can thiệp để bảo vệ người vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra khỏi bị hãm hiếp (Sáng-thế Ký 12:14-20; 20: 1-7). Đức Chúa Trời đặc biệt quan tâm đến Lê-a, người vợ mà Gia-cốp thương ít hơn. Ngài “cho nàng sanh-sản”, và nàng đã sinh một bé trai (Sáng-thế Ký 29:31, 32). Khi hai bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời liều mạng để cứu sống những bé trai Hê-bơ-rơ khỏi cuộc tàn sát trẻ sơ sinh tại Ai Cập, Đức Giê-hô-va đã ban phước và “làm cho nhà họ được thạnh-vượng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:17, 20, 21). Ngài cũng đáp lời cầu nguyện tha thiết của bà An-ne (1 Sa-mu-ên 1:10, 20). Và khi người vợ góa của một nhà tiên tri bị chủ nợ đòi bắt con bà làm nô lệ để trừ nợ, Đức Giê-hô-va đã không bỏ rơi bà. Qua nhà tiên tri Ê-li-sê, Đức Giê-hô-va đã yêu thương ban cho bà có nhiều dầu để trả nợ, không những thế bà còn có đủ dầu để nuôi gia đình. Nhờ đó, bà giữ được danh dự và gia đình của mình.—Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22, 23; 2 Các Vua 4:1-7.

Các nhà tiên tri nhiều lần lên án việc bóc lột phụ nữ hay dùng bạo lực đối với họ. Nhân danh Đức Giê-hô-va, tiên tri Giê-rê-mi nói với người Y-sơ-ra-ên: “Hãy làm sự chánh-trực và công-bình; cứu kẻ bị cướp khỏi tay người ức-hiếp; chớ làm sự thiệt-hại cùng sự hiếp-đáp cho người trú-ngụ, cho kẻ mồ-côi hoặc người góa-bụa, và chớ làm đổ máu vô-tội trong nơi nầy” (Giê-rê-mi 22:2, 3). Trước đó, những người giàu có và quyền thế trong Y-sơ-ra-ên bị lên án vì họ đuổi phụ nữ ra khỏi nhà và ngược đãi con cái họ (Mi-chê 2:9). Khi nhìn thấy sự đau khổ mà những người đàn bà này và con cái họ phải gánh chịu, Đức Chúa Trời của sự công bình đã lên án hành vi áp bức đó.

Người vợ đảm đang

Người viết sách Châm-ngôn thời xưa đã trình bày quan điểm thích hợp về một người vợ đảm đang. Lời miêu tả rất hay này về vai trò và địa vị của người vợ đã được ghi trong Lời của Đức Giê-hô-va, vì thế chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài đồng ý với những lời đó. Một người nữ đảm đang như thế chẳng những không bị đàn áp hoặc xem là thấp kém mà còn được quý trọng và tin cậy.

Châm-ngôn 31 miêu tả “người nữ tài-đức” hay “người vợ đảm đang” (Tòa Tổng Giám Mục) là người lanh lợi và siêng năng. Nàng chăm chỉ, “lạc-ý lấy tay mình mà làm công-việc”, biết buôn bán và ngay cả mua bất động sản. Nàng xem xét một thửa ruộng rồi mua nó. Nàng may áo lót để đem bán. Nàng bán đai lưng cho lái buôn. Nàng tháo vát và năng động. Ngoài ra, nàng còn nói năng khôn ngoan và cư xử nhân từ. Vì vậy, nàng rất được chồng con và quan trọng hơn hết là Đức Giê-hô-va quý mến.

Phụ nữ không phải là người để cho đàn ông áp bức, lạm dụng, bạc đãi hay hành hạ. Thay vì thế, người phụ nữ đã có chồng phải là người “giúp-đỡ” đắc lực cho chồng và được hưởng hạnh phúc.—Sáng-thế Ký 2:18.

“Kính-nể” vợ

Khi viết cho các người chồng đạo Đấng Christ về cách họ nên cư xử với vợ, Phi-e-rơ, người được Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết Kinh Thánh, khuyến giục người chồng có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Ông viết: “Hỡi người làm chồng, hãy. . . kính-nể [vợ]” (1 Phi-e-rơ 3:7). Kính nể một người hàm ý hết sức quý trọng người đó. Vậy, người nào kính nể vợ mình không làm vợ bẽ mặt, hạ phẩm giá hay đối xử thô bạo với vợ. Thay vì thế, qua lời nói và hành động, tại nơi công cộng và chốn riêng tư, người chồng cho thấy ông yêu quý vợ mình.

Việc kính nể vợ chắc chắn góp phần làm cho hôn nhân hạnh phúc. Hãy xem trường hợp của anh Carlos và chị Cecilia. Có một giai đoạn trong đời sống hôn nhân, họ hay cãi lộn mà không đi đến đâu. Nhiều khi, họ không muốn nói chuyện với nhau nữa. Họ không biết cách nào để giải quyết vấn đề. Anh là người hung hăng; còn chị thì khắt khe và kiêu ngạo. Tuy nhiên, khi bắt đầu học Kinh Thánh và áp dụng những gì học được, tình trạng của họ trở nên tốt hơn. Chị Cecilia nói: “Tôi nhận thấy sự dạy dỗ và gương mẫu mà Chúa Giê-su để lại đã hoàn toàn thay đổi nhân cách của tôi cũng như của chồng tôi. Nhờ gương mẫu của ngài, tôi trở nên khiêm nhường và biết thông cảm hơn. Giống như Chúa Giê-su, tôi biết tìm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Còn anh Carlos thì tập được tính dung thứ và tự chủ, biết tôn trọng vợ theo ý của Đức Giê-hô-va”.

Hôn nhân của họ không hoàn hảo, nhưng vẫn đứng vững qua sự thử thách của thời gian. Trong những năm gần đây, họ phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng, anh Carlos bị thất nghiệp và phải giải phẫu vì căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, những vấn đề này không làm suy yếu nhưng càng thắt chặt tình nghĩa vợ chồng của họ.

Kể từ khi con người phạm tội và trở nên bất toàn, trong nhiều nền văn hóa, phụ nữ bị ngược đãi. Họ bị bạo hành thể xác, tinh thần và tình dục. Nhưng Đức Giê-hô-va không muốn họ bị đối xử như thế. Kinh Thánh rõ ràng cho thấy dù các nền văn hóa có quan điểm thế nào đi nữa, mọi phụ nữ phải được tôn trọng. Đó là quyền mà Đức Chúa Trời muốn họ được hưởng.

[Hình nơi trang 4, 5]

Người đàn bà Sa-ma-ri

[Hình nơi trang 4, 5]

Người đàn bà bị bệnh

[Hình nơi trang 4, 5]

Ma-ri Ma-đơ-len

[Hình nơi trang 6]

Hai lần Đức Giê-hô-va đã bảo vệ Sa-ra

[Hình nơi trang 7]

Hôn nhân của anh Carlos và chị Cecilia đã có nguy cơ đỗ vỡ

[Hình nơi trang 7]

Anh Carlos và chị Cecilia hiện nay