Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều tốt hơn “những ngọn sóng lý tưởng”

Điều tốt hơn “những ngọn sóng lý tưởng”

Điều tốt hơn “những ngọn sóng lý tưởng”

Do Karl Heinz Schwoerer kể lại

Tôi sinh năm 1952 tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, nhưng lại lớn lên ở New Smyrna Beach, Florida. Ở tuổi thiếu niên, tôi rất đam mê lướt sóng. Và điều đó đã trở thành điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.

Vào năm 1970, tôi theo học trường Đại học Hàng không Embry-Riddle ở Daytona Beach, Florida, với ý định trở thành phi công. Tuy nhiên, càng lúc tôi càng thất vọng đối với chính phủ vì họ đã tham gia cuộc chiến tại Việt Nam mà tôi cho rằng bất công. Căm phẫn đối với chính quyền, như những thanh niên khác vào thời đó, tôi nghỉ học và theo lối sống híp-pi. Tôi để tóc dài và dùng ma túy.

Chẳng bao lâu sau, tôi gặp Susan, một cô gái thích mạo hiểm, có tài về hội họa và nhiếp ảnh. Để giữ đời sống đơn giản, tôi dự tính sẽ làm nghề xây cất từ 6 đến 8 tháng ở Florida và thời gian còn lại trong năm chúng tôi cắm trại trên những bãi biển Thái Bình Dương ở Mexico và Trung Mỹ.

Ý thức nhu cầu tâm linh

Sống một cuộc đời không cần lo lắng trên các bãi biển tuyệt đẹp vùng nhiệt đới—Sue thì vẽ tranh, chụp hình còn tôi thì lướt sóng—là điều vô cùng thích thú. Nhưng khoảng hai năm sau, chúng tôi nhận ra rằng cuộc đời chúng tôi không có mục đích, dường như còn thiếu một điều gì đó. Vì thế, vào giữa năm 1975, khi đang sống ở miền duyên hải Thái Bình Dương của Costa Rica, tôi bắt đầu tìm hiểu về đạo giáo. Tôi đọc các sách về triết lý và tôn giáo Đông phương, là những sách rất phổ biến vào thời đó.

Vì các sách tôi đọc thường trích dẫn Kinh Thánh để làm bằng chứng về tính chân thật của những dạy dỗ trong đó, nên tôi nhận ra rằng Kinh Thánh phải là nền tảng cho chân lý. Do đó, tôi đã đổi một số nấm gây ảo giác để lấy một cuốn Kinh Thánh cũ (bản dịch King James). Sau khi lướt sóng suốt buổi sáng, chiều nào tôi cũng ngồi đọc Kinh Thánh. Mặc dù rất say mê, nhưng tôi có sự hiểu biết giới hạn về Kinh Thánh.

“Anh có thắc mắc gì về Kinh Thánh không?”

Vào tháng 8 năm 1975, khi trên đường từ Costa Rica về Mỹ, Sue và tôi ghé vào tiệm thuốc tây ở El Salvador để mua thuốc. Khi đang gặp trở ngại trong việc giao tiếp với dược sĩ, một khách hàng tên Jenny đề nghị giúp đỡ chúng tôi. Em là một cô gái người Mỹ, 16 tuổi, nói lưu loát tiếng Tây Ban Nha. Em cho biết em và cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va và đã dọn đến El Salvador để giúp người ta tìm hiểu Kinh Thánh.

Jenny hỏi tôi: “Anh có thắc mắc gì về Kinh Thánh không?”

Tôi trả lời: “Có chứ!”. Dù ngoại diện của chúng tôi theo kiểu híp-pi, nhưng Jenny liền mời chúng tôi về nhà để gặp cha mẹ em là chú Joe và cô Nancy Trembley. Và chúng tôi đã nhận lời. Cả buổi chiều, chúng tôi nêu ra nhiều câu hỏi về Kinh Thánh và đã rất ấn tượng về cách chú Joe và cô Nancy trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Cô chú luôn luôn nói: “Cháu hãy mở và đọc câu Kinh Thánh này”.

Chẳng mấy chốc trời đã tối, vì thế cô chú mời chúng tôi ngủ lại nhà họ. Nhưng họ không cho Sue và tôi ngủ cùng phòng vì chúng tôi chưa kết hôn. Đêm đó, Sue và Jenny thức hàng giờ để thảo luận nhiều đề tài trong Kinh Thánh “từ đầu chí cuối”.

Quyển Kinh Thánh màu xanh lá

Ngày hôm sau, trước khi chia tay, chú Joe và cô Nancy đã tặng chúng tôi nhiều tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!, một số sách và một cuốn Kinh Thánh New World Translation of the Holy Scriptures. Vào thời đó, cuốn Kinh Thánh này có bìa cứng màu xanh lá cây. Chú Joe cũng đưa chúng tôi đi tham quan Phòng Nước Trời. Đó là một tòa nhà đơn giản và khiêm tốn mà Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại để học Kinh Thánh. Tôi nghĩ thầm ‘thật là tương phản với các nhà thờ có vẻ bề ngoài rất phô trương của những đạo xưng theo Chúa Giê-su, nơi mà người ta học rất ít về Kinh Thánh!’.

Cùng ngày hôm đó, lúc chúng tôi dừng lại ở chốt kiểm soát trước khi qua biên giới để vào Guatemala, quyển Kinh Thánh màu xanh đã khiến các viên chức bối rối. Họ lúng túng vì biết rằng Nhân Chứng Giê-hô-va thường sử dụng cuốn Kinh Thánh này, trong khi đó trông chúng tôi chẳng giống Nhân Chứng chút nào. Dù vậy, sau vài phút họ cho chúng tôi đi qua. Điều này làm chúng tôi cảm thấy khó hiểu vì họ thường xét xe và hành lý của chúng tôi để tìm ma túy hay hàng lậu. Vì thế, chúng tôi xem cuốn Kinh Thánh màu xanh như là bùa hộ mệnh.

Khi tiếp tục đọc Kinh Thánh và những ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh, chúng tôi tin chắc rằng mình đã tìm được lẽ thật về Đức Chúa Trời. Trên đường lái xe xuyên qua nước Mexico, tôi mong được lướt sóng trong hai tuần ở Puerto Escondido, nơi tôi thích nhất. Sau khi tận hưởng “những ngọn sóng lý tưởng” đó, tôi quyết tâm trở về Florida và trở thành người phụng sự Đức Giê-hô-va.

Trong hai tuần kế tiếp, sáng nào tôi cũng lướt sóng. Và buổi chiều trên bãi biển, tôi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm giúp học Kinh Thánh. Một em gái 8 tuổi để ý đến quyển Kinh Thánh màu xanh và em cố nài chúng tôi đi với em đến một nơi vào tối hôm đó. Chúng tôi không hiểu em muốn dẫn chúng tôi đi đâu, nhưng chúng tôi biết rằng điều đó có liên quan đến quyển Kinh Thánh màu xanh. Chúng tôi từ chối, nhưng em cứ tiếp tục mời. Vài ngày sau, chúng tôi quyết định đi theo em. Em dẫn chúng tôi đến Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va, một ngôi nhà tre với mái lá. Mọi người tại đấy chào đón bằng cách bắt tay và ôm chúng tôi một cách thân thiết, như thể đã quen nhau từ lâu.

Chúng tôi rất ấn tượng với hạnh kiểm đàng hoàng của mọi người tham dự. Trong buổi nhóm, một số trẻ em cứ nhìn chúng tôi hoài, có lẽ vì chúng chưa bao giờ thấy ai có mái tóc vàng và dài như thế. Cha mẹ các em phải luôn nhắc các em tập trung vào chương trình. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va đã dùng một em trẻ để đưa chúng tôi đến dự buổi họp đầu tiên.

Quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va

Sau hai tuần tận hưởng những ngọn sóng lý tưởng, tôi đã bán những tấm ván trượt và lái thẳng về Florida. Ở đó, chúng tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tham dự tất cả các buổi nhóm họp. Với quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng tôi ngưng sống chung và không chơi thân với những bạn trước kia nữa. Tôi cạo râu và cắt tóc ngắn, còn Sue thì mua một vài chiếc áo đầm mới. Bốn tháng sau chúng tôi kết hôn, và vào tháng 4 năm 1976, chúng tôi làm báp têm để biểu trưng sự dâng mình nhằm phụng sự Đức Chúa Trời.

Giờ đây, đời sống chúng tôi có mục đích. Với lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về mọi ân phước Ngài ban, chúng tôi nóng lòng muốn trở lại quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha để rao giảng về Nước của Đức Chúa Trời. Nhưng các trưởng lão trong hội thánh chúng tôi khuyên: “Đừng đi vội. Trước hết, cần củng cố đức tin thì anh chị mới có thể hữu ích cho nơi mình đến”. Chúng tôi nghe theo lời khuyên, và kể từ đó trở đi, mục tiêu của chúng tôi là làm người tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sue bắt đầu làm tiên phong vào tháng 1 năm 1978. Tôi cũng muốn làm tiên phong, nhưng vẫn còn một khoảng nợ lớn tiền học phí đại học. Tôi nghĩ ra một giải pháp đơn giản là sẽ tuyên bố phá sản để được rảnh nợ mà làm tiên phong.

Tuy nhiên, các anh trưởng lão đã cho tôi lời khuyên khôn ngoan là không nên làm thế. Các anh giải thích làm như vậy là không phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh, là phải “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18). Vì thế, tôi tiếp tục làm việc để trả nợ. Cuối cùng, vào tháng 9 năm 1979, tôi đạt đến mục tiêu là cùng làm tiên phong với Sue. Sau đó, để giữ cho đời sống giản dị, tôi chỉ làm việc hai ngày một tuần nhằm trang trải các chi phí cần thiết.

Phụng sự ở nhà Bê-tên Brooklyn

Vào tháng 4 năm 1980, không đầy một năm sau khi làm tiên phong với nhau, một ngạc nhiên lớn đã đến với chúng tôi. Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi cần người có khả năng xây dựng, chúng tôi đã nộp đơn xin phục vụ tại nhà Bê-tên, trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Và giờ đây chúng tôi đã nhận được lời mời đến đó phục vụ trong vòng 30 ngày nữa. Chúng tôi có cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vì chúng tôi rất thích làm tiên phong. Không biết nên làm gì, chúng tôi đã nói chuyện với hai trưởng lão, các anh đã giúp chúng tôi thấy rằng đó là một đặc ân to lớn. Họ khuyên: “Hãy đi, và thử làm việc ở Bê-tên một năm”. Thế là chúng tôi bán tất cả mọi thứ và dọn đến Brooklyn.

Sau khi làm việc xây cất trong hai năm, tôi được mời đến làm ở Phòng kỹ thuật xây dựng, nơi tôi được huấn luyện về thiết kế công trình. Còn Sue thì làm việc ở Bộ phận đóng sách trong một năm, sau đó được mời làm việc ở Ban đồ họa. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày cưới, chúng tôi hồi tưởng lại năm vừa qua và xem xét kỹ hoàn cảnh cũng như ước muốn của mình và quyết định tiếp tục phụng sự tại Bê-tên.

Thời gian trôi qua, chúng tôi có được một số bạn thân. Hơn nữa, làm việc ở nhà Bê-tên cho chúng tôi cơ hội phục vụ Đức Giê-hô-va và đoàn thể anh em trên khắp thế giới một cách rất có ý nghĩa, vì thế chúng tôi quyết định tiếp tục ở lại. Vào năm 1989, chúng tôi bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha, nhờ đó chúng tôi được bổ nhiệm đến hội thánh nói tiếng Tây Ban Nha ở Brooklyn. Kết quả là chúng tôi có được cả hai điều cùng một lúc, phụng sự tại Bê-tên và tại hội thánh nói tiếng nước ngoài.

Có một lần Jenny, em gái được đề cập ở trên, đến thăm chúng tôi tại nhà Bê-tên Brooklyn, và thật thú vị khi nghe em kể câu chuyện về ngày mà chúng tôi gặp nhau ở El Salvador. Hôm ấy, khi đang tham dự cuộc học hỏi Kinh Thánh, em cảm thấy không khỏe. Trên đường về nhà, em đã ghé vào mua thuốc. Vì lý do nào đó, em đã không ghé vào tiệm thuốc mà em thường mua nhưng lại đến nơi mà chúng tôi đã gặp nhau.

Phụng sự ở những nước khác

Một ngày nọ vào năm 1999, câu hỏi của anh giám thị trong nhà Bê-tên làm tôi ngạc nhiên: “Anh có muốn đến chi nhánh Úc để tham gia dự án tại Văn phòng kỹ thuật vùng trong 3 tháng không?”.

Không chút do dự, tôi trả lời: “Có chứ”. Không lâu sau, chúng tôi lên đường đến Úc, nơi chúng tôi phục vụ trong 3 năm. Thật vui mừng được góp phần thiết kế các chi nhánh ở nhiều quốc gia tại châu Á và Nam Thái Bình Dương. Khi trở lại Brooklyn vào năm 2003, chúng tôi lại có một ngạc nhiên khác. Chúng tôi được mời đến một nước khác để phục vụ tại một ban giám sát việc xây cất Phòng Nước Trời thuộc chi nhánh Brazil, cách thành phố São Paulo một khoảng khá xa.

Đến nay, chúng tôi vẫn phục vụ tại đây. Ban này giám sát việc xây cất Phòng Nước Trời tại đa số các nước ở Nam Mỹ. Công việc của tôi bao gồm đến giúp việc xây cất và khích lệ các anh chị tham gia xây dựng các công trình đó, và Sue cũng đi chung với tôi.

Gìn giữ những điều ưu tiên

Phải nói rằng tôi vẫn thích lướt sóng, nhưng tôi đã tìm thấy điều còn tốt hơn “những ngọn sóng lý tưởng”. Vì thế, tôi đặt việc lướt sóng vào đúng chỗ, xem nó chỉ là một hình thức giải trí. Với sự ủng hộ và thương yêu của Sue, tôi đã tập trung vào điều quan trọng hơn, đó là phụng sự Đức Chúa Trời yêu thương là Đức Giê-hô-va.

Giờ đây, mối quan tâm chính của tôi là dùng đời sống và kỹ năng để đẩy mạnh công việc Nước Trời và ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng tôi đã nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là phục vụ Đức Giê-hô-va tại nơi đâu mà là phụng sự Ngài hết lòng ở bất cứ nơi nào.—Cô-lô-se 3:23.

[Câu nổi bật nơi trang 17]

“Tôi vẫn thích lướt sóng, nhưng tôi đã tìm thấy điều còn tốt hơn ‘những ngọn sóng lý tưởng’ ”

[Hình nơi trang 14, 15]

Hình tôi lướt sóng, được in trên áp phích của Lễ hội lướt sóng mùa hè

[Hình nơi trang 15]

Khi tôi 13 tuổi

[Hình nơi trang 15]

Tôi nhận ra rằng lối sống híp-pi không có mục đích

[Các hình nơi trang 17]

Hình trên: Giúp xây cất Phòng Nước Trời

Bên phải: Với Sue hiện nay