Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một làng chài trở thành đô thị

Một làng chài trở thành đô thị

Một làng chài trở thành đô thị

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở NHẬT

Một ngày hè đẹp trời vào tháng 8 năm 1590, Ieyasu Tokugawa (bên phải), người sau này trở thành Shogun Tokugawa đầu tiên, * đặt chân đến làng chài Edo ở miền đông Nhật Bản. Theo sách The Shogun’s City—A History of Tokyo, lúc bấy giờ “Edo chỉ có vài trăm căn nhà lụp xụp, gồm những căn chòi của nông dân và ngư dân”. Gần đó là một pháo đài bị bỏ hoang, được xây hơn một thế kỷ trước.

Từng vô danh qua nhiều thế kỷ, ngôi làng này không chỉ trở thành Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, mà còn phát triển thành một thành phố quan trọng, tấp nập—có hơn 12 triệu dân ở khu vực Tokyo. Tokyo trở thành một trung tâm dẫn đầu về công nghệ, thông tin, vận chuyển và thương mại của thế giới, đồng thời là trụ sở của các tổ chức tài chính nổi tiếng. Sự biến đổi gây kinh ngạc đó đã diễn ra như thế nào?

Làng chài trở thành thành trì của Shogun

Trong thế kỷ sau năm 1467, các lãnh chúa tranh chiến và chia nước Nhật thành nhiều lãnh địa. Cuối cùng, Hideyoshi Toyotomi, một lãnh chúa xuất thân từ tầng lớp thấp kém, thống nhất một phần Nhật Bản và trở thành nhiếp chính vào năm 1585. Lúc đầu, Ieyasu chống lại tướng Hideyoshi đầy quyền lực, nhưng về sau hợp lực với ông. Họ vây hãm và chiếm lâu đài ở Odawara, thành trì của thị tộc Hōjō hùng mạnh, và chinh phục vùng Kanto ở miền đông Nhật Bản.

Hideyoshi ban cho Ieyasu lãnh thổ rộng lớn gồm tám tỉnh là Kanto, phần lớn là đất đai trước kia của Hōjō, nhằm chuyển Ieyasu về phía đông. Đây hẳn là một kế hoạch có tính toán để Ieyasu không ở gần Kyoto, nơi ở của Thiên hoàng, vị nguyên thủ không có thực quyền của Nhật Bản. Tuy vậy, Ieyasu đồng ý và ông đến Edo như được miêu tả ở đầu bài. Ông sắp đặt để biến đổi làng chài nhỏ bé này thành trung tâm của lãnh thổ ông.

Sau khi Hideyoshi qua đời, Ieyasu dẫn đầu một lực lượng liên minh, phần lớn từ miền đông Nhật Bản, chống lại các lực lượng ở phía tây, và năm 1600, ông chiến thắng trong vòng một ngày. Năm 1603, Ieyasu được bổ nhiệm làm Shogun, người cai trị thật sự của quốc gia. Khi ấy Edo trở thành trung tâm hành chính mới của Nhật Bản.

Ieyasu ra lệnh cho các lãnh chúa phải cung cấp nhân lực và vật liệu để hoàn thành một lâu đài đồ sộ. Có lúc, khoảng 3.000 chiếc tàu được dùng để chở những tảng đá granite khổng lồ đã được khai thác từ các vách đá của bán đảo Izu, khoảng 100km về phía nam. Khi đá granite được dỡ xuống cảng, có một đội gồm hàng trăm người hoặc hơn thế nữa kéo những tảng đá đó đến công trường.

Lâu đài đó lớn hơn gấp nhiều lần so với bất cứ lâu đài nào khác ở Nhật. Nó được hoàn thành 50 năm sau, trong triều đại của Shogun đệ tam, và là biểu tượng uy nghi của chế độ Tokugawa đầy quyền lực. Các Samurai, hay chiến binh, phục vụ Shogun, đều định cư gần lâu đài. Shogun đòi hỏi các lãnh chúa phải lập dinh thự ở Edo, ngoài các lâu đài nằm trong lãnh địa của họ.

Để đáp ứng nhu cầu của các Samurai sống ở đó, ngày càng có nhiều nhóm thương gia và thợ thủ công từ khắp nơi trong xứ đến Edo. Đến năm 1695—khoảng một thế kỷ sau khi Ieyasu tới khu vực này—dân số Edo đã gia tăng đến một triệu! Lúc bấy giờ, nó trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới.

Từ gươm đến bàn tính

Chính quyền Shogun rất hữu hiệu trong việc gìn giữ hòa bình nên tầng lớp quân nhân không còn nhiều việc để làm. Dĩ nhiên, Samurai vẫn tự hào về nghề nghiệp của mình, nhưng quyền lực của gươm dần dần nhường chỗ cho bàn tính, dụng cụ để làm các phép tính rất phổ thông ở những nước phương Đông. Trong hơn 250 năm, đất nước được hưởng một nền hòa bình lâu dài. Thường dân nói chung, đặc biệt các nhà buôn, được thịnh vượng và được tự do nhiều hơn. Một loại hình văn hóa đặc sắc đã phát triển.

Người dân thích đi xem loại hình nghệ thuật nổi tiếng là Kabuki (kịch lịch sử), Bunraku (rạp múa rối) và rakugo (kể chuyện hài hước). Vào những buổi tối mùa hè nóng bức, người ta tập trung ở bờ sông Sumida mát mẻ, nơi Edo tọa lạc. Họ cũng xem pháo bông, một truyền thống được ưa thích cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, Edo vẫn chưa được thế giới biết đến. Trong hơn 200 năm, người Nhật bị cấm không được tiếp xúc với người ngoại quốc trừ người Hà Lan, Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng cũng rất giới hạn. Rồi đến một ngày, một sự kiện bất ngờ đã làm thay đổi thành phố này và cả nước Nhật.

Edo trở thành Tokyo

Gần bờ biển Edo, có những chiếc tàu lạ với khói đen cuồn cuộn thình lình xuất hiện. Các ngư dân kinh ngạc tưởng đó là những núi lửa nổi trên mặt nước! Lời đồn đại lan ra khắp Edo, khiến nhiều người rời bỏ thành phố.

Đó là bốn chiếc tàu do thiếu tướng Matthew C. Perry của Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu, đã thả neo ở vịnh Edo vào ngày 8-7-1853 (bên trái). Ông Perry yêu cầu chính quyền Shogun cho Nhật Bản mở cửa để buôn bán với nước của ông. Qua cuộc viếng thăm của ông Perry, người Nhật nhận thấy họ chậm tiến hơn các nước khác như thế nào về quân sự và kỹ thuật.

Điều này bắt đầu một loạt các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tokugawa và sự khôi phục quyền lực của Thiên hoàng. Năm 1868, Edo được đặt cho tên mới là Tokyo, nghĩa là “Đông Kinh”, biểu thị địa điểm của nó nhìn từ Kyoto. Thiên hoàng chuyển từ cung điện ở Kyoto đến lâu đài Edo, mà sau này cải tạo lại thành Hoàng cung mới.

Dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chính quyền mới đã bắt tay vào công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản. Có rất nhiều việc phải làm. Một số người gọi đó là giai đoạn thần kỳ. Năm 1869 dịch vụ điện báo giữa Tokyo và Yokohama được thiết lập. Sau đó ít lâu, đường sắt đầu tiên được lắp đặt để nối kết hai thành phố này. Nhiều nhà gạch thình lình xuất hiện giữa khu nhà gỗ. Ngân hàng, khách sạn, cửa hàng bách hóa và nhà hàng được xây cất. Những trường đại học đầu tiên được thành lập. Đường tráng nhựa thay thế đường đất. Tàu chạy bằng hơi nước ngược xuôi trên sông Sumida.

Thậm chí người ta trông cũng khác. Đa số mặc áo kimônô truyền thống, nhưng ngày càng có nhiều người Nhật thử quần áo phương Tây. Đàn ông bắt đầu để ria mép, đội nón cao và mang gậy, trong khi một số phụ nữ mặc áo thanh lịch, học nhảy vals.

Ngoài rượu sa-kê, người ta cũng bắt đầu thích uống bia, và bóng chày trở nên môn thể thao được ưa thích như môn vật sumô. Tokyo giống như miếng bọt biển khổng lồ, hấp thu những ý tưởng văn hóa và chính trị của thời đại. Thành phố này ngày càng phát triển, cho đến một ngày nọ tại họa giáng xuống.

Vươn lên từ đống tro tàn

Ngày 1-9-1923, trong lúc nhiều người đang chuẩn bị ăn trưa, một trận động đất mạnh làm rung chuyển khu vực Kanto, tiếp theo là hàng trăm địa chấn nhỏ và một chấn động dữ dội sau đó 24 tiếng. Mặc dù trận động đất tự nó hủy hoại rất nhiều, nhưng thiệt hại lớn hơn nữa là do những đám cháy xảy ra sau đó đã thiêu hủy phần lớn Tokyo. Tổng cộng có hơn 100.000 người chết, trong đó có 60.000 người ở Tokyo.

Người dân Tokyo bắt đầu công việc to lớn là xây lại thành phố của họ. Sau khi phục hồi một phần, thành phố này lại bị thêm tai họa khác—những cuộc oanh tạc trong Thế chiến II. Nghiêm trọng nhất là cuộc tàn phá khi khoảng 700.000 quả bom rơi xuống vào đêm ngày 9/10 tháng 3 năm 1945, từ giữa đêm đến độ ba giờ sáng. Các tòa nhà phần lớn làm bằng gỗ, và những quả bom (napan và những bom gây cháy mới chứa magiê và xăng đặc) đốt cháy khu phố đông dân cư, giết hơn 77.000 người. Đó là cuộc ném bom phi hạt nhân gây tàn phá lớn nhất trong lịch sử.

Bất kể tai họa, Tokyo sau chiến tranh đã vươn lên từ đống tro tàn. Đến năm 1964, chưa đầy 20 năm sau, thành phố này đã phục hồi đến mức có thể đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Olympic mùa hè. Bốn thập kỷ qua được đánh dấu bởi việc xây dựng liên tục và khu rừng bê-tông này ngày càng cao hơn và lan rộng.

Tinh thần Tokyo giúp họ vượt lên

Với 400 năm tuổi, thành phố ngày nay được gọi là Tokyo không thật sự cổ so với những thành phố lớn khác trên thế giới. Mặc dù có một số nơi trong thành phố vẫn còn không khí của thời xưa, nhưng nói chung, chỉ còn rất ít tòa nhà và kiến trúc phản ánh quá khứ. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thành phố này, người ta có thể thấy một mô hình đã được hình thành ở Edo thuở xưa.

Tại trung tâm Tokyo là một bãi cây cỏ rộng lớn. Ngày nay, hoàng cung và đất đai vườn tược xung quanh tọa lạc ngay địa điểm của lâu đài Edo thời đầu. Từ tâm điểm này có nhiều con đường chính tua ra như màng nhện, phản ánh mẫu hình căn bản của Edo. Ngay cả cách bố trí lộn xộn các con đường tạo thành một mê cung khắp thành phố, cũng khiến người ta liên tưởng đến Edo thời cổ. Thật thế, đa số các đường thậm chí không có tên! Tokyo không có các khu nhà bố trí theo kiểu kẻ ô như những thành phố lớn khác trên thế giới, mà có những khu đất được đánh số, thuộc đủ hình dạng và kích thước.

Điều nổi bật nhất còn lại từ thời xưa là tinh thần Tokyo—khả năng hấp thu cái mới, nhất là tư tưởng nước ngoài, và tính mau phục hồi cùng sự quyết tâm tiến lên bất kể động đất, kinh tế suy thoái kéo dài và vấn đề quá đông dân cư. Hãy đến và xem tận mắt tinh thần mạnh mẽ, đầy sức sống của Tokyo—một làng chài nhỏ bé vô danh đã trở thành nơi nổi tiếng thế giới.

[Chú thích]

^ đ. 3 Shogun (tướng quân) là vị tướng theo chế độ cha truyền con nối của quân đội Nhật và có quyền lực tuyệt đối dưới sự lãnh đạo của Thiên hoàng.

[Bản đồ nơi trang 19]

NHẬT BẢN

TOKYO (Edo)

Yokohama

Kyoto

Osaka

[Lời chú thích nơi trang 20, 21]

Tokyo ngày nay

[Nguồn tư liệu]

Ken Usami/photodisc/age fotostock

[Nguồn tư liệu nơi trang 19]

© The Bridgeman Art Library

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

The Mainichi Newspapers