Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

“Tại nước Anh, trung bình trẻ em khi được sáu tuổi thì đã xem tivi mất một năm, và hơn nửa số trẻ em ba tuổi có tivi trong phòng ngủ”.—THE INDEPENDENT, ANH.

Ở Trung Quốc, trong số những người trên 16 tuổi được thăm dò ý kiến, có 31,4% nói rằng họ sùng đạo. Nếu đây là con số tiêu biểu cho cả nước thì kết quả của cuộc thăm dò này cho thấy “có khoảng 300 triệu người sùng đạo. . . tương phản rõ với con số chính thức 100 triệu”.—CHINA DAILY, TRUNG QUỐC.

Hại nhiều hơn lợi

Cách đây vài năm, các nhà chính trị và nhà môi trường học Hà Lan nghĩ rằng họ đã tìm được giải pháp để có năng lượng vững bền—vận hành những máy phát điện bằng nhiên liệu sinh học, đặc biệt dầu cây cọ. Báo The New York Times nói hy vọng của họ trở thành “ác mộng môi trường”. “Sự gia tăng về nhu cầu của dầu cây cọ ở châu Âu dẫn đến việc nhiều vùng rừng mưa nhiệt đới lớn ở Đông Nam Á bị chặt phá và việc lạm dụng phân bón hóa học ở đó”. Các đồn điền được lập lên bằng cách làm ráo nước và đốt bãi than bùn, khiến “những khối lượng rất lớn” khí cacbon bay vào khí quyển. Do đó, theo báo Times, Indonesia nhanh chóng trở thành “quốc gia đứng hàng thứ ba trên thế giới về lượng khí thải cacbon, là điều mà các nhà khoa học cho rằng đã gây ra tình trạng trái đất ấm dần lên”.

Điều chỉnh “đồng hồ tận thế”

“Đồng hồ tận thế” là ý niệm do Bulletin of Atomic Scientists (BAS) đưa ra để minh họa việc loài người gần tai họa hạt nhân như thế nào. Đồng hồ này đã được rút ngắn hai phút, để kim chỉ năm phút trước 12 giờ đêm—“tượng trưng thời điểm kết thúc nền văn minh”. Trong lịch sử dài 60 năm, đồng hồ này chỉ được điều chỉnh 18 lần. Lần thay đổi vừa qua là vào tháng 2 năm 2002, sau cuộc tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York. Theo lời của BAS, việc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cũng như sự thất bại trong việc làm cho nguyên liệu hạt nhân được an toàn là “điều cho thấy sự thiếu khả năng trong việc giải quyết các vấn đề của kỹ thuật có sức tàn phá lớn nhất trên Trái Đất”. Ngoài ra, tờ này cũng nói: “Các mối nguy hiểm do việc thay đổi khí hậu gây ra cũng tai hại như mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân”.

Căng thẳng trong lúc có thai

Theo một nghiên cứu gần đây, sự căng thẳng mà phụ nữ có thai trải qua vì cãi nhau với người tình hoặc do hành vi bạo hành của ông có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí tuệ của đứa bé. Giáo sư Vivette Glover, thuộc trường Đại học Imperial, Luân Đôn, nói: “Chúng tôi thấy rằng nếu một phụ nữ bị người tình đối xử tàn nhẫn trong lúc mang thai thì điều đó tác động đáng kể đến sự phát triển của đứa bé trong tương lai. Người cha đóng một vai trò quan trọng”. Bà Vivette giải thích mối quan hệ giữa cha mẹ “ảnh hưởng đến sự cân bằng hóa học và hormon trong cơ thể người mẹ, và vì thế ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của đứa bé”.

Người đi làm và lái xe tự động

Những người lái xe đi làm cùng một tuyến đường mỗi ngày thường không dùng phần não bộ, nơi diễn ra sự suy nghĩ có ý thức, theo lời của nhà khoa học nghiên cứu giao thông là Michael Schreckenberg thuộc đại học Duisburg-Essen, Đức. Trên những tuyến đường quen thuộc, người lái không tập trung chú ý xe cộ mà thường bận tâm suy nghĩ những điều khác. Do đó, họ không nhanh chóng nhận ra những nguy hiểm. Ông Schreckenberg khuyến khích những người lái xe đi làm hãy luôn tự nhắc nhở mình phải tỉnh táo và không để bị sao lãng bởi những điều khác.