Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao nên bảo vệ môi trường?

Tại sao nên bảo vệ môi trường?

Quan điểm của Kinh Thánh

Tại sao nên bảo vệ môi trường?

Ngày nay các hoạt động của con người có lẽ gây tổn hại cho sự sống trên hành tinh của chúng ta hơn bao giờ hết. Những mối đe dọa như việc trái đất ấm dần lên ngày càng đáng lo ngại, thì các nhà khoa học, chính phủ và cụm công nghiệp càng nỗ lực hơn để đối phó.

Phải chăng mỗi cá nhân chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường? Nếu thế, thì đến mức độ nào? Kinh Thánh đưa ra những lý do vững chắc để chúng ta hành động theo cách có lợi cho trái đất. Kinh Thánh cũng giúp chúng ta có sự thăng bằng về việc này.

Ủng hộ ý định của Đấng Tạo Hóa

Giê-hô-va Đức Chúa Trời có ý định làm trái đất thành một nơi giống như một khu vườn cho loài người sinh sống. Ngài tuyên bố mọi việc Ngài làm đều “rất tốt-lành” và giao cho con người nhiệm vụ “trồng và giữ vườn”, tức chăm sóc trái đất (Sáng-thế Ký 1:28, 31; 2:15). Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về tình trạng trái đất hiện nay? Rõ ràng, Ngài không hài lòng về sự quản lý tồi tệ của con người, vì Khải-huyền 11:18 báo trước Ngài sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. Do vậy, chúng ta không nên thờ ơ với những gì xảy ra cho trái đất.

Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng mọi sự hư hại mà con người gây ra sẽ được loại bỏ khi Đức Chúa Trời “làm mới lại hết thảy muôn vật” (Khải-huyền 21:5). Tuy nhiên, chúng ta không nên kết luận rằng vì cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ khôi phục trái đất nên hành động của chúng ta hiện nay không quan trọng. Thật ra nó lại rất quan trọng! Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về trái đất và ủng hộ ý định của Ngài là biến nó thành địa đàng?

Góp phần giữ trái đất sạch sẽ

Những hoạt động thông thường của con người sản sinh ra một số lượng chất thải. Đức Giê-hô-va khôn ngoan thiết kế ra các chu trình tự nhiên của trái đất để xử lý chất thải, làm sạch không khí, nước và đất (Châm-ngôn 3:19). Hành động của chúng ta phải phù hợp với các quy trình này. Vì thế, chúng ta cẩn thận tránh làm điều không cần thiết góp phần vào các vấn đề môi trường của trái đất. Việc cẩn thận như thế cho thấy chúng ta thương yêu người lân cận như chính mình (Mác 12:31). Hãy xem một thí dụ đáng chú ý vào thời Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời chỉ thị cho dân Y-sơ-ra-ên phải lấp chất thải ở bên “ngoài trại-quân” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12, 13). Điều này giữ vệ sinh cho trại quân và xúc tiến quá trình phân hủy. Tương tự ngày nay, tín đồ thật của Đấng Christ cố gắng bỏ rác và các chất thải khác nhanh chóng, đúng cách. Nên đặc biệt cẩn thận khi loại bỏ những chất độc.

Nhiều loại rác có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Nếu luật địa phương bắt buộc phải phân loại rác để tái chế thì việc tuân theo luật đó nằm trong nguyên tắc “trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa” (Ma-thi-ơ 22:21). Việc phân loại rác để tái chế có thể tốn công hơn, nhưng việc đó cho thấy chúng ta muốn có một trái đất sạch sẽ.

Bảo tồn tài nguyên trái đất

Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm, chỗ ở và nhiên liệu nhằm duy trì sự sống, chúng ta phải dùng đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cách chúng ta dùng các nguồn tài nguyên này cho thấy chúng ta có nhận biết đó là những món quà đến từ Đức Chúa Trời hay không. Khi ở trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên muốn ăn thịt, Đức Giê-hô-va ban cho họ rất nhiều chim cút. Lòng tham đã khiến họ lạm dụng món quà này, điều đó khiến Giê-hô-va Đức Chúa Trời nổi giận (Dân-số Ký 11:31-33). Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Vì thế, những tín đồ Đấng Christ có tinh thần trách nhiệm tránh phung phí, vì điều đó có thể là biểu hiện của tính tham lam.

Một số người nghĩ rằng họ có quyền sử dụng năng lượng hay các nguồn tài nguyên khác bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, không nên lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ vì chúng dồi dào hay chúng ta có khả năng chi trả. Sau khi Chúa Giê-su dùng phép lạ để cho đám đông ăn, ngài bảo hãy lượm những miếng cá và bánh còn thừa (Giăng 6:12). Ngài không muốn phung phí những gì Cha ngài cung cấp.

Cần có sự thăng bằng

Mỗi ngày, chúng ta đều có những quyết định ảnh hưởng đến môi trường. Chúng ta có phải áp dụng biện pháp cực đoan là tách biệt khỏi xã hội loài người để tránh gây tác hại cho trái đất không? Không nơi nào trong Kinh Thánh khuyên chúng ta làm thế. Hãy xem gương mẫu của Chúa Giê-su. Khi ở trên đất, ngài có một cuộc sống bình thường, nhờ đó ngài hoàn thành công việc rao giảng mà Đức Chúa Trời giao phó (Lu-ca 4:43). Ngoài ra, Chúa Giê-su từ chối tham gia chính trị như là phương tiện để giải quyết vấn đề xã hội thời đó. Ngài nói rõ: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”.—Giăng 18:36.

Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét quyết định của mình về những việc như: mua sắm đồ gia dụng, phương tiện đi lại và giải trí, ảnh hưởng thế nào đến môi trường. Chẳng hạn, một số người chọn mua những sản phẩm mà cách chế tạo hoặc hoạt động của chúng giảm thiểu tác hại cho môi trường. Những người khác thì cố gắng giảm bớt các hoạt động gây ô nhiễm hay sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách không chính đáng.

Không ai nên áp đặt người khác làm theo các quyết định của mình liên quan đến môi trường. Hoàn cảnh của mỗi người và mỗi nơi khác nhau. Tuy vậy, mỗi cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Như Kinh Thánh có nói “ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”.—Ga-la-ti 6:5.

Đấng Tạo Hóa giao cho con người trách nhiệm chăm sóc trái đất. Khi nhận biết tầm quan trọng của trách nhiệm này và khiêm nhường tôn trọng Đức Chúa Trời cùng các công trình sáng tạo của Ngài, chúng ta sẽ cố gắng có các quyết định sáng suốt và thận trọng trong cách chăm sóc trái đất.

CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:

▪ Đức Chúa Trời sẽ giải quyết các vấn đề môi trường của trái đất không?—Khải-huyền 11:18.

▪ Liên quan đến trái đất, Đức Chúa Trời giao cho con người trách nhiệm nào?—Sáng-thế Ký 1:28; 2:15.

▪ Chúa Giê-su nêu gương nào về việc tránh phung phí?—Giăng 6:12.