Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đứng giữa hai nền văn hóa—Phải làm sao đây?

Đứng giữa hai nền văn hóa—Phải làm sao đây?

Giới trẻ thắc mắc. . .

Đứng giữa hai nền văn hóa—Phải làm sao đây?

“Gia đình tôi là người Ý nên thoải mái bày tỏ tình cảm và sự nồng nhiệt. Chúng tôi đang sống ở Anh quốc, và người dân ở đây lại rất nghiêm trang và lịch sự. Tôi cảm thấy mình lạc lõng giữa hai nền văn hóa, không phải là người Anh mà cũng không thật sự là người Ý.”— Giosuè, Anh quốc.

“Ở trường, thầy giáo bảo tôi phải chăm chú nhìn thầy khi thầy nói. Tuy nhiên, khi tôi chăm chú nhìn cha trong lúc cha nói thì ông lại bảo là tôi vô lễ. Tôi cảm thấy lúng túng khi đứng giữa hai nền văn hóa.”— Patrick, người An-giê-ri sống ở Pháp.

Cha hoặc mẹ bạn có phải là người nhập cư không?

□ Có □ Không

Ngôn ngữ hoặc nền văn hóa bạn gặp ở trường có khác với ở nhà không?

□ Có □ Không

Mỗi năm có hàng triệu người đến nhập cư ở đất nước khác, và phần nhiều trong số họ phải đương đầu với những thách thức lớn. Bất ngờ sống giữa những người khác ngôn ngữ, văn hóa và trang phục, họ thường trở thành mục tiêu chế giễu của người xung quanh. Đó là sự thật mà một cô gái tên Noor đã nhận ra. Cô theo gia đình rời quê hương Jordan, thuộc Trung Đông, đến định cư ở Bắc Mỹ. Cô bộc bạch: “Vì trang phục của chúng tôi khác với người dân ở đây nên hay bị họ cười nhạo. Đã thế, chúng tôi còn không hiểu được óc khôi hài của người Mỹ”.

Cô gái tên Nadia thì gặp một vấn đề khác. Cô cho biết: “Tôi sinh ra ở Đức. Vì có cha mẹ là người Ý nên tôi nói tiếng Đức với giọng Ý, và các bạn ở trường gọi tôi là “tên ngoại quốc ngốc nghếch”. Nhưng khi về thăm nước Ý, tôi lại nhận thấy mình nói tiếng Ý lai Đức. Vì vậy, tôi có cảm giác mình là người không có quê hương. Dù đi đến nước nào chăng nữa, tôi vẫn luôn là người ngoại quốc”.

Con cái của những người nhập cư còn gặp phải những vấn đề nào nữa không? Và họ có thể tận dụng hoàn cảnh của mình như thế nào?

Sự khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ

Ngay cả khi ở nhà, con cái của những người nhập cư có lẽ cũng thấy có sự khác biệt về văn hóa. Như thế nào? Con cái thường thích nghi với nền văn hóa mới nhanh hơn cha mẹ. Như trường hợp Ana chẳng hạn, cô theo gia đình đến nhập cư ở Anh quốc từ năm lên tám. Cô nói: “Tôi và anh trai hầu như tự động thích nghi với cuộc sống ở Luân Đôn. Nhưng đó lại là một thử thách đối với cha mẹ tôi vì họ lớn lên ở hòn đảo nhỏ Madeira của Bồ Đào Nha”. Voeun, một cô gái cùng với cha mẹ chuyển từ Campuchia đến Úc từ khi ba tuổi, nói: “Cha mẹ tôi không mấy thích nghi với môi trường mới. Thật thế, cha tôi thường phát cáu và nổi giận vì tôi đã không hiểu được suy nghĩ và thái độ của cha”.

Sự khác biệt về văn hóa có thể giống như một cái hào ngăn cách người trẻ và cha mẹ họ. Bên cạnh đó, giống như một tường thành dọc theo cái hào ấy, rào cản ngôn ngữ làm cho gia đình càng xa nhau thêm. Nền móng của bức tường ấy hình thành khi con cái học ngôn ngữ mới nhanh hơn cha mẹ. Tường thành tiếp tục được xây cao thêm khi con cái bắt đầu quên tiếng mẹ đẻ và ngày càng cảm thấy khó trò chuyện với cha mẹ hơn.

Ian, một em trai 14 tuổi, từng thấy một tường thành dần ngăn cách em và cha mẹ sau khi gia đình em rời Ecuador đến sinh sống ở New York, Hoa Kỳ. Em cho biết: “Hiện nay em nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha vì thầy cô và bạn bè ở trường đều nói tiếng Anh. Nói chuyện với em trai, em cũng nói bằng tiếng Anh. Tiếng Anh ngày càng chiếm hết tâm trí em, và dần dần không còn chỗ cho tiếng Tây Ban Nha”.

Bạn có ở trong hoàn cảnh như Ian không? Nếu gia đình di cư đến một nước khác từ khi bạn còn niên thiếu, có lẽ bạn chưa nhận thấy ngôn ngữ mẹ đẻ có thể mang lại lợi ích cho bạn sau này. Vì thế, hẳn là bạn đã không muốn học ngôn ngữ đó. Noor, cô gái được đề cập ở đầu bài, nói: “Ở nhà, cha muốn chúng tôi phải nói chuyện bằng tiếng Ả-rập nhưng chúng tôi không muốn. Đối với chúng tôi, học thêm ngôn ngữ mẹ đẻ dường như là vác thêm gánh nặng. Bạn bè đều nói tiếng Anh, và chương trình truyền hình cũng toàn là tiếng Anh. Vậy tại sao chúng tôi lại phải học tiếng Ả-rập?”.

Dù vậy, khi lớn hơn chút nữa, có lẽ bạn bắt đầu nhận ra lợi ích của việc nói lưu loát ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuy nhiên, có thể bạn thấy khó nhớ những từ mà trước kia mình nhớ ra dễ dàng. Michael, một em trẻ 13 tuổi theo cha mẹ di cư từ Trung Quốc đến Anh, cho biết: “Em thường lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ”. Ornelle, một em gái 15 tuổi từ Congo (Kinshasa), Châu Phi, đến sống ở Luân Đôn, thổ lộ: “Em cố gắng nói với mẹ bằng tiếng Lingala nhưng không thể vì em quen nói tiếng Anh hơn”. Lee, một em gái người Campuchia sinh ra ở Úc, cảm thấy ân hận vì không nói lưu loát tiếng mẹ đẻ. Em tâm sự: “Khi nói chuyện với cha mẹ để giãi bày nỗi lòng của mình về một số vấn đề nào đó, em không có đủ vốn từ để nói”.

Lý do để vượt qua sự ngăn cách

Nếu quên phần nào ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn đừng thất vọng. Bạn có thể trau dồi lại khả năng ngôn ngữ của mình. Nhưng trước hết bạn phải nhận thức rõ lợi ích của việc này. Đó là những lợi ích nào? Anh Giosuè, người được đề cập ở đầu bài, nói: “Tôi học ngôn ngữ mẹ đẻ vì muốn gần gũi với cha mẹ về phương diện tình cảm, và điều quan trọng hơn là tôi muốn cùng họ thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhờ học ngôn ngữ của cha mẹ, tôi hiểu được cảm xúc của họ và họ cũng hiểu tôi”.

Nhiều tín đồ trẻ thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ vì muốn nói cho người đồng hương về tin mừng Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Salomão, một anh nhập cư ở Luân Đôn từ lúc năm tuổi, nói: “Thật tuyệt khi có thể giải thích Kinh Thánh bằng cả hai ngôn ngữ! Tôi gần như quên hết tiếng mẹ đẻ, nhưng hiện nay tôi đang kết hợp với một hội thánh tiếng Bồ Đào Nha và có thể nói trôi chảy tiếng Anh lẫn tiếng Bồ Đào Nha”. Một em trẻ 15 tuổi tên Oleg, hiện đang sống tại Pháp, cho biết: “Em cảm thấy vui khi có thể giúp người khác. Em có thể giải thích Kinh Thánh cho người ta bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, hoặc tiếng Moldova”. Về phần Noor, cô đã thấy được nhu cầu cần người rao giảng trong khu vực nói tiếng Ả-rập và cho biết: “Hiện nay tôi đang học tiếng Ả-rập và cố gắng thu nhặt lại những gì đã mất. Quan điểm của tôi đã thay đổi. Bây giờ tôi muốn có người sửa khi tôi nói sai. Tôi thật sự muốn học”.

Bạn có thể làm gì để nói lưu loát tiếng mẹ đẻ như trước? Nhiều gia đình nhận thấy rằng khi nói chuyện với nhau ở nhà, nếu họ nhất quyết chỉ nói tiếng mẹ đẻ thì con cái sẽ giỏi cả hai ngôn ngữ. * Có lẽ bạn cũng muốn nhờ cha mẹ dạy viết ngôn ngữ mẹ đẻ. Stelios, một anh lớn lên ở Đức nhưng có cha mẹ là người Hy Lạp, nói: “Cha mẹ từng thảo luận một câu Kinh Thánh với tôi mỗi ngày. Họ đọc lớn tiếng câu đó để tôi viết ra. Nhờ thế mà bây giờ tôi có thể đọc và viết cả tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Đức”.

Dĩ nhiên, nếu bạn quen thuộc cả hai nền văn hóa và nói được hai ngôn ngữ trở lên, bạn thật sự có một lợi thế. Sự hiểu biết về cả hai nền văn hóa giúp bạn hiểu cảm xúc của người khác hơn và có thể trả lời những thắc mắc của họ về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Miệng hay đáp giỏi khiến người vui-vẻ; và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!” (Châm-ngôn 15:23). Preeti, một bạn gái Ấn Độ sinh ra ở Anh, cho biết: “Nhờ hiểu được cả hai nền văn hóa, tôi cảm thấy tự tin hơn khi đi rao giảng. Tôi hiểu được hai khía cạnh trong đời sống người ta—niềm tin và quan điểm của họ”.

Đức Chúa Trời không thiên vị

Nếu đứng giữa hai nền văn hóa, bạn đừng nản lòng. Hoàn cảnh của bạn cũng giống như một số nhân vật trong Kinh Thánh. Chẳng hạn như Giô-sép, từ thuở niên thiếu, ông không còn được nuôi dạy theo nền văn hóa của cha mẹ người Hê-bơ-rơ và đã sống ở Ê-díp-tô đến cuối đời. Dù vậy, rõ ràng là ông đã không quên ngôn ngữ mẹ đẻ (Sáng-thế Ký 45:1-4). Nhờ thế, ông có thể giúp đỡ gia đình của mình.—Sáng-thế Ký 39:1; 45:5.

Ti-mô-thê, người đã cùng với sứ đồ Phao-lô đi nhiều nơi, có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái (Công-vụ 16:1-3). Dù lớn lên giữa hai nền văn hóa khác biệt nhưng ông không để điều đó trở thành rào cản. Khi thi hành công việc truyền giáo, hẳn ông đã tận dụng sự hiểu biết về điểm khác nhau giữa hai nền văn hóa để giúp người ta.—Phi-líp 2:19-22.

Tương tự thế, thay vì xem hoàn cảnh của mình là một trở ngại, bạn có thể xem đó là cơ hội thuận lợi hay không? Hãy nhớ rằng: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ 10:34, 35). Đức Giê-hô-va yêu thương chính con người bạn chứ không phải gốc gác của bạn. Như những người trẻ trong bài này, bạn có thể tận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình để giúp người đồng hương biết về Đức Chúa Trời yêu thương và không thiên vị của chúng ta không? Làm được như thế, bạn sẽ cảm thấy thật sự thỏa lòng!—Công-vụ 20:35.

VÀI ĐIỀU CẦN SUY NGHĨ

▪ Về văn hóa hoặc ngôn ngữ, bạn gặp phải những trở ngại nào?

▪ Làm thế nào bạn có thể vượt qua những trở ngại đó?

[Chú thích]

^ đ. 21 Để biết thêm những lời đề nghị thực tiễn, xin xem bài “Dưỡng dục con cái ở xứ lạ—Các khó khăn và phần thưởng” trong Tháp Canh ngày 15-10-2002.

[Hình nơi trang 28]

Việc nói được tiếng mẹ đẻ có thể thắt chặt tình gia đình