Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chia sẻ tin mừng ở những nơi xa xôi

Chia sẻ tin mừng ở những nơi xa xôi

Chia sẻ tin mừng ở những nơi xa xôi

Do Helen Jones kể lại

Vào một ngày đầu thập niên 1970, khi tôi đang đi giữa một khu chợ đông người ở thành phố Bangalore, Ấn Độ thì bỗng dưng một con trâu đến húc tôi lên và quăng tôi xuống đất. Nó sắp giẫm lên tôi thì một phụ nữ Ấn Độ cứu tôi thoát chết. Bạn biết tại sao tôi lại đến Ấn Độ không?

Tôi sinh năm 1931 và lớn lên ở Vancouver, một thành phố xinh đẹp của Canada. Cha mẹ tôi ăn ở hiền lành nhưng không đi nhà thờ. Tuy nhiên, tôi ao ước muốn biết về Đức Chúa Trời nên khi còn niên thiếu, tôi đi học lớp Kinh Thánh dành cho người trẻ ở nhà thờ vào mỗi chủ nhật và lớp Kinh Thánh hè.

Năm 1950, lúc 19 tuổi, tôi lập gia đình với anh Frank Schiller. Lúc ấy anh đã có bốn con với người vợ trước. Hai năm sau, chúng tôi có chung một bé trai. Chúng tôi muốn gia nhập một nhà thờ nhưng vì anh Frank đã ly dị nên không nơi nào nhận chúng tôi. Điều này làm anh chán ngán tôn giáo và không còn muốn nói về tôn giáo nữa.

Học lẽ thật trong Kinh Thánh

Năm 1954 anh tôi hứng thú cho tôi biết là một Nhân Chứng Giê-hô-va cùng sở đã nói với anh nhiều điều ghi trong Kinh Thánh. Mặc dù có nhiều thắc mắc và biết chỗ Nhân Chứng nhóm họp nhưng tôi không đến đó vì biết anh Frank rất chán tôn giáo. Một thời gian sau, có hai Nhân Chứng đến nhà chúng tôi. Tôi muốn biết đạo của họ nói gì về việc ly dị và hai người này đã dùng Kinh Thánh cho tôi biết lý do để ly dị (Ma-thi-ơ 19:3-9). Họ quả quyết với tôi rằng những điều tôi thắc mắc về Kinh Thánh sẽ được giải đáp khi đều đặn học Kinh Thánh.

Chồng tôi rất giận và không muốn tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Năm 1955, tôi dự Lễ Tưởng Niệm cái chết của Chúa Giê-su. Khi về nhà, tôi hứng thú kể cho chồng tôi nghe những điều học được trong Kinh Thánh. Anh quát: “Không thể nào có được chuyện đó! Nếu cô mà chứng minh được là điều đó có trong Kinh Thánh, tôi sẽ đích thân đi dự buổi họp vớ vẩn của cô!”.

Tôi đưa anh cuốn Kinh Thánh và anh cầm lấy một cách trịnh trọng. Chúng tôi cùng nhau đọc những câu Kinh Thánh mà tôi đã ghi. Tôi không nói nhiều và để Kinh Thánh tự giải thích. Chồng tôi không cãi gì cả và tỏ vẻ đăm chiêu cả buổi tối hôm đó.

Sau một thời gian, tôi nhắc chồng tôi là anh đã hứa đi dự một buổi họp. Anh miễn cưỡng trả lời: “Được rồi! Tôi chỉ đi một lần để xem họ nói gì!”. Bài giảng hôm đó nói về việc vợ phải vâng phục chồng (Ê-phê-sô 5:22, 23, 33). Điều này đã thực sự gây ấn tượng với chồng tôi. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh dự buổi học Tháp Canh và bài học có tựa đề “Hãy thỏa nguyện với việc làm”. Là người siêng năng, chồng tôi rất thích bài ấy. Kể từ đó, anh không bỏ một buổi họp nào. Không lâu sau, chồng tôi sốt sắng với thánh chức còn tôi thì hướng dẫn những người muốn học Kinh Thánh và họ đã tiến bộ đến bước làm báp têm. Hai vợ chồng tôi cùng với mẹ và anh tôi đều báp têm, biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời vào năm đó.

Ao ước phục vụ nhiều hơn

Tại hội nghị địa hạt năm 1957 ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ, có một bài giảng nói về việc phục vụ tại nơi cần người rao giảng về Nước Trời. Tôi cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ơi! Con rất muốn đi. Xin Cha giúp chúng con đi nơi cần người rao giảng!”. Nhưng chồng tôi quan tâm đến trách nhiệm nuôi nấng và chăm lo cho gia đình.—1 Ti-mô-thê 5:8.

Năm sau, gia đình chúng tôi đi dự hội nghị tại thành phố New York. Hội nghị diễn ra cùng một lúc tại sân vận động Yankee Stadium và Polo Grounds. Hơn 253.000 người có mặt để nghe bài diễn văn công cộng! Chồng tôi cảm động trước những điều anh nghe và thấy ở hội nghị. Vì vậy, khi về nhà, chúng tôi quyết định chọn Kenya, châu Phi, là nơi cư ngụ mới vì nơi đó người ta nói tiếng Anh và chúng tôi cũng có thể tìm được trường tốt cho con đi học.

Năm 1959, chúng tôi bán nhà, chất đồ đạc lên xe và lái xuyên bang tới Montreal, Canada. Từ nơi đó, chúng tôi đi tàu tới London, Anh Quốc và từ đấy lên chiếc tàu khác, vượt Địa Trung Hải, Biển Đỏ rồi vào Ấn Độ Dương. Cuối cùng, chúng tôi đến Mombasa, Kenya, nằm ở bờ biển phía đông châu Phi. Ngày hôm sau, chúng tôi đón xe lửa đi Nairobi, thủ đô của Kenya.

Ân phước ở châu Phi

Lúc đó, Nhân Chứng Giê-hô-va không được phép rao giảng tại Kenya nên chúng tôi phải cẩn thận khi rao giảng. Nhiều cặp vợ chồng đến từ những nước khác cũng đang sống ở Kenya và những người nước ngoài như chúng tôi được phép tạm trú. Chúng tôi phải nhóm lại từng nhóm nhỏ, không quá mười người. Điều này có nghĩa là mọi người trong gia đình, kể cả các cháu, đều tham gia vào các buổi họp.

Chỉ ít lâu sau khi tới Kenya, chúng tôi tìm được nhà và anh Frank cũng tìm được việc. Người đàn bà đầu tiên mà tôi gặp khi rao giảng từng nhà đồng ý học Kinh Thánh và sau này bà đã trở thành người tiên phong (người rao giảng trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va). Tôi cũng học với một cô gái theo đạo Sikh tên là Goody Lull. Em kiên quyết học Kinh Thánh dù bị gia đình và cộng đồng đạo Sikh gây áp lực bắt em ngưng học. Khi Goody bị đuổi ra khỏi nhà, em đến sống chung với một gia đình Nhân Chứng. Sau đó, em dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va để phụng sự Ngài và trở thành người tiên phong. Về sau, Goody được học trường huấn luyện giáo sĩ Ga-la-át và tốt nghiệp trường này.

Gia đình chúng tôi cũng gặp một số thử thách. Đứa con trai lớn nhất bị bệnh sốt thấp khớp còn chồng tôi thì bị phỏng nặng khi đang chữa xe ô tô. Tai nạn này khiến anh bị mất việc. Sau một thời gian, anh tìm được việc làm cách nhà hơn 1.000 cây số ở tận Dar es Salaam, thủ đô của Tanganyika (nay là Tanzania). Thế là chúng tôi chất đồ đạc lên xe và đi một chuyến hành trình đến Dar es Salaam. Thành phố này lúc đó có một hội thánh nhỏ và mọi người vui vẻ tiếp đón chúng tôi.

Mặc dù công việc rao giảng bị cấm đoán ở Tanzania, nhưng lệnh này không được thi hành chặt chẽ. Năm 1963, anh Milton Henschel, người đại diện cho trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Hoa Kỳ, đến thăm chúng tôi. Trong khi anh đang trình bày một bài giảng tại Karimjee Hall, giảng đường đẹp nhất ở nước này, một người đàn ông cao niên ăn mặc như một người nghèo đến ngồi ghế cạnh tôi. Tôi chào hỏi ông và cho ông xem chung Kinh Thánh và dùng chung sách hát. Khi chương trình hôm đó chấm dứt, tôi mời ông trở lại. Vừa khi ông ra về, các Nhân Chứng địa phương chạy đến gặp tôi.

Các anh chị đó hỏi: “Chị có biết ông ấy là ai không? Ông ấy là thị trưởng của thành phố Dar es Salaam!”. Trước đó, ông dọa không cho Nhân Chứng tổ chức hội nghị. Ông hẳn đã nghĩ là tôi sẽ coi khinh ông rồi viện cớ đó để không cho hội nghị tiếp tục. Tuy nhiên, ông cảm kích vì được đối xử tử tế nên ông đã đổi ý. Có đến 274 người đã tham dự và 16 người báp têm!

Khi chúng tôi đang ở Tanzania thì nước này được độc lập. Sau đó, người dân trong nước được ưu tiên hơn người nước ngoài khi tìm việc làm. Hầu hết những người nước ngoài phải rời khỏi đây. Tuy nhiên, nhờ kiên trì nên chồng tôi đã tìm được việc khi có người cho anh biết là một nơi nọ cần thợ máy giỏi để sửa chữa đầu máy xe lửa. Nhờ vậy, chúng tôi ở thêm được bốn năm nữa. Khi hết hợp đồng, chúng tôi về Canada và ở đó cho đến khi đứa con út trưởng thành và lập gia đình. Chúng tôi cảm thấy mình vẫn còn trẻ và muốn phục vụ nhiều hơn.

Đi Ấn Độ

Năm 1970, theo lời đề nghị của văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Bombay (nay là Mumbai), chúng tôi dọn đến Bangalore, một thành phố có khoảng 1,6 triệu dân vào lúc đó. Chính tại đây, tôi bị trâu húc và suýt bị giẫm chết. Lúc ấy có một hội thánh nói tiếng Anh gồm 40 người và một nhóm nói tiếng Tamil. Chồng tôi hướng dẫn nhiều người đàn ông học Kinh Thánh. Họ tiến bộ và về sau đã trở thành trưởng lão. Tôi cũng hướng dẫn vài gia đình học Kinh Thánh và họ đã trở thành những người phụng sự Đức Giê-hô-va.

Một hôm, tôi gặp một người đàn bà tên là Gloria sống trong một xóm nghèo tại thành phố này. Dù gặp lần đầu, bà đã mời tôi vào nhà. Vì không có bàn ghế nên chúng tôi ngồi dưới đất. Tôi để lại cho bà một tạp chí Tháp Canh. Trong tạp chí có câu Khải-huyền 4:11: “Lạy Đức Chúa Trời [Đức Giê-hô-va] là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực”. Bà rất thích câu này nên đã cắt ra và dán lên tường để có thể đọc mỗi ngày. Một năm sau bà làm báp têm.

Chồng tôi được mời làm việc một năm tại chi nhánh ở Bombay và trông nom việc xây dựng Phòng hội nghị đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ấn Độ. Chỉ cần xây thêm một tầng trên tòa nhà chi nhánh đã có sẵn là có được Phòng hội nghị. Cả Ấn Độ lúc ấy chỉ có hơn 3.000 Nhân Chứng và chưa tới 10 người phục vụ tại chi nhánh. Năm 1975, khi tài chánh gia đình đã cạn, chúng tôi buồn vì phải về nước, chia tay với những người bạn mà chúng tôi rất yêu quý sau một thời gian quen biết.

Trở lại châu Phi

Mười năm sau, chồng tôi đến tuổi được lương hưu. Vì vậy chúng tôi tình nguyện tham gia vào chương trình xây dựng quốc tế để xây dựng văn phòng chi nhánh. Chúng tôi nhận được thư mời đi Igieduma, Nigeria vì nơi đó đang có công trình xây dựng. Trong thời gian làm việc tại Igieduma, chồng tôi hướng dẫn một người đàn ông ở một làng gần đấy học Kinh Thánh. Ông tiến bộ và về sau trở thành một thành viên của chi nhánh Nigeria.

Sau đó, chúng tôi đi Zaire để giúp xây văn phòng chi nhánh. Không lâu sau, công việc rao giảng bị cấm và hộ chiếu của chúng tôi bị tịch thu. Một hôm, khi đang làm việc, chồng tôi lên cơn đau tim nhưng anh được nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe trong thời gian có lệnh cấm. Sau đó, tất cả những người làm công việc xây dựng chi nhánh phải rời khỏi nước này và chúng tôi được gửi sang nước Liberia gần đó. Tại chi nhánh ở thành phố Monrovia, Liberia, chồng tôi được giao việc sửa chữa máy phát điện. Năm 1986, giấy thị thực nhập cảnh của chúng tôi hết hạn nên một lần nữa chúng tôi phải trở về Canada.

Cuối cùng, nước Ecuador

Không lâu sau, chúng tôi được tin một người bạn thân là Andy Kidd đã dọn sang Ecuador và thích công việc rao giảng ở đó. Anh Andy là trưởng lão duy nhất tại hội thánh địa phương nên anh thường phải phụ trách hầu hết các bài giảng trong buổi họp. Khi anh mời chúng tôi sang Ecuador, chúng tôi nhận lời. Chúng tôi cũng đến thăm chi nhánh tại đó vào năm 1988 và được tiếp đón niềm nở.

Chúng tôi tìm được một căn nhà đủ tiện nghi. Chúng tôi cũng phải học tiếng Tây Ban Nha mà chồng tôi thì đã 71 tuổi rồi! Trong hai năm sau đó, tuy không biết nhiều tiếng Tây Ban Nha nhưng chúng tôi đã giúp được 12 người làm báp têm. Chồng tôi được mời giúp xây dựng chi nhánh Ecuador. Anh cũng hướng dẫn chồng của một chị đồng đạo học Kinh Thánh. (Chị là một trong những Nhân Chứng đầu tiên tại Guayaquil). Ông chống đối vợ trong 46 năm vì vợ là Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng ông đã trở thành bạn và người anh em đồng đạo của chúng tôi.

Mất mát to lớn

Chúng tôi sống ở Ancón, một thị trấn nhỏ gần Thái Bình Dương. Nơi đây chúng tôi đã giúp xây một Phòng Nước Trời mới. Điều đáng buồn là vào ngày 4 tháng 11 năm 1998, sau khi trình bày bài giảng cuối của Buổi họp công tác, chồng tôi lên cơn đau tim và qua đời vào đêm đó. Các anh chị trong hội thánh giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ngày hôm sau, chồng tôi được mai táng trong một nghĩa trang bên kia đường, đối diện với Phòng Nước Trời. Không lời nào có thể tả hết được nỗi đau đớn khi mất đi một người thân yêu.

Một lần nữa tôi lại phải trở về Canada—và lần này một mình—để lo cho gia đình và thủ tục giấy tờ. Đức Giê-hô-va đã không quên tôi trong lúc tôi đau buồn. Một ngày nọ, tôi nhận được thư của chi nhánh Ecuador cho biết là họ sẵn sàng tiếp đón nếu tôi muốn trở lại. Tôi quyết định trở lại Ecuador và tìm được một căn hộ gần văn phòng chi nhánh. Nhờ bận rộn với công việc ở chi nhánh và rao giảng, tôi vơi đi nỗi đau buồn nhớ nhung. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy cô đơn.

Tiếp tục phục vụ

Với thời gian, tôi quen anh Junior Jones. Anh từ Hoa Kỳ sang Ecuador để tiên phong vào năm 1997. Chúng tôi có cùng mục tiêu và sở thích và vào tháng 10 năm 2000 chúng tôi đã kết hôn với nhau. Vì anh Junior có kinh nghiệm trong ngành xây dựng nên chúng tôi được mời giúp hoàn tất Phòng hội nghị tại Cuenca, một thành phố nằm cao trên rặng Andes. Rồi vào ngày 30 tháng 4 năm 2006, anh Geoffrey Jackson thuộc Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va từ New York đến trình bày bài giảng khánh thành Phòng hội nghị trước một cử tọa đông đảo gồm 6.554 người.

Ai có thể ngờ rằng tại những nơi xa xôi như châu Phi, Ấn Độ và Nam Mỹ lại có nhiều người hưởng ứng khi Nhân Chứng rao giảng về Nước Trời đến thế? Anh Junior và tôi hiện chưa nghĩ đến việc về hưu. Sau hơn 50 năm phục vụ Đức Giê-hô-va, tôi cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh như thể là tôi mới bắt đầu ngày hôm qua. Và tôi biết chắc rằng trong thế giới mới, khi nhìn lại thời kỳ mà chúng ta hiện đang sống, thời gian cũng trôi qua nhanh như thế.—Khải-huyền 21:3-5; 22:20

[Bản đồ/​Các hình nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Nơi chúng tôi từng phục vụ

CANADA ANH KENYA TANZANIA

CANADA ẤN ĐỘ

CANADA NIGERIA CỘNG HÒA DÂN CHỦ CONGO (ZAIRE) LIBERIA

CANADA ECUADOR

[Những nơi khác]

HOA KỲ

[Hình]

Với anh Frank trên đường đi hội nghị ở Ấn Độ

[Hình nơi trang 15]

Với anh Junior Jones, chồng tôi