Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đêm giữa ban ngày”

“Đêm giữa ban ngày”

“Đêm giữa ban ngày”

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở BENIN

“Hàng triệu người sững sờ trước cảnh nhật thực”. Đó là tựa một bài trong tờ báo Daily Graphic của Ghana sau khi hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 29-3-2006. Sự kiện này diễn ra trước tiên ở mũi phía đông của Brazil, băng qua Đại Tây Dương với vận tốc khoảng 1.600 km/giờ rồi đến ba nước nằm ven biển là Ghana, Togo, và Benin khoảng 8:00 sáng. Người dân ở những nước thuộc Tây Phi này có thể mong đợi điều gì?

Hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra lần cuối ở Ghana vào năm 1947. Ông Theodore (lúc ấy được 27 tuổi) nhớ lại: “Lúc đó, nhiều người chưa hề biết đến nhật thực nên không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Vì thế, người ta gọi hiện tượng này là “đêm giữa ban ngày” ”.

Đợt khuyến cáo toàn dân

Giới quan chức khởi xướng một đợt khuyến cáo toàn dân rằng họ không được nhìn lên mặt trời trong lúc xảy ra hiện tượng nhật thực. Những tấm bảng nhiều màu sắc được dựng lên ở khắp Togo, với lời khuyến cáo: “Hãy bảo vệ đôi mắt của bạn! Thận trọng trước nguy cơ bị mù lòa!”.

Các quan chức chính phủ đưa ra hai cách. Thứ nhất, ở nhà và theo dõi trên truyền hình. Thứ nhì, nếu nhìn trực tiếp lên mặt trời thì phải đeo kính đặc biệt để bảo vệ mắt. Hàng triệu người dán mắt vào truyền hình và máy vi tính để chứng kiến những hình ảnh đầy ấn tượng. Tuy nhiên, màn ảnh nhỏ không thể chuyển tải hết không khí háo hức do tính hiếu kỳ và tâm trạng hồi hộp trước đó và trong lúc diễn ra cảnh nhật thực. Hãy hình dung lại cảnh đó.

Mong đợi từng giây

Sáng hôm ấy vẫn như mọi buổi sáng ở Tây Phi—mặt trời chiếu sáng và bầu trời trong xanh. Vậy có nhật thực không? Khi đồng hồ nhích từng giây đến giờ được thông báo trước, những người quan sát ở ngoài trời đều đeo kính và chăm chú nhìn lên bầu trời. Một số người thì đang nghe điện thoại di động và hỏi người thân ở những nơi khác xem họ đang thấy gì.

Cách xa những người quan sát hơn 350.000 km, mặt trăng (dù lúc đầu mọi người chưa nhìn thấy) vẫn tiếp tục tiến đến điểm giao hội với mặt trời. Bất ngờ trên mặt trời xuất hiện một mảnh đen, và nó dần dần che khuất mặt trời. Không khí càng lúc càng háo hức hơn nữa vì càng có nhiều người chứng kiến cảnh này.

Trong suốt một giờ đầu, những người quan sát thấy xung quanh không có gì thay đổi. Tuy nhiên, khi mặt trăng dần che khuất mặt trời thì có sự thay đổi. Bầu trời trong xanh bắt đầu mờ dần. Nhiệt độ giảm. Những ngọn đèn cảm ứng bật sáng khi màn đêm buông xuống. Đường phố vắng lặng. Các tiệm đều đóng cửa. Chim ngừng hót và muông thú đi tìm nơi trú ẩn. Bóng tối bao phủ khắp nơi. Đó là lúc mặt trời hoàn toàn bị che khuất, và không gian trở nên tĩnh lặng.

Hiện tượng đáng nhớ

Những vì sao bắt đầu lấp lánh. Vành đai nhật hoa (quầng sáng xung quanh mặt trời) trông như một vầng hào quang bao quanh vành tối của mặt trăng. Lúc ấy, người ta thấy một hình ảnh giống như chuỗi ngọc trai rồi sau đó là hình nhẫn kim cương. Các sắc hồng khác nhau tỏa sáng từ quyển sắc (lớp khí giữa mặt trời và vành đai nhật hoa). Trước cảnh đó, một người quan sát đã thốt lên: “Đây là cảnh kỳ diệu nhất mà tôi từng thấy—một vẻ đẹp tuyệt vời”.

Nhật thực toàn phần kéo dài khoảng ba phút. Sau đó mặt trời lại bắt đầu ló dạng trước sự hoan nghênh của nhiều người. Bầu trời sáng dần và các ngôi sao biến mất. Không khí lạ thường đã nhanh chóng tan đi như màn sương mai.

Kinh Thánh miêu tả mặt trăng như một “bằng chứng trung tín trên bầu trời” vì luôn xuất hiện mỗi đêm. Vì vậy, nhật thực có thể được báo trước hàng thế kỷ (Thi-thiên 89:37, Bản Dịch Mới). Người dân ở Tây Phi phải đợi gần 60 năm mới được chứng kiến sự kiện này, và đến năm 2081 họ sẽ được chứng kiến lần nữa. Có lẽ bạn sẽ có dịp chứng kiến hiện tượng đáng nhớ này trong xứ của bạn vào một thời điểm sớm hơn.

[Khung/​Hình nơi trang 21]

Hiện tượng xảy ra lúc Chúa Giê-su chết có phải là nhật thực không?

Sách Mác 15:33 nói: “Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối-tăm mù-mịt cho tới giờ thứ chín”. Bóng tối bao trùm trong ba giờ đồng hồ (từ khoảng giữa trưa đến 3:00 chiều) là một phép lạ. Đây không phải là hiện tượng nhật thực. Thứ nhất, lần nhật thực kéo dài lâu nhất là khoảng bảy phút rưỡi. Thứ hai, Chúa Giê-su chết vào ngày 14 tháng Ni-san theo âm lịch Do Thái. Ngày 1 tháng Ni-san là ngày bắt đầu xuất hiện trăng non. Lúc này, mặt trăng ở giữa trái đất và mặt trời nên mới có hiện tượng nhật thực. Tuy nhiên, đến ngày 14 tháng Ni-san thì mặt trăng đã đi được nửa quỹ đạo. Lúc này, trái đất ở giữa mặt trời và mặt trăng. Do đó, thay vì che khuất ánh sáng từ mặt trời thì mặt trăng lại phản chiếu hoàn toàn ánh sáng của mặt trời. Vì vậy, chúng ta thấy trăng tròn, và đây là khung cảnh đẹp để cử hành Lễ Kỷ Niệm sự chết của Chúa Giê-su.

[Hình]

Ngày 14 tháng Ni-san luôn rơi đúng hoặc gần ngày trăng tròn

[Biểu đồ/​Hình nơi trang 20, 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Đường đi của nhật thực

⇧ CHÂU PHI

BENIN ●

TOGO ●

GHANA ●

[Nguồn tư liệu]

Map: Based on NASA/Visible Earth imagery

[Hình nơi trang 20]

Nhật thực toàn phần vào ngày 29-3-2006

[Hình nơi trang 20]

Người ta có thể nhìn trực tiếp cảnh nhật thực khi đeo kính đặc biệt để bảo vệ mắt