Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời có bản tính nào?

Đức Chúa Trời có bản tính nào?

Quan điểm của Kinh Thánh

Đức Chúa Trời có bản tính nào?

Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy”. Câu này cho thấy một sự thật cơ bản về bản thể của Đức Chúa Trời: Ngài là một thần linh (Giăng 4:19-24). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng miêu tả Ngài như một con người. Ngài có tên là Giê-hô-va.—Thi-thiên 83:18.

Một số độc giả Kinh Thánh tỏ ra hoang mang về bản thể của Đức Chúa Trời. Ngài là một thần linh vô hình, chứ không phải bằng xương bằng thịt như con người, vậy thì tại sao nhiều đoạn trong Kinh Thánh lại miêu tả Đức Chúa Trời như thể Ngài có mắt, mũi, tai, lòng, cánh tay, bàn tay, ngón tay và chân *? Có lẽ một số người kết luận rằng Đức Chúa Trời có bản tính con người vì Kinh Thánh nói loài người được tạo ra như hình Ngài. Khi xem xét kỹ Kinh Thánh, chúng ta có thể loại bỏ được nỗi hoang mang này.—Sáng-thế Ký 1:26.

Tại sao Đức Chúa Trời có bản tính như con người?

Nhằm giúp con người hiểu về Ngài, Đấng Toàn Năng hướng dẫn những người viết Kinh Thánh dùng những đặc tính của con người để miêu tả Ngài. Các học giả dùng từ “nhân hình luận” để nói về những từ được đề cập ở đoạn trên. “Nhân hình luận” có nghĩa là “được miêu tả hoặc được hình dung như có bản tính hoặc đặc tính của con người”. Những từ đó cho thấy con người không có từ ngữ để miêu tả Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Thế nhưng, mục đích dùng những từ ấy chủ yếu là để diễn tả bản tính của Đức Chúa Trời sao cho con người có thể hiểu được. Điều này không có nghĩa là chúng ta hiểu những từ ấy theo nghĩa đen, cũng như không thể hiểu những từ Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời là “Hòn-Đá”, “mặt trời” và “cái khiên” theo nghĩa đen.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Thi-thiên 84:11.

Tương tự thế, để cho thấy con người có những đức tính như Đức Chúa Trời (nhưng chỉ ở một mức độ hạn hẹp, còn Ngài ở mức độ tuyệt đối), Kinh Thánh nói rằng loài người được tạo nên như hình Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa con người là thần hoặc Đức Chúa Trời là người.

Đức Chúa Trời có phái tính không?

Cũng như việc miêu tả Đức Chúa Trời có đặc tính như loài người không thể hiểu theo nghĩa đen, việc dùng phái nam để nói về Đức Chúa Trời cũng thế. Sự phân biệt giới tính là đặc điểm chỉ có ở các tạo vật bằng xương bằng thịt, và là một cách diễn đạt trong ngôn ngữ hạn hẹp của loài người để miêu tả rõ ràng về Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va.

Kinh Thánh dùng từ “Cha” để giúp chúng ta hiểu rằng Đấng Tạo Hóa có thể được ví như một người cha yêu thương, biết quan tâm che chở (Ma-thi-ơ 6:9). Điều này không có nghĩa là chúng ta xem Đức Chúa Trời, hoặc ngay cả những tạo vật thần linh ở trên trời, là thuộc phái nam hay phái nữ. Giới tính không phải là đặc tính của những vị thần linh này. Thật thú vị, Kinh Thánh cho thấy những người được kêu gọi lên trời để cùng kế thừa Nước Trời với Chúa Giê-su không mong giữ lại giới tính của mình khi họ được vinh hiển làm con thần linh của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở rằng khi ấy thì trong vòng họ sẽ “không còn đàn-ông hoặc đàn-bà”. Họ cũng được miêu tả theo nghĩa bóng là “vợ mới cưới” của Chiên Con, tức Chúa Giê-su. Tất cả những điều này cho thấy việc người ta dùng những đặc tính của con người để miêu tả Đức Chúa Trời, cũng như Chúa Giê-su và những tạo vật thần linh khác, không nên hiểu theo nghĩa đen.—Ga-la-ti 3:26, 28; Khải-huyền 21:9; 1 Giăng 3:1, 2.

Vì hiểu đúng vai trò của người nam nên những người viết Kinh Thánh đã dùng phái nam khi nói về Đức Chúa Trời. Họ thấy rằng người đàn ông (làm tốt vai trò của mình) phản ánh thích hợp tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, giống như lòng quan tâm của người cha đối với con cái trên đất.—Ma-la-chi 3:17; Ma-thi-ơ 5:45; Lu-ca 11:11-13.

Đức tính nổi bật của Ngài

Dù là thần, Đấng Tối Thượng không bao giờ xa cách, đầy vẻ huyền bí hoặc không thể liên lạc được. Bản tính thần linh của Đức Chúa Trời không cản trở những người ngay thẳng muốn tìm hiểu về tình yêu thương, quyền năng, sự khôn ngoan và công bình của Ngài, là bốn đặc tính cho chúng ta biết rõ hơn về Đức Chúa Trời và được thể hiện qua công trình sáng tạo.—Rô-ma 1:19-21.

Tuy nhiên, các đặc tính của Đức Chúa Trời đều bắt nguồn từ đức tính nổi bật của Ngài, đó là tình yêu thương. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời nổi bật đến mức Kinh Thánh gọi Ngài là hiện thân của đức tính đó (1 Giăng 4:8). Đức tính này còn bao hàm những đức tính khác của Ngài, chẳng hạn như thương xót, tha thứ và nhịn nhục (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Thi-thiên 103:8-14; Ê-sai 55:7; Rô-ma 5:8). Thật vậy, Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài mời chúng ta đến gần Ngài.—Giăng 4:23.

[Chú thích]

CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:

▪ Danh Đức Chúa Trời là gì?—Thi-thiên 83:18.

▪ Các đức tính của Đức Chúa Trời được thể hiện ở đâu?—Rô-ma 1:19-21.

▪ Đức Chúa Trời có đức tính nổi bật nào?—1 Giăng 4:8.