Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi dòng sông chảy ngược

Khi dòng sông chảy ngược

Khi dòng sông chảy ngược

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở CAM-PU-CHIA

Đã bao giờ bạn thấy sông chảy ngược chưa? Hay là thấy một cánh rừng ngập nước suốt nửa năm? Bạn có biết là người ta sống trên nhà nổi và phải dời nhà khi nước cạn không? Phải chăng bạn nghĩ: “Làm gì có chuyện đó”? Nếu thế, có lẽ bạn sẽ thay đổi suy nghĩ sau khi đến Cam-pu-chia vào mùa mưa.

Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 10, trời quang đãng vào buổi sáng, chiều đến lại tối sầm rồi đổ mưa. Mưa như trút nước xuống mặt đất khô cạn và bụi bặm, khiến những con sông tràn bờ.

Tại sao sông chảy ngược?

Hãy nhìn vào bản đồ trong bài và để ý điểm hợp lưu giữa sông Mekong rộng lớn và sông Tonle Sap. Nơi đây, nước của hai con sông hợp lại rồi tách ra thành hai dòng là Mekong và Bassac (Ba Thắc), sau đó chảy về phía nam xuyên qua nước Việt Nam, ra vùng châu thổ rộng lớn là đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay sau các cơn mưa đầu mùa, những vùng thấp thuộc châu thổ bị ngập. Nước lũ tràn về những nhánh sông đã cạn khô. Càng vào mùa mưa, lưu lượng nước sông Tonle Sap càng tăng cao, và thay vì tiếp tục dòng chảy như bình thường về hướng nam thì sông lại bắt đầu chảy ngược về phía bắc vào hồ Tonle Sap (Biển Hồ).

Hồ này nằm ở một vùng trũng cách thủ đô Phnom Penh khoảng 100km. Suốt mùa khô, hồ có diện tích khoảng 3.000km2. Tuy nhiên vào mùa mưa, diện tích hồ tăng gấp bốn hoặc năm lần khiến Tonle Sap trở thành hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Ruộng lúa, đường sá, cây cối và làng mạc đều bị ngập. Trước kia ngư dân thường chèo thuyền trên mực nước chỉ sâu khoảng 1m, nhưng giờ đây họ lại chèo ngang qua những ngọn cây cao đến 10m! Thông thường, người ta thường xem trận lụt như thế là một thảm họa, nhưng đối với phần lớn người dân Cam-pu-chia, đây là một nguồn phước. Tại sao thế?

Khi lũ lụt là nguồn phước

Khi chảy ngược, sông Tonle Sap bồi đắp phù sa cho cả vùng trũng dọc theo sông. Ngoài ra, cá kéo hàng đàn từ sông Mekong đến hồ và sinh sôi phát triển trong môi trường lý tưởng này. Thật vậy, hồ Tonle Sap là một trong những nguồn cá nước ngọt phong phú nhất thế giới. Sau mùa mưa, nước rút nhanh đến nỗi có khi ngư dân bắt được cá còn vướng trên cây!

Do lũ lụt hằng năm nên vùng này có một hệ sinh thái độc đáo. Thực vật trong vùng lũ sinh trưởng khác với thực vật trong vùng không bị lụt. Thông thường cây vùng nhiệt đới mọc chậm, rụng lá vào mùa khô và đâm chồi vào mùa mưa. Ngược lại, cây cối ở Tonle Sap không rụng lá cho đến khi bị ngập trong nước lũ. Thay vì tăng trưởng nhanh vào mùa mưa, chúng lại phát triển chậm. Sau khi nước rút và mùa khô bắt đầu, các cành cây đâm chồi và mọc lá rất nhanh. Lúc nước hồ rút xuống, mặt đất được bao phủ một lớp mùn do lá cây bị phân hủy. Đó là nguồn dưỡng chất cho cây và các loại thực vật trong suốt mùa khô.

Sống trong nhà sàn và bè nổi

Còn người dân sống ven hồ thì sao? Một số người dựng những căn nhà sàn nhỏ để sinh sống. Vào mùa khô, những căn nhà này cao hơn mặt đất đến 6m. Nhưng khi lũ đến đỉnh điểm thì thuyền đánh cá và những chiếc thau kim loại lớn (thường dùng để chở trẻ em) có thể đậu ngay tại cửa nhà.

Một số khác thì sống trong những ngôi nhà nổi được dựng trên các tấm bè. Khi gia đình đông đúc hơn, họ gắn thêm một tấm bè để nới rộng nhà. Ước tính trên hồ này có khoảng 170 ngôi làng nổi.

Ban ngày, cả già lẫn trẻ đều đi đánh bắt cá. Tùy theo mực nước hoặc nguồn cá, những căn nhà này, hay thậm chí cả làng, phải di dời hàng cây số.

Những chiếc xuồng dài trở thành cửa hàng tạp hóa hoặc chợ nổi, phục vụ nhu cầu hằng ngày của cộng đồng, thậm chí chúng còn là “những chiếc xe buýt” trên sông. Trẻ em cũng đi học ở những ngôi trường nổi. Cả con người lẫn cây cối đều sống theo con nước tại xứ sở có dòng sông chảy ngược.

[Bản đồ nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Mùa khô

Mùa mưa

CAM-PU-CHIA

hồ Tonle Sap

sông Tonle Sap

sông Mekong

PHNOM PENH

sông Bassac

đồng bằng sông Cửu Long

VIỆT NAM

[Hình nơi trang 23]

Một bé trai chèo xuồng trên sông Tonle Sap

[Các hình nơi trang 23]

Cùng một ngôi làng vào mùa khô và mùa mưa

[Nguồn hình ảnh nơi trang 23]

Map: Based on NASA/Visible Earth imagery; village photos: FAO/Gordon Sharpless