Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cọp Siberia sẽ còn không?

Cọp Siberia sẽ còn không?

Cọp Siberia sẽ còn không?

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở NGA

Một ngày mùa đông ở tận miền đông nước Nga, dưới bầu trời trong xanh, một con cọp khổng lồ đang chạy trên làn tuyết óng ánh, theo sau nó là một chiếc trực thăng. Khi người thiện xạ kề khẩu súng vào cạnh cửa sổ trực thăng, nó nhảy chồm lên một thân cây và rống lên thách thức. Người thiện xạ bóp cò. Chiếc trực thăng hạ cánh, một nhóm người bước ra và từ từ tiến đến chỗ con thú bị bắn.

Nhóm người này có phải là kẻ săn trộm? Không phải. Họ là những nhà nghiên cứu và đã bắn thuốc mê con cọp ấy. Họ đến tìm hiểu về một trong những loài thú đang gặp nguy hiểm nhiều nhất và rất khó bắt, cọp Siberia *.

Một loài vật oai phong

Cọp Siberia từng xuất hiện ở Hàn Quốc, miền bắc Trung Quốc, Mông Cổ và ở tận phía tây hồ Baikal thuộc nước Nga. Tuy nhiên, số lượng loài cọp này giảm trầm trọng trong thế kỷ qua. Nơi trú ẩn cuối cùng của chúng là dãy núi ở phía bắc thành phố Vladivostok của nước Nga, gần Biển Nhật Bản.

Cọp Siberia tập nhận biết nhau qua mùi của chúng, nhờ vậy con đực có thể tìm cọp cái vào mua giao phối. Mỗi lứa, cọp cái sinh từ hai đến ba con. Khi mới chào đời, cọp con không nhìn thấy được gì, cũng không biết kêu rừ rừ như mèo con mà chỉ gầm gừ khe khẽ và ngọ nguậy liên hồi. Chúng bú mẹ trong khoảng năm hoặc sáu tháng rồi mới bắt đầu ăn thịt. Lúc đầu, chúng đi săn chung với mẹ nhưng chưa biết tự săn mồi cho đến 18 tháng tuổi. Thường cọp con ở với mẹ cho đến khi hai tuổi. Sau đó, chúng tách bầy và tìm khu vực riêng.

Trong môi trường thiên nhiên, có một số con rất lớn. Con đực có thể nặng khoảng 270kg và dài đến hơn 3m, tính cả đuôi. Loài cọp hợp với khí hậu lạnh và giá tuyết nhờ có bộ lông dày. Bàn chân phủ lông giúp chúng đi trên tuyết dễ dàng.

Cọp Siberia có bộ lông màu cam vằn đen. Điểm khác biệt của mỗi con là những vằn đen, giống như mỗi người có vân tay khác nhau. Khi ở trong rừng, bộ lông sọc giúp chúng ngụy trang, nhưng nếu ở giữa bầu trời mùa đông thì bộ lông của chúng nổi bật dưới làn tuyết trắng. Khi đó, chúng không thể thoát khỏi tầm ngắm của những tên săn trộm.

Nguy cơ tuyệt chủng

Để sinh tồn, cọp Siberia phải ăn những loài thú lớn như hươu, nai và lợn rừng. Tuy nhiên, ở các vùng hoang dã thuộc miền đông Siberia thì những con mồi này ngày càng giảm. Một cánh rừng rộng 1000km2 chỉ có thể cung cấp đủ thức ăn cho bốn hoặc năm con cọp. Vì vậy, nếu cọp Siberia muốn tồn tại trong thiên nhiên, chúng cần một khu vực rất rộng lớn.

Trong nhiều năm, những cánh rừng rộng và rậm rạp từng là khu vực lý tưởng của loài cọp to lớn này. Con người, đối tượng duy nhất có thể khiến loài cọp này tuyệt chủng, cũng hiếm khi đến đó. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty khai thác gỗ từ nước ngoài đã đến đây và đốn phần lớn những cánh rừng.

Khi rừng dần biến mất, các loài thú rừng như hươu, nai, lợn và cọp Siberia cũng thế. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Nga đã duy trì những khu bảo tồn thiên nhiên như Sikhote Alin. Tuy nhiên, khi ra khỏi những khu vực này, cọp Siberia tự nộp mạng cho những kẻ săn trộm để làm quà lưu niệm. Răng, móng, xương và da cọp, kể cả của cọp con, đều có giá rất cao.

Cứu lấy loài cọp

Người ta đang nỗ lực nhiều hơn để cứu loài cọp Siberia, và người dân nơi đây luôn đi đầu trong phong trào này. Kết quả là số lượng cọp Siberia đã tăng dần. Theo một thống kê vào năm 2005 thì có khoảng 430 đến 540 con cọp ở Siberia.

Bên cạnh đó, dù bị nhốt trong chuồng, nhưng cọp Siberia rất dễ sinh và tích nghi tương đối tốt. Trong các sở thú trên khắp thế giới, có hơn 500 con cọp Siberia. Thế thì sao không thả một số trở về với thiên nhiên? Các nhà khoa học còn phân vân về điều này. Một nhà nghiên cứu giải thích: “Thả một con thú về nơi hoang dã mà không bảo đảm sự an toàn của nó thì chẳng có ích gì”.

Tất cả những vật sống, kể cả loài cọp, là bằng chứng cho thấy sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngài cũng xem chúng là những loài vật đáng được quan tâm chăm sóc (Thi-thiên 104:10, 11, 21, 22). Nhiều người vô cùng biết ơn về những công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng sẽ đến lúc loài cọp Siberia không còn nguy cơ bị tuyệt chủng.

[Chú thích]

^ đ. 4 Loài cọp này đôi khi còn được gọi là cọp Amur vì hiện nay chúng xuất hiện chủ yếu ở lưu vực sông Amur, thuộc miền đông nước Nga.

[Khung/Hình nơi trang 24, 25]

LOÀI MÈO LỚN NHẤT

Có một loài lớn hơn cọp Siberia là loài cọp lai sư tử. Loài cọp lai này có thể dài hơn 3m và nặng hơn 500kg. Chúng được nuôi trong các sở thú và hiếm khi, hoặc hầu như không còn thấy trong thiên nhiên.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 24]

Top: © photodisc/age fotostock; bottom: Hobbs, courtesy Sierra Safari Zoo, Reno, NV