Khi Ki-tô giáo đến Tahiti
Khi Ki-tô giáo đến Tahiti
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TAHITI
Cuối thế kỷ 18, phong trào truyền bá Phúc âm bắt đầu nổi lên khắp Âu châu. Ở Anh Quốc, ông William Carey, sau này trở thành một nhà truyền giáo, đã khơi dậy lòng sốt sắng của các tín đồ Tin Lành khi tha thiết kêu gọi họ đi giảng cho những vùng chưa biết về Phúc âm, trong đó có đảo Tahiti. Ông Carey được thôi thúc bởi mệnh lệnh của Chúa Giê-su là phải đi giúp muôn dân trở thành môn đồ ngài (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Năm 1802, cuốn sách bán chạy nhất của nhà văn người Pháp François-Auguste-René de Chateaubriand là Le Génie du christianisme (Tinh anh của Ki-tô giáo) cũng đã khơi dậy lòng sốt sắng giảng đạo của các tín đồ Công giáo.
Không lâu sau, nhiều hội truyền giáo của Công giáo và Tin Lành được lập nên. Vào năm 1797, Hội Truyền giáo Luân Đôn đã phái 29 giáo sĩ đến Tahiti. Năm 1841, một nhóm thuộc dòng Thánh Tâm (Picpus) của Công giáo cũng đến đó, và ba năm sau là những thành viên của đạo Mặc Môn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhiều nhà truyền giáo đã chểnh mảng sứ mạng chính của mình là dạy dỗ Kinh Thánh và bắt đầu dính líu đến chính trị, thương mại. Tại sao thế?
Đồng minh của Ariʽi
Lúc đầu, giáo lý của các nhà truyền giáo Tin Lành không gây được thiện cảm với dân trên đảo. Theo một nhà nhân loại học, “thông điệp của họ nói về lửa địa ngục nhiều hơn là về lòng trắc ẩn và tình yêu thương người đồng loại”. Ngoài ra, những nhà truyền giáo sớm nhận ra rằng không người dân nào dám vào đạo trước các ariʽi, tức những người dẫn đầu cộng đồng, cũng là người có quyền lực về tôn giáo. Do đó, họ quyết định nhắm vào những người dẫn đầu này.
Có một người dẫn đầu là ông Pomare II đã nồng nhiệt tiếp đón các giáo sĩ vì nghĩ họ có thể là những đồng minh về kinh tế và quân sự. Còn các giáo sĩ thì nghĩ Pomare có thể là người giúp đẩy mạnh công việc của họ. Hơn nữa, ngay từ lúc đầu, các nhà truyền giáo vốn có ảnh hưởng phần nào qua việc làm trung gian giữa dân Tahiti và những thủy thủ thường ghé qua mua lương thực cũng như những thứ cần thiết khác.
Vì mong các giáo sĩ sẽ giúp mình mua vũ khí và đạt được tham vọng chính trị nên Pomare đã chú ý đến thông điệp của họ. Ngay từ năm 1811, ông đã xin vào đạo. Năm sau đó, ông viết thư trình bày nguyện vọng ấy. Tuy nhiên, suốt tám năm, nguyện vọng của ông không được chấp nhận. Các giáo sĩ dè dặt muốn xem ông có thực sự sống phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh hay không.
Qua thời gian, Pomare đã giành được ngai vàng của đảo Tahiti và những đảo xung quanh, hợp thành quần đảo Société. Một lần nữa, ông xin nhập đạo. Cuối cùng, đến năm 1819, các giáo sĩ đã chấp nhận nguyện vọng của ông.
Điều này mang lại kết quả ngay. Chỉ trong vòng khoảng 5 năm, hầu hết cư dân của quần
đảo Société, quần đảo Tuamotu ở phía tây và phân nửa quần đảo Phương Nam đều theo Ki-tô giáo.Bộ luật Pomare
Vì dân cư đảo “cải đạo” ồ ạt nên những tiêu chuẩn, tập quán và luật pháp cần được đổi mới. Để làm điều đó, vua Pomare đã nhờ các giáo sĩ. Trên thực tế, các giáo sĩ từ lâu đã muốn sửa đổi tập quán của dân bản địa và hạn chế quyền lực của vua. Vì thế, họ chấp nhận yêu cầu của ông Pomare và lập ra một bộ luật. Theo một sách tham khảo, bộ luật này kết hợp “những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp Anh, những câu trong Kinh Thánh và tiền lệ của các nước Ki-tô giáo”. Sau khi sửa đi sửa lại nhiều lần, bản thảo ấy được vua chấp nhận là bộ luật thành văn đầu tiên của đảo Tahiti, về sau gọi là Bộ luật Pomare.
Bộ luật Pomare trở thành khuôn mẫu để các đảo và quần đảo chung quanh lập nên những bộ luật tương tự. Bộ luật Pomare buộc người dân giữ ngày Sa-bát một cách nghiêm ngặt, quy định hình phạt cho tội ngoại tình, đa thê, trộm cắp và nổi loạn, cũng như tuyên án tử hình cho tội giết người và giết trẻ con. Ngoài ra, luật cũng cấm tất cả các hình thức giải trí gợi dục.
Tham gia chính trị
Một sách tham khảo (Where the Waves Fall) cho biết các giáo sĩ Tin Lành “can thiệp rất sâu vào chính trị trên đảo. Bên cạnh vai trò truyền bá Phúc âm, họ còn là những nhà chiến lược quân sự, cố vấn về kinh tế và chính trị, người soạn thảo hiến pháp và luật pháp”. Các giáo sĩ Mặc Môn và Công giáo cũng dẫn đầu trong các hoạt động chính trị và dân sự tại những nơi họ đến. Chẳng hạn, trên đảo Tubuai, thuộc quần đảo Phương Nam, một giáo sĩ Mặc Môn đã tuyên bố: “Chính quyền nằm trong tay giáo hội... Tôi là thủ tướng của đảo”. Ở quần đảo Gambier, Công giáo có ảnh hưởng tương tự vì người có quyền trên quần đảo này là một tu sĩ.
Thay vì chuyên lo về việc tâm linh, như sử gia Claire Laux cho biết, các giáo sĩ “đã chọn truyền bá Phúc âm qua con đường chính trị”. Họ xem đây là cách hữu hiệu và nhanh đạt kết quả hơn. Thật ra, khi làm thế, các giáo sĩ đã hành động trái với chỉ thị của giáo hội. Thế nhưng cho đến nay, tôn giáo và chính trị vẫn đan xen vào nhau ở quần đảo Polynesie thuộc Pháp.
Vai trò của mậu dịch
Giáo sư Niel Gunson thuộc Đại học Canberra ở Úc nói rằng đối với một số nhà truyền giáo, “việc tham gia chính trị gắn liền với quyền lợi kinh tế”. Nhiều giáo sĩ trở thành thương nhân—cung cấp, cho thuê và ngay cả đóng tàu buôn. Một số người làm chủ những đồn điền trồng cây hoàng tinh, cà phê, bông vải, mía và thuốc lá.
Các giáo sĩ làm ăn phát đạt đến độ suốt 25 năm họ đã nắm quyền kiểm soát mậu dịch giữa Úc và Tahiti, đặc biệt là mặt hàng thịt muối và dầu dừa. Tuy nhiên, cũng có một số nhà truyền giáo đặt nghi vấn về những hoạt động này và xin Hội Truyền giáo Luân Đôn đưa ra chỉ thị. Những người khác thì nghĩ rằng kinh doanh là cần thiết để hoàn thành sứ mạng truyền giáo. Tại sao?
Ngay từ khi mới đến, các nhà truyền giáo đã dùng những kỹ năng chuyên môn và những sản phẩm công nghiệp để gây ấn tượng với cư dân đảo. Nghĩ rằng “sự khai hóa” sẽ giúp dân
trên đảo hạnh phúc hơn nên các giáo sĩ đã khuyến khích họ lao động siêng năng và làm giàu, thậm chí còn ám chỉ rằng giàu có là sự ban phước của Chúa.Có thật sự cải đạo?
Một sử gia của Hội Truyền giáo Luân Đôn về sau đã viết rằng dân cư đảo cải đạo ồ ạt “không phải vì động cơ đạo đức, càng không phải vì nhu cầu tâm linh hay sự thay đổi từ trong lòng”. Ông Gunson cho biết sự cải đạo của người Tahiti “chỉ là do ý muốn của Pomare II, đó là sự tiếp nhận những nghi thức tôn giáo (chứ không phải niềm tin) của những giáo sĩ người Anh”.
Nhiều người Tahiti theo Ki-tô giáo chỉ trên danh nghĩa, và sau vài năm, họ lại quay về với ngoại giáo, đặc biệt là phong trào Mamaia. Đó là một hình thức tôn giáo phóng túng về đạo đức, và ngay cả người thừa kế ngai vàng cũng làm theo. Mamaia pha trộn các đặc điểm của Ki-tô giáo với những phong tục và niềm tin truyền thống của dân bản địa.
Ngoài ra, thường có sự chia rẽ giữa các phái của Tin Lành—Anh giáo, phái Calvin và Hội giám lý—cũng như mối thù giữa tín đồ Tin Lành và Công giáo. Cuốn sách về lịch sử dân đảo Thái Bình Dương (The Cambridge History of the Pacific Islanders) ghi lại: “Cư dân đảo không thấy sự khác biệt về giáo lý giữa các giáo phái, và cũng không thể hiểu được mối kình địch dữ dội trong vòng những người xưng là anh em”. Chẳng hạn, sau khi đến Tahiti, hai giáo sĩ Công giáo liền bị trục xuất theo lệnh của một người có thế lực từng là giáo sĩ đạo Tin Lành. Hành động này gây ra sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Anh và Pháp, đến đỗi hai nước gần tuyên chiến với nhau. Cuối cùng, Anh Quốc đã nhường cho Pháp quyền “bảo hộ” Tahiti.
Thành quả để lại
Về mặt tích cực, nhiều nhà truyền giáo thời ban đầu đã sốt sắng giúp xóa mù chữ, chấm dứt tục giết trẻ con, ăn thịt người và tế người. Tuy một số giáo sĩ quá nghiêm ngặt và khắt khe, nhưng nhờ thế họ đã nâng cao được đạo đức của dân cư đảo.
Một món quà đặc biệt đáng kể của các giáo sĩ là bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Tahiti. Nhờ bản dịch đó mà dân đảo đã biết danh Đức Chúa Trời. Cho đến tận ngày nay, danh Ngài vẫn rất quen thuộc với người dân Tahiti *.—Thi-thiên 83:18.
[Chú thích]
^ đ. 27 Xin xem bài “Những người có gốc gác bình thường dịch Kinh Thánh” trong Tháp Canh ngày 1-7-2003.
[Khung nơi trang 23]
“Các ngươi không thuộc về thế-gian”
Những lời này của Chúa Giê-su là một nguyên tắc chỉ đạo cho các môn đồ thật của ngài (Giăng 15:19). Nguyên tắc này quan trọng cho họ đến độ Chúa Giê-su đã nêu lên trong một lần cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:16). Vì thế, Chúa Giê-su không tham gia chính trị hay dùng nó để thu hút người ta trở thành môn đồ. Ngài cũng không ham muốn làm giàu, là một điều khác thể hiện tinh thần thế gian. Thay vì vậy, ngài khuyến khích sống đơn giản, chuyên lo việc thờ phượng (Ma-thi-ơ 6:22-24, 33, 34). Môn đồ thật của Chúa Giê-su noi theo gương ngài.
[Hình nơi trang 21]
Đón tiếp những giáo sĩ đầu tiên, năm 1797
[Nguồn tư liệu]
The Granger Collection, New York
[Hình nơi trang 22]
Một giáo sĩ với những người Tahiti cải đạo, khoảng năm 1845
[Hình nơi trang 22]
Vua Pomare II
[Hình nơi trang 23]
Tahiti và thủ đô là Papeete
[Nguồn tư liệu]
Photo courtesy of Tahiti Tourisme
[Nguồn hình ảnh nơi trang 22]
Left: Photo by Henry Guttmann/Getty Images; right: Collection du Musée de Tahiti et de ses Îles, Punaauia, Tahiti