Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao kháng cự cám dỗ?

Làm sao kháng cự cám dỗ?

Giới trẻ thắc mắc

Làm sao kháng cự cám dỗ?

Karen có mặt tại buổi tiệc chưa được mười phút thì thấy hai bạn nam đến mang theo vài túi giấy lớn. Ai cũng biết những túi ấy chứa gì. Trước đó, Karen tình cờ nghe hai bạn ấy nói trong buổi tiệc này sẽ có “một chầu tưng bừng”. Dĩ nhiên Karen không cho cha mẹ biết điều này. Karen đã tự nhủ các bạn ấy chỉ đùa thôi, và trong nhà thế nào cũng có người lớn.

Thình lình Karen nghe một giọng nói quen thuộc: “Sao cậu cứ đứng thừ người ra đấy? Đừng làm mọi người mất hứng chứ!”. Karen quay lại và thấy Jessica đang cầm trên tay hai chai bia mới khui. Jessica đưa một chai ngay trước mặt Karen và nói: “Ê, đừng bảo là cậu không uống nhé! Hôm nay tụi mình phải quậy cho vui!”.

Karen muốn từ chối, nhưng áp lực phải nhận lời mạnh hơn em nghĩ. Đó không phải vì rượu bia mà vì Jessica là bạn của Karen. Và Karen cũng không muốn làm mọi người mất hứng như lời bạn nói. Hơn nữa, Jessica là một người đàng hoàng. Nếu bạn ấy uống được thì mình cũng uống được. Karen tự nhủ: “Chỉ là bia thôi mà, đâu phải là dùng ma túy hay quan hệ bậy bạ gì đâu!”.

Giới trẻ gặp nhiều cám dỗ khác nhau. Thông thường, một trong những cám dỗ ấy liên quan đến người khác phái. Một bạn trai 17 tuổi, tên là Ramon *, cho biết: “Con gái ở trường tôi rất bạo. Các bạn ấy cố ý có những cử chỉ thân mật quá đáng để xem bạn phản ứng thế nào. Biết là bạn không thích nhưng họ vẫn không để bạn yên!”. Dung, 17 tuổi, cũng gặp trường hợp tương tự. Bạn ấy kể: “Có lần, một bạn nam đến quàng tay qua người tôi. Tôi đánh mạnh vào tay bạn ấy và nói: “Cậu làm cái trò gì thế? Tớ chẳng biết cậu là ai!””.

Bạn cũng có thể gặp cám dỗ và cảm thấy bị áp lực liên tục. Một bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va cho biết: “Cám dỗ giống như một người cứ tiếp tục gõ cửa phòng bạn, cố tình lờ đi tấm bảng “Xin đừng làm phiền””. Bạn có nghe tiếng gõ cửa ấy quá nhiều không? Chẳng hạn, có điều nào sau đây cám dỗ bạn không?

□ Thuốc lá

□ Rượu bia

□ Ma túy

□ Tài liệu khiêu dâm

□ Tình dục

□ Điều khác ․․․․․

Nếu bạn đang bị cám dỗ bởi một trong những điều trên, đừng vội nghĩ rằng bạn không xứng đáng là người thờ phượng Đức Chúa Trời. Bạn có thể học cách kiểm soát những ham muốn sai trái và kháng cự cám dỗ. Bằng cách nào? Điều cần thiết là nhận biết yếu tố gây ra cám dỗ. Hãy xem xét ba yếu tố sau đây:

1. Sự bất toàn. Là người bất toàn, ai cũng có khuynh hướng làm điều sai. Ngay cả một người thờ phượng Đức Chúa Trời lâu năm như Phao-lô cũng thành thật thừa nhận: “Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính-dấp theo tôi” (Rô-ma 7:21). Rõ ràng, người tốt đôi khi cũng nảy sinh “mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt” (1 Giăng 2:16). Nhưng nếu tiếp tục nghĩ đến những ham muốn xấu thì sẽ dẫn đến hậu quả tai hại, vì Kinh Thánh cho biết: “Lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác”.—Gia-cơ 1:15.

2. Ảnh hưởng bên ngoài. Cám dỗ ở khắp nơi. Chị Tú nói: “Ở trường và sở làm, lúc nào người ta cũng nói về tình dục. Truyền hình và phim ảnh luôn khiến người ta nghĩ chuyện ấy rất hấp dẫn và thích thú. Hiếm khi bạn thấy được mặt trái của nó!”. Qua kinh nghiệm, chị Tú biết ảnh hưởng này mạnh đến mức độ nào. Chị nhớ lại: “Tôi nghĩ mình đã biết yêu khi lên 16 tuổi. Mẹ tôi đã ngồi nói chuyện và cảnh báo rằng nếu cứ theo đà này, tôi sẽ có thai. Tôi sửng sốt vì mẹ đã nghĩ như thế! Hai tháng sau, tôi có thai”.

3. “Đam mê của tuổi trẻ”. (2 Ti-mô-thê 2:22, Bản Dịch Mới). Cụm từ này bao hàm tất cả những ham muốn thường có nơi giới trẻ, chẳng hạn muốn được người khác chấp nhận hoặc tự khẳng định mình. Những ham muốn ấy không có gì sai, nhưng nếu không được kiểm soát, chúng có thể khiến bạn khó kháng cự cám dỗ. Chẳng hạn, ước muốn tự khẳng định mình có thể khiến bạn chống lại những giá trị đạo đức mà bạn được gia đình dạy dỗ. Điều đó đã xảy ra với Sơn khi bạn ấy 17 tuổi. Sơn cho biết: “Một thời ngắn sau khi làm phép báp têm, tôi chống đối cha mẹ và làm bất cứ điều gì họ dạy tôi không được làm”.

Đành rằng ba yếu tố kể trên có thể gây áp lực rất mạnh mẽ trên bạn, nhưng bạn vẫn có thể kháng cự cám dỗ. Bằng cách nào?

▪ Trước tiên, hãy xác định điều gì đang cám dỗ bạn mãnh liệt nhất. (Có lẽ là một trong những điều bạn đã đánh dấu ở trên).

▪ Kế đến, hãy tự hỏi: “Khi nào cám dỗ này thường xảy ra nhất?”. Hãy đánh dấu vào một trong những tình huống sau:

□ Khi ở trường

□ Khi làm việc

□ Khi một mình

□ Lúc khác ․․․․․

Biết khi nào cám dỗ thường xảy ra có thể giúp bạn đề phòng và tránh được nó. Chẳng hạn, hãy xem lại trường hợp giả định được nêu ở đầu bài. Có những dấu hiệu nào cho thấy sẽ có vấn đề ở buổi tiệc? Ngay từ ban đầu, Karen đã có thể tránh cám dỗ như thế nào?

▪ Khi đã xác định được (1) điều cám dỗ bạn và (2) khi nào nó thường xảy ra, giờ đây bạn có thể hành động. Việc đầu tiên bạn cần làm là suy nghĩ cách để giảm bớt hoặc loại trừ những điều có thể dẫn bạn đến cám dỗ. Hãy ghi ra những cách bạn có thể làm.

․․․․․

․․․․․

(Thí dụ: Nếu trên đường đi học về, bạn thường gặp một số học sinh thách bạn hút thuốc, có lẽ bạn nên đi đường khác để tránh mặt chúng. Nếu tài liệu khiêu dâm thường xuất hiện khi bạn sử dụng Internet, có lẽ bạn nên nghĩ đến việc cài đặt các chương trình để ngăn chặn mọi thông tin và trang web như thế. Bạn cũng có thể dùng những từ khóa cụ thể hơn khi tra cứu).

Dĩ nhiên bạn không thể tránh mọi cám dỗ. Không sớm thì muộn, bạn sẽ đương đầu với một cám dỗ vô cùng mạnh mẽ—và có thể vào lúc bất ngờ nhất. Thế thì bạn nên làm gì?

Hãy suy nghĩ trước. Khi Chúa Giê-su bị “quỉ Sa-tan cám-dỗ”, ngài liền kháng cự hắn (Mác 1:13). Tại sao? Vì ngài đã có sẵn lập trường về vấn đề Sa-tan nêu lên. Hãy nghĩ xem, Chúa Giê-su không phải là người máy. Ngài đã có thể sa ngã trước cám dỗ. Nhưng ngài đã quyết tâm sẽ luôn vâng lời Cha ngài (Giăng 8:28, 29). Khi nói: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến”, Chúa Giê-su thật sự nói lên quyết tâm của ngài.—Giăng 6:38.

Hãy ghi ra hai lý do tại sao bạn nên kháng cự cám dỗ mà bạn thường gặp nhất, và hai cách bạn quyết tâm cưỡng lại nó.

1. ․․․․․

2. ․․․․․

Hãy nhớ rằng khi chiều theo cám dỗ, bạn trở thành ‘nô lệ cho đam mê’ của mình (Tít 3:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Sao lại để những ham muốn ấy điều khiển mình? Hãy tỏ ra chín chắn qua việc kiểm soát chúng thay vì để chúng kiểm soát mình.—Cô-lô-se 3:5.

[Chú thích]

^ đ. 6 Các tên trong bài đã đổi.

HÃY NGHĨ XEM

▪ Một tạo vật hoàn hảo có thể bị cám dỗ không?—Sáng-thế Ký 6:1-3; Giăng 8:44.

▪ Khi bạn thể hiện lòng trung thành qua việc kháng cự cám dỗ, kết quả sẽ là gì?—Châm-ngôn 27:11; 1 Ti-mô-thê 4:12.

[Khung nơi trang 13]

HÃY THỬ LÀM THÍ NGHIỆM SAU

Lấy một la bàn, và xoay nó sao cho kim trùng với chữ Bắc. Rồi đặt một nam châm cạnh la bàn. Chuyện gì xảy ra? Kim không còn chỉ đúng hướng nữa mà chỉ về phía nam châm.

Lương tâm của bạn cũng giống như la bàn đó. Nếu được rèn luyện đúng, lương tâm sẽ chỉ đúng hướng và giúp bạn quyết định khôn ngoan. Tuy nhiên, mối giao tiếp xấu, giống như nam châm, có sức hút mạnh mẽ khiến bạn không còn nhận thức rõ ràng điều đúng điều sai. Bài học là gì? Hãy cố gắng tránh những người và tình huống có thể làm sai lệch nhận thức của bạn!—Châm-ngôn 13:20.

[Khung nơi trang 13]

ĐỀ NGHỊ

Hãy suy nghĩ trước cách bạn có thể trả lời khi một người cố dụ dỗ bạn làm điều sai. Đừng lo lắng. Bạn không cần thuyết giảng dài dòng. Thường thì từ chối một cách ngắn gọn và thẳng thắn là đủ. Chẳng hạn, nếu một bạn học mời bạn hút thuốc, bạn có thể nói: “Đừng phí thứ này với tớ. Tớ không hút đâu!”.

[Hình nơi trang 14]

Khi chiều theo cám dỗ, bạn trở thành ‘nô lệ cho đam mê’ của mình