Quan sát thế giới
Quan sát thế giới
▪ Năm 2007, tại Trung Quốc, nạn hạn hán nghiêm trọng nhất của thập kỷ đã khiến 47 triệu người thiếu nước sạch để uống. Trong khi đó, 42 triệu người chịu thiệt hại vì bão, và 180 triệu người bị ảnh hưởng bởi lụt lội.—XINHUA NEWS AGENCY, TRUNG QUỐC.
▪ “Năm 2003, khoảng 1/5 phụ nữ trên thế giới đã phá thai. Ở châu Âu, tỉ lệ này là gần 1/3... Ở những nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ... có khoảng 45% phụ nữ phá thai trong năm 2003”.—BRITISH MEDICAL JOURNAL, ANH QUỐC.
Trò chơi điện tử bạo động ở nhà thờ
Tờ The New York Times cho biết: “Hàng trăm mục sư dấy lên làn sóng lo ngại và bị chỉ trích vì đã tìm cách thu hút giới trẻ đến nhà thờ bằng một phương pháp kỳ lạ”. Đó là “một loại trò chơi điện tử rất được ưa chuộng” nhưng “vô cùng bạo lực”. Trò chơi ấy chỉ dành cho người lớn. Trong đó, người chơi đóng vai người lính và phải dùng nhiều phương cách khác nhau để hạ đối phương. Tờ báo trên cũng cho biết dù trò chơi hung bạo như thế, những người đứng đầu hội đoàn thanh niên của Tin Lành và phái Phúc âm vẫn “trang bị cho những trung tâm sinh hoạt của họ nhiều máy chơi game, thu hút hàng tá thanh thiếu niên tụ tập quanh những màn hình lớn để nã súng liên tục vào đối phương”.
Thông tin cá nhân của trẻ em bị đánh cắp
Tờ The Wall Street Journal cho biết ngày càng có nhiều trẻ em bị đánh cắp thông tin cá nhân. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối giao tiếp của các em và khả năng vay tiền sau này. Thủ phạm thường là một thành viên trong gia đình, và có khi nhiều thập niên sau mới bị phát hiện. Báo trên giải thích: “Phần lớn nạn nhân không biết mình bị đánh cắp thông tin... cho đến khi nộp đơn xin việc lần đầu tiên, thi lấy bằng lái xe, vay tiền để đi học hoặc mua nhà thì mới biết”. Một số nạn nhân phát hiện điều này sớm hơn khi cơ quan cho vay đến đòi món nợ chồng chất mà thủ phạm đã mạo danh nạn nhân để vay mượn.
Đầu đạn hạt nhân bị “thất lạc”
Ngày 30-8-2007, một máy bay B-52 của Không lực Hoa Kỳ đã bay trên bầu trời nước này trong ba tiếng rưỡi, mang theo sáu tên lửa hạt nhân tầm thấp. Tờ The Washington Post tường thuật những đầu đạn này đã “bị gắn dưới cánh máy bay một cách nhầm lẫn”. Tờ báo cho biết cả các phi công lẫn nhân viên phụ trách chuyển tên lửa lên máy bay đều không nhận ra sự nhầm lẫn này, và “suốt 36 tiếng không có ai phát hiện”. Theo các báo cáo, “đại diện Không lực Hoa Kỳ nói rằng các đầu đạn hạt nhân không được kích hoạt nên không hề gây nguy hiểm cho người dân”. Dù vậy, một bình luận viên đã nêu câu hỏi: “Lẽ nào chúng ta không sợ sao?”.
Bồ câu có thể đo lường độ ô nhiễm
Các nhà nghiên cứu của Đại học Rajasthan, miền bắc Ấn Độ, cho biết qua những nghiên cứu về chim bồ câu ở thành phố Jaipur, người ta có thể dùng loài chim này để đo độ ô nhiễm của thành phố. Tờ Gobar Times của New Delhi, tờ báo phụ của tạp chí Down to Earth, giải thích: “Kim loại nặng có trong môi trường chim bồ câu sinh sống thường bám vào lông của chúng, và vẫn còn đấy khi [lông] đã rụng”. Vì chim bồ câu thường sống cố định trong một khu vực, lượng cadmium, crom, đồng và chì được phát hiện trong lông của chúng có thể cho biết chính xác mức độ ô nhiễm của vùng đó.
▪ “Trong thế kỷ 20, có 100 triệu người chết vì thuốc lá”.—TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI, THỤY SĨ.
▪ “[Ở vương quốc Anh], trong số gần 9000 người phẫu thuật tim từ năm 1996 đến 2003, những người nhận hồng huyết cầu có nguy cơ tử vong trong năm sau khi phẫu thuật cao gấp 3 lần so với người không nhận hồng huyết cầu. Và nguy cơ này lên đến gần gấp 6 lần trong vòng 30 ngày sau khi phẫu thuật”.—TẠP CHÍ NEW SCIENTIST, ANH QUỐC.
Thời gian an bình chăng?
Tạp chí dành cho cha mẹ Vi Föräldrar (Thụy Điển) cho biết “Giáng Sinh là một trong những ngày lễ lớn” nhưng cũng là “thời gian xung đột”. Thật thế, vào mùa Giáng Sinh, các gia đình thường “cãi vã nhau nhiều hơn lúc nào hết trong năm”. Tạp chí đã phỏng vấn hơn 1.100 cha mẹ có con nhỏ về những chuyện thường xảy ra trong gia đình họ vào mùa này. Khoảng 88% trả lời rằng gia đình cãi nhau về việc “tổ chức Giáng Sinh ở đâu, và như thế nào”. Nhiều bậc cha mẹ bực bội vì ông bà làm hư cháu khi cho chúng kẹo bánh và những món quà không cần thiết.
Cho thì hạnh phúc hơn nhận
Một hàng tít của tờ The Globe and Mail (Canada) đề: “Tiền mang lại hạnh phúc nếu... cho người khác”. Hầu hết người tham gia cuộc khảo sát đều cho rằng tiêu tiền cho mình là hạnh phúc. Tuy nhiên, những người đã dùng tiền để giúp người khác—dù số tiền đó là bao nhiêu—thật sự cảm thấy hạnh phúc hơn. Tờ báo trên nói: “Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy giàu có chưa chắc mang lại hạnh phúc. Một khi đủ tiền để đáp ứng nhu cầu cần thiết, thì có thêm tiền cũng không làm người ta hạnh phúc hơn”.
Có thể mua nó qua Internet!
Tạp chí New Scientist cho biết các viên chức của chính phủ Hoa Kỳ đã mở cuộc kiểm tra xem liệu kẻ thù của họ có thể “mua những trang thiết bị quân sự cấm lưu hành” qua Internet hay không. Tạp chí nói thêm: “Họ rất đỗi ngạc nhiên khi khám phá rằng thật dễ dàng để làm điều đó”. Khi dùng các trang web mua bán nổi tiếng, không khó khăn gì để tìm mua “các phần của áo giáp quân đội Hoa Kỳ”, “áo chống tác động của hạt nhân và ảnh hưởng của sinh-hóa học (đã qua sử dụng)”, bộ phận của máy bay chiến đấu và “một số thiết bị cấm lưu hành khác”. Không rõ các tay mua bán đã lấy hàng từ nguồn nào, nhưng một vài người “giờ đây đang bị điều tra”.
Keo thượng hạng thời cổ
Thời xưa, người ta sử dụng một loại keo có sức dính như keo thượng hạng thời nay để đính các lá nguyệt quế bằng bạc trên mũ mà các quan người La Mã dùng khi diễu hành. Ông Frank Willer, trưởng ban phục chế của viện bảo tàng Rhineland ở Bonn, Đức, đã tình cờ phát hiện điều này khi dùng một cưa nhỏ để tách một mẫu kim loại của một mũ sắt từ thế kỷ thứ nhất TCN. Mũ sắt này đã nằm ở lòng sông Rhine ít nhất là 1.500 năm. Ông giải thích: “Sức nóng từ cái cưa làm những chiếc lá nguyệt quế bằng bạc rơi khỏi mũ, và để lộ ra vết của chất keo”. Khi phân tích, người ta khám phá chất keo này được làm từ hắc ín, nhựa cây và mỡ bò.