Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tai họa có phải là dấu hiệu Đức Chúa Trời trừng phạt?

Tai họa có phải là dấu hiệu Đức Chúa Trời trừng phạt?

Quan điểm của Kinh Thánh

Tai họa có phải là dấu hiệu Đức Chúa Trời trừng phạt?

Khi biết mình bị ung thư, một phụ nữ hơn 50 tuổi nói: “Tôi nghĩ mình đã bị trừng phạt”. Nhớ đến một lỗi lầm đã phạm nhiều năm về trước, bà kết luận: “Hẳn đây là dấu hiệu Đức Chúa Trời phật lòng về tội ấy”.

Khi gặp tai họa, nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang trừng phạt họ vì một lỗi lầm nào đó trong quá khứ. Khi các tai họa dồn dập xảy đến, họ thường than: “Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì mà phải chịu cảnh này?”. Chúng ta có nên cho rằng tai họa là dấu hiệu chứng tỏ mình đã làm Đức Chúa Trời phật lòng không? Những khó khăn riêng trong đời sống có thật sự là do Đức Chúa Trời trừng phạt chúng ta không?

Người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời cũng gặp họa

Hãy xem xét lời tường thuật trong Kinh Thánh về một người tên Gióp. Ông thình lình mất hết gia sản. Tiếp đến, cả mười người con của ông đều chết trong một trận gió lớn. Không lâu sau, ông mắc một căn bệnh ghê tởm (Gióp 1:13-19; 2:7, 8). Những tai họa ấy khiến Gióp phải kêu than: “Tay của Đức Chúa Trời đã đánh tôi” (Gióp 19:21). Gióp cảm thấy Đức Chúa Trời đang trừng phạt ông. Khi lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người ngày nay cũng nghĩ như thế.

Tuy nhiên, trước khi Gióp bị tai họa, Kinh Thánh cho biết chính Đức Chúa Trời gọi ông là người “trọn-vẹn ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác” (Gióp 1:8). Câu này cho thấy Ngài hài lòng về ông. Vậy, rõ ràng những tai họa mà Gióp gánh chịu không phải là sự trừng phạt của Ngài.

Kinh Thánh ghi lại rất nhiều lời tường thuật về những người ngay thẳng phải đương đầu với những tai họa trong đời. Dù là một người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời, Giô-sép đã phải ở tù oan ức trong nhiều năm (Sáng-thế Ký 39:10-20; 40:15). Một môn đồ trung thành của Chúa Giê-su là Ti-mô-thê thì “hay đau ốm” (1 Ti-mô-thê 5:23, Bản Diễn Ý). Ngay cả Chúa Giê-su, người vô tội, cũng bị đối xử tàn nhẫn và chết một cách đau đớn (1 Phi-e-rơ 2:21-24). Vì vậy, không nên lầm tưởng rằng tai họa là dấu hiệu Đức Chúa Trời phật lòng. Nhưng nếu Đức Chúa Trời không giáng họa, thì nguyên nhân là gì?

Nguyên nhân gây ra tai họa

Kinh Thánh cho biết Sa-tan Ma-quỉ là nguyên nhân gây ra tai họa cho Gióp (Gióp 1:7-12; 2:3-8). Hơn nữa, Kinh Thánh xác định Sa-tan là nguồn chính của các vấn đề ngày nay khi nói: “Khốn-nạn cho đất và biển! Vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Là “vua-chúa của thế-gian nầy”, Sa-tan ảnh hưởng trên nhiều người khiến họ làm điều hung ác, dẫn đến biết bao đau khổ.—Giăng 12:31; Thi-thiên 37:12, 14 *.

Tuy nhiên, chúng ta không nên vội đổ lỗi cho Sa-tan về mọi tai họa mình gặp. Vì là người bất toàn và mang tội tổ tông, chúng ta dễ quyết định thiếu khôn ngoan, dẫn đến hậu quả xấu (Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12). Thí dụ, một người cố tình không giữ chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu sau đó bị bệnh nặng, người ấy có thể đổ lỗi cho Ma-quỉ không? Không. Người ấy phải lãnh lấy hậu quả đau đớn do thiếu suy xét (Ga-la-ti 6:7). Trong trường hợp này, châm ngôn sau đây trong Kinh Thánh rất đúng: “Kẻ ngu dại làm hại đời mình”.—Châm-ngôn 19:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Ngoài ra, chúng ta nên biết rằng nhiều tình huống xấu xảy ra đơn giản là vì “thời thế và sự bất trắc” (Truyền-đạo 9:11, NW). Hãy hình dung một người bất ngờ mắc một trận mưa lớn. Bị ướt ít hay nhiều là tùy người ấy đang đứng ở đâu khi trời bắt đầu mưa. Tương tự thế, trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, hoàn cảnh bất lợi có thể nhanh chóng trở thành tai họa ập xuống đầu chúng ta (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Chúng ta bị ảnh hưởng đến mức nào là tùy vào thời điểm và hoàn cảnh—những điều mà chúng ta khó kiểm soát hoặc không thể kiểm soát được. Vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ luôn phải chịu đựng nghịch cảnh hay sao?

Mọi tai họa sắp chấm dứt

Vui mừng thay, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt các tai họa trong một ngày gần đây (Ê-sai 25:8; Khải-huyền 1:3; 21:3, 4). Trong khi chờ đợi tương lai tươi sáng đó, chúng ta phải đối phó với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thể hiện lòng quan tâm qua việc “dạy-dỗ” và dùng “sự yên-ủi của Kinh-thánh” để giúp chúng ta đương đầu được (Rô-ma 15:4; 1 Phi-e-rơ 5:7). Rồi trong tương lai, những người ngay thẳng trước mắt Ngài sẽ hưởng sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới không còn bất cứ tai họa nào.—Thi-thiên 37:29, 37.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xin xem bài “Ma-quỉ có thật không?” trong Tháp Canh số ra ngày 15-11-2005, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:

▪ Phải chăng chỉ có những người làm điều sai quấy mới gặp tai họa?—Gióp 1:8.

▪ Chúng ta có thể đổ lỗi cho Ma-quỉ về mọi tai họa không?—Ga-la-ti 6:7.

▪ Liệu mọi tai họa sẽ chấm dứt không?—Khải-huyền 21:3, 4.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

“Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”.—Truyền-đạo 9:11, NW