Quản lý tiền bạc cách khôn khéo
Quản lý tiền bạc cách khôn khéo
Người ta thường nói “vàng đỏ đen lòng người”, nhưng theo Kinh Thánh thì “sự tham tiền-bạc” mới là “cội-rễ mọi điều ác” (1 Ti-mô-thê 6:10). Thật thế, một số người nuôi lòng tham tiền và xem việc tích lũy của cải là mục tiêu trong đời sống. Họ trở thành nô lệ cho đồng tiền và phải gánh lấy những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, nếu được quản lý cách khôn khéo, đồng tiền là công cụ hữu dụng. Kinh Thánh công nhận rằng “tiền bạc giải quyết được nhiều vấn đề”.—Truyền-đạo 10:19, Holy Bible—Easy-to-Read Version.
Dù không phải là cuốn sách có chuyên đề về tài chính, nhưng Kinh Thánh có những lời khuyên thiết thực có thể giúp bạn quản lý tiền bạc cách khôn khéo. Sau đây là năm bước mà các nhà cố vấn tài chính thường đề nghị, và chúng cũng phù hợp với các nguyên tắc được ghi lại trong Kinh Thánh trước đây rất lâu.
Tiết kiệm. Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời đã dạy dân Ngài phải biết để dành. Họ dành ra 1/10 hoa lợi mỗi năm cho việc dâng lễ vật vào các kỳ lễ lớn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:22-27). Ngoài ra, sứ đồ Phao-lô khuyến khích các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su mỗi tuần để dành một số tiền để sau này đóng góp cho anh em đồng đức tin gặp cảnh túng quẫn (1 Cô-rinh-tô 16:1, 2). Ngày nay, hầu hết các cố vấn về tài chính đều khuyên người ta tiết kiệm. Thế nên, tiết kiệm phải là mục tiêu hàng đầu. Ngay khi nhận được lương, bạn có thể dành ra một số tiền để gửi ngân hàng hoặc cất giữ ở một nơi khác. Nhờ vậy, bạn sẽ không bị cám dỗ sử dụng số tiền ấy.
Lập ngân sách. Đây là cách thực tế duy nhất để bạn có thể quản lý, kiểm soát hoặc giảm bớt chi tiêu. Một ngân sách rõ ràng sẽ giúp bạn biết mình sử dụng tiền vào việc gì, và có thể thực hiện những dự tính của mình. Nên nắm rõ mức thu nhập của mình và không chi tiêu quá mức đó. Nên tập phân biệt giữa cái mình cần và cái mình muốn. Về việc này, Chúa Giê-su đã cho lời khuyên khôn ngoan là hãy “tính phí-tổn” trước khi thực hiện công việc nào đó (Lu-ca 14:28). Kinh Thánh khuyên chúng ta tránh những món nợ không cần thiết.—Châm-ngôn 22:7.
Châm-ngôn 21:5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Hoạch định. Hãy suy nghĩ kỹ về những nhu cầu của bạn trong tương lai. Chẳng hạn, nếu bạn dự tính mua nhà hoặc căn hộ thì có lẽ điều khôn ngoan là vay mượn với mức lãi suất hợp lý. Tương tự thế, người chủ gia đình có thể nhận thấy cần mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, tai nạn, hoặc các loại bảo hiểm khác vì lợi ích của người thân. Ngoài ra, cũng nên dự tính về những nhu cầu của bạn khi nghỉ hưu. Kinh Thánh nói: “Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận”.—Học tập. Hãy “đầu tư” cho mình những kỹ năng hữu dụng, cũng như biết quan tâm đúng mức đến sức khỏe thể chất và tinh thần. “Sự đầu tư” ấy sẽ mang lại lợi ích cho bạn về sau. Vậy, hãy xem việc học tập là công việc cả đời. Kinh Thánh đề cao “sự khôn-ngoan” có giá trị thực tế và “sự dẽ-dặt”, tức biết suy xét, đồng thời khuyến khích chúng ta tiếp tục trau dồi hai điểm này.—Châm-ngôn 3:21, 22; Truyền-đạo 10:10.
Giữ quan điểm đúng đắn. Đừng quan trọng hóa tiền bạc. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những ai quan tâm đến người khác thì hạnh phúc hơn những ai chỉ nghĩ đến tiền. Một số người đã sanh lòng tham tiền bạc và mất cân bằng. Như thế nào? Một khi đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản, họ bắt đầu chạy theo việc làm giàu. Tuy nhiên, khi đã có cái ăn, cái mặc và nhà ở, chúng ta thật sự cần gì hơn? Không lạ gì người viết câu Kinh Thánh ở đầu bài cũng nói như sau: “Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:8). Tập thỏa lòng với những gì mình có sẽ giúp chúng ta tránh tính tham tiền và những hậu quả tai hại theo sau.
Thật vậy, tham tiền là cội rễ của những điều xấu xa. Tuy nhiên, chính bạn là người quyết định tiền bạc sẽ là chủ của bạn hay không. Nếu được quản lý đúng cách, tiền bạc sẽ trở thành phương tiện giúp bạn thực hiện những điều quan trọng hơn trong đời sống, chẳng hạn như xây dựng hạnh phúc gia đình và tình bè bạn, cũng như chăm lo nhu cầu tâm linh. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, chúng ta dường như không thể tránh khỏi nỗi lo lắng về tiền bạc. Có bao giờ tiền bạc không còn là nỗi lo? Có khi nào sự nghèo khó sẽ chấm dứt không? Bài thứ ba của loạt bài này sẽ giải đáp những câu hỏi ấy.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Nên nắm rõ mức thu nhập của mình và không chi tiêu quá mức đó
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Nên tập phân biệt giữa cái mình cần và cái mình muốn
[Câu nổi bật nơi trang 6]
Khi đã có cái ăn, cái mặc và nhà ở, chúng ta thật sự cần gì hơn?
[Khung/Hình nơi trang 7]
DẠY CON BIẾT GIÁ TRỊ CỦA ĐỒNG TIỀN
Ngày nay nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc. Vì thế, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên sớm dạy con về tiền bạc. Khi được hỏi tiền đến từ đâu, phần lớn con trẻ thường chỉ biết trả lời “Từ bố mẹ” hoặc “Từ ngân hàng”. Thế nên cha mẹ cần dạy con những điều thực tế về tiền bạc, chẳng hạn như phân biệt giữa cái mình cần và cái mình muốn, cách tiết kiệm và hoạch định cho một mục tiêu nào đó. Nếu làm thế, bạn sẽ giúp con sau này không rơi vào cảnh nợ nần và lệ thuộc vào tiền bạc. Hãy xem vài lời đề nghị.
1. Làm gương cho con. Việc làm thường tác động mạnh đến con cái hơn là lời nói.
2. Giới hạn mức chi tiêu. Hãy nói chuyện với con về giới hạn chi tiêu của con và điều kiện tài chính của gia đình. Tập nói không với con, và giữ vững lập trường.
3. Cho con tự quản lý một số tiền. Nếu con có tiền túi hoặc khoản tiền kiếm được nhờ làm việc, hãy hướng dẫn con sử dụng tiền cách hợp lý. Rồi trong một số việc, để con tự quyết định chi tiêu.
4. Dạy con biết chia sẻ. Khuyến khích con cái chia sẻ với người khác, cũng như đều đặn dành ra một số tiền để đóng góp cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời.