Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Địa chỉ” lý tưởng

“Địa chỉ” lý tưởng

“Địa chỉ” lý tưởng

Địa chỉ nhà của chúng ta thường bao gồm: đường, thành phố và quốc gia. So sánh cách tương tự, chúng ta hãy gọi dải ngân hà Milky Way là “quốc gia” của trái đất; Hệ Mặt Trời—gồm mặt trời và các hành tinh—là “thành phố”; và quỹ đạo của trái đất trong Hệ Mặt Trời là “con đường”. Nhờ các tiến bộ của thiên văn học và vật lý học, các nhà khoa học đã có sự hiểu biết sâu sắc về những lợi thế của vị trí khiêm tốn mà chúng ta có trong vũ trụ.

Hãy bắt đầu với “thành phố” của chúng ta. Hệ Mặt Trời nằm trong khu vực của dải ngân hà Milky Way được các nhà khoa học gọi là vùng có thể tồn tại sự sống trong ngân hà. Vùng này cách trung tâm dải ngân hà khoảng 28.000 năm ánh sáng, có các yếu tố hóa học ở mức độ chính xác và cần thiết cho sự sống. Nếu ở xa hơn vùng này, các yếu tố hóa học rất khan hiếm, còn ở gần hơn thì quá nguy hiểm vì có vô số bức xạ cực mạnh gây chết người và các yếu tố khác. Tạp chí Scientific American viết: “Chúng ta đang sống trong “khu đất vàng””.

“Con đường” lý tưởng

Không có gì lý tưởng hơn “con đường” của trái đất, hoặc quỹ đạo của nó trong “thành phố” Hệ Mặt Trời của chúng ta. Cách mặt trời khoảng 150 triệu kilômét, quỹ đạo này ở trong vùng được các nhà khoa học gọi là vùng có thể tồn tại sự sống cạnh một vì sao, nơi không lạnh giá cũng chẳng nóng bỏng. Hơn nữa, đường đi của trái đất là hình bầu dục, giúp trái đất quanh năm có một khoảng cách gần như cố định với mặt trời.

Trong khi đó, mặt trời là “nhà sản xuất năng lượng” hoàn hảo. Nó ổn định, có kích thước lý tưởng và tỏa ra lượng năng lượng vừa đủ. Vì thế, mặt trời được gọi là “ngôi sao vô cùng đặc biệt” thật hợp lý.

Người hàng xóm hoàn hảo

Nếu phải chọn “người hàng xóm cạnh nhà” cho trái đất, bạn sẽ không tìm ra “ai” tốt hơn mặt trăng. Đường kính mặt trăng hơn một phần tư trái đất. Vì thế, khi so sánh với các mặt trăng khác trong Hệ Mặt Trời, mặt trăng của chúng ta lớn cách khác thường so với hành tinh của nó. Thế thì điều này không do ngẫu nhiên mà có.

Mặt trăng là nguyên nhân chính tạo ra thủy triều và thủy triều đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái trái đất. Mặt trăng cũng góp phần vào sự ổn định trục quay của trái đất. Không có mặt trăng lý tưởng, hành tinh của chúng ta sẽ bị chao đảo như con quay, thậm chí có thể lật ngược! Khi ấy sẽ có sự thay đổi khí hậu, thủy triều và những thay đổi khác, điều này gây ra thảm họa.

Độ nghiêng và độ quay hoàn hảo của trái đất

Độ nghiêng của trái đất là 23,5 độ, giúp tạo ra các mùa hằng năm, nhiều vùng khí hậu khác nhau và giúp nhiệt độ của trái đất ở mức vừa phải. “Độ nghiêng trục quay của hành tinh chúng ta rất hoàn hảo cho sự sống”, theo sách Trái Đất độc đáo—Tại sao sự sống phức tạp hiếm thấy trong vũ trụ (Rare Earth—Why Complex Life Is Uncommon in the Universe).

Độ dài của ngày và đêm cũng hoàn hảo, nhờ vào sự quay tròn của trái đất. Nếu tốc độ quay chậm hơn nhiều, bề mặt trái đất hướng về phía mặt trời sẽ bị nung nóng, còn mặt kia sẽ đóng băng. Ngược lại, nếu ngày ngắn hơn, có lẽ chỉ vài tiếng đồng hồ, tốc độ quay nhanh của trái đất sẽ gây ra những cơn lốc không ngừng và các tác động tai hại khác.

Thật vậy, mọi điều về hành tinh của chúng ta—từ “địa chỉ”, tốc độ quay đến mặt trăng của nó—minh chứng phải có một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan thiết kế *. Nhà vật lý học cũng là nhà ủng hộ thuyết tiến hóa tên Paul Davies nói: “Ngay cả những nhà khoa học theo chủ nghĩa vô thần sẽ miêu tả bóng bẩy về quy mô, vẻ tráng lệ, sự hài hòa, tính thanh nhã và tính khéo léo của vũ trụ”.

Có thể nào sự sắp xếp khéo léo như thế do ngẫu nhiên, hay nó cho thấy phải do sự thiết kế có chủ đích? Hãy nghĩ đến câu hỏi này khi bạn đọc bài kế tiếp. Bài đó bàn về hai cái khiên bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các mối đe dọa từ không gian.

[Chú thích]

^ đ. 13 Bốn lực chi phối vật chất rất cần thiết cho sự hiện hữu của toàn bộ vũ trụ là: trọng lực, điện từ trường, lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu. Tất cả những lực này được điều chỉnh tinh vi.—Xem chương 2 sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 5]

BẠN CÓ NHANH HƠN MỘT VIÊN ĐẠN KHÔNG?

Khi đọc xong khung này, bạn đã đi được hàng ngàn kilômét mà không hề hay biết! Hãy suy nghĩ về những điều sau đây.

Chu vi trái đất là 40.000km, và cứ 24 giờ nó quay hết một vòng quanh trục. Do đó, những vị trí tại xích đạo hoặc gần đó di chuyển khoảng 1.600km/giờ (dĩ nhiên, các đầu cực chỉ xoay tại chỗ).

Trái đất xoay quanh mặt trời với tốc độ 30km/giây. Trong khi đó, toàn bộ Hệ Mặt Trời xoay quanh tâm dải ngân hà Milky Way với vận tốc đáng kinh ngạc là 249km/giây. Còn viên đạn thì bay với vận tốc chưa đến 1,6km/giây.

[Nguồn tư liệu nơi trang 4]

Milky Way: NASA/JPL/Caltech

[Nguồn tư liệu nơi trang 5]

Earth: Based on NASA/Visible Earth imagery