Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hành tinh sống

Hành tinh sống

Hành tinh sống

Trái Đất chứa nhiều sinh vật với đa dạng chủng loại—có lẽ đến hàng triệu loài. Phần lớn các sinh vật này—những sinh vật phát triển nhanh trong đất, không khí và nước—quá nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được. Chẳng hạn trong một gram đất, người ta tìm thấy 10.000 loại vi khuẩn, đó là chưa kể đến số lượng vi trùng! Một số loài được tìm thấy ở độ sâu đến 3km dưới lòng đất!

Bầu khí quyển cũng đầy dẫy sinh vật—không chỉ có chim, dơi và côn trùng. Tùy thời điểm trong năm, bầu khí quyển cũng chứa đầy phấn hoa, các bào tử khác, hạt, và trong một số vùng có thêm hàng ngàn loại vi trùng. Tạp chí Scientific American cho biết: “Sự đa dạng của vi trùng trong không khí ngang với sự đa dạng của vi trùng trong đất”.

Trong khi đó, đại dương ẩn chứa nhiều điều bí ẩn vì để nghiên cứu dưới lòng đại dương sâu thẳm, các nhà khoa học thường phải dùng đến những máy móc đắt tiền. Ngay cả những dải san hô ngầm, có thể đến được và đã nghiên cứu nhiều, có lẽ còn có hàng triệu loài mà người ta chưa biết.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta biết là Trái Đất có nhiều sự sống đến mức chúng thật sự làm thay đổi đặc tính hóa học của hành tinh này, đặc biệt là sinh quyển—phần của trái đất có sự sống. Chẳng hạn, trong đại dương, canxi cacbonat trong vỏ sò và san hô giúp ổn định hóa chất có trong nước “giống như thuốc giảm độ axit trong dạ dày”, theo một báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Oceanic and Atmospheric Administration). Cây cối và thực vật nổi—tảo đơn bào được tìm thấy ở gần mặt hồ và đại dương—giúp điều hòa mức độ khí cacbon đioxyt và oxy trong nước cũng như không khí. Trong đất, vi trùng và nấm làm nhiệm vụ phân hủy, cung cấp chất vô cơ để nuôi cây cối. Thật vậy, trái đất được gọi cách thích hợp là hành tinh sống.

Tuy nhiên, sự sống trên mặt đất không thể tồn tại nếu không có sự điều chỉnh chính xác tuyệt đối trong nhiều lĩnh vực, một số lĩnh vực này mãi đến thế kỷ 20 người ta mới hiểu tường tận. Sự chính xác này bao gồm:

1. Vị trí của Trái Đất trong dải ngân hà Milky Way và Hệ Mặt Trời, cũng như quỹ đạo, độ nghiêng, tốc độ quay của Trái Đất, và Mặt Trăng

2. Từ trường và bầu khí quyển có tác dụng như hai cái khiên để che chở

3. Nước dồi dào

4. Các chu trình tự nhiên bổ sung và làm sạch sinh quyển

Khi xem xét những đề tài này trong các bài tiếp theo, bạn hãy tự hỏi: “Những đặc điểm của trái đất tự nhiên mà có hay do một sự thiết kế thông minh? Nếu được sáng tạo thì Đấng Tạo Hóa có mục đích gì khi dựng nên trái đất?”. Bài cuối cùng của loạt bài sẽ bàn luận về câu hỏi này.

[Khung nơi trang 3]

“CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐỂ CHO CHÚA TRỜI CHEN CHÂN VÀO”

Dù có bằng chứng cho thấy thế giới tự nhiên được thiết kế quá tuyệt vời đến nỗi không thể do ngẫu nhiên mà có, nhiều nhà khoa học vẫn không tin nơi Đấng Tạo Hóa. Ông Richard C. Lewontin, một nhà khoa học ủng hộ thuyết tiến hóa, nói rằng không phải khoa học đã ép những người vô thần “chấp nhận lời giải thích mang tính duy vật” về nguồn gốc thế giới. Thay vì thế, ông cho biết vì “trung thành với... chủ nghĩa duy vật” nên họ quyết tâm tạo ra “hàng loạt khái niệm dùng để giải thích mọi điều theo chủ nghĩa duy vật”. Đại diện cho giới khoa học, ông nói thêm: “Chủ nghĩa duy vật ấy là tuyệt đối, vì chúng ta không thể để cho Chúa Trời chen chân vào”.

Sự võ đoán ấy có khôn ngoan không, đặc biệt nếu có vô số bằng chứng cho thấy có Đấng Tạo Hóa? Bạn nghĩ sao?—Rô-ma 1:20.