Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thể lỏng cần cho sự sống

Thể lỏng cần cho sự sống

Thể lỏng cần cho sự sống

Nước là một sự bí ẩn. Nó vừa đơn giản vừa phức tạp. Mỗi phân tử nước chỉ gồm ba nguyên tử: hai nguyên tử hyđrô và một nguyên tử oxy. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu biết thấu đáo về cách những phân tử nước tương tác với nhau. Nhưng điều tất cả chúng ta biết là nước cần cho sự sống. Nó chiếm đến 80% trọng lượng của mọi sinh vật. Hãy xem xét chỉ năm đặc tính của chất lỏng đáng kinh ngạc này.

1. Nước có thể giữ một lượng nhiệt đáng kể nhưng nhiệt độ trong nước không lên cao, nhờ thế nó góp phần làm cho khí hậu được điều hòa.

2. Nước giãn nở khi đông lạnh, làm cho băng nổi trên mặt nước và tạo thành một lớp cách nhiệt. Nếu nước giống như những chất khác, nặng hơn khi đông lại, lúc ấy ao hồ, sông ngòi và biển cả sẽ đông cứng từ dưới đáy lên, chôn vùi mọi thứ trong lớp băng!

3. Nước trong suốt, nhờ thế các sinh vật phụ thuộc vào ánh sáng có thể tồn tại ở độ sâu.

4. Các phân tử nước tạo ra một bề mặt căng, giống như “da” có tính đàn hồi. Nhờ bề mặt căng này, côn trùng có thể chạy trên mặt ao, nước có hình dạng giọt, và hiệu ứng mao dẫn được hình thành, giúp nước được hút lên bên trong thân cây cao.

5. Nước là chất có độ hòa tan hữu hiệu nhất. Nó có khả năng hòa tan oxy, cacbon đioxyt, muối, khoáng chất và nhiều chất thiết yếu khác.

Thiết yếu để điều hòa khí hậu cho trái đất

Đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, đóng vai trò chính yếu trong việc kiểm soát khí hậu. Thật vậy, đại dương và bầu khí quyển tác động hài hòa với nhau, luôn trao đổi nhiệt, nước, khí, cũng như lực đẩy qua gió và sóng. Đại dương và khí quyển cũng tương tác nhau trong việc phân tán nhiệt từ mặt trời chiếu xuống vùng nhiệt đới ra hai cực. Nhờ thế, nhiệt độ của trái đất nói chung được điều hòa. Thật vậy, để đa số sinh vật tồn tại, nhiệt độ của trái đất phải ở mức sao cho nước được duy trì ở thể lỏng. “Dường như những điều kiện trên trái đất chính xác một cách tuyệt đối”, theo cuốn Trái Đất độc đáo—Tại sao sự sống phức tạp hiếm thấy trong vũ trụ (Rare Earth—Why Complex Life Is Uncommon in the Universe).

Hiển nhiên, trái đất là kết quả chứ không phải nguyên nhân. Nhưng, nguyên nhân là do ngẫu nhiên, hay do một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và yêu thương? Câu trả lời của Kinh Thánh là điểm thứ hai (Công-vụ 14:15-17). Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ thấy quan điểm của Kinh Thánh được hỗ trợ bởi một bằng chứng khác—các chu trình đáng kinh ngạc giúp hành tinh của chúng ta là nơi sạch sẽ và lành mạnh.

[Khung nơi trang 7]

KINH THÁNH CHÍNH XÁC VỀ KHOA HỌC

Trái đất lơ lửng trong không gian. “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không-không”.—Gióp 26:7, phát biểu vào khoảng năm 1613 trước công nguyên (TCN).

Trái đất có hình cầu. “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất”.—Ê-sai 40:22, viết vào khoảng năm 732 TCN.

Nước luân chuyển theo vòng tuần hoàn. “Mọi sông đều đổ vào biển... nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa”.—Truyền-đạo 1:7, viết trước năm 1.000 TCN.

Vũ trụ được chi phối bởi các định luật. Ta [Đức Giê-hô-va] đã định luật-pháp cho trời và đất’.—Giê-rê-mi 33:25, viết trước năm 580 TCN.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 7]

Magnetosphere: NASA/Steele Hill; aurora: Collection of Dr. Herbert Kroehl, NGDC; reef: Stockbyte/Getty Images